Pháp môn "Bất nhị"?


Tôi đã từng có rất nhiều hoài nghi, trên con đường học đạo của mình. Con đường tôi chọn để đi khi còn trẻ là con đường học hỏi, học hỏi thật nhiều các luận thuyết khác nhau. Tôi cố giữ để bản thân không bị mắc kẹt vào bất cứ quan điểm nào, tôi cố gắng nhìn nhận mọi lập luận đã có trong lịch sử một cách bàng quan, quan sát mọi thứ như khách hành hương đi chiêm bái các nền văn hóa khác nhau. Không đánh giá đúng sai vội vàng, chẳng hơn thua phải trái một cách tuyệt đối.


Và khi tìm hiểu về các luận thuyết như vậy, phương Đông cũng như phương Tây, triết học lẫn tôn giáo... Tôi nhận ra rằng, bất cứ một triết thuyết nào, càng nhận mình là duy nhất, tuyệt đối đúng hoặc tôn thờ cái duy nhất, tuyệt đối... thì luận thuyết ấy càng bị tấn công đả phá dữ dội. Bên cạnh việc chịu sự tấn công từ các học phái khác, những triết thuyết tôn thờ chúng còn bị tra khảo từ ngay chính những người theo nó.

Trong triết học, những trường phái DUY một cái gì đó luôn có đối thủ là học thuyết DUY một cái khác ngược lại. Duy cái Tâm thì bị Duy cái vật đả phá, Duy cái Vật thì bị Duy cái Tâm tấn công. Cứ thế, tranh qua cãi lại từ đời này qua đời khác, từ năm nay qua năm khác, tranh luận đến bất tận. Ai cũng cho mình đúng, ai cũng cho kẻ đối lập kia là sai. Lịch sử triết học là lịch sử đấu tranh giữa những cái MỘT, giữa những luận điểm về cái DUY NHẤT.

Trong tôn giáo, cuộc chiến còn hấp dẫn hơn. Các nhà HỮU thần tấn công các nhà VÔ thần, các nhà ĐA thần thì chiến đấu với các nhà NHẤT thần... Hữu và Vô, Đa và Nhất... bị kẹt cứng vào trò chơi không cùng của ngôn ngữ. Ai cũng có lập luận riêng, ai cũng có lý lẽ riêng. Không ai chịu nhường ai. Trong lĩnh vực tôn giáo, bên cạnh sự khác nhau về thế giới quan này, nó còn được trang bị thêm NIỀM TIN, có khi là mê tín, có khi đến mức cuồng tín. Và vì vậy, khi tranh luận, do không được trang bị đầy đủ cái nguyên tắc lập luận logic, nên đôi khi, trong tôn giáo, tranh luận bằng miệng chưa đủ, thỉnh thoảng đâu đó là tranh luận bằng tay chân, bằng súng ống đạn dược, bằng máu và nước mắt, nhân danh cái gọi là NIỀM TIN.

Giữa một rừng các học thuyết triết học tôn giáo đan xen nhau như vậy, tôi lại nhận ra đâu đó một vài quan điểm biết lách mình thoát ra khỏi những cuộc chiến ấy một cách khéo léo. Họ không nói về MỘT, về cái DUY NHẤT... Họ cũng không nghiêng về MỘT hay NHIỀU, CÓ và KHÔNG... Vậy cách nào để họ diễn giải về thực tại?

Họ nói về cái "KHÔNG HAI"- "BẤT NHỊ"

Theo logic thông thường, ta có thể hiểu cái "KHÔNG HAI" chính là MỘT. Nhưng tại sao họ lại không nói MỘT mà lại nói KHÔNG HAI?

Tại vì, khi nói về CÁI MỘT, tự thân cái MỘT ấy sẽ phải sản sinh ra cái đối lập của nó. Như khi nói về Đực, ta liền hiểu ngay phải có cái Cái; nói về Đúng thì ắt phải có cái Sai; nói về Cao thì ắt phải có cái Thấp... Bất cứ một CÁI MỘT nào cũng chứa đựng trong mình cái đối lập của nó. Nếu ta thừa nhận cái MỘT là hữu lý, là thật... thì ắt CÁI MỘT ĐỐI LẬP cũng hữu lý, cũng là thật. Đó là lý do học thuyết nào vỗ ngực nói tôi DUY VẬT thì ngay lập tức chịu sự tra khảo của DUY TÂM; tôn giáo nào nói tôi NHẤT THẦN thì ngay lập tức rơi vào cuộc tranh luận với ĐA THẦN hoặc VÔ THẦN...

Thứ nữa, khi nói về CÁI MỘT, theo quy tắc phát triển có tính Nhân Quả, luôn phải sau đó và trước đó là cái gì. Chẳng hạn khi ta nói DUY vật chất là đầu tiên, thì hẳn nhiên sẽ nảy sinh câu hỏi: trước vật chất và sau vật chất sẽ là gì? Cũng tương tự vậy, khi ta nói CHÚA là duy nhất tuyệt đối, ngay lập tức ta mắc kẹt vào rừng câu hỏi: Ai sản sinh ra Chúa, và sau Chúa sẽ là gì?... Cứ như vậy, một rừng hoài nghi nảy sinh tiếp diễn, một rừng câu trả lời xuất hiện, một cuộc chiến ngay trong nội tại triết thuyết ấy ra đời...

Bên cạnh đó, KHÔNG HAI, kỳ thật, cũng KHÔNG PHẢI LÀ MỘT. Trước hết, về mặt từ ngữ, MỘT có một âm tiết, hàm nghĩa của nó là khẳng định, nhằm chỉ về một đối tượng nào đó, chẳng hạn chỉ về vật chất, hoặc tinh thần, hoặc ý chí, hoặc ý niệm, hoặc Chúa, hoặc thần linh... Nếu không có đối tượng cụ thể, CÁI MỘT là vô nghĩa. Trong khi đó, KHÔNG HAI có hai âm tiết, trong đó có một âm tiết mang nghĩa phủ định. Phủ định đi trước, khẳng định theo sau... do vậy, bất kỳ đối tượng nào được khẳng định đi sau đó đều bị phủ định. Ta có thể thay thế từ HAI thành từ MỘT, thành từ NHIỀU, thành cái này hay cái kia... nhưng khi gắn trước đó là một từ KHÔNG thì đối tượng sau đó đều bị phủ định. Chính vì cái từ KHÔNG đi trước đó, cho nên, bản thân quan điểm KHÔNG HAI trở thành không có đối thủ, không tự nảy sinh trong nó những câu hỏi về trước và sau, về trên và dưới... Vì là KHÔNG HAI nhưng không phải là MỘT, nên hàm chứa trong đó cả Duy vật lẫn Duy tâm, Đa thần lẫn Nhất thần, Hữu thần lẫn Vô thần... Hàm chứa những cái DUY nhưng lại KHÔNG DUY một cái nào.

Đó đã phải là tất cả ý nghĩa của từ KHÔNG HAI chưa?

Tôi nhận thấy rằng, việc lách mình ra khỏi những tranh luận của những lời khẳng định về CÁI MỘT hoặc cái DUY NHẤT còn mang một ý nghĩa nữa. Ý nghĩa này là: tất cả các quan điểm về CÁI MỘT hay cái DUY NHẤT đều là trò chơi tư biện của trí năng, một dạng thức hý luận của tư tưởng, một cái bẫy song trùng của bản thân ngôn ngữ.

Thế nào là trò chơi tư biện của trí năng? Vì tất cả những khái niệm như vật chất hay tâm thức, ý niệm tuyệt đối hay Chúa trời... đểu là những khái niệm trừu tượng, có tính phổ quát cao nhất của trí tuệ nhân loại, Nó là sự tổng hợp hình thức tất cả những sự vật cụ thể, hoặc các hiện tượng cụ thể và do vậy, cuộc tranh luận trong triết học về duy vật hay duy tâm chỉ thuần túy là cuộc tranh luận của trí năng con người. Không một sự vật, hiện tượng cụ thể nào của thế giới nhân sinh được đặt tên là Vật chất hoặc ý thức, hoặc Chúa trời, hoặc ý niệm tuyệt đối... Do vậy, sẽ mãi mãi không thể chứng minh các học thuyết triết học và tôn giáo... bằng các chứng cứ khoa học có tính chất thực nghiệm qua các dụng cụ hữu hình.

Thế nào là dạng thức hý luận của tư tưởng? Bản thân cuộc tranh luận giữa những cái DUY đó, nó không thật sự đưa ai đó trở nên hữu ích hơn cho đời sống của chính họ lẫn tha nhân. Nếu có tốt. may ra việc sa đà vào những cuộc tranh cãi vô bổ ấy chỉ giúp người tranh cãi bớt đi chút thời gian làm việc ác mà thôi. Mà thật ra, càng tranh cãi càng làm cho con người xa rời thực tại sống, đó là lý do tôi gọi đó là trò hý luận - trò mua vui của tư tưởng.

Thế nào là cái bẫy song trùng của ngôn ngữ? Người ta tư duy bằng ngôn ngữ, và qua ngôn ngữ mà tư duy được biểu đạt. Nhưng bản thân ngôn ngữ luôn là nhị nguyên - nghĩa là luôn chứa đựng trong mình mặt đối lập của nó. Vòng tròn thái cực tự thân đã chứa đựng hai mặt trắng đen của Âm và Dương, rồi ngay trong Âm đã chứa Dương và ngay trong Dương đã chứa Âm... nên tính song trùng nhị nguyên của ngôn ngữ luôn khiến tư tưởng nói chung, các triết thuyết hoặc tôn giáo nói riêng bị rơi vào cái bẫy phải tự chiến đấu với chính mình. 

Bản thân sự PHỦ ĐỊNH cũng là một hình ảnh đối lập của KHẲNG ĐỊNH, nằm trong vòng đối đãi của ngôn ngữ. Nhưng sự phủ định đi xa hơn sự khẳng định, nghĩa là bản thân sự phủ định có tính chất tiêu diệt luôn chính nó. Tôi không phải đang nói về phủ định của phủ định là sự khẳng định, mà tôi muốn nói, bản thân phủ định - không chỉ là phủ định đối tượng được đứng sau từ KHÔNG, mà bản thân từ KHÔNG cũng tiếp tục được phủ định. Nghĩa là gì? Nghĩa là, ngay cả HƯ VÔ cũng bị phủ định, ngay cả NGOAN KHÔNG cũng bị phủ định - Tôi gọi đó là sự chấm dứt cái bẫy nhị nguyên của ngôn ngữ, tôi gọi đó là nhát dao chém đứt mọi sự hý luận của tư tưởng, tôi gọi đó là ngọn lửa đốt cháy mọi sự tư biện của trí năng.


Do đó, nếu bạn đi theo ánh sáng được soi rọi bởi KHÔNG HAI, bạn không nên sa đà vào trò chơi của THƯỜNG và ĐOẠN, ĐƯỢC và MẤT, ĐÚNG và SAI, CÓ và KHÔNG, MỘT và NHIỀU... Vì sao vậy? vì nó chỉ là trò chơi làm bạn phí thời gian, phí công sức. Càng sa đà vào đó, càng xa rời thực tại đang hiện hữu.

Đức Phật đã im lặng trước những câu hỏi như Thượng Đế có thật hay không có thật? Sau khi Như Lai mất sẽ đi về đâu?... thì tại sao bây giờ ta lại sa đà vào câu hỏi có ma hay không có ma? có địa ngục hay không có địa ngục? có thiên đường hay không có thiên đường?... Bạn đang quá rảnh hay bạn đã đi quá xa con đường mà Đức Phật đã đi????

Kinh không chữ mới thật là Chân kinh
Kinh có chữ cũng chỉ là phương tiện đưa ta về với Kinh không chữ mà thôi.
Nhìn mãi cái ngón tay ấy mà làm gì?
Tranh nhau mãi cái ngón tay ấy mà làm gì?
Chia chẻ, trích dẫn, so kè nhau mãi cái ngón tay ấy mà làm gì?

(26/4/19)


CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
1 Comments

1 nhận xét:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất