Nhân quyền?


Aristote coi con người là "con vật chính trị", vì vậy con người chỉ được coi là con người khi nó tồn tại trong một xã hội với một nhà nước cụ thể. Bản chất con người bị quy định bởi cộng đồng, bởi thiết chế nhà nước. Do đó, mỗi cá nhân, sống trong một thiết chế chính trị nào thì phải tuân thủ theo pháp luật của nhà nước đó.
 
Sang thời kỳ Trung cổ, Kyto giáo thắng thế, quan niệm con người cá nhân có cơ hội phát triển. Đạo Kyto bắt nguồn từ Do Thái giáo, mà khi đó dân tộc Do Thái không có khái niệm nhà nước. Họ chỉ là một cộng đồng du mục nên nhà nước chính của họ là nước Chúa. Mỗi tín đồ đạo Do Thái - Kyto giáo (judeo - christianisme) không coi họ là một bộ phận của cộng đồng chính trị mà là một bộ phận của cái Toàn thể. Thánh Thomas nói rằng, đại ý, mỗi tín đồ là một cứu cánh, cao hơn những cứu cánh có tính cách thế tục. Nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo quan niệm như vậy nên coi tự do của cá nhân là vô tận, sự phân chia quyền này quyền kia chỉ là hệ quả của quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước.
 
Đến thế kỷ thứ 14, một chủ thuyết khác - chủ thuyết duy danh - do một tu sỹ dòng Francisco, G.d'Occam lập nên, tuyên bố: những ý niệm tổng quát là không có thực thể, chúng chỉ là ngôn từ mà thôi. Xã hội, nhà nước, cộng đồng, đám đông, con người, cây, lá, hoa... chỉ là những ngôn từ không có thực; chỉ có anh A, chị B, cô C, cây vừng, cây mận, cây ổi, hoa sen, hoa súng... mới là những thực thể tồn tại thật. Công dân chỉ là một khái niệm giúp ta kết nối nhiều con người cá nhân lại với nhau chứ chẳng có một thực thể nào thực là công dân cả. Theo nghĩa đó, một cộng đồng chính trị không gì khác ngoài việc là tổng hợp những cá nhân, và đối với ông, chỉ có cá nhân và những sự vật riêng lẻ là hiện hữu, nhà nước hay xã hội chỉ là kiến trúc nhân tạo của con người - cá nhân mà thôi.
 
Sang thế kỷ 16, giới tư sản thắng thế. Con người tư sản đòi hỏi quyền cá nhân và sở hữu nhiều hơn, đặc biệt với sự ra đời của các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia, nên quan niệm con người - cá nhân ngày càng được củng cố vị thế. Phương châm "sống do mình, cho mình, vì mình" trở thành cương lĩnh của tầng lớp tư sản. Tư tưởng này không chỉ kích thích việc buôn bán, tích lũy tư sản và lợi nhuận mà nó còn tránh những ràng buộc về mặt pháp lý của những thiết chế nhà nước khác nhau. Với tư tưởng "Tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu" (Je pense donc je suis), Descastes không chỉ tách biệt giữa con người cá nhân ra khỏi môi trường xã hội và các thiết chế chính trị mà nó sống trong đó, ông còn tách con người đến cấp độ nguyên tử, nghĩa là chỉ có tư tưởng là hiện hữu và độc lập ngay cả với thân xác mang vác cái tư tưởng đó. Tuyên ngôn của Descartes không chỉ củng cố về mặt lý luận cho ý niệm con người - cá nhân của tầng lớp tư sản đang thắng thế mà đồng thời nó còn mở ra một chương mới trong lịch sử nhân loại - thời đại tân tiến (age modern) - thời đại của chủ nghĩa tư sản.
 
Thế kỷ 17 chứng kiến sự xuất hiện của Hobbes với sự ra đời của tác phẩm Leviathan (1651) lừng danh. Theo ông, ngay từ ban sơ, con người sống riêng lẻ, không tổ chức. Con người sống với nhau như "chó sói với chó sói" và xã hội tồn tại trong tình trạng "tất cả chống lại tất cả". Nhà nước ra đời từ nỗi sợ hãi giữa con người với con người và luật đóng vai trò duy nhất là bảo tồn sinh mạng. Nhà nước và luật pháp được coi như bản "hợp đồng xã hội" nhằm thoát ra khỏi tình trạng ban sơ, xây dựng trật tự xã hội. Xây dựng luật nhằm phục vụ lợi ích cá nhân và cũng vì lợi ích cá nhân mà con người tự nguyện tham gia vào hợp đồng đó.
 
Đến năm 1690, tác phẩm "Two treaties on Goverment" của Locke, một triết gia người Anh, tạo ra những bước tiến lớn trong nhận thức. Con người là sinh vật có lý trí, và chính vì có lý trí nên tự nhiên mỗi cá nhân đều nhận thức rằng họ bình đẳng và độc lập với nhau, không ai được quyền xâm phạm vào đời sống cũng như vật sở hữu của người khác. Sự ra đời của nhà nước, không phải thoát thai từ tình trạng sợ hãi, mà ra đời trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện vì cùng muốn giữ cho cái tính tự nhiên đó được trường tồn. Vai trò của nhà nước là bảo đảm những quyền và tự do nguyên thủy, nó có sẵn trước khi thành lập xã hội. Cách mạng Pháp vào năm 1789 đã đưa ý tưởng của J.Locke thành xương sống cho bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của mình (điều 2: mục đích của mọi tổ chức chính trị là bảo tồn những quyền thiên nhiên và không bao giờ triệt tiêu của cá nhân).
 
Đến thế kỷ 18, 19, trước sự chiếm hữu và bóc lột một cách tàn bạo của giai cấp tư sản, một loạt các nhà tư tưởng nổi lên chống lại quan điểm con người - cá nhân này. Heghen trong tư tưởng biện chứng gia đình - xã hội - nhà nước coi luật như là cứu cánh phục vụ đoàn thể. Marx nhấn mạnh đến con người giai cấp có giá trị hơn con người cá nhân và luật chính là luật của giai cấp thống trị. Theo họ, xã hội có trước cá nhân, con người sinh ra đã tồn tại trong một cộng đồng nhất định và vì thế thực thể đầu tiên là xã hội chứ không phải là những cá nhân cụ thể. Nhà xã hội học Auguste Comte còn nhấn mạnh một cách mạnh mẽ hơn khi ông cho rằng, cá nhân không được đòi hỏi quyền gì cả, chỉ có bổn phận mà thôi - bổn phận với đồng loại, bổn phận với xã hội.


Nãy giờ chúng ta bàn nhiều đến khái niệm Quyền con người theo góc nhìn phương Tây, còn phương Đông thì sao?... Điểm qua một số nét chính về Quyền con người trong Phật giáo để các bạn đánh giá xem có nhất thiết chúng ta cứ khúm núm cúp đuôi chạy theo những ý niệm nhân quyền kiểu phương Tây không nha...

- Con người tự do trong việc quyết định số phận của chính mình - chứ không phải Thượng đế, thần linh, xã hội hay giai cấp....

- Mỗi cá nhân đều mang trong mình hạt giống tốt và xấu, kể cả một cá nhân phạm tội ác tày đình thì vẫn còn đâu đó trong lương tâm của họ những hạt giống tốt để có thể cải hóa và giáo dục được.

- Vì đạo Phật quan niệm bản chất con người là vô ngã - nên không tồn tại một cái Tôi độc lập, tự tồn, bất biến - vì thế cũng chẳng có cái được gọi là "con người cá nhân"... Đạo Phật thừa nhận con người sống - tức là sống với - sống với thiên nhiên, môi trường, xã hội, hoàn cảnh, người khác, kẻ khác...  

- Lý tưởng của Phật giáo là mối tương quan qua lại chứ không phải chỉ đòi hỏi quyền, hoặc chỉ đòi hỏi bổn phận. Quyền cũng chính là bổn phận mà bổn phận cũng chính là quyền. Trong Trường Bộ kinh, khi Đức Phật dạy cho anh chàng Thiện Sanh phương pháp lễ bái sáu phương, có 2 vấn đề chính mà Ngài muốn nêu: thứ nhất, mỗi người là trung tâm cuộc sống của chính mình; thứ hai, mỗi người tồn tại trong những mối tương quan: với cha mẹ, với thầy bạn, với vợ/chồng, với bà con, với thầy tổ và với người giúp việc. Trong 6 mối quan hệ này, luôn luôn đi kèm theo đó là bổn phận hai chiều tương tác lẫn nhau chứ không bao giờ bổn phận chỉ nằm ở một phía.

- Một hành động lý tưởng theo cách nhìn của Phật giáo là ban vui (Từ) và cứu khổ (Bi). Nghĩa là biết đặt người khác, cái khác (môi trường sống, sinh vật hữu tình...) cao hơn cái tôi - cá nhân của mình. 

Trên đây là phác thảo khái lược về sự phát triển quyền con người trong tiến trình phát triển lịch sử nhân loại. Mỗi một giai đoạn, mỗi một thời điểm, tùy vào sự thắng thế của những chủ thuyết nhất định mà quyền con người được xây dựng, mở rộng hay thu hẹp khác nhau. Chúng ta cứ mải ca ngợi phương Tây, đòi hỏi và áp dụng một cách rập khuôn, máy móc học thuyết của phương Tây, trong khi phương Đông chúng ta cũng đâu thiếu gì những lý thuyết nhân quyền đáng xem xét.

(22/11/12)
Tái bút
 
Viết vài dòng chơi chơi nhân dịp Hội nghị Asean vừa ra đời Tuyên bố chung về Nhân quyền (xin lưu ý là theo đài BBC, có đến gần 60 tổ chức nhân quyền quốc tế nói bản Tuyên bố đó đầy khiếm khuyết, nhưng mỗi người đọc chúng ta, trước khi ủng hộ hay chống đối, cần phải tự mình nhìn nhận lại câu hỏi: Nhân quyền là gì?)
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất