Tự ngôn của Trí Không (1)


TRÍ KHÔNG ĐÃ NÓI NHƯ THẾ


Ta đang nói với mi đấy
Mà thật ra mi cũng không có thật để ta cần phải nói

Năm ba mươi tuổi, mi rời bỏ Sài thành về với nắng gió miền Trung. Người ta bảo xa Sài Gòn là xa thị thành đô hội, nhưng kỳ thực với mi, xa Sài thành chính là xa tịch liêu vắng lặng, xa sông thẳm và núi cao. Nơi đó, mười năm, hai mươi năm... mi tận hưởng đủ vị của cô đơn, không phải thứ cô đơn của một mình nơi am thanh cảnh vắng, mà là cô đơn ngay giữa lòng náo nhiệt đông vui. Và rốt sau cùng, mi tận hưởng đầy tràn thì lại từ bỏ nó, trong một sáng đẹp trời, và lời nhắn gửi cho nơi ngươi sẽ trở về lại là: hỡi ta ơi! hạnh phúc của mi sẽ ra sao nếu không có những khổ đau mà mi đáng phải đón nhận??... Và thế là hắn lên đường...

Này, mi có thể nghe ta kể một câu chuyện thật nhẹ nhàng, cho một đêm rất đỗi phiêu du giữa thành Vinh lộng gió không? Đôi khi ta thấy mi cũng thật đáng thương, khi cứ phải giấu mình đằng sau những nụ cười khuôn phép trong một hình hài lặng lẽ phiêu bồng. Đáng ra mi phải bay thật cao như đại bàng vỗ cánh, nếu không thể thì hãy yếu hèn như một ngọn cỏ dại ven đường. Sẽ ra sao nếu mi không làm được cả hai điều đó, khiến cho ta cứ phải làm thay chức phận đáng khinh bỉ này??

Ta muốn đá cho mi một cái thật đau, bởi tại sao mi không thể cười thật to ngay trong lòng đau khổ. Tại sao mi không hiểu rằng, kẻ hiền minh giữa loài người thường không bao giờ cần đến những hạnh phúc được xin cho. Tại sao và tại sao??

Ta muốn đạp mi ra đường lộ, cho những chiếc xe vô chủ đang lao vun vút trong đêm nghiền mi thành trăm mảnh, bởi tại sao mi không thể khóc thật to ngay giữa lòng hạnh phúc. Tại sao mi không hiểu rằng, kẻ hạnh phúc nhất giữa loài người chính là kẻ để cho trái tim minh được tự do thể hiện, và giọt nước mắt chân thật bao giờ cũng là kim cương óng ánh giữa nắng trời. Tại sao và tại sao??

Mi có biết, đáng ra ta đã chết từ vô thủy, mà tinh thần tan biến trong thinh không, mà thể xác hòa nhập cùng vạn vật. Nhưng bởi mi quá ngu si đến mức, bây giờ, ta phải mượn tạm hài hình, cặm cụi ngồi đây, buông vài lời chửi mắng, nhả vài tiếng vô âm, đánh thức mi trong đại ngàn cô tịch.

Này thì nến, này thì trà, này thì đàn, này thì hát, này thì rượu, này thì khói thuốc bay bay, này thì vũ điệu của sắc cảnh tương thành. Mi hãy nhìn đi, mi hãy nghe đi, mi hãy uống đi, mi hãy tận hưởng đi. Để làm gì? Để làm gì? Để có thể sống cùng ta và có thể chết cùng ta. Để có thể sống rạng rỡ thanh tân và có thể chết tươi dào dạt.

Cuộc chơi của Trí Không đã bắt đầu như thế....


Trí Không về lại quê hương, nơi cha mẹ đã đẻ hắn. Nhưng khi giáp mặt song thân, bố của hắn đã nói với hắn như vầy: Mi là con ta, nhưng mi không là con ta.

Lúc ấy mi đã cười thật to. Trong men say mi đã từng đính chính: Con đã từng và cũng chưa từng. Trong lúc tỉnh, mi lại thừa nhận: con là con và con không là con.
...

Này, Trí Không, ta kể thật cho mi biết. Cái khoảnh khắc của phản bác là khoảnh khắc mi tự tái sinh ra chính mình. Và vì thế, người đẻ ra mi thật sự không còn là cha của mi nữa, mà là chính mi đấy. Cái khoảnh khắc của thừa nhận là khoảnh khắc mi quy hồi trong hình dạng trẻ thơ. Và vì thế, người đẻ ra mi thật sự chính là cha của mi đấy.

Này, Trí Không, ta kể thật cho mi biết. Không có sự trưởng thành nào mà không phải giết người cả. Và để đi đến trưởng thành, mi phải giết chính mi lẫn kẻ đẻ ra mi. Nhưng mi đừng quên, đỉnh cao của sự trưởng thành lại không mang hình hài của kẻ đồ tể, mà là hình hài của bà mẹ. Nên hãy làm đứa trẻ thơ, nếu như mi muốn mình trở thành một người mẹ.

Này, Trí Không, ta kể thật cho mi biết. Mi đừng đi tìm kiếm nơi đã sinh thành ra mi nữa. Khoảnh khắc mi đi tìm kiếm là khoảnh khắc mi đã lênh đênh giữa hai bờ hữu thể, như một khúc củi lạc, như một chiếc lá rơi. Sự tìm kiếm về nguồn là sự tìm kiếm trong tuyệt vọng.

Này, Trí Không, ta kể thật cho mi biết. Mi cũng đừng cố tấp vào hai bên bờ. Bởi số phận của mi, chẳng có bờ nào dung chứa cả. Mi cố o ép mình đậu tại bờ này, thì suốt đời mi sẽ sống trong mong ngóng bờ kia thôi. Hãy lên đường, đó là lời chân thành mà ta muốn khuyên bảo.

Này, Trí Không, ta kể thật cho mi biết. Mi cũng đừng cố tìm kiếm một cái kết chung cùng. Mi đang trôi trên dòng chảy kiếm tìm, và dòng chảy mang ngươi đi. Bước đi là sự sống của ngươi, cũng như chảy là sự sống của nước. Khổ thân cho ngươi, sao tự trói mình trong mâu thuẫn giữa tìm kiếm và bến bờ?
....

Mi đã từng gặp Chúa. Chúa bảo với mi rằng: "Hãy tin ta, mi sẽ vào nước ta". Và đáng ra cánh cửa nước Trời đã mở ra cho mi rồi, nhưng mi lại ngu si mà hỏi lại: "Vào nước Trời rồi để làm gì nữa?". Chỉ một câu hỏi đó thôi, cánh cửa Thiên Đường đã đóng sầm trước mặt mi không một chút luyến tiếc rồi.

Mi tìm gặp hiền triết. Hiền triết bảo với mi rằng: "Hãy ngoan ngoãn, mi sẽ có được thiên đường". Và đáng ra mi đã có được thiên đường, nếu như mi cứ chịu khó nghe lời lãnh đạo, nghe lời giai cấp. Khổ thân thay cho mi, tại sao mi lại to gan mà hỏi lại: "Ai bầu ra lãnh đạo?". Mi có biết chỉ vì câu hỏi đó thôi mà thiên đường trần gian cũng vĩnh viễn từ chối mi là một công dân ưu tú.

Mi đi tìm vị ẩn sỹ già cô đơn. Vị ẩn sỹ nhẹ nhàng bảo mi rằng: "Hãy rong chơi đi, không cần nhọc công làm gì". Và đáng ra mi cũng đã được phiêu du cùng núi non và mây trắng rồi, nếu mi đành lòng buông tất cả. Nhưng thật đáng thương cho mi, tại sao mi lại ôm ấp quá nhiều ưu tư để rồi núi non cùng mây trắng cũng không đành lòng giữ ngươi lại.
...

Mi đi tìm, mi hoài nghi, mi suy tư, mi u uất, và mi than thở... Nhưng mi có biết loài người cần gì không? Họ không cần thứ chân lý mà mi khởi lộ, cũng không cần sự thật mà mi vạch ra, càng không cần thứ tình yêu thuần túy mà mi ấp ủ, càng không cần sự bình đẳng mà mi tán dương.

Với con người, cái họ cần là may mắn. May mắn là gì? Đó không phải là thứ may mắn cho tất cả, mà chỉ cho chính họ mà thôi. May mắn phải thuộc về họ, và dồn tất cả bất hạnh vào đầu kẻ thù. Đó là hạnh phúc của loài người, mi có khả năng ban phát không?

Với con người, cái họ cần là giàu có. Giàu có là gì? Đó không phải là sự giàu có về niềm vui, về tinh thần mà là giàu có về tiền bạc. Nhưng mi có hiểu tiền bạc là gì không? Đó là thứ không bao giờ là đủ. Đó là thứ bao giờ họ cũng thấy thiếu, mi có khả năng ban phát không?

Với con người, cái họ cần là quyền lực. Quyền lực là gì? Đó không phải là quyền lực của sự tự do, mà là quyền lực của kẻ này áp chế kẻ khác, của giai cấp này cưỡi cổ giai cấp kia. Đó là thứ mà họ muốn giữ mãi cho riêng họ, và mi thì có khả năng ban phát cho tất cả không?

Ôi, ta thương thay cho cái lý tưởng cao viễn của mi: "Tôi yêu loài người". Nhưng có một sự thật mi nên nhớ: "Loài người không yêu mi. Họ chỉ yêu chính họ mà thôi. Mãi mãi là thế, trong bất kỳ hoàn cảnh nào".
...

Trí Không đang còn nói tiếp...

Trò chuyện cùng Nietzsche
Qua Zarathustra đã nói như thế
(27/8/14)


ZARATHUSTRA ĐÃ NÓI NHƯ THẾ 

Tự ngôn của Zarathustra 

Tác phẩm dành cho tất cả 
và không dành cho một ai. 

Năm ba mươi tuổi, Zarathustra rời xứ và hồ lên núi. Trên núi cao, Zarathustra hưởng thụ tinh thần và nỗi cô đơn của mình triền miên không hề mỏi mệt trong suốt mười năm. Nhưng sau cùng, tâm hồn Zarathustra biến đổi; một buổi sáng nọ, thức giấc cùng bình minh, Zarathustra tiến đến trước mặt trời và thốt ra những lời sau: Hỡi thiên thể vĩ đại kia! Hạnh phúc của mi sẽ ra sao nếu không có những người mà mi soi chiếu? 

Mười năm nay kể từ khi đến với hang đá của ta, mi sẽ chán nản mệt mề với ánh sáng và quỹ đạo của mi, nếu không có ta cùng con ó và con rắn của ta. 

Nhưng chúng ta đã đợi chờ mi mỗi sáng mai, chúng ta đã dùng phần dư thừa của mi và đã cảm tạ mi. Giờ đây, ta đã chán ngán sự khôn ngoan của ta, như con ong đã hút quá nhiều mật. Ta cần có những bàn tay vươn về với ta. 

Ta muốn ban cho và phân phát, mãi đến lúc những kẻ hiền minh giữa loài người lại trở nên hạnh phúc vì sự điên cuồng của họ, và những kẻ nghèo nàn được sung sướng vì sự giàu có của mình. 

Chính vì thế ta phải đi xuống tận những chiều sâu tương tự như mi mỗi buổi chiều khi mi biến mình sau biển cả, mang theo ánh sáng rạng rỡ cho thế giới dưới lòng đất, hỡi vì tinh tú giàu sang vô lượng kia! 

Ta phải biến mất như mi, ta phải lặn tắt[1] - nói theo những người mà ta khát khao xuống cùng họ. 

Vậy thì, hỡi con mắt tĩnh lặng kia ơi, hãy chúc phúc cho ta, mi, kẻ có thể ngắm nhìn mà không thèm thuồng đố kỵ một hạnh phúc dẫu có quá đà. 

Mi hãy chúc phúc cho chén rượu muốn tràn, cho chất nước óng vàng chảy tuôn từ đó và mang theo khắp nơi phản ánh hạnh phúc tối đại của mi. 

Mi hãy nhìn đây! Chén rượu này lại muốn cạn không và Zarathustra muốn trở lại làm người. 

Cuộc hạ san[2] của Zarathustra bắt đầu như thế. 

2

Zarathustra một mình xuống núi và không gặp một ai. Nhưng khi Zarathustra tiến vào rừng, trước mặt hắn bất ngờ hiện ra một lão trượng, ông lão đã rời chiếc chòi tranh thánh thiện của mình để đi tìm rễ cây trong rừng. Và lão trượng đã nói với Zarathustra như thế vầy: 

- Người lữ khách này không xa lạ với ta; cách đây nhiều năm rồi hắn đã có lần qua đây. Hắn tên là Zarathustra, nhưng hắn đã biến đổi. 

Lúc ấy ngươi đã mang tro tàn của ngươi về núi; nay ngươi lại muốn mang lửa nồng về thung lũng hay sao? Ngươi há không sợ hình phạt dành cho kẻ gây ra hỏa hoạn? 

Phải rồi, ta đã nhận ra Zarathustra. Mắt hắn trong suốt và miệng hắn chẳng biểu lộ nét nào chán ngán. Hắn chẳng bước đi như kẻ đang khiêu vũ đó sao? 

Zarathustra đã biến đổi. Hắn đã tự hóa thân thành trẻ thơ, hắn đã giác ngộ: giờ đây ngươi còn tìm chi bên những người đang mê ngủ? 

Ngươi đã sống trong cô đơn như sống giữa lòng biển cả dạt dào, và biển cả mang ngươi đi. Khổ thân cho ngươi, vậy ra giờ ngươi lại muốn dạt tấp vào bờ? Khổ thân cho ngươi, giờ ngươi lại muốn tự mình kéo lôi theo thân xác? 

Zarathustra trả lời: “Tôi yêu loài người”. 

- Vậy thì, nhà hiền triết bảo, tại sao ta lại đi vào rừng và đi vào trong nỗi cô đơn? Không phải vì ta đã quá yêu thương loài người sao? 

Giờ đây ta yêu thương Thượng đế; ta không thương yêu loài người. Dưới mắt ta, loài người là một cái gì quá đỗi bất toàn. Tình yêu loài người sẽ giết chết ta. 

Zarathustra đáp: “Nào tôi có nói đến tình yêu! Tôi đến hiến cho loài người một tặng phẩm”. 

Vị thánh tiếp lời: 

- Đừng ban cho loài người điều gì cả. Tốt hơn ngươi nên tháo gỡ họ ra khỏi một cái gì đó và giúp họ mang vác nó, chẳng gì quý hơn thế đối với họ: miễn là, điều đó cũng làm chính bản thân ngươi thỏa dạ! 

Và nếu ngươi muốn ban cho, thì đừng ban cho họ cái gì vượt quá một của bố thí và hãy chờ họ đến ăn mày nơi ngươi! 

Zarathustra đáp: 

- Không, tôi không bố thí. Tôi không đủ nghèo để làm việc bố thí. 

Vị thánh bật cười vì lời lẽ của Zarathustra và nói như vầy: “Vậy thời ngươi hãy cố gắng làm cho họ chấp nhận kho tàng của ngươi. Họ nghi ngờ những ẩn sĩ cô đơn và không tin rằng chúng ta đến để gia ơn ban phát cho họ. 

Đối với họ, những bước chân của chúng ta vang lên trên đường phố mang một âm thanh quá đỗi tịch liêu. Họ lại còn sinh lòng lo ngại khi ban đêm nằm ngủ trên giường, họ nghe tiếng một người lặng lẽ bước đi ngoài đường phố, rất lâu trước khi mặt trời ló dạng, có lẽ họ tự hỏi mình: “Kẻ trộm kia đang làm gì vậy?” 

Ngươi đừng nên đến với loài người, hãy ở lại với rừng cao! Tốt hơn nữa ngươi nên đến với những con thú! Tại sao ngươi lại không muốn được như ta, một con gấu giữa đàn gấu, một con chim giữa bầy chim?” 

“Và vị thánh làm gì trong rừng sâu?” Zarathustra lên tiếng hỏi. 

Vị thánh trả lời: “Ta sáng tác những bản nhạc và hát lên, và khi sáng tác, ta cười, ta khóc, ta gầm gừ: đó là cách ta ngợi ca Thượng đế. 

Bằng những bài ca, những tiếng khóc, tiếng cười, tiếng gầm gừ, ta tạ ơn Thượng đế của ta. Nhưng còn ngươi, ngươi mang đến món quà gì cho chúng ta?” 

Khi Zarathustra nghe hết những lời này, hắn cúi chào vị thánh và bảo: “Tôi có thể cho ngài gì đây? Thôi, xin ngài hãy để tôi đi ngay, cốt cho tôi đừng lấy của ngài món gì cả!” Rồi hai người, ông lão và người đàn ông, chia tay nhau như thế, tươi cười như hai đứa bé. 

Nhưng khi Zarathustra một mình, hắn tự hỏi lòng: “Có thể như thế được chăng? Vị thánh già nua sống trong rừng thẳm ấy hãy còn chưa nghe nói rằng Thượng đế đã chết rồi sao?” 
....

(Còn nữa)
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất