Đổi thay?

- Hãy chỉ cho tôi thấy trên đời này, cái gì không thay đổi?
- Ồ, chỉ có sự thay đổi là không thay đổi mà thôi!

Đó là ý nghĩa của Dịch mà tôi đã từng trả lời với thầy giáo, khi lớp chúng tôi bắt đầu nghiên cứu về Kinh Dịch - một bách khoa toàn thư của triết học Trung Quốc, được ra đời cách đây trên dưới 10 ngàn năm.


Chúng ta hãy đặt ngược lại vấn đề một chút, rằng nếu mọi sự vật hiện tượng mà "không thay đổi" thì chuyện gì sẽ xảy ra?

- Bạn còn đang ngồi trên ghế nhà trường chứ? Nếu sau 4 năm học Đại học, kiến thức của bạn ngày ra trường vẫn trống rỗng như khi ngày bạn mới nhận giấy báo đậu đại học. Bạn sẽ vui hay buồn?

- Bạn quen tôi bao lâu rồi nhỉ? Nếu sau 2 năm, 3 năm, 4 năm... mà tôi vẫn coi bạn như một người xa lạ, một người mới quen, một người vô tình gặp trên cung đường tấp nập. Bạn sẽ vui hay buồn?

- Bạn được nhận vào một công ty nào đó, và với tư cách là một nhân viên mới, chắc hẳn không tránh khỏi cảnh suốt ngày đi pha cà phê cho các sếp. Và sau 10 năm cống hiến cho công ty, vị trí và công việc của bạn vẫn chẳng hề thay đổi. Bạn sẽ vui hay buồn?

Chỉ cần 3 câu hỏi đời thường nhất thôi đã đủ cho ta thấy ý nghĩa của sự thay đổi quan trọng với ta biết nhường nào rồi. Nếu thẳng thắn hơn một chút, rất tiếc tôi phải nói với bạn rằng, nếu không có "thay đổi", chẳng có gì là tồn tại cả. Không có ta, không có cha mẹ ta, không có tổ tiên ông bà ta, không có môi trường hoàn cảnh, không có gì hết. 

Sự thay đổi cần thiết với chúng ta, rõ ràng như ban ngày, ấy vậy mà tôi vẫn không hiểu tại sao bạn lại sợ sự thay đổi. 

- Bạn yêu một người, và như bao chuyện tình khác, không thể mới quen đã vồ lấy nhau như nam châm trái dấu. Chí ít bạn phải tốn biết bao thời gian và tình phí để có được cái gật đầu của nàng. Bạn mong mỏi, cầu nguyện nàng sẽ dành cho bạn một cái nháy mắt tinh nghịch, một bàn tay e thẹn chìa ra, và trái tim nàng rung rinh thay đổi vì mình. Và đến khi nàng yêu bạn, thì bạn lại muốn nàng đừng thay đổi gì, và cứ yêu như thế mãi. Có bất công quá chăng với "sự thay đổi", khi đầu tiên bạn mong nàng "thay đổi" tình cảm để yêu bạn, và khi nàng thay đổi vì bạn, thì bạn lại muốn nàng "đừng thay đổi" nữa?!. Bạn thiên vị và ích kỷ với "thay đổi" biết là nhường nào.

- Khi bạn còn nhỏ, bạn muốn được là người lớn, bạn thích người ta tôn trọng mình như một người đàn ông trưởng thành. Bạn cầu nguyện, mong ngóng, tập luyện thể thao... chỉ để mau chóng có cơ thể mạnh mẽ như một người lớn. Và chuyện gì đến cũng sẽ đến, bạn thay đổi cả về cơ thể lẫn tính cách, bạn trở thành một người đàn ông trưởng thành thật sự. Nhưng bất công thay, khi bạn trẻ khỏe phong độ như thế, bạn lại ước gì "đừng thay đổi" nữa, nghĩa là sẽ đừng già đi theo thời gian. Sẽ có chuyện đó xảy ra với bạn ư? Đừng mộng mơ viển vông như thế chứ?!

- Từ thành phố chật chội khói xe, trong một lần ngao du sơn thủy nào đó, bạn gặp được một hoàn cảnh sống hoang dã tự nhiên, và bạn thích nó lắm. Mỗi tuần, dù ít hay nhiều, bạn cũng cố về với nơi đó một đôi ngày cuối tuần thư giãn, và cầu mong hoàn cảnh đó sẽ cứ mãi như vậy. Thế nhưng, bạn có bao giờ đặt mình vào vị trí của những người ở đó thường trực, với bão tố mịt mùng, với những cơn gió lạnh đến thấu xương, với cái nắng đến cháy da vàng mắt? Bạn chỉ nghĩ đơn giản là bạn thích hoàn cảnh hoang sơ, và muốn giữ hoàn cảnh đó mãi mãi như ngày đầu tiên bạn mới lên. Bạn trách sự thay đổi của hoàn cảnh sống, hay bạn ích kỷ với chính sở thích của mình?!

Thay đổi là gì? Là vận động, là biến dịch, là không như cũ. Heraclit từng nói không ai tắm hai lần trên một dòng sông, ý nói cuộc đời như dòng sông vận động không ngừng. Vậy sự thay đổi bắt nguồn từ đâu?

- Hãy chỉ cho tôi thấy trên đời này, có cái gì tồn tại độc lập không?
- Không. Tất cả mọi sự vật, hiện tượng đều có sự liên hệ lẫn nhau.

Mẹ không thể tự sinh con nếu không có bố. Bố không thể tự nuôi con nếu không có sữa của mẹ. Người nông dân không thể tự trồng ra lúa gạo nếu không có đất đai, hạt giống. Người làm ra áo không thể tự dệt ra vải nếu không có con tằm nhả tơ. Bạn không thể sống nếu không có khí trời để thở, không có ánh sáng để sưởi ấm, không có nước để uống, không có đất để đứng trên. Bạn cũng không thể sống nếu không tồn tại trong một thời gian nhất định, trong một không gian nhất định, trong một hoàn cảnh nhất định, trong một chiều kích văn hóa nhất định... Nói tóm lại, sự tồn tại của bạn là sự tồn tại của TẤT CẢ. 

Sự có mặt của một sự vật, một hiện tượng là sự TỔNG HÒA của nhiều thành tố. Không có gì có thể tồn tại một cách ĐỘC LẬP, mà lại không phụ thuộc vào các thành tố cấu thành. Vậy nguồn gốc của SỰ THAY ĐỔI, xuất phát từ sự thay đổi của những thành tố tạo nên nó.

Một cơ thể khỏe mạnh là sự kết hợp hài hòa giữa các thành tố tạo nên cơ thể đó. Một cơ thể bị coi là bệnh, nghĩa là các thành tố cấu thành nên nó không còn tồn tại trong sự hài hòa. Và một cơ thể bị coi là diệt, nghĩa là các thành tố cấu thành nên nó không còn kết dính được với nhau.

Một mối quan hệ tốt đẹp là một mối quan hệ hài hòa giữa hai cá nhân. Mối quan hệ tốt hơn hay xấu đi phụ thuộc vào sự thay đổi của hai cá nhân hình thành nên mối quan hệ đó. Và mối quan hệ bị đổ vỡ, hoặc xuất phát từ một cá nhân, hoặc cả hai cá nhân tham gia không còn muốn duy trì quan hệ đó nữa.

Nguồn gốc thay đổi của những hợp thể xuất phát từ sự thay đổi của những thành tố. Nguồn gốc thay đổi của những thành tố xuất phát từ sự thay đổi của những yếu tố. Nguồn gốc thay đổi của những yếu tố xuất phát từ sự thay đổi của những nguyên tố. Nguồn gốc thay đổi của những nguyên tố xuất phát từ sự thay đổi của những nguyên tử... Cứ thế mà quy chiếu, bạn sẽ thấy, dẫu là hạt hay sóng, chúng cũng vận động không ngừng.

Sự có mặt của bạn, không chỉ là sự có mặt của bạn, mà còn là sự có mặt của cha mẹ, ông bà, tổ tiên, giống nòi, hoàn cảnh giáo dục, môi trường sống. Nhìn thấy bạn, là nhìn thấy sự có mặt của tất cả, trong đó có cả tôi, với tư cách là một người bạn của bạn.

Sự thay đổi của bạn, không chỉ là sự thay đổi của cá nhân bạn, mà còn là sự thay đổi của tất cả những mối liên hệ mà bạn đã tham gia vào, trong đó có cả tôi. Bạn tốt hơn hay xấu đi, không chỉ là cá nhân bạn tốt hơn hay xấu đi, mà còn là dấu hiệu cho thấy chiều hướng của những mối quan hệ, mà bạn là một thành tố trong đó.

Vì tồn tại trong những mối liên hệ, nên dù muốn dù không, mối liên hệ thay đổi thì tôi thay đổi
Và khi tôi thay đổi, thì tôi lại tác động ngược trở lại mối liên hệ mà tôi tham gia trong đó.
Tôi gọi TÔI và TẤT CẢ là mối quan hệ biện chứng hai chiều.

Khi có sự thay đổi diễn ra, luôn đi kèm với nó là hai chiều, hoặc là tốt hơn, hoặc là xấu đi
Có tốt hơn thì sẽ có xấu đi, và có xấu đi thì sẽ có tốt hơn
Tốt hơn hay xấu đi phụ thuộc vào góc nhìn của bạn.

(21/1/14)


Thân tặng Nguyên Lùn

Vô thường thì không có tích cực hay tiêu cực. Nó là dạng thức của tồn tại.
Khoác cho nó tấm áo tích cực hay tiêu cực là cái nhìn ích kỷ của cá nhân.

Bạn chỉ thích mình lớn lên, mà không muốn già đi
Bạn chỉ thích tình cảm đậm sâu, mà không muốn nhạt nhòa
Bạn chỉ thích một quan hệ thắm thiết, mà không muốn phôi phai.
Đó không chỉ là tâm lý thiên vị, mà còn là dấu hiệu của ngốc nghếch

Vì sao?
Bởi chính quá trình trưởng thành cũng là quá trình của sự lão hóa
Bởi chính tình cảm càng đậm sâu thì càng đi đến giai đoạn nhạt nhòa
Bởi chính quan hệ càng thắm thiết thì càng đưa đẩy mối quan hệ đến phôi phai.

Chúng không phải là hai
Chúng là một đấy
Và người thông minh, không chỉ biết chấp nhận sự thay đổi, họ còn biết yêu cả sự thay đổi, bất kể theo chiều hướng nào.

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất