Suy nghiệm tặng cuộc đời

Tôi rất muốn đưa em đi, về phương trời viễn mộng, nơi chỉ có tình yêu lên tiếng. Không có thấp cao, chẳng có tị hiềm, không có hơn thua, chẳng cần đấu đá. Người với người - chỉ có tình yêu...

Tôi rất muốn dắt em về, nơi phương trời viễn mộng, vùng đất của sự chân thành. Không có giả trá, không cần lừa lọc, không phải kệch cỡm, không cần điệu bộ. Người với người - chỉ có sống thật là mình...


Nhưng!

Tìm đâu ra phương trời viễn mộng đó hả em. Ngay cả cái cách anh đặt tên cho nơi anh sẽ trở về cũng chỉ là... mộng. Nghĩa là bây giờ nó vẫn chỉ là ước mơ, vẫn chỉ là hoài bão đang được ấp ủ và nuôi dưỡng mỗi ngày.

Em ơi...

Đối mặt với thực tại không hề như sách vở đã từng dạy dỗ, anh cũng đau lắm. Anh đau nỗi đau của con người, và đau nỗi đau của sự thật. Sinh ra làm người đã là một trường đày ải. Phải che đậy một sự thật hiển nhiên để sống giả thì cái nỗi đau đó có bút nghiên nào tả nổi không em?

Anh cũng đã từng như em, bị chèn ép, bị ganh tị, bị oan khuất... mà không biết giãi bày nỗi uất nghẹn đó cùng ai. Và Anh cũng như em, chỉ biết khóc. Khóc cho nước mắt rửa sạch bụi trần, khóc cho lệ đổ tịnh hóa thân tâm. Và em biết không, có nhiều khi nước mắt cứ rơi đấy, mà nỗi buồn vẫn dâng cao, cứ y như nước mắt chẳng bao giờ chạm đến tận cùng của tâm cảm.

Em ạ...

Có nhiều khi anh vẫn hay tự hỏi mình rằng: tại sao tôi phải đi học để rồi vẫn quăng tôi vào môi trường sống cũ? Học để làm gì khi tôi không được phép đổi thay chúng? Và tại sao sách vở lại dạy tôi một đàng, bắt tôi phải đối diện thực tại một nẻo???... Nhiều câu hỏi cứ dằn vặt anh mãi, dằn vặt anh từ ngày cắp sách đến trường cho đến khi không còn ngồi trên băng ghế đó nữa. Và cho đến hôm nay, chúng vẫn cứ tiếp tục dày vò anh như một trò chơi của định mệnh.

Em biết không, chả lẽ lúc này anh lại bảo em đừng tin xã hội, đừng tin đám đông, đừng tin truyền thống, đừng tin tập quán, đừng tin những gì thầy cô giáo dạy ta, đừng tin những thông tin sách vở ta học được... Anh không dám khuyên em điều đó, nhưng đáng tiếc thay, xã hội này đúng thật là như vậy. Đừng tin nó một cách ngây thơ, em mới thật sự trưởng thành.

Anh cũng đã từng... Và như em biết đấy, anh đã tin tưởng vào truyền thống, vào đám đông, vào xã hội, vào cha mẹ, vào thầy cô, vào sách vở... Và niềm tin đó chỉ cho anh một thứ duy nhất thôi: tất cả chúng chỉ là một vở kịch. Tất cả - cả kẻ đóng lẫn người xem đều đang làm trò hề cho nhau cười. Kẻ diễn biết kẻ xem vỗ tay tán thưởng cho có lệ, kẻ xem biết kẻ diễn đóng dở mà vẫn cứ phải vỗ tay. Và chúng thích ru nhau qua những ảo tướng như vậy.

Rồi anh rút ra ngoài vở kịch đó, tự mình tạo cho mình một chỗ đứng: chẳng phải người diễn, cũng chẳng phải kẻ xem. Mà anh tự xem cả hai để nhìn chúng đóng kịch. Và rồi khi anh không phải là diễn viên, mà cũng không vỗ tay tán thưởng chúng, thế là chúng ghét. Anh không gia nhập vào đám đông để đóng vai kẻ xem, mà ngược lại còn xem lại người xem, thế là đám đông cũng ghét. Anh trở thành kẻ lập dị.

Ừ thì anh chấp nhận vai trò là kẻ lập dị. Vậy mà cả kẻ diễn lẫn kẻ xem vẫn không buông tha. Đám đông kia có một chân lý rất ngộ nghĩnh: không a dua cùng ta, thì hẳn tên này là kẻ thù ta. Thế là chúng coi anh là kẻ thù. Mà buồn cười lắm, anh chẳng bao giờ coi họ là kẻ thù, ngược lại còn chấp nhận sống chung trong khác biệt, thế mà đám đông kia có tha cho anh đâu. Hắn viện dẫn truyền thống, hắn viện dẫn đám đông, hắn viện dẫn tập quán, hắn viện dẫn hầm bà lằng những thứ chân lý trong sách vở do chính hắn viết ra, nhưng không phải để hắn áp dụng, mà ép anh phải áp dụng, cứ y như là những tảng đất nén thật chặt xuống quan tài của kẻ lập dị vậy.

Ừ thì anh chấp nhận rút lui như một kẻ đã chết. Rồi em biết chuyện gì xảy ra không? Cái vở kịch hề tuồng ấy dường như thiếu kẻ lập dị thì không còn chút chi là thú vị cả. Vì thế họ lại đào mộ lên, lôi anh sống dậy, bắt anh phải làm đối trọng - để làm gì - để họ được ném đá, được treo anh lên cây thánh giá - để làm gì? để cho vui, để được hò reo, để được tung hô vạn tuế, để tự sướng với nhau là mình đã chiến thắng một xác chết.

Đấy! Trò chơi của đám đông là thế đấy, vắng kẻ đối trọng thì buồn, mà có đối trọng thì phải tìm cách dìm cho bằng được. Và chúng ta sinh ra trong thời đại này, mà cũng có thể thời đại nào cũng thế, nên đau nỗi đau con người cũng là lẽ tất nhiên mà thôi.

Em ơi!

Để anh chỉ cho em cách tham gia trò chơi này nhé. Em biết luật chơi của xã hội này rồi đấy. Hắn muốn giết em, nhưng hắn sẽ không để em chết đâu. Bởi em mà chết rồi thì hắn còn biết chơi với ai nữa. Vì thế, em cứ chơi đi. Nếu hắn thích nhìn em khóc, ừ thì em cứ khóc. Nếu hắn thích em cười, ừ thì em cứ cười. Khóc và Cười với hắn là gia vị của cuộc chơi mà. Biểu hiện cho hắn thấy em cũng có niềm tin vào cuộc đời đi.

Rồi sao nữa? Ồ, nếu chỉ giản đơn khóc và cười như thế thì em cũng sẽ sớm bị đám đông đồng hóa mất thôi. Và một khi em đã bị đám đông đồng hóa rồi, thế thì hắn sẽ không còn muốn chơi với em nữa, em bị xếp xuống hàng binh nhất hay binh nhì, làm việc theo hiệu lệnh để chờ đám đông đẻ ra một kẻ lập dị khác làm đối trọng... Chắc em không muốn làm lính đâu nhỉ? Vậy nên hãy giữ vững niềm tin nơi mình, vừa khóc vừa cười cho vui lòng đám đông, vừa giữ tư thế của một kẻ đối trọng, vượt thoát khỏi đám đông.

Làm bằng cách nào? Đơn giản lắm em ạ. Cái cười và khóc của đám đông là cái cười khóc của sự đồng hóa. Thua, bại, mất, oan... thì bọn chúng sẽ khóc. Thắng, được, tung hô... thì bọn chúng sẽ cười. Quy luật của đám đông là thế. Em cũng cười và khóc, nhưng hãy làm ngược lại đám đông đi. Khi chúng ta thất bại, mất mát hay oan uổng, hãy cười cho thật to. Một nụ cười đầy tràn sảng khoái. Còn nếu có thành công, thắng lợi, tung hô... em hãy khóc cho thật lớn. Một tiếng khóc đầy thương cảm. Vì sao vậy? Cũng là khóc và cười, nhưng đừng khóc và cười vì thân phận của chính mình, mà hãy khóc và cười cho vòng lẩn quẩn của nhân sinh. Cũng là khóc và cười, nhưng đừng cười và khóc vì sự được mất của chính mình, mà hãy cười và khóc vì vở kịch rẻ tiền mà đám đông đã mất công sắp đặt.

Em à!

Anh không thích khuyên em điều gì cả. Cuộc sống của chúng ta là do chính ta tạo dựng nên. Còn cuộc đời này là cuộc chơi phù phiếm của đám đông. Em có quyền đem cuộc sống của em tham gia vào cuộc đời mà họ đang diễn, và em cũng có quyền rút lui khỏi nó, nếu em không muốn tham gia. Nhưng tin anh đi, dù em có không muốn tham gia, hắn vẫn cứ lôi em vào thôi. Bọn chúng đã được lập trình tư tưởng này rồi: không theo ta, tức là kẻ thù của ta.

Anh không muốn em là kẻ thù của bọn họ, mà cũng không muốn em bị đồng hóa bởi bọn họ. Để làm được điều đó trong cuộc chơi này, em phải vững tay chèo, kiên định trong lý tưởng và uyển chuyển trong hành vi. Hãy tin vào em - Đó là thành trì duy nhất em cần phải giữ. Chỉ có tin vào chính em, thì em mới trụ vững trước những va đập mà cuộc chơi này thử thách. 

Anh cũng muốn nói thêm với em điều này. Tin vào chính mình là điều căn bản. Nhưng đó chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Điều kiện đủ phải là: hãy tin vào cuộc đời. Tại sao nó đáng ghét thế mà phải tin? Tại vì, thoát ra khỏi nó cũng không được, mà đứng đối lập với nó cũng không được, nên buộc lòng phải sống ở trong nó. Mà đã sống ở trong nó, thì phải tin nó. Tại sao? Tại em có tin nó thì em mới còn muốn chơi với nó, chiến đấu với nó, nghịch đùa cũng nó. Đôi khi ta lột mặt nạ của nó, cho nó hơ hớ giữa thanh thiên; và đôi khi chính ta cũng mượn tạm cái mặt nạ của nó mà đeo vào.


Cuộc chơi vẫn còn tiếp tục, và nhiều trò kỳ thú vẫn đang đợi chúng ta...

(24/8/14)


CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất