Người?


Ngồi uống trà, nghe ông bạn khoái chí với trò chơi phân tích ngữ ngôn ngôn ngữ theo kiểu chơi vơi của mình. Trước khi về, có nhấn nhá nhờ mình nói về chữ Người xem phong vận tiếng Việt hấp dẫn cỡ nào...

Nhâm nhi bình trà cũ trong tiếng nhạc lả lơi... tôi bắt đầu ngắm nghía chữ NGƯỜI viết hoa trên tấm bảng trắng...lặn sâu vào cấu tứ của từ... nhấm nháp từng chữ cái của câu...


- Có một từ cùng gốc với từ NGƯỜI mà ngôn ngữ phổ thông của ta hay sử dụng, đó là từ NGỢM... Khi Người đánh mất đi những đặc tính loài nói chung thì khi đó Người không còn nguyên nghĩa là Người nữa, thay vào đó chúng ta dùng từ Ngợm...Ngợm là sự tha hóa những đặc tính vốn có của Người...

Khi chúng ta phát âm ra từ Ngợm... đi kèm với âm tiết Ngợm ... tự nhiên trong đầu chúng ta hình dung về một đối tượng tạm gọi là bợm chợm.... và cảm giác của chúng ta khi đó sẽ là  tởm nợm...
- Nếu bỏ đi dấu huyền trong từ Người?... NGƯƠI... Từ một khái niệm phổ quát chỉ tính loài... bỏ đi dấu huyền trong từ Người là hạ Người thành khách thể... Ngươi - Một tha thể ngoài ta, trong văn phong tiếng Việt hàm ý chê bai, hay chí ít có vị trí thấp hơn chủ thể, trong ý tưởng của chủ thể thì tha thể trở thành một đối tượng - nói chính xác hơn - một đồ vật, một công cụ... Ngươi là ai?... Ngươi là gì?...

Để định nghĩa một đối tượng hay để hoàn chỉnh một câu, bao giờ cũng cần đến một chủ ngữ và một túc từ cho chủ ngữ... Khi xác lập câu NGƯƠI LÀ AI... thì Ngươi là chủ ngữ.... Ai là túc từ... Từ ... sẽ đóng vai trò một liên từ giữa chủ ngữ và túc từ... xác định ý tưởng của sự so sánh...

Ở đâu có sự so sánh là ở đó có sự khu biệt đối tượng... hoặc là hơn, hoặc là kém, hoặc là tương đương... và dù đó là bất kỳ cái gì đi chăng nữa thì sự so sánh luôn là một sự hạ thấp đối tượng... Khi nhìn đối tượng không còn như là chính bản thân đối tượng thì ở đó luôn là sự phóng chiếu bản ngã của chủ thể phủ lên tha thể...Bỏ đi dấu huyền trong từ NGƯỜI chính là tạo ra ranh giới giữa chủ và khách, tạo ra sự so sánh hơn kém được thua...

Vậy là ý tưởng đầu tiên trong khái niệm Người không phải là Tôi mà là Ngươi... và thực tế rất ít người biết được ta là ai và đang ở vị trí nào nhưng mặc nhiên tự cho ta cái quyền được phán xét người khác như là một đối tượng dưới ta... (chê bai, đả kích thói xấu người khác tức là cho mình không xấu; khen ngợi tính cách người khác thực chất là sự tự mãn với những đặc tính tương đồng với ta... )

Chỉ có người ở đỉnh núi mới nhìn thấy người đang ở chân núi chứ người dưới chân núi sao có khả năng nhìn thấy người ở trên đỉnh núi?!- Một từ khác cùng gốc với từ NGƯỜI trong âm tiết tiếng Việt, đó là từ TRỜI... Trời có thể là Đấng Sáng tạo, Hóa công theo tư duy Hữu thần... nhưng cũng có thể chỉ những quy luật tiên thiên chi phối một cách khách quan lên mọi hữu thể theo tư duy Vô thần...

Dù theo tư duy hữu thần hay vô thần thì trong tâm tưởng của người Việt nói chung Trời luôn có những đặc tính sáng suốt, công bình, hoàn hảo, tốt đẹp... Tôi không biết thực sự có Trời hay không nhưng ý niệm về Trời như là ý niệm về một sự hoàn hảo viên mãn có lẽ luôn là động lực soi đường mọi dấu chân của nhân loại... Nếu không vì một sự tốt đẹp hơn và hoàn hảo hơn thì con người có lẽ cũng chẳng còn thiết tha tồn tại...

Vậy là ngay trong khái niệm NGƯỜI mà chúng ta thường sử dụng đã chứa đựng ở trong đó ba đặc tính so sánh: Ngợm, Ngươi và Trời... Ngợm là gốc của từ Người thời kỳ tiền văn minh... Ngươi là sự biến thể của Người dưới khía cạnh tha thể và Trời như là cái đích cuối cùng trên lộ trình tiến hóa...

NGỢM ---> NGƯƠI ----> NGƯỜI ----> TRỜI
Chúng ta đang ở đâu trên lộ trình tiến hóa đó?


- Đi sâu hơn một chút trong âm tiết NGƯỜI... Với một chút tưởng tượng... tôi phóng chiếu lên đó một vài đặc tính tiêu biểu tồn tại ngay trong âm tiết "Người":

NGU: Không phải tự nhiên Phật giáo xếp con người nằm trong lục đạo luân hồi và thế giới mà chúng ta đang sống là Ta bà đau khổ. Vì đâu? Vì Ngu (vô minh).

Socrate cho rằng: "nếu con người biết đó là sai thì sẽ không làm điều sai". Nhiều người cho rằng lý luận của Socrate chưa chuẩn lắm vì rất nhiều tên trộm, biết sai mà vẫn làm; rất nhiều kẻ giết người biết bị tội mà vẫn thực hiện. Câu hỏi là tại sao? Câu trả lời của tôi là Socrate không sai, vì ngay tại thời điểm ăn trộm hay giết người, cái chi phối vào thời điểm đó không phải là cái BIẾT mà chính là cái NGU. Chỉ vì NGU nên mới nhìn thấy tiền mà không thấy đồng tiền đó bất chính, chỉ vì ngu nên mới để cảm xúc tham - sân lấn át hành động của chính mình...

NGỜI: Mặc dù con người nằm trong vòng luân hồi lục đạo nhưng ngay trong mỗi con người lại luôn tiềm ẩn khả năng làm cho cuộc sống con người sáng ngời, tươi mới. Không phải tự nhiên mà kinh Phật ví "được sinh ra làm người khó như con rùa mù chui vào bộng cây nổi trong dòng nước xiết". Bản thân Đức Phật, tiền thân là Bồ tát Hộ Minh trên cung trời Đâu Suất, nhưng để thành Phật thì Ngài cũng phải tái sinh làm một con người bình thường là Tất Đạt Đa cơ mà...

Nói đến từ Ngời, chúng ta liên tưởng đến nụ cười, đến niềm vui, đến sáng ngời, đến tươi mới...  Nếu biết phát huy những phẩm chất tích cực ngay trong mỗi chúng ta thì những đặc điểm nêu trên ở trong mỗi chúng ta là hoàn toàn có thể...
NGƯỜI có cả NGU và NGỜI...
Ai trong chúng ta có thể phát huy phần NGỜI và hạn chế phần NGU?
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất