Thư gửi hoa nhài (38)

Hoa Nhài, tình yêu của Anh ơi!

Mấy ngày thành Vinh mưa nắng thất thường, cái thân tứ đại của anh cũng thất thường theo mưa nắng. Biết làm sao hơn, em ơi. Cái thân này vốn không phải của Anh, cũng không phải là Anh, nó chỉ là quán trọ tạm trú, nên phải nương theo ngoại cảnh mà tồn tại. Gió đong đưa thì cành lá cũng đong đưa.

Khi chúng ta rõ biết cái thân này là của đi mượn, thì thôi kệ nó đi em nhỉ. Khỏe theo thời tiết mà ốm cũng theo thời tiết. Các thiền sinh khi nhìn cờ bay theo gió, mải tranh cãi với nhau rằng cờ đang bay hay gió đang bay, nhưng kỳ thật ra, cả cờ và gió đều chỉ bay theo quy luật vật lý. Chỉ có cái tâm của ta có bay theo gió và cờ hay không mới là vấn đề mình cần phải quan tâm, đúng khộng em yêu?


Hoa Nhài ạ!

Sắp tới, thế giới đang chuẩn bị kỷ niệm ngày Đản sinh của Đức Thích Ca. Ngày Đản sinh ấy là dịp để nhân loại ôn lại những tuyên ngôn, những thông điệp mà một trong những con người vĩ đại nhất của nhân loại ấy đã từng đề xướng, sống theo, làm theo, cống hiến và phụng sự cả cuộc đời mình cho lợi ích của nhân sinh.

Người ta sẽ nói về sự hy sinh của Ngài cho lý tưởng giải thoát. Người ta sẽ nói về những giá trị bất diệt như tinh thần Vô ngã vị tha, tinh thần bất bạo động, tinh thần khoan dung, tinh thần bình đẳng, tinh thần tôn vinh năng lực của con người trước quyền năng của tự nhiên... Tất cả những điều đó, đều là những chỉ dấu, những con đường hướng thượng cao đẹp mà nhân loại hướng tới.

Nhưng hôm nay, anh không muốn nói với em về Đức Phật. Anh muốn nói với em về một người khác. Một người mà có lẽ, hình ảnh của bà ấy, sự hy sinh và bao dung của bà ấy cũng đáng trân trọng và tôn vinh không kém Đức Phật chúng ta - Bà Da Du Đà La - người vợ hiền yêu quý của Thái Tử Tất Đạt Đa - người vợ đảm đang khi Đức Phật chưa xuất gia - người mẹ quý kính của Tôn giả La Hầu La.

Hoa Nhài, em yêu biết không?!

Một trong những tác phẩm được tái bản nhiều lần nhất, nói về lịch sử của Đức Phật của Thích Ca, không phải là các ấn phẩm có tính chất khoa học, được chú thích tỉ mỉ cặn kẽ ngày tháng năm sinh, hay vị trí địa lý... mà đó là tác phẩm có tính chất như một tiểu thuyết tình sử. Tác phẩm ấy là Ánh đạo vàng của cư sỹ Võ Đình Cường.

Khi tác phẩm ấy mới được xuất bản, các vị theo trường phái truyền thống cũng phản ứng lắm. Em biết vì sao không? Vì tác phẩm ấy mô tả Đức Phật một cách rất đời thường, rất ngôn tình. Nhưng đại từ nhân xưng như "Anh" và "Em"... trong các cuộc đối thoại giữa Thái tử Tất Đạt Đa và nàng Da Du Đà La có thể là những đại từ mà quý vị bị mắc kẹt vào truyền thống khó có thể chấp nhận. Nhưng sự thật là, tác phẩm ấy, theo anh, có thể được coi là một trong số ít những tác phẩm miêu tả gần nhất về cuộc đời Đức Phật của chúng ta. Có lẽ vì thế mà nó đã được sự đón nhận nhiệt thành của các bạn đọc, được tái bản đi tái bản lại cả trăm lần.

Gần đây nhất là tác phẩm Đường xưa mây trắng của Hòa thượng Nhất Hạnh, đã được chuyển thể thành phim Buddha - Đức Phật do Ấn Độ sản xuất. Bộ phim này đã tạo ra một hiệu ứng lớn, một bài pháp kỳ diệu dành cho mọi đối tượng xem phim. Tác phẩm ấy, cùng với đó là bộ phim thông qua diễn xuất chân thật của các diễn viên, đã đưa Đức Phật của chúng ta, từ vị trí của đối tượng được thờ cúng khô khan như tượng, thành những con người cụ thể, sống giữa đời thường của chúng ta, nhưng nhân cách siêu xuất, vượt thắng tất cả những gì mà chính chúng ta còn đang vẫy vùng hoặc bị mắc kẹt vào đó.

Em yêu còn nhớ không?

Hình ảnh Tình yêu của thái tử, từ khi gặp gỡ cho đến khi kết hôn với công chúa Da Du Đà La, là tình yêu trong sáng, hồn nhiên, thuần phác mà bất kỳ ai, có đủ điều kiện được sống trong môi trường đủ đầy về vật chất và tự do của tinh thần đều được nếm trải. Tình yêu ấy, nó là tiếng nói đồng cảm của những trái tim chung nhịp điệu, vì cùng một chí hướng, và đâu đó vẫn là nhu yếu của bản năng sinh tồn của nhân sinh.

Thái tử Tất Đạt Đa cũng như bao chàng trai khác, muốn cưới vợ đẹp ắt phải thi thố tài năng. Có được vợ đẹp, ắt phải đứng ra giữ gìn bảo vệ, trân quý. Nhưng chứng kiến nỗi khổ của nhân sinh ấy, bên cạnh những câu hỏi về chính sự tồn tại của Ngài, biết đâu trong tâm khảm sâu kín của tình yêu ấy, Ngài cũng đau đáu một câu hỏi: làm cách nào để ta có thể giữ gìn trân quý nàng Da Du của ta mãi được? Ai rồi cũng phải già, ai rồi cũng phải chết. Cái chết như là sự đứt đoạn, là sự chia lìa, là chấm dứt mọi sợi dây ái ân, vậy sự ái ân dù có bền chặt mấy đi chăng nữa, cũng có thể thắng vượt được cái chết không????... Những câu hỏi ấy, khiến Thái tử của chúng ta cứ mãi ưu sầu, dù ngay cả bên nàng Da Du Đà La kiều diễm.

Nàng Da Du Đà La kiều diễm của chúng ta, nếu bà ấy chỉ là người tận hưởng tình yêu và lạc thú bên cạnh người chồng theo nghĩa: Chỉ cần có Anh bên em là được, bất kể tâm tư cảm xúc của Anh có như thế nào... thì có lẽ nhân loại đã không có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Không, bà ấy tâm lý lắm. Bà ấy rất yêu chồng, nhưng bà ấy không chỉ yêu cái hình hài bên ngoài của chồng bà ấy, bà ấy còn yêu cả tâm hồn, hoài bão, ước ao... của chồng nữa, Bà ấy dành thật nhiều thời gian để lắng nghe ưu tư tha thiết của chồng... và bà ấy hiểu rằng: bà ấy chỉ thật sự yêu chồng khi chính bà phải là người đầu tiên cổ vũ, động viên chồng bà ấy thực hiện cho kỳ được nguyện vọng mà Chồng bà đang khắc khoải khôn nguôi.

Và thế đấy, người phụ nữ vĩ đại ấy, đã phải nuốt nước mắt vào trong, lặng lẽ chuẩn bị tất cả những tư trang cần thiết, nào là chuẩn bị cỏ cho con ngựa Kiền Trắc ấy được ăn thật no để đủ sức cho chuyến đường dài, nào là nhắc nhở anh chàng đánh ngựa Xa Nặc phải giữ sức khỏe... Rồi bà ấy cũng phải giả vờ đi ngủ thật sớm, quay mặt vào trong tường, để Thái Tử Tất Đạt Đa không nhìn thấy dung nhan tuyệt mỹ của bà ấy mà chùn chân, không nhìn thấy đôi mắt đẫm lệ của bà ấy mà động lòng.
...

Em yêu biết không?!

Ròng rã chục năm dài đằng đẵng, nuốt nỗi nhớ nhung đời thường vào tận sâu trong tâm can. Thường xuyên âm thầm cho người theo dõi mọi bước tiến triển của Chồng, và bà ấy cũng tình nguyện thực hiện theo Chồng ngay giữa hoàng cung xa hoa. Nghe tin Chồng mình ngủ đất, bà ấy tự nguyện bỏ chăn ấm nệm êm xuống đất nằm để chia sớt những khó khăn mà Chồng mình đang thực nghiệm giữa rừng sâu. nghe tin Chồng mình ngày ăn một bữa, bà ấy cũng tự nguyện ăn ngày một bữa, cũng chỉ để mong Chồng mình nơi phương xa sớm đạt thành chí nguyện.

Ngày trở về của Đức Phật, bà ấy đã không giấu nổi mình cũng là người phụ nữ như bao người phụ nữ. Bà ấy không dám xuống đón tiếp Đức Phật như bao người khác, bởi bà ấy sợ rằng mình không thể kiềm chế sự giận dỗi khi bị bỏ rơi, sự nhớ nhung không diễn tả thành lời qua biết bao năm trời, Bà ấy đứng, nấp sau cánh cửa, hai tay nắm chặt lại như muốn tiếp tục kìm nén tất cả những xúc cảm mà bao năm nay phải kìm nén, nhưng nước mắt lại tuôn rơi.

Đức Phật hiểu, Đức Phật biết vì sao bà ấy đã không đón Ngài ở cửa thành. Ngài nhẹ nhàng, lặng lẽ đi lên căn phòng xưa ấy, ôn tồn mà tĩnh tại. Đức Phật hiểu tất cả những tâm tư khắc khoải của bà ấy, Đức Phật chia sẻ con đường mà mình đã đi, và không quên cúi mình tri ân bà ấy, như một người bạn đồng hành, đã đồng cảm cộng khổ cùng Ngài trong suốt thời gian Ngài tìm đạo.

Anh đã khóc, Hoa nhài ạ..

Anh sẽ không khóc nếu Đức Phật thuần túy là một cỗ máy vô hồn vô tri vô giác, không có tình yêu và cảm xúc với gia đình, quyến thuộc, vợ con. Anh cũng chẳng thấy gì là tự hào nếu Đức Phật của chúng ta được lập trình như một cỗ máy duy lý, chỉ biết sống và nhìn nhận mọi thứ theo quy luật tất yếu của thiên nhiên. Nhưng không, Đức Phật của chúng ta không như vậy, Ngài tìm đạo chỉ vì Ngài tìm kiếm một thứ Tình yêu chân thật và đúng nghĩa hơn. Ngài rời nàng Da Du Đà La ngày hôm nay - nàng Da Du Đà La của tứ đại vô thường, của thế giới sinh diệt mong manh - cũng chỉ vì Ngài muốn đi cùng Bà ấy trong Pháp thân bất sinh bất diệt. Tình yêu của Đức Phật thật vĩ đại, thật lớn lao hơn sự tưởng tượng của chúng ta biết chừng nào.

Và Anh đã khóc, khóc trước hình ảnh bà ấy - Bà Da Du Đà La của chúng ta - đứng trốn sau cánh cửa, hai tay nắm chặt, hai môi mím lại, nhưng nước mắt lại trào dâng, khi nhìn thấy Đức Phật. Bà ấy khóc cho bao năm tháng chờ đợi, cho bao nhớ nhung được dồn nén và cũng rất có thể bà ấy đang khóc vì Chồng của bà ấy ngày xưa đã đạt thành lý tưởng mà Người hằng ấp ủ. Cái hạnh phúc giản dị của người phụ nữ, chẳng phải là được nhìn thấy người mà họ yêu thương, được thành tựu mọi ước nguyện hay sao?!



Hoa nhài thân yêu của Anh ơi
Nói về Tình yêu thì không có khi nào là cùng tận
Có vô vàn cách yêu và thể hiện tình yêu
Nhưng sâu xa hơn cả, 
Phải chăng là được nhìn thấy người mình yêu được sống như là chính họ
Còn hơn là xác thân họ bên ta mà tâm hồn họ đã phiêu du ở tận cõi nào?!

Bà Da Du Đà La của chúng ta đã yêu như thế
Để có được Đức Phật của chúng ta ngày hôm này
Ai nhìn thấy được sự vĩ đại của Bà ấy
Cũng như ai thấu được sự vĩ đại của Em - Hoa Nhài?
(28/04/19)

Thư gửi hoa nhài 
(1) - (2) - (3) - (4) - (5) - (6) - (7) - (8) - (9) - (10) - (11) - (12)
(13) - (14) - (15) - (16) - (17) - (18) - (19) - (20) - (21) - (22
(23) - (24) - (25) - (26) - (27) - (28) - (29) - (30) - (31) - (32) - (33) - (34) - (35) - (36) - (37)

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất