Trạng thái hiện sinh


  Sáng nay có ông bạn đến chơi, đem đến một tin "hot" là sắp cưới...Không biết đến ngày ông bạn mình cưới vợ, mình có còn thở để tặng quà không, thôi thì tặng luôn hôm nay... để đến hôm cưới khỏi mè nheo đòi quà.

Ngồi ngẫm nghĩ mãi chẳng biết tặng quà gì, đành ngồi viết một bài về trạng thái hiện sinh của kiếp người  trong đôi mắt của M.Heidegger làm quà tặng vậy
.....................

Con người – Dasein
hiện sinh trong trạng thái lo âu hay tồi tệ bởi toàn bộ tồn tại của con người bị giới hạn trong chỉnh thể của mối quan hệ giữa con người với thế giới.Chỉ cần Dasein là hiện sinh tại thế thì từ đầu tới cuối nó bị cái ưu phiền chi phối. Tại thế đã đóng cái dấu ưu phiền, ưu phiền với Dasein tuy một mà hai, tuy hai mà một”.  Và “một mặt bản chất của hữu thể nằm ở trong cái hoạt tồn của nó, với bao dạng thức hiện sinh gắn liền như da tròn thịt máu chơi vơi… mặt khác, thực tại người bao giờ cũng là thực tại người của tôi. Vậy tôi không có quyền sưu cầu bản thể của nó theo cách điệu coi nó như một trường hợp…”

Hiện sinh của Dasein trong trạng thái lo âu không chỉ bị giới hạn trong chỉnh thể của mối quan hệ mà giới hạn hiện sinh của Dasein còn là giới hạn tính thời gian của nó. Đối với sự hiện sinh của Dasein, quá khứ, hiện tại và tương lai nằm trong một chỉnh thể không thể tách rời, trong đó tương lai là khâu cơ bản nhất. Cụ thể, theo Heidegger, hiện sinh của Dasein gồm có 3 khâu cơ bản:

-                     Tồn tại trước tự thân, chỉ tồn tại không ngừng vượt qua tự thân.
-                     Tồn tại hiện có trong thế giới.
-                     Tồn tại phụ thuộc vào sự tồn tại của thể hiện sinh trong thế giới (chỉ đời sống thường nhật).

Trong 3 khâu trên, Dasein cơ bản là một thứ hiện sinh trước tự thân, nghĩa là luôn hướng tới một tương lai được mong chờ chứ không phải là hiện sinh của cái đang là. Mọi thể hiện sinh ngoài con người đều là cái đang là còn hiện sinh Dasein chính là cái sẽ là, cái không ngừng vượt qua hiện tại, cái luôn mong muốn vượt qua chính mình. Chính vì hiện sinh Dasein – con người luôn mong muốn vượt qua chính mình, nghĩa là cái thường xuyên vận động hướng về phía trước nên khả năng tự do hay đúng hơn khả năng tự do lựa chọn cái nên là không phụ thuộc vào điều kiện bên ngoài mà là đặc tính nguyên thủy hay bản chất của Dasein.

Khả năng vượt qua chính mình hay tự do lựa chọn của Dasein, vì là đặc tính nguyên thủy của con người nên dù con người muốn hay không muốn cũng không tránh được. Vì không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan nên khi Dasein vượt qua chính mình – cái đang là để trở thành cái nên là cũng có 2 trường hợp có thể xảy ra:

-                     Thứ nhất, con người có thể trở nên tồn tại thật sự, nghĩa là con người có khả năng vượt qua chính mình để trở thành cái đúng phải xảy ra.
-                     Và thứ hai, con người có thể đánh mất mình, trở thành tồn tại phi thật sự.

Điều đó có nghĩa là con người, trong bản năng vượt trước, có thể tồn tại thật sự nhưng cũng có thể tồn tại phi thật sự.

Theo Heidegger, tồn tại phi thật sự , Dasein cùng tồn tại với tha nhân (hoàn cảnh tự nhiên và hoàn cảnh xã hội) nhưng đánh mất đi bản sắc, sống dựa vào tha nhân, bắt chước tha nhân, nhìn bằng đôi mắt tha nhân, tư duy bằng cái đầu của tha nhân… thậm chí có thể bị tha nhân thay thế.
Khi đó, con người  - Dasein đánh mất đi khả năng tự chủ, bị trói buộc bởi các thể hiện sinh khác, sống vô nhân xưng, không xác định… và điều đó biến chủ thể trở nên bình quân, tầm thường, không sáng tạo, giống nhau như đúc, thụ động, tiêu cực, thiếu bản sắc. Một cá nhân như thế là một cá nhân tự đánh mất mình, đánh mất đi sự tồn tại của chính nó và ông gọi đó là sự trầm luân của Dasein.

Bùi Giáng viết rằng: “cái hoạt sinh thiết thực là cái hoạt sinh lơ láo, lấp lửng tự phỉnh phờ mình, tự gạt gẫm mình, ấy là cái tồn có tại mà không sinh, hay có sinh mà không hoạt, hay có hoạt mà cốt chạy theo cái phù phiếm bọt la de, và vùi chôn cái chân, cái thực, và trốn tránh không dám trách nhiệm cái thân phận của mình”.

Khi sự trầm luân của Dasein càng xa rời sự tồn tại thật sự thì ông gọi đó là sự tha hóa. Trầm luân hay tha hóa không phải là bản tính nguyên thủy của Dasein mà chính là Dasein thật sự bị che lấp.

Vì thế, trầm luân và tha hóa không vượt qua phạm vi tồn tại thật sự của Dasein mà là một phần của Dasein – Cũng chính vì lý do đó mà Dasein luôn phải sống trong trạng thái âu lo hay buồn phiền và lo âu hay buồn phiền trở thành trạng thái hiện sinh của con người.

Một hệ quả khác của trạng thái ưu phiền của Dasein là tâm trạng lo sợ. Lo sợ vô hình chung trở thành bản tính tiên thiên “Cái làm người ta lo sợ là bản thân hiện sinh tại thế” song lo sợ ở đây không phải là lo sợ về một cái gì đó mà là một dự cảm sợ hãi mơ hồ không xác định cũng như không trực tiếp đe dọa đến sự sống của con người.

Chính tâm trạng lo sợ mơ hồ không xác định đó khiến con người phải tìm kiếm một chỗ dựa, một sự ẩn náu vào tha nhân. Vì dựa vào tha nhân nên con người lại càng lún sâu vào trầm luân và tha hóa. Lo sợ trở thành nguồn gốc sản sinh ra tình trạng trầm luân của con người.
Cuối cùng, hiện sinh của con người bị treo lơ lửng bởi sự ưu phiền dẫn đến lo sợ, bởi lo sợ nên tha hóa, bởi tha hóa nên đánh mất tồn tại thật sự của chính mình, “thành thử nhân sinh không bao giờ tránh khỏi vận mệnh âu lo” cũng như không bao giờ thoát khỏi tình trạng trầm luân và tha hóa.

Phải chăng vận mệnh con người là không thể thoát khỏi tình trạng trầm luân hay tha hóa?
Platon xây dựng mẫu người triết gia nhìn thấy ánh sáng của lý tính, quay trở về thức tỉnh nhân loại đang khu khú ôm ấp cái bóng chính mình được phản chiếu trên những bức tường của cái hang mà tưởng đó là những hiện thực đích thực. Sau này Marx cố gắng xây dựng một lý thuyết dựa trên cách mạng xã hội nhằm cải tạo hiện thực hiện tồn cũng mong muốn tìm cho nhân loại một tồn tại thật sự của nó.

Từ Platon đến Marx, hàng chục nhà triết học vẫn tin tưởng vào một phương cách nào đó để tìm lại hiện sinh đích thực cho con người chứ không nhắm mắt trước vận mệnh mà con người đang phải gánh chịu. Heidegger cũng không ra khỏi ngoại lệ đó.

Dù cho ưu phiền là trạng thái tồn tại của hiện sinh, dù cho âu lo là vận mệnh không thể tránh của con người, dù cho trạng thái trầm luân và tha hóa là một phần của hiện sinh, Heidegger vẫn tin rằng con người có khả năng tìm được tồn tại thật sự của chính mình.

“Muốn biết rõ bản thể luận của tồn tại thật sự, phải tìm trong kết cấu cụ thể của cái chết mới rõ”. Việc thấu hiểu cái chết, theo Heidegger có thể làm cho người ta đi từ tồn tại phi thật sự đến tồn tại thật sự.

Cái chết, sự chấm dứt của Dasein, là cái đang đến, là cái sẽ tới, là một phần của hiện sinh. Chết là khả năng rõ ràng nhất của Dasein mà mỗi hiện sinh bắt buộc phải đối diện chứ không thể dựa dẫm vào tha nhân, càng không thể mong muốn ai chết thay cho mình được. Không chỉ chết là khả năng hiện sinh thật sự nhất không bị tha hóa, chết còn là khả năng bắt buộc nhất mà không cá nhân nào có thể vượt qua hay trốn tránh được.

Từ hai khả năng trên, việc thấu hiểu về cái chết sẽ giúp Dasein có thể giải thoát chính mình khỏi sự trầm luân và tha hóa.

Việc thấu hiểu về cái chết như là một sự đối diện tự kỷ và không thể trốn tránh sẽ giúp hiện sinh không run sợ né tránh cái chết mà thay vào đó có cơ hội triển khai khả năng tồn tại bản sắc riêng có của mình trong khi đối diện với nó.

Vì cái chết là cái phải xảy ra, nhưng cái bắt buộc xảy ra này luôn luôn là một dự phóng, nghĩa là luôn nằm ở thì tương lai nên trong hiện tại, mỗi hiện sinh có cơ hội trù tính, dự liệu để thể hiện tốt nhất cái bản ngã và tự do lựa chọn cuộc sống riêng cho mình.

Tóm lại, trong những sự kiện mà hiện sinh con người phải đối diện, có khổ đau, có sợ hãi, có ưu phiền, có thất bại… những sự kiện đó khiến con người luôn luôn sống trong tâm trạng lo sợ, né tránh thất bại… và vô hình chung, hiện sinh con người bị đẩy vào trạng thái trầm luân, tha hóa, đánh mất đi bản sắc riêng của tự ngã…

Chỉ có cái chết, một sự kiện hay một hoàn cảnh bắt buộc phải xảy ra với mỗi hiện sinh, hơn thế nữa, hoàn cảnh hay sự kiện này không ai có thể trốn tránh được, cũng không thể cầu mong ai  chết thay được buộc mỗi hiện sinh phải một mình đối diện với nó. Thấu hiểu cái chết với hai thuộc tính cơ bản trên, mỗi Dasein sẽ có cơ hội tự do triển khai, trù tính, tự mình thiết kế kế hoạch sống cho bản thân.

Chính sự tự do lựa chọn, trù tính, thiết kế để xây dựng bản ngã riêng của mỗi hiện sinh là chìa khóa để cứu vãn tình trạng trầm luân, tha hóa của mỗi cá nhân, là cách thức để đưa tồn tại phi thật sự trở về với trạng thái thật sự.

Bên cạnh việc thấu hiểu cái chết, tiếng gọi lương tâm hay là trách nhiệm mà mỗi hiện sinh tự ý thức về chính sự tồn tại của mình cũng là dấu hiện thể hiện sự tồn tại thật sự.

Trách nhiệm hay tiếng gọi lương tâm trong quan điểm của Heidegger không phải là trách nhiệm đối với xã hội hoặc với tha nhân mà là trách nhiệm với chính sự tồn tại của mình. Ông thiết tha kêu gọi một thứ luân lý không phải dựa vào thiết chế xã hội, giai cấp hay đẳng cấp, cũng không phải là thứ luân lý tôn giáo với chỗ dựa là Đấng siêu hình nào đó mà luân lý của Heidegger là thứ luân lý dựa trên sự tồn tại thật sự của Dasein, một thứ luân lý học nguyên thủy bắt nguồn từ sự nhận thức về hiện sinh đích thực.

“Mọi quy tắc đạo đức thế tục hoặc thần định đều là thứ con người buộc phải tiếp nhận trong trạng thái trầm luân, tha hóa, đối lập với tiếng gọi của lương tâm ở bên trong Dasein. Các quy tắc ấy đối với việc thể hiện tồn tại thật sự của Dasein chẳng những vô ích mà còn có hại, cho nên cần phải vượt qua. Ngược lại, nếu con người có thể thoát khỏi sự trói buộc của cá nhân quy tắc bên ngoài, hành sự hoàn toàn theo tiếng gọi bên trong của mình, thì có thể làm cho mình thoát khỏi trạng thái trầm luân, tha hóa, khôi phục cá tính độc đáo của mình
.......................

TB: Vài lời gửi tặng trước khi ông bạn tôi lấy vợ và hy vọng ông bạn tôi đủ trạng thái hiện sinh để dư khả năng "dự phóng" vào hiện tồn tại thế nhé 
  (bài viết này phù hợp với ngôn ngữ của ông bạn sắp cưới của mình, mong các bạn đừng giận nếu ngôn ngữ trong bài viết hơi  bị treo "lơ lửng" ... )(13/8/11)
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất