Lòng người?



Dò sông dò biển dễ dò
Đố ai lấy thước mà đo lòng người

Vậy mà người ta vẫn đo được độ dài của ruột đấy. Chúng chỉ dài khoảng 7 mét thôi, nếu ta kéo thẳng hết cỡ cái bộ ruột lòng thòng của ta thành một đường thẳng. Dĩ nhiên câu tục ngữ trên không có ý nói về cái độ dài của lòng người, theo cái nghĩa vật lý như vậy.

Lòng người - một ngữ vựng thuần Việt 100% - ám chỉ tính cách, tính tình, đạo đức, nhân phẩm, quan niệm sống, tình cảm... tất tần tật mọi thứ về con người - thứ mà người ta không thể nhìn thấy được. Mặc dù, cả thực tế vật lý lẫn sinh lý, chẳng có cơ quan nào trong bụng người quyết định những cái đó cả.

Theo y học hiện đại, não bộ là thành phần quan trọng nhất của con người. Chúng bao gồm hai bán cầu: não trái và não phải. Một bên chi phối tư duy logic, toán học, khoa học... Một bên quyết định tình cảm, nghệ thuật, thẩm mỹ, ngôn ngữ...  

Các bạn vẫn hay nói đến trái tim như là biểu hiện của tình yêu, chẳng hạn anh trao cho em trọn vẹn trái tim này, hay anh yêu em như trái tim anh nói thế... Đôi chỗ chúng ta cũng hay bảo có một sự mâu thuẫn "không hề nhẹ" giữa trái tim và cái đầu, ám chỉ sự đối lập giữa tình cảm và lý trí... Đại để, cứ nói đến đầu là nói đến tư duy, còn nói đến trái tim là nói đến tình cảm.

Vậy "lòng người" nằm ở đâu? Ở trái tim hay ở cái đầu? Chúng thiên về tình hay về lý? Chúng là cảm xúc mong manh hay tính tình cố chấp (giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời)...??

Hãy quan sát một đứa trẻ vừa mới sinh, hoặc nhìn qua kết quả siêu âm, bạn sẽ ngạc nhiên lắm, bởi đường truyền duy nhất nuôi dưỡng đứa trẻ không phải là não bộ, cũng chẳng phải là trái tim, mà chính là cuống rốn. Rốn là cội nguồn của sự sống, là sợi dây liên kết giữa đứa trẻ và người mẹ. Mà rốn thì nằm ở đâu? Nằm ở bụng. Bụng thì chứa cái gì? Chứa lòng người. Ông bà ta thực tế hơn các nhà y học hiện đại nhiều.

Không phải là não, cũng chẳng phải là tim. Rốn có trước tất cả những thứ đó. Rốn không chỉ là sợi dây kỳ diệu nối đứa trẻ với người mẹ, mà còn là cơ quan hấp thụ dinh dưỡng và bài tiết chất thải của đứa trẻ. Một hơi thở sâu là hơi thở đi xuống đến rốn. Chẳng cần phải tập luyện khí công, cứ sống tự nhiên, hơi thở của ta tự chạm đến đan điền. Chính cái đời sống gấp gáp bon chen đã khiến hơi thở của ta chỉ dừng đến ngực. Muốn phân biệt một diễn viên ngủ giả và ngủ thật, hãy cứ nhìn vào bụng của anh ta. Nếu ngủ giả, ngực anh ta sẽ phập phồng, còn ngủ thật, bụng anh ta sẽ nhấp nhô. Trong giấc ngủ, chúng ta không thể nói dối được tự nhiên.

Lòng người - Ý tôi không muốn nói gì đến cuống rốn, cũng chẳng có ý định nói về ruột non hay ruột già của con người. Tôi muốn nói một cái gì đó cụ thể hơn nhưng cũng trừu tượng hơn: bản tính con người.


Về nguồn gốc của bản tính con người - cái có trước khi anh ta sinh ra? hay do giáo dục mà có? hay chỉ là do thói quen?... Trong entry Tính cách con người, tôi đã điểm qua vài câu trả lời này rồi, có lẽ không cần phải nhắc lại ở đây - Nay chỉ xin gửi tặng bạn vài hệ quả xung quanh "lòng người" nhé:

- Khi bạn hết lòng tin tưởng một ai đó, vì bạn "ngỡ" anh ta là người tốt, "thấy" anh ta cư xử đàng hoàng, "nghe" anh ta nói năng chững chạc đứng đắn, "cảm nhận" anh ta không lừa dối mình... Đùng một cái, anh ta quay ngoắt 180 độ, khiến bạn không kịp trở tay... Thế là bạn đau khổ vì niềm tin của mình phản bội, và thốt lên rằng: "hoạ hổ hoạ bì, nan hoạ cốt; tri nhân, tri diện, bất tri tâm"?

- Cha mẹ dạy dỗ con cái đàng hoàng, giáo dục tử tế, chu cấp cuộc sống đầy đủ. Từ nhà đến trường, từ bạn bè cho đến thầy cô, ai ai cũng khen ngợi con mình ngoan ngoãn, học giỏi, là tấm gương mẫu mực, là công dân ưu tú... Đùng một cái, anh ta bị công an bắt vì tội buôn bán ma tuý, giết người... Bạn không thể tin đó là con mình, không thể tin con mình có thể dại dột như vậy... Thế là bạn vỡ một bầu trời tươi đẹp, thốt lên một câu đầy ngang trái: cha mẹ sinh con, trời sinh tính nết?

Nguồn cơn cho những lời than thở đó bắt nguồn từ đâu? Có thể các bạn sẽ vội vàng trả lời tôi ngay: chỉ vì lòng người khó đoán. Nhưng rất tiếc, câu trả lời của tôi không cùng nghĩa với bạn. Câu trả lời của tôi là: lòng người không khó đoán, mà chỉ là luôn đoán sai mà thành ra khó đoán.

Thế nào là luôn đoán sai? Tại vì bạn chỉ "ngỡ" về một con người, thông qua cái thấy, cái xem, cái nghe của chính bạn, rồi khoác cái "ngỡ" đó của bạn lên thân thể anh ta, bắt anh ta "mặc" cái ngỡ của bạn. Dĩ nhiên, ban đầu, có thể làm vui lòng bạn, anh ta sẽ ráng chịu đựng cái chật chội hoặc rộng thùng thình của cái áo đó, nhưng đến mức hết chịu nổi, anh ta sẽ quăng nó xuống đất, để được sống thật là mình. Và cái khoảnh khắc anh ta được sống thật là mình, thì cũng là lúc bạn cay đắng thốt ra câu nói "lòng người khó đoán".

Thế nào là luôn đoán sai? Tại vì nhân cách, tính tình một con người, không chỉ bị chi phối thông qua qua giáo dục, môi trường, hoàn cảnh, thể trạng tâm lý, cảm xúc sinh lý, mà còn nhiều yếu tố khác nữa, chẳng hạn như vật chất một chút là văn hoá địa phương, trừu tượng hơn một chút là nghiệp duyên chi phối... Những cái mà ta cung cấp chỉ là một góc rất nhỏ, trong quá trình hình thành nên nhân cách con người. Và đáng tiếc là ta chỉ dựa trên cái "một chút" đó để phán định hành vi của một con người, điều đó rất dễ dẫn đến sự lầm tưởng. Và sự lầm tưởng càng xa, thì lòng người càng trở nên sâu thẳm, mông mênh và đầy bất định.

Thật ra, trong góc nhìn của tôi, lòng người không hẳn là khó biết, nhưng cũng không hẳn là bất ngờ, nếu các bạn cùng tôi thoả hai điều kiện sau:

- Thứ nhất, đừng vội đoán định tính cách của bất kỳ ai, chỉ qua vài lần, chục lần, hay trăm lần, hay nghìn lần tiếp xúc. Dĩ nhiên quá trình tiếp xúc càng nhiều thì càng dễ biết chân tướng của một con người. Nhưng điều đó không có nghĩa là, cứ ở chung với nhau thì mọi thứ sẽ được bộc lộ, bởi nó còn phụ thuộc vào hoàn cảnh và thời điểm để bộc lộ nữa. Đừng thấy một đứa con chăm sóc cha mẹ nghĩa là nó có hiếu, bởi biết đâu nó đang nhăm nhe cái căn nhà thừa kế thì sao?! Đừng thấy một chàng trai đón đưa một cô gái nhiệt tình nghĩa là nó đang yêu, bởi biết đâu mục đích của nó chỉ là đưa cô gái lên giường thì sao?... Điều kiện đầu tiên mà tôi đề nghị với bạn, là đừng có nói ai đó là người tốt hay người xấu một cách hoàn toàn. Xin nhớ cho rằng, trong tốt có xấu, trong xấu có tốt, và tốt bây giờ để xấu mai sau, hoặc xấu bây giờ để tốt mai sau... Mọi thứ đều có thể xảy ra.

- Thứ hai, đừng vội tin tưởng bất kỳ ai, nói đúng hơn là đừng có hy vọng một cách quá mức, kể cả con cái hay vợ chồng mình. Hy vọng lớn thường kèm theo đó là thất vọng nhiều. Mà khổ nỗi, chúng ta lại cứ hay khoác những chiếc áo hy vọng cho người ta yêu thương, mà những chiếc áo này lúc nào và bao giờ cũng quá khổ cho người mặc chúng. Đó là lý do vì sao chúng ta cứ thất vọng dài dài. Xin nhớ cho rằng, bố mẹ nào cũng mong con mình học giỏi cả, nhưng ai cũng đứng đầu lớp thì ai sẽ đứng thứ hai? Ai cũng là thiên tài, thế thì ai sẽ là người hỗ trợ cho thiên tài?... Mỗi lần tôi có dịp tham gia các sự kiện xã hội nào đó, bao giờ tôi cũng lẻn ra sau sân khấu, nói chuyện và xem đội ngũ chuyên viên phục vụ. Họ đẹp hơn nhiều các nhân vật chính trên sân khấu. Điều kiện thứ hai để không dẫn đến đổ vỡ niềm tin, ấy là đừng hy vọng vào ai đó quá nhiều. Xin nhớ cho rằng, khi bạn không hy vọng gì ở họ cả, ấy là lúc họ được sống thật là mình. Còn bạn khoác lên vai họ những chiếc áo lấp lánh màu hy vọng, thì họ đang đóng kịch cho bạn xem đấy... Bớt mơ giữa ban ngày đi nhé.

Đấy là hai điều kiện để bạn không chới với trong niềm tin về một người nào đó. Chỉ cần bạn không quá hy vọng vào họ, và biết rằng mọi khả năng đều có thể xảy ra, thế thì còn ai có khả năng khiến bạn phải than thở "lòng người khó đoán" nữa không? Tôi tin là không. Đã luôn sống trong tâm thế "mọi thứ đều có thể xảy ra", và "chẳng có ai là người tốt/xấu một cách tuyệt đối", nên nếu bạn có bị "phản bội" thì cũng... bình thường thôi!!

Trong một trường hợp khác, và trường hợp này thì dễ hơn nhiều, ấy là người ta hay tìm cách để thử "lòng người". Chẳng hạn như "khi cái ví của con xẹp xuống, cũng là lúc con biết ai yêu con thật lòng", hoặc "trong gian nan, sẽ biết ai mới thật sự là bạn ta"... Những tình huống này, không ít thì nhiều, ai cũng một lần rơi phải. Và dĩ nhiên, với những người liên tục gặp thất bại, liên tục hoạn nạn, thì họ càng có nhiều cơ hội để kiểm chứng "lòng người" hơn. Nhưng khổ nỗi, có ai muốn thất bại, hoạn nạn chỉ để biết được lòng người? Tôi tin là không ai muốn thế cả. Mà giả dụ bạn có biết họ đến với bạn vì tiền, vì quyền, vì sắc đẹp, vì thành công..., nghĩa là chẳng có tí tẹo tình cảm gì đâu, thì bạn vẫn cứ muốn có nhiều tiền, nhiều quyền, nhiều thành công... để thật nhiều cái "lòng người" đeo bám như thường. Cái cách thử này, theo tôi bình thường quá, chẳng có gì đáng để thảo luận cả.

Tôi muốn chia sẻ với bạn một phương cách khác, khả thi hơn, ngoài những điều kiện mà tôi đã cung cấp, ấy là "hãy cứ tin người" dẫu cho có ra sao. Cách này dành cho những người không ưa hoài nghi, sống thiên về tình cảm. Thế nào là "hãy cứ tin người"...?? Nhớ kỹ nhé, tin người một cách tuyệt đối, không phải tin lưng chừng. Tin lưng chừng thì sẽ có đau khổ, chẳng hạn tin anh lắm, nhưng sau biết anh ngoại tình, ứ tin nữa, ứ yêu nữa, thế là còn đau khổ; nhưng tin tưởng một cách tuyệt đối, nghĩa là biết anh có vợ hai vợ ba vẫn cứ tin, vẫn cứ yêu, thế thì không có đau khổ. Tại sao thế? Tại cái tin lưng chừng của bạn là cái tin của sự mù quáng; còn cái tin tuyệt đối là cái tin của chính bạn. Tin lưng chừng thuộc về cảm xúc, qua các giác quan; còn niềm tin tuyệt đối là niềm tin thuộc về bản thể, và khi nó vượt lên trên cái "thấy", "nghe", "ngửi", "nếm", "chạm", "sờ"... thì niềm tin đó sẽ đem lại hạnh phúc. Bạn có thấy người mẹ nào bỏ con không, dẫu biết con đã từng làm việc xấu? Lòng mẹ chính là dấu hiệu của niềm tin tuyệt đối. Và chính ở cái lòng mẹ bao la dạt dào đó, tự thân nó sẽ đem lại hạnh phúc cho chính người mẹ, bất kể đứa con đó có hành động lỗi lầm như thế nào đi chăng nữa. 

Bạn đã sẵn sàng bước chân vào đời với tình yêu của người mẹ dành cho cuộc đời?
Nếu chưa thể, hãy quay về hai điều kiện mà tôi đã cung cấp
Lòng người dẫu có bất định như thế nào đi chăng nữa, cũng chẳng thể làm bạn bất ngờ

(25/1/14)


Thân tặng Edu Shinichi

Bạn hãy tưởng tượng lòng người như mùa xuân
Và mùa xuân thì bao giờ cũng đến thông qua những dấu hiệu nào đó
Nếu tinh tế trong việc quan sát sự đổi thay của tiết trời, bạn sẽ biết chắc chắn khi nào xuân tới.

Tuy vậy, tiết xuân đến thay mùa đông chẳng bao giờ là thình lình cả
Chúng đến một cách từ từ, như mùa đông tạm biệt chúng ta đầy chậm rãi
Cũng thế, mọi sự đổi thay của con người, luôn chậm rãi và từ từ, chỉ là bạn có dành thời gian để cảm nhận nó hay không mà thôi

Ta không thể vẽ được xương hổ, nhưng nhìn da hổ, chí ít cũng mường tượng được gân hổ, và từ gân con hổ, sẽ cho ta phác hoạ được xương con hổ.
Lòng người không tuyệt đối như chiếc bản đồ trong bàn tay bạn, nhưng thông qua nụ cười và ánh mắt, thông qua ngôn ngữ và cử chỉ, ta cũng đoán định được phần nào.
Tất cả mọi thứ là dấu hiệu của lòng người, và càng tiếp xúc nhiều, sự thật sẽ càng được bộc lộ.


CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
2 Comments

2 nhận xét:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất