Ngày Hạnh phúc?

Hôm nay, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, Tổ chức Liên Hiệp Quốc đã chọn ra một ngày, lấy tên là Ngày hạnh phúc, nhằm thúc đẩy loài người quan tâm hơn đến vấn đề cốt lõi nhất đối với sự tồn tại của mình: làm gì để có hạnh phúc?

Có lẽ trong chúng ta không ai không biết đến Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng của Hoa Kỳ, trong đó khởi đầu là một câu nói, sau này được Hồ Chí Minh trích dẫn lại trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước ta, đó là "Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc..."

Vậy là, theo nhìn nhận chung của xã hội hiện nay, quyền hạnh phúc và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người là tự nhiên, không phải là quyền được một chính thể, một đảng phái hay một nhà nước nào ban ơn mà có. Ngược lại, trách nhiệm của mỗi chế độ, mỗi đảng phái hay một chính phủ nào đó là phải bảo vệ quyền tự nhiên đó của con người. Đó không chỉ là trách nhiệm, đó còn là thước đo cho một chế độ vì dân đích thực.


Chủ đề Ngày Hạnh phúc năm nay của Liên Hiệp quốc là "Hãy hành động" (ACT), từ viết tắt của ba phương án cụ thể: Hãy luôn vui vẻ, Cùng vui lên hỡi những anh hùng hạnh phúc và Cùng tham gia vào ngày này. Ba phương án trên đã nhận được sự đồng thuận cao từ 193 nước thành viên, được triển khai rộng khắp trên toàn thế giới, với mục tiêu: hãy hành động để có được hạnh phúc từ những điều rất nhỏ.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon phát biểu trong ngày phát động như sau“Chúng ta cần một mô hình kinh tế mới nhận diện được tầm quan trọng của ba yếu tố tối cần thiết cho sự phát triển bền vững. Ba yếu tố đó gồm: Xã hội - Kinh tế - Môi trường. Nếu làm được cả 3 điều này, chúng ta sẽ có một thế giới hạnh phúc.”

Nhìn từ góc độ vĩ mô, lời phát biểu ngắn gọn của ông Ban Ki - moon đã đủ định hướng cho mỗi quốc gia, mỗi chế độ một đường lối cần phải đi nhằm hướng tới một xã hội lý tưởng. Theo đó, một xã hội được coi là hạnh phúc là một xã hội hài hòa, hài hòa giữa phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống kết hợp với bảo vệ môi trường. Một nền kinh tế phát triển như vũ bão, nhưng chất lượng sống của người dân không tăng trưởng, hoặc vì chạy theo lợi nhuận mà phá hoại môi trường đều dẫn đến một xã hội què quặt. 

Một xã hội què quặt là một xã hội có kháng thể kém trước những cơn phẫn nộ của thiên nhiên...
Một xã hội què quặt là một xã hội mà tầng lớp cai trị sợ đối mặt với chính nhân dân của mình...
Một xã hội què quặt là một xã hội mà đâu đâu cũng thấy kẻ thù, đâu đâu cũng sợ chính biến...

Thế nào là một xã hội hạnh phúc?

Ban Ki - moon nói thay cho tớ rồi, nhưng như vậy là chưa đủ và chưa rõ nghĩa...
Phải làm sao để phát triển kinh tế kết hợp với nâng cao chất lượng sống người dân?

- Ấy là một nền kinh tế công bằng để của cải xã hội không rơi hết vào túi một nhóm người giàu có nào đó. Sự giàu có của người này là sự phá sản của người khác, vì thế, một xã hội bình yên không phải là một xã hội không có tụ tập đông người, mà là không có khoảng cách quá lớn giữa nhóm người này với nhóm người khác. Muốn một nền kinh tế công bằng, các nhà làm chính sách phải tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả công dân đang sinh sống trong xã hội đó...

- Ấy là một nền kinh tế không lấy con số GDP làm thước đo tăng trưởng mà phải lấy sự hài lòng của dân chúng làm giá trị phấn đấu. Người dân chỉ hài lòng, khi họ không có quá nhiều lo lắng về miếng cơm manh áo cũng như bấp bênh trong nghề nghiệp; thời gian lao động và nghỉ dưỡng hợp lý, các nhu cầu giải trí cũng như môi trường sống thuận lợi...

- Ấy là một nền kinh tế hoạt động theo quy luật thị trường nhưng có sự điều tiết vừa phải của chính phủ. Một sân chơi kinh tế sòng phẳng là một sân chơi mà ai cũng có khả năng thắng chứ không phải chưa chơi đã biết chắc thất bại. Muốn làm được như vậy, pháp luật phải là một ông trọng tài công minh, không lợi dụng quyền lực chính trị để uốn nắn cuộc chơi theo ý chí chủ quan của giai cấp mình. Một ông trọng tài giỏi thì không cần đến thẻ đỏ hay thẻ vàng, nhưng thỉnh thoảng cũng cần đến tiếng còi nhằm hạn chế những cái đầu nóng của một vài cá nhân nào đó...

Phải làm sao để phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ môi trường?

Con người tồn tại trong thế giới tự nhiên, vừa khai thác thiên nhiên phục vụ cho cuộc sống của mình, vừa phụ thuộc thiên nhiên để tồn tại. Mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người là mối quan hệ hai chiều, tương tác nhau, khai thác nhau và đồng thời bảo vệ nhau.

- Dĩ nhiên trong quá trình khai thác tài nguyên thiên nhiên nhằm phát triển kinh tế, có một số cái đầu nóng không thắng được sự tham lam cố tật của con người, chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt và sự ích kỷ của bản thân, khai thác thiên nhiên đến mức thành phá hoại thiên nhiên. Đó là lúc chúng ta cần đến tiếng còi công minh của ông trọng tài, nói thẳng ra là cần đến sự điều tiết nghiêm khắc của hành pháp và tư pháp, trước khi thiên nhiên nổi giận.

- Vậy là bảo vệ môi trường, không chỉ là giữ gìn tài nguyên khoáng sản cho con cháu sau này, không chỉ là giữ gìn cảnh quan cho chúng ta du sơn ngoạn thủy ngắm chơi, mà còn là bảo vệ chính sự tồn vong của nhân loại... 



Một xã hội hạnh phúc là một xã hội hài hòa của ba chân kiềng như thế. 
Vậy một con người hạnh phúc thì cần hài hòa ba chân kiềng gì?

- Chân kiềng thứ nhất để đảm bảo một cá nhân hạnh phúc là sức khỏe. Có sức khỏe mới có tinh thần yêu cuộc sống, yêu lao động, yêu chính mình và yêu người khác. Muốn một cơ thể khỏe mạnh thì ăn uống phải điều độ, lao động phải điều độ, sinh hoạt phải điều độ, vui chơi phải điều độ... Thế nào là điều độ?... Ấy là khi bụng đói thì phải cho nó ăn, miệng khát thì phải cho nó uống, mệt mỏi thì phải cho cơ thể nghỉ ngơi... Ăn vừa đủ, uống vừa đủ, nghỉ ngơi vừa đủ... Đó chính là một cơ thể điều độ...

- Chân kiềng thứ hai để đảm bảo một cá nhân hạnh phúc là nhận thức. Có nhận thức đúng đắn mới có hành động đúng đắn, có hành động đúng đắn mới biết thế nào là hạnh phúc chân thật, thế nào là hạnh phúc giả tạo. Muốn nhận thức đúng đắn, cần phải không ngừng học hỏi và tư duy từ sách vở, từ kinh nghiệm người khác và từ kinh nghiệm của chính bản thân mình... Nhận thức là kim chỉ nam cho hành động, là bản vẽ thiết kế cuộc sống và là con đường để chúng ta đi đến mục đích tối hậu của kiếp người...

- Chân kiềng thứ ba để đảm bảo một cá nhân hạnh phúc là tình cảm. Con người khác với vật vô tri ở chỗ biết tư duy và biết yêu thương. Một người hạnh phúc không phải là được cha mẹ bảo bọc từ nhỏ cho đến lớn, không phải được sống trong chăn ấm nệm êm... mà là người có đời sống tình cảm phong phú, đa dạng và đầy màu sắc. Đổ xăng cho xe máy thì xe máy chạy rất khỏe, lập trình cho máy tính thì máy tính rất thông minh, nhưng không có bất cứ thứ xăng dầu hay bài tính nào có thể thiết kế được tình cảm của con người. Đó là đặc quyền của con người, hãy nắm lấy cơ hội đó trước khi quá muộn...

Kết luận gì để kỷ niệm cho một ngày mà Liên Hiệp quốc gọi là Ngày Hạnh phúc đây?
Câu trả lời chỉ có một: HÃY HÀNH ĐỘNG
(20/3/13)

Tái bút

Thực ra hạnh phúc không cần đến hành động
Bởi vì hành động chính là hạnh phúc
Lập ra một ngày hạnh phúc là biết ngay xã hội chưa có hạnh phúc thật sự
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
2 Comments

2 nhận xét:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất