Faust (J.W.Goethe)

Định giới thiệu với bạn đọc tác phẩm Zarathustra đã nói như thế của triết gia Friedrich Nietzsche nhưng chợt nhớ đến một tác phẩm của một đại tác gia khác, cũng là người Đức, cũng hay không kém nếu không muốn nói là hay hơn tác phẩm trên, lại ra đời trước tác phẩm trên đến hơn 50 năm... Không dài dòng nữa, mình xin nói ngay tên tác phẩm đó là: FAUST của đại văn hào J.W.Goethe.

Mình rất ít khi đọc sách theo thể loại kịch, hoạ hoằn xui xẻo lắm mới đụng đến, ấy vậy mà khi đụng đến Faust, tớ không thể hạ quyển sách đó xuống được. Nó quá hấp dẫn và tuyệt vời, không chỉ bởi được viết theo thể loại kịch thơ, mà bố cục, kết cấu, ngôn từ, giai điệu và tư tưởng nó truyền tải đủ thu hút bất kỳ ai lỡ mở nó ra...


Trong Lời bạt của tác phẩm, Faust được giới thiệu như "một anh chàng quỷ sứ" - chúng trở thành thành ngữ trong tiếng Đức đương đại - thể hiện sự tôn trọng đối với một con người làm được chuyện phi thường. 

Faust là một nhân vật lịch sử có thật, ra đời vào khoảng năm 1480 và mất vào khoảng 1540. Nguyên mẫu của nhân vật thấp thoáng những bí ẩn của một thời đại mới, vừa quyến rũ mê hoặc vừa gây sợ hãi. Một số nhân chứng cho biết ông từng là nhân vật gây nhiều tranh cãi trong dư luận, là một lang băm có tiếng tăm, là người có khả năng xem tướng số và biết chút ít ma thuật đủ hấp dẫn mọi giai tầng trong xã hội.

Từ một nhân vật có thật, sau khi ông mất đi, dân gian bắt đầu hình tượng hoá Faust trở thành một nhân vật điển hình nhằm truyền đạt một thông điệp nào đó. Vào mùa thu năm 1587, tác phẩm Historia von Dr.Johann Fausten ra đời như là bước đột phá trong việc định hình hình tượng Faust. Từ vở kịch này, nhân vật Faust bắt đầu trở thành một nhân vật văn học của thế giới, hơn là một nhân vật đã từng tồn tại trong lịch sử.

Trong giai đoạn Bão táp và Xung kích, nhà khai sáng G.E.Lessing đã mở đường cho một cách nhìn mới đầy sáng tạo về hình tượng Faust, và đại tác gia của chúng ta - J.W.Goethe - là một trong số những người đã sáng tạo và xây dựng ra hình tượng Faust thành công và tuyệt vời nhất.


Faust của Goethe được sáng tác thành hai phần vào hai giai đoạn khác nhau. Phần thứ nhất được viết vào những năm 1806 và được công bố vào năm 1808. Phần thứ hai được viết từ giữa những năm 1820 trở đi và kết thúc vào năm 1831, và ông yêu cầu chỉ được công bố sau khi ông mất (1832). 

Để đánh giá về tác phẩm, cần phải đặt nó trong một bối cảnh lịch sử cụ thể, đặc biệt là phong trào Bão táp và Xung kích của nước Đức. Trong phạm vi bài điểm sách ngắn, xin giới thiệu vài nhân vật cần lưu tâm trước khi các bạn khám phá nó:

- Faust hiện thân cho một thiên tài mang dáng dấp của một nhà Khai sáng, nhưng bị đặt vào những giới hạn cụ thể. Sự mâu thuẫn giữa lý tưởng với đời sống thường nhật (nhu cầu vật chất...) khiến Faust từ khát khao cái đẹp, sự toàn hảo dẫn đến trạng thái tuyệt vọng, nguyền rủa tình yêu và niềm tin, sẵn sàng bắt tay với quỷ sứ...

- Đối lập với Faust là Mephisto, quỷ sứ, là hình tượng của địa ngục, là hiện thân của cái ác. Nhân vật này đồng hành cùng với Faust như là mặt đối lập cần phải có của hiện thực cuộc sống, là sự cám dỗ thường trực mà mỗi chúng ta phải đấu tranh không ngừng...

- Một nhân vật khác không thể không kể đến là Gretchen, một phụ nữ trẻ đáng yêu và đầy hấp dẫn. Trong cô có cả những nét đẹp của lý tưởng thuần khiết, cả những ham muốn đời thường; có cả nét thánh thiện trong sáng, có cả những tội ác khó dung tha...

Điều cuối cùng tôi xin gửi đến các bạn là một trích dẫn nho nhỏ trong Lời nói đầu của tác phẩm, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1816: Faust là một "cuốn sách giáo khoa" toàn diện, không phải là một thứ "văn bản pháp quy", bởi vì, "nếu chúng ta đưa một người trẻ tuổi vào thế giới và muốn lưu ý anh ta đến mọi tảng đá ngầm đe doạ con thuyền đời bé nhỏ của mình thì chúng ta chỉ cần đưa cho anh cuốn sách Faust và nói: anh bạn hãy đọc đi và suy ngẫm! Và, nếu như một cụ già muốn kể về kinh nghiệm trong cuộc đời trường thọ của mình và bị xúc động bởi những hoài niệm, cụ sẽ hơi đỏ mặt và trông như trẻ ra, rồi chỉ vào cuốn Faust và nói: "Tất cả có trong sách ấy!". Một cuốn sách giáo khoa mang tính chất nhân loại - Đó là vở bi kịch về một "anh chàng quỷ sứ" của Goethe.

Còn chần chừ gì nữa, hãy cùng đọc nó thôi nào.
Tin tôi đi, nó đủ tuyệt vời để bạn không hối tiếc khi dành thời gian cho tác phẩm.
(11/5/13)


Tái bút

Xin trích lục vài dòng còn lưu lại trong bút ký của mình khi đọc nó:
....
Những gì ta có đây, giờ lùi xa, xa mãi
Những gì ta mất đi, nay sống lại trong lòng 
...
Xin hãy đưa tôi tới một góc trời riêng tĩnh lặng, yên bình
Nơi với thi nhân, đời chỉ trổ bông một niềm vui thuần khiết
Nơi phước lành của con tim là tình bạn và tình yêu tha thiết
Được bàn tay các thánh thần vun xới, sáng tạo ra
...
Tác phẩm sẽ hiện lên với dáng vóc vẹn toàn
Chỉ khi đã kinh qua bao tháng năm thử thách
Vẻ hào nhoáng ánh lên chỉ dành cho khoảnh khắc
Còn cái đẹp chân thuần nguyên vẹn đến mai sau
...
Với Lý trí, với Thông minh, với Xúc cảm lẫn Mê cuồng
Nhưng cũng xin nhớ cho, đừng có quên sự Khôi hài, Rồ dại
...
Sự hoà điệu từ lồng ngực phát sinh
Đã thâu tóm cả thế gian về với trái tim mình!
...
Nào có ích chi đâu, khi nói mãi về chuyện tìm thi tứ?
Nó đâu có viếng thăm một con người do dự
...
Lẽ ra hắn có thể khá sống hơn như thế
Nếu Chúa không ban cho hắn thứ ánh sáng thiên linh
Mà hắn gọi đó là lý trí và sử dụng riêng mình
Để rồi còn súc sinh hơn mọi loài súc vật
....
Thế giới các thần linh không bao giờ khép lại
Chỉ có trí tuệ mi khép cửa, trái tim mi héo úa mà thôi
...
Cái anh gọi là tinh thần của thời đại đã qua
Thực ra chỉ là tinh thần của các tác gia
Mà thời đại được phản quang trong đó
...
Cái ta biết thì ta lại chẳng cần
Cái ta cần, ta lại không hiểu biết
...
Trong lồng ngực ta đây hai linh hồn cùng trú ngụ
Mà linh hồn này muốn tách bỏ linh hồn kia
Một bên, khát tình đời đến bạo liệt, si mê
Bằng mọi giác quan bám riết vào trần thế; 
Một bên, quyết dứt khỏi bụi trần, vươn mình lên mạnh mẽ
Đến với tổ tiên cao quý chốn thiên đàng
...
Nếu anh tin vào chính bản thân mình
Thì người đời rồi cũng sẽ tin anh
...
Mọi lý thuyết đều là màu xám
Chỉ có cây vàng của cuộc đời là mãi mãi tươi xanh
...
Ai muốn có trong tay vương miện cùng ngôi báu
Thì phải tự mình giành lấy vinh quang
...

Mỏi tay quá, thôi không gõ nữa, để các bạn tự tìm đọc vậy. Bản tiếng Việt do Quang Chiến dịch, dày khoảng 752 trang, bao gồm cả Lời giới thiệu, Lời bạt, Bình luận về Faust và Phụ lục tác phẩm. Sách do nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2001.

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
5 Comments

5 nhận xét:

  1. he he, với Faust tớ nhớ nhất một câu được dịch thế này " Với đôi tay cần cù, hắn bới tìm kho của/ Và vui mừng khi bắt được con giun"!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hề, bắt được con giun còn hơn chẳng bắt được con gì :)... Như tớ đọc xong là quên sạch, chẳng nhớ được như bạn đâu :))

      Xóa
  2. cuốn này hình như mình thấy không còn bán trên thị trường nữa rồi, mình tìm hoài chẳng thấy. bạn biết chổ nào có chỉ giúp mình với. tks ban. mình ở tphcm. email:minerva.td@gmail.com.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng rồi, cuốn này ko bik đã in lại chưa, vì hồi tớ mua nó cũng chỉ ở tiệm sách cũ thôi. Bạn đến nhà sách cũ trên đường Minh Khai tìm thử đi :)

      Xóa
  3. cho em hỏi câu: "mọi lý thuyết đều màu xám....xanh tươi" là trích từ trang bao nhiêu trong sách gốc ạ, em cảm ơn.

    Trả lờiXóa
Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất