"Người lính" và "Chí làm trai"

Nhà của tôi gần đền thờ Danh nhân Nguyễn Công Trứ. Người ta biết đến ông với tước hiệu Tiên điền sứ, vị sứ giả của phong trào khai khẩn đất hoang, lập ra hai trấn Tiền Hải ở Thái Bình và Kim Sơn ở Ninh Bình. Ông còn được biết đến với sự thăng trầm của quyền lực, từ Thượng thư tổng đốc xuống đến lính tráng hầu cận. 

Thuở nhỏ, mỗi lần có các đoàn văn công của Tỉnh về biểu diễn cuộc đời của Nguyễn Công Trứ, lũ trẻ chúng tôi cứ xếp hàng chờ tờ 1 giờ trưa cho đến 7 giờ tối để chiếm được một chỗ ngồi tốt nhất, hóng cổ ngóng trông những câu ca, bài thơ mà Nguyễn Công Trứ đã để lại. Và những hạt giống đầu tiên gieo vào tâm thức của tôi chính là những câu thơ đầy khí tiết:

Làm trai đứng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông

Những vần thơ như thế, theo thời gian, thấm dần vào máu, định hình trong tôi một ý tưởng: Sinh ra là một người đàn ông, thì trời đất chính là quê hương của mình. Đừng hạn cuộc cuộc sống, tình yêu của mình vào một địa phương, một tỉnh thành, bởi cái chí làm trai thực sự, không phải là gia đình, mà là đất nước; không phải cái chức tước lợi danh, mà là giúp ích cho đời.

Tôi đã từ giã quê hương của mình, ngay từ khi còn rất nhỏ, bắt đầu từ những ý niệm như vậy...

Nhưng tôi chưa từng là một người lính - theo nghĩa đen của từ. Mặc dù vậy, trong ý thức của mình, tôi đã, đang và sẽ mãi mãi là một người lính - không phải lính cụ Hồ - mà là một người lính của lý tưởng phụng sự nhân sinh; - không phải bảo vệ Tổ quốc - mà là bảo vệ chân lý bất diệt của tự thân; - không phải chiến đấu chống giặc ngoại xâm - mà là chiến đấu với những hạt giống bất thiện còn tồn đọng trong mảnh ruộng của Tâm mình.


Thế nào là một người làm trai? 

Có thể nhà Nho đã dùng quá nhiều mỹ từ cho cánh đàn ông, chẳng hạn như "quân tử", "trượng phu"... với sứ mạng dọc ngang trời đất, rường cột quốc gia, trụ cột gia đình... Một người đàn ông mà ru rú trong nhà, quẩn quanh với những vấn đề nhỏ nhặt tiểu tiết thì chỉ xứng đứng trong đám quần thoa da phấn má hồng.

Thời thế thay đổi, sự phân biệt nam nữ trong xã hội ngày nay theo quan điểm nhà Nho phai nhạt theo thời gian. Có những nữ lưu xứng đáng đứng trong hàng ngũ của những danh nhân vĩ đại của dân tộc, khiến đám "quân tử", "trượng phu" phải cúi đầu học tập. Và đi kèm với hình ảnh đó, thì người đàn ông cũng dần lui về hậu trường sân khấu, đóng vai trò yểm trợ cho những nữ lưu đại tài. 

Cùng chung ý niệm về bình quyền giới tính, tôi không còn đặt nặng vấn đề "chí làm trai" theo quan niệm cổ xưa nữa, nhưng mẫu người làm trai lý tưởng trong mắt tôi không vì thế mà không được hình thành. Sẽ thật xấu hổ khi sức dài vai rộng mà ăn bám nữ lưu, tệ hơn nữa là lại dùng ngay cái sức mạnh giới tính đó để bắt nạt vợ con, tự phong trụ cột gia đình mà trách nhiệm còn thua cả cái kèo cái vỉ...

Thế nào là một người lính?

Có thể dễ dàng nhận thấy, pháp luật vẫn chỉ quy định những đi lính chỉ là cánh con trai chứ không phải là con gái. Thực hiện nghĩa vụ quân sự với quốc gia chính là lễ Trưởng thành thật sự, ghi nhận bước chuyển từ "con trai" trở thành "người đàn ông" đúng nghĩa.

Trong môi trường quân sự, yếu tố kỷ luật được đặt lên hàng đầu. Ở đó, bạn sẽ được người ta huấn luyện từ bước đi cho đến cách đứng, từ cách xếp chăn màn cho đến cách tổ chức sinh hoạt cá nhân, từ lý tưởng lấy phục vụ làm thước đo cho đến cách thức sống trong một tổ chức, một cộng đồng. Môi trường đó, theo tôi thật cần thiết cho từng người "làm trai" trong xã hội.

Ta có thể học hỏi được gì từ những "người lính" cho cái "chí làm trai" của ta?

Bỏ qua những tiểu tiết về vấn đề sức khoẻ, theo tôi, cái học được lớn nhất chính là tác phong và lý tưởng. Tác phong của một người đàn ông không nhất thiết phải là nhanh hay mạnh, mà là dứt khoát. Bạn có thể không cần phải là người lính, nhưng biết "dứt khoát" với những quyết định của mình, trước những chọn lựa, thì tôi cho rằng bạn đã đi nửa chặng đường của đời làm trai rồi đó. 

Nửa chặng đường còn lại của người làm trai, chính là lý tưởng. Đời sống lý tưởng của người lính là tuân thủ kỷ luật. Có thể có nhiều bạn có đời sống nghệ sỹ, thích làm việc theo cảm xúc, thích sống cho đam mê... , nhưng đừng quên, trong bất kỳ ngành nghề nào của xã hội, có kỷ luật mới có thành công. Một nghệ sỹ sáng tác tác phẩm theo cảm hứng, nhưng không biết dẫn dắt cảm xúc của mình theo một mục tiêu nhất định, thì cũng chỉ trở thành nô lệ cho cảm xúc mà thôi. Vì vậy, cái học được thứ hai từ người lính, chính là người đàn ông thì phải biết sống trong kỷ luật, hoặc là kỷ luật tự thân, hoặc là kỷ luật cộng đồng.

Vậy hình mẫu về người làm trai trong mắt tôi là gì? 

Đó chắc chắn không phải là những người mặt hoa da phấn, ăn mặc diêm dúa, nói cười lả lơi, đứng đi lả lướt đang có dấu hiệu tăng nhanh ngoài xã hội...

Đó chắc chắn không phải là những người ru rú trong váy đàn bà, hơn thua với thê tử, chấp nhặt tiểu tiết, nước mắt ngắn dài, yểu điệu yếu đuối mà thỉnh thoảng tôi vẫn hay bắt gặp....

Đó chắc chắn không phải là những người chỉ biết sống trong than thở, bất đắc chí, sống không hoài bão, chẳng có ước mơ, không có định hướng, chẳng có dự liệu, sớm từ bỏ mục tiêu, dễ duôi theo cảm xúc....

Tôi không có ý định xây dựng những người làm trai trong mắt tôi phải là những cỗ máy vô cảm vô tri, sống như đã được lập trình, chỉ biết cắm đầu chém giết như quân tốt trong bàn cờ. Tôi luôn đặt định một người đàn ông thực sự trong một không gian lớn, một hoàn cảnh lớn, một hoài bão lớn, một ước mơ lớn và một tâm hồn lớn. (Chữ "lớn" ở đây không có nghĩa là phải ôm trọn đất trời, bao trọn non sông. Chứ "lớn" ở đây nên được hiểu là "vượt qua" những giới hạn của bản thân.)

Không gian của người đàn ông phải là vượt thoát ích kỷ cá nhân
Hoài bão của người đàn ông phải là sống cho và sống vì người khác
Tâm hồn của người đàn ông phải là độ lượng, phóng khoáng như mây trời

Chữ "con trai" trong mắt tôi chỉ ở vế đầu, nhưng vế sau mới thật sự là "làm trai"
Vậy mùa xuân thật sự của người làm trai là gì?
Đó chắc hẳn không phải là những ngày cuối tháng chạp và đầu năm mới
Mùa xuân thật sự của đàn ông, chính là họ tạo ra được không gian để vùng vẫy, hoài bão để thực hiện, và tâm hồn để nuôi dưỡng ước mơ

(16/1/14)


Thân tặng Hương Hạ nhé
Nỗi buồn của người lính xa nhà, không phải là ở người lính, 
mà chỉ là người ở nhà nhớ người lính nơi biên ải xa xôi.
Nỗi buồn thật sự của người lính, 
chỉ có thể là: đến khi nào mới chấm dứt chiến tranh, cho thiên hạ vui hưởng thái bình.

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất