Tính cách con người (phần 1)



Nhân cách là gì?
Nói ngắn gọn dễ hiểu là tính cách của con người. Thế nhưng mình ghét cái lối nói chiết tự vớ vẩn này.

Mình còn nhớ hồi đi học Đại học, có một ông bạn mà mỗi lần ngồi nói chuyện, câu đầu tiên anh chàng này mở miệng là: con người là 50% con và 50% người. Sống chính là tăng trưởng phần Người và giảm trừ phần Con....Anh chàng bạn của mình chưa kịp nói hết câu thì mình đã nhét đầy miệng của anh ta một muỗng cơm và giơ chân tông thẳng anh ta ra đường....(Thế mà vẫn chơi được với nhau 4 năm Đại học...hehe...)

Nhân cách là gì?....Viết cho các bạn trẻ...nên mình vẫn lại trả lời theo kiểu chiết tự vớ vẩn năm xưa: Nhân cách là tính cách con người (sau khi viết xong bài này, có lẽ chính mình sẽ giơ chân tông thẳng mình ra đường....hehe) và nói đến tính cách con người thì ta lại phải lôi kèm thêm vài khái niệm nữa: Tốt/xấu/chuẩn mực đạo đức...

Từ khi còn nằm nôi, hình như mình đã được ru ngủ, chẳng phải bằng điệu ru à ơi...mà bằng  một câu cũ rích: cha mẹ sinh con, trời sinh tính nết...biết đâu mà lần....? (mình thường nghe câu nói này và nghĩ rằng mẹ đã ru mình thế chứ mình thì....chịu...không nhớ nổi cái ngày còn nằm nôi).

Biết đọc biết viết một chút, với những người phương Đông chúng ta, ai cũng đã từng học hoặc cũng có thể từng nghe ê a đâu đó câu nói: Nhân chi sơ, tính bản thiện. Tính tương cận, tập tương viễn...

Lớn lên một chút, tiếp cận thêm vài nguồn tư liệu nữa, phát hiện ra rằng bên cạnh câu nói: Nhân chi sơ tính bản thiện...còn có một câu nói khác, Tuân Tử, cũng là một học trò theo trường phái Nho học như Mạnh Tử, nhưng phát biểu một câu xanh rờn: Nhân chi sơ, tính bản ác...

Lớn lên một chút nữa, đi học và được thầy cô trong trường dạy Ngục trung Nhật ký của Hồ Chí Minh lại có một câu nữa: Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên (Nửa đêm).
.....
Ấy là mới nói đến một vài đại biểu Nho giáo và Việt Nam thôi chứ chưa đề cập đến Hy Lạp, La Mã, Ấn Độ...đủ để thấy rằng cái khái niệm "Nhân cách" nó phong phú đến cỡ nào. Đây là bài viết...chơi chơi nên ...ta tạm khu biệt khái niệm đó lại trong vài nội hàm sau nhé:

- Tính cách con người từ đâu mà có?
- Tính cách con người nguyên sơ là thiện hay ác?
- Hoàn cảnh khách quan tác động đến tính cách con người như thế nào?

và mình cũng chỉ giới hạn ngoại diên bài viết ở chính những câu mà mình vừa trích dẫn trên cho người đọc  dễ dễ hiểu một chút chứ không đưa thêm vào quan niệm của các nhà tư tưởng phương Đông, phương Tây... nữa, nếu không đề tài của chúng ta sẽ cực  phức tạp và khó hiểu...

1. Cha mẹ sinh con, trời sinh tính nết: Quan niệm dân gian thường nghĩ rằng, tính cách của con người là thiên phú. "Cha mẹ sinh con" nghĩa là cha mẹ chỉ sinh được hình hài của con thôi còn "tính cách" của con thì thua.

Chẳng có người làm cha, làm mẹ nào lại dạy dỗ con cái đi ăn trộm, ăn cắp, dối trá, lừa lọc, giết người...nhưng biết bao người con đã từng làm cha mẹ của mình phải ngậm đắng nuốt cay, uất ức mà chết chỉ vì cái tích cách khỉ gió nào đó...

Cũng xin nói thêm là khái niệm "trời" của phương Đông, vừa có chút là quy luật tự nhiên, vừa có chút bí ẩn kiểu Thần học Thiên chúa giáo, vừa có chút gì đó là "bất khả thuyết"... Vì thế, nhiều cha mẹ cứ vịn vào câu nói này nhằm an ủi bản thân khi bất lực trước tính cách của con cái.

2. Nhân chi sơ, tính bản thiện: Câu nói này là của Mạnh Tử, một đại diện rất nổi tiếng của Nho gia. Mạnh Tử quan niệm rằng con người mới sinh ra, trong trắng và hồn nhiên như một tờ giấy,  cái trong trắng hồn nhiên đó được gọi là thiện. Nhìn một con chim bị thương, nhìn một con dế bị chết...đứa trẻ có thể buồn buồn cả ngày...."Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ" vì trẻ thì không biết nói dối...

Cái đáng yêu của trẻ là vì ở trẻ con và nhìn trẻ con, chúng ta được quay lại sống với cái tính "bản thiện" sơ khai chưa bị lem luốc bởi bụi trần...

3. Nhân chi sơ, tính bản ác: Câu nói này của Tuân Tử, cũng là một đại diện khác của Nho giáo. Tư tưởng của Tuân Tử được coi là tiền đề của trường phái Pháp gia cũng nhờ câu nói này. Bản tính con người là ác vì Tuân Tử nhìn thấy bắt người ta làm việc tốt thì khó hơn là làm việc xấu, bảo đi học thì vùng vằng khó chịu nhưng cho đi chơi thì mặt mũi sáng ngời, đưa cuộc sống vào khuôn phép chuẩn mực thì được ba bảy hai mốt ngày nhưng sống cẩu thả bê tha thì không cần phải dạy dỗ...

Mặc dù quan niệm bản tính con người là ác nhưng Tuân Tử cũng rất đề cao giáo dục, ông coi giáo dục là phương pháp duy nhất khả dĩ để chuyển hóa cái bản tính ác đó thành hiền lương, dễ mến...

Giáo dục là một phương pháp có tính chất mưa lâu thấm đất, chuyển hóa từ từ... và cái gì mà giáo dục không được thì dùng đến pháp luật với những công cụ hỗ trợ như tòa án, cảnh sát, quân đội, nhà tù...sẽ nói thay lời thầy cô giáo....

4. Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên: câu thơ trong bài thơ Nửa đêm của Hồ Chí Minh có nguồn gốc tư tưởng từ chủ nghĩa Mác.

Quan niệm của chủ nghĩa Mác về con người, cụ thể nhân cách là: trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Xét từng con người cụ thể, mỗi cá nhân đều chịu sự ràng buộc của những mối quan hệ, quan hệ với gia đình, quan hệ với phương thức giáo dục, quan hệ với bạn bè, quan hệ với xã hội, quan hệ với văn hóa vùng miền địa lý, quan hệ với phong thổ phong thủy....Tất cả những mối quan hệ này tổng hòa lại thì hình thành ra tính cách hay bản chất con người.

Trong bốn câu nói mà mình vừa phân tích ngắn gọn ở trên, chúng ta đã thấy có 3 quan niệm cơ bản về nguồn gốc của tính cách con người:
1. Trời.
2. Bản tính tự nhiên.
3. Hoàn cảnh xung quanh.

Nói về nội dung của tính cách con người, thì chỉ có hai tính cách cơ bản thôi là Thiện (Tốt) hoặc Ác (Xấu). Tuy vậy, phân tích chi ly thì thật ra có bốn.
1. Tốt.
2. Chưa tốt.
3. Xấu
4. Chưa xấu.

Tiêu chuẩn để đánh giá một hành vi là tốt hay là xấu, chưa tốt hay chưa xấu phải đặt vào từng hoàn cảnh cụ thể chứ không thể đánh giá theo cảm tính chủ quan được. Đấy là chưa kể đến động cơ hành động, phương thức hành động kết quả của hành động nữa.

Nếu dựa vào kết quả hành động chúng ta sẽ có một thang giá trị sau:
1. Động cơ tốt, kết quả tốt: TỐT.
2. Đông cơ tốt,  kết quả xấu: CHƯA TỐT
3. Động cơ xấu, kết quả xấu: XẤU
4. Động cơ xấu, kết quả tốt: CHƯA XẤU

Còn nếu dựa vào động cơ hành động để xác định thì ta lại có một thang giá trị khác:
1. Động cơ tốt, kết quả tốt: TỐT
2. Động cơ tốt, kết quả xấu: CHƯA XẤU
3. Động cơ xấu, kết quả xấu: XẤU
4. Động cơ xấu, kết quả tốt: CHƯA TỐT

Mình xin nêu một ví dụ nhỏ để các bạn tự suy ngẫm nhé và tự chấp nhận một thang giá trị nào đó tùy các bạn:

Có một anh chàng nhảy xuống sâu cứu một người đẹp và kết quả là anh ta đã cứu được người đẹp, nếu anh ta cứu người đẹp mà người đẹp đó không quan hệ với anh ta và anh ta cũng chẳng biết người đó là đẹp hay xấu...thì hành động đó của anh ta là Tốt.

Nếu anh ta có biết sơ sơ người đẹp này và anh ta nhảy xuống cứu người đẹp vì cô ấy đẹp hoặc vì cô ấy giàu...anh ta nhảy xuống để hy vọng có được sự tưởng thưởng xứng đáng thì hành động của anh ta chỉ được đánh giá là Chưa tốt (không phải là Tốt nhưng không phải là xấu).

Nếu anh ta biết bơi hoặc là vận động viên bơi lội mà không nhảy xuống cứu thì hành động đó là xấu nhưng nếu anh ta không biết bơi thì hành động đó chỉ có thể gọi là chưa xấu mà thôi....

Vậy là... nói đến tính cách con người, riêng trong Nho giáo và quan niệm dân gian Việt Nam đã có quá nhiều cách nhìn rồi.... sơ khởi một bài viết ngắn để thấy sự hình thành tính cách của con người là tương đối phức tạp nhiêu khê...Các bạn cứ dần dần định hình vài ý niệm cơ bản về bản tính con người cũng như những tiêu chuẩn để đánh giá đạo đức một cá nhân.

Bài viết sau mình sẽ trình bày quan điểm của cá nhân mình về các vấn đề trên, viết dài quá e các bạn mỏi mắt....và buồn ngủ....

(15/8/11)
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất