Giải thoát luận


Dạo này các bài viết hơi thiên về tình cảm... yêu thương, nhớ nhung sướt mướt ngập hết cả nhà cửa... hôm nay quyết định đăng một bài viết về Giải thoát luận theo quan điểm của Tuệ Trung Thượng Sỹ như là cách để đón tiếp một ngày mới với một không khí mới, khoáng đạt hơn, mạnh mẽ hơn, tỉnh táo hơn và vui tươi hơn...

Trí Không,
bên cạnh trái tim nồng nàn chan chứa yêu thương, vẫn còn đó một bộ não lạnh lùng và tỉnh táo không kém, rất sẵn lòng được đón tiếp các bạn...
Cứ bình tĩnh mà chiêm ngưỡng dòng chảy của cảm xúc lẫn tư duy các bạn nhé!!

 
Theo Phật giáo nguyên thủy, nội dung căn bản và cũng là quan trọng nhất của Phật giáo phần lớn được thể hiện trong Tứ Diệu Đế, trong đó Khổ đế - kết quả hiện diện đầu tiên mà ai cũng ít nhất trong đời một lần cảm nhận, sau đó mới đến Tập đế, nguyên nhân sinh ra nỗi khổ, Diệt đế, trạng thái mà khổ đau không còn tồn tại và Đạo đế, con đường đưa đến sự diệt khổ.

Như vậy, khổ chính là nguyên nhân thôi thúc khiến Đức Phật ra đi tìm chân lý như trong kinh điển đã mô tả, và giải thoát khỏi khổ đau là mục đích cuối cùng mà bất cứ người đệ tử Phật nào cũng kỳ vọng. Trong số các nguyên nhân gây ra khổ đau cho con người thì sinh tử là nguyên nhân lớn nhất. Với Phật giáo, khổ chỉ là kết quả của các ác nghiệp mà ta đã gây tạo, các ác nghiệp mà ta gây tạo lại xuất phát từ vô minh, một vọng thức sai lầm khi tiếp xúc với các nhân duyên bên ngoài. 

Từ nhận thức sai lầm đó, con người đâm ra ham luyến những thứ mà con người tưởng là thật có, từ ham luyến sinh ra bám víu, chấp trước rồi khi những thứ đó không còn nữa do quy luật vô thường khách quan tác động, sinh ra đau khổ. Vậy nguyên nhân cuối cùng của mọi nguyên nhân sinh ra khổ đau là do nhận thức sai lầm, tưởng rằng vạn vật là thật có, là trường tồn, là bất biến… nên mới đam mê, tham đắm.

Đối diện với vấn đề sinh tử, cùng một cách nhìn như trên, Tuệ Trung thượng sỹ viết:
Tâm chi sinh hề sinh tử sinh
Tâm chi diệt hề sinh tử diệt
 (tâm mà sinh thì sinh tử cũng sinh
Tâm mà diệt thì sinh tử cũng diệt).

Như vậy, với Thượng sỹ, tâm là đầu mối của sinh tử. Tâm sinh là gì và tâm diệt là gì? Sinh ở đây không nên hiểu là sống để đối lập với cái chết còn diệt cũng không nên hiểu là mất, tiêu vong và đối lập với sự sống. Tâm sinh là tâm dính mắc, tâm chấp trước, tâm bám víu vào hình ảnh hư ảo của vạn vật còn tâm diệt là tâm đã nhìn thấy được thức tánh của vạn pháp là giai Không, là tâm không còn bám víu, chấp trước vào những hình ảnh không thật có của vạn vật.

Theo như Kinh điển trong Phật giáo mô tả, tâm diệt là tâm phẳng lặng, tâm bình yên, tâm không hiện khởi, hay tâm mà như không tâm. Trong Đại thừa khởi tín luận viết: tâm sinh diệt giả, y Như Lai tụng cố, hữu sinh diệt tâm, sở vị bất sinh bất diệt dữ sinh diệt hòa hợp, phi bất phi dị, danh vị A Lại Da thức. Trong Sinh tử nhàn nhi dĩ, Thượng sỹ viết tiếp:

Sinh tử nguyên lai tự tính không
Thử huyễn hóa thân diệc đương diệt
(sinh tử xưa nay vốn tánh không
Thân này hư dối rồi cũng diệt)

Cho sinh tử là do tâm hiện khởi mà có, rồi lại quan niệm tự tánh của sinh tử là Tự Tánh Không. Như vậy sinh tử với Thượng sỹ là không thật có, là huyễn hóa, là ánh điện, là tia chớp giữa trời quang, là trò chơi thưởng ngoạn của kẻ nhàn du thôi vậy (thị tại môn tiền náo, nguyệt lai môn hạ nhàn – Nguyễn Công Trứ). Vậy thì hãy cứ nhàn nhã với chuyện sinh tử đi, lo âu và than khóc làm chi cho mệt. Chuyện than khóc, chuyện âu lo, chuyện phiền não vì sinh tử chỉ là chuyện của kẻ ngu thôi:

Ngu nhân điên đảo bố sinh tử
Trí giả đạt quan nhàn nhi dĩ
(kẻ ngu sống chết mãi lo âu,
người trí rõ thông nhàn thôi vậy).

Quan niệm về thực tánh của vạn pháp là không nên quan niệm về sanh tử cũng là không. Do đó, đối diện với vấn đề sinh tử, người trí nhàn nhã biết bao. Ở đây ta thấy sự đan xen hòa quyện giữa phong thái tiêu dao, nhàn nhã của Lão Trang với tư tưởng bản thể luận của Phật giáo rất rõ nét. Hiếm gặp một phong cách nào trong làng thiền học Việt Nam đạt đến sự hòa quyện tuyệt vời như thế.

Cũng từ Tự Tánh Không, Tuệ Trung Thượng Sỹ nhìn lợi danh, thịnh suy…cũng không có gì đáng lo âu, không có gì đáng để phiền muộn. Tất cả đều chỉ là giả huyễn như nước chảy, mây trôi, không nên để chúng ràng buộc vào mình. Ông khuyên chúng ta đừng có dính mắc vào mà làm gì, rũ bỏ nó đi, thân này là giả huyễn, vạn vật là giả huyễn, thời gian như nước chảy, lợi danh phú quý chỉ là áng mây trôi…

Quang âm lưu thủy, phú quý phù vân
Phong hỏa tán thời, lão thiếu thành trần
Hồn phách phân sắc thân như mộng.
(tháng ngày nước chảy
Giàu sang mây trôi
Gió lửa rã tan
Già trẻ thành bụi
Hồn lìa phách sắc thân như mộng)

Bàn về vấn đề giải thoát, thiên đường và địa ngục cũng là một trong những đề tài quan trọng của Phật giáo nói riêng và các học thuyết triết học tôn giáo nói chung. Người ta tranh luận, tìm hiểu Niết Bàn (thiên đường) có phải ở trên cao xanh không, có xa cõi uế trược này không? Còn Địa ngục ở đây hay ở dưới lòng đất… rồi người ta sợ hãi với địa ngục, trồn tránh dịa ngục để mong cầu Niết Bàn…

Với Thượng sỹ, Niết bàn hay địa ngục về thực tánh cũng là Không. Nó tồn tại là do tâm thức hiện khởi mà ra. Chưa hiểu về Tự Tánh Không của vạn pháp thì còn tồn tại Niết bàn, địa ngục. Hiểu về tự tánh Không của vạn pháp thì Niết Bàn hay địa ngục cũng chỉ là quáng nắng giữa trưa hè…

Phiền não bồ đề ám tiêu ma
Địa ngục thiên đường tự khô kiệt
(phiền não bồ đề bỗng mất tiêu
Địa ngục thiên đường tự khô kiệt)

Trung luận viết: niết bàn dữ thế gian vô hữu thiểu phân biệt. Thế gian dữ niết bàn diệc vô thiểu phân biệt. Niết bàn chi thực tế cập dữ thế gian tế như thị nhi tế giả vô hào ly sai biệt (Niết Bàn không khác gì thế gian mà thế gian cũng không khác gì Niết Bàn. Thực tế của niết bàn với cái thực tế của thế gian, hai cái đó không mảy may sai khác). Trong Phật tâm ca, Tuệ Trung nhấn mạnh thêm điều này:

Niết bàn sinh tử mạn la lung
Phiền não bồ đề nhàn đối địch
Tâm tức Phật, Phật tức tâm
Diệu chỉ minh linh đạt cổ câm
Xuân lai tự thị hoa xuân tiếu
Thu đáo vô phi thu thủy thâm
(Niết bàn sinh tử buộc ràng suông
Phiền não Bồ Đề hư giả nghịch
Tâm tức Phật, Phật tức tâm
Linh diệu chiếu cùng kim cổ thông
Xuân đến tự hoa xuân mỉm miệng
Thu về đâu chẳng nước thu trong)

Thu về đâu chẳng nước thu trong?! Nước thu trong vắt là tự tánh của nước. Chỉ vì bùn nhơ, rác rến làm cho nước không còn trong vắt như thuở nào. Chỉ cần dọn sạch bùn nhơ, rác rến, nước thu trong vắt sẽ hiện lên. Cũng vậy, tự tánh của Niết bàn hay địa ngục chỉ là huyễn mộng. Chỉ vì nhận thực sai lầm (vô minh), nhận lầm chúng là thật, bám víu, ràng buộc vào chúng thành ra mới có phiền não, mới có bồ đề, mới có thiên đường, mới có địa ngục…còn thực tánh của chúng là Không, là Phật…xuân đến tự hoa xuân mỉm miệng, không cần phải cầu cạnh, van xin…Những quan điểm như vậy được diễn tả bàng bạc trong rất nhiều bài thơ của ông như phàm thánh chẳng hai, mê ngộ chẳng hai… Ở đây ta bắt gặp tấm gương bị bụi bẩn bám vào của Thần Tú trong cuộc thi thể hiện tư tưởng trước thiền sư Hoằng Nhẫn thuở nào.

Cùng với quan niệm về thực tánh của vạn pháp là giai Không, Tuệ Trung triển khai tinh thần nhập thế với phong thái rất đỗi tiêu dao tự tại:

Thiều thiều khoát lộ nhập trần lai
Hoàng sắc mi đầu đỉnh đỉnh khai
Bắc lý ưu du đầu mã phúc
Đông gia tán đản nhập lư thai…
(vào vòng cát bụi nhịp thoi đưa
Vàng óng đầu mi chớp chớp đùa
Xóm bắc rong chơi gieo bụng ngựa
Nhà đông vui bước nhập thai lừa)

Hình ảnh “vào vòng cát bụi” với tinh thần “đùa” thì có lẽ cát bụi của Tuệ trung không còn là cát bụi của tranh giành đấu đá hơn thua nữa. Rong chơi, vui bước tung tăng trong trần cảnh thế gian: xóm bắc cần thì nhập vào bụng ngựa chơi, nhà đông cần thì nhập vào thai lừa chơi. Trình độ tâm linh của Tuệ Trung Thượng sỹ đã không còn nằm trong sự nhận thức thông thường nữa. Ông vào đời với tinh thần như thế nhưng không bao giờ mang khái niệm cho là mình vào đời (lý luận theo tinh thần Bát Nhã hay vô vi của Lão Tử thì không cho mình vào đời mới thực là vào đời). Vì làm gì trong tư tưởng Tuệ trung có cái gì gọi là xuất thế đâu mà gọi là nhập thế. Gọi là nhập trần, gọi là xuất thế chẳng qua chỉ là đối đãi thôi, còn tâm thì vẫn tĩnh lặng như nhiên, chẳng hề mảy may móng khởi vọng niệm với những trần cảnh bên ngoài.

Vậy cho nên, ngồi thiền, niệm Phật, ăn chay…tất cả đều chỉ là tùy cơ phương tiện thôi (dục tri vô tôi phúc, phi trì giới nhẫn nhục). Cốt ở cái tâm hiểu đựơc tự tánh của vạn pháp là giai Không thì làm gì, ăn gì, mặc gì, sống như thế nào và bất kỳ ở đâu cũng đều biểu hiện Phật tánh cả.

Nói tóm lại, từ bản thể luận nhìn nhận tánh của vạn pháp là Không, dẫn đến một phong cách sống nhàn nhã, vui chơi. Phong cách đó thể hiện rất nhiều trong thơ ông, khiến mỗi lần đọc thơ ông, ta có cảm tưởng như tù nhân vừa được phóng thích vậy, nhàn nhã và tiêu dao biết bao. 

Thiên địa thiếu vọng hề hà mang mang
Trượng sách ưu du hề phương ngoại phương
Hoặc cao cao hề vân chi sơn
Hoặc thâm thâm hề thủy chi dương
Cơ tắc xan hề hòa la phạn
Khốn tắn miên hề hà hữu hương
Hứng thời xuy hề vô khổng địch
Tịch xứ phần hề giải thoát hương
Quyện tiểu khế hề hoan hỷ địa
Khát bảo xuyết hề tiêu dao thang..
(trời đất liếc trông hề sao thênh thang
Chống gậy chơi rong hề phương ngoại phương
Hoặc cao cao hề mây đỉnh núi
Hoặc sâu sâu hề nước trùng dương
Đói thì ăn hề cơm mười phương góp
Mệt thì ngủ hề nơi chẳng quê hương
Hứng lên hề thổi sáo không lỗ
Lắng xuống hề giải thoát hương
Mỏi nghỉ chút hề đất hoan hỷ
Khát uống no hề tiêu dao thang…)


Trong cái không khí u sầu đang bao trùm các bạn của tôi, cùng đọc thơ Tuệ Trung để cảm nhận chút mật ngọt của phong thái tiêu dao không vương chút bụi trần...

Nếu như ta chưa có được cái phong thái tiêu dao tự tại như của Tuệ Trung Thượng sỹ thì chí ít chúng ta cũng biết buông những phiền muộn cho dòng nước trôi xuôi và giữ lại những gì là vui tươi nhất các bạn nhé....

Yêu các bạn nhiều và cười lên cho đời thêm vui...
Sao lại tiết kiệm nụ cười dành cho nhau thế nhỉ?!...

 

(18/10/11)
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất