Vô cảm?



Tôi không muốn khởi đầu bài viết này bằng sự phân tích khách quan của nhà khoa học xã hội. Tôi không muốn kết thúc bài viết này bằng lời khuyên răn thế này thế nọ thế kia của nhà truyền giáo...

Tôi không phải là nhà giáo dục nên không muốn phân tích về đường lối giáo dục của chúng ta. Tôi không phải là nhà hoạch định chính sách xã hội nên không muốn tìm hiểu tại sao con người ngày nay vô cảm trước tác động của nền kinh tế thị trường...

Nền kinh tế thị trường không phải là sự lựa chọn chủ quan của một cá nhân nào cả. Nó là hiện thực khách quan của xã hội ở tất cả các quốc gia. Dù muốn dù không chúng ta cũng phải chuyển mình theo sự vận động tất yếu của nó.

Đường hướng giáo dục, trước hết là phục vụ cho tầng lớp cai trị, dù phũ phàng nhưng đó là thực tế. Bất kỳ nhà cai trị nào, trước khi lo cho sự bình yên của xã hội nói chung, họ phải lo cho cái ghế ngồi của chính họ trước đã. Ghế ngồi có yên thì các tầng lớp, giai cấp khác mới được tính đến.





Sự vô cảm trước hết phải hiểu là sự lãnh đạm về nhân tính. Đó không phải là sự khô khan tình cảm mà đó là sự thờ ơ trước nỗi đau của người khác. Sự khô khan về mặt tình cảm có nghĩa là dùng lý trí để nhận thức và giải quyết những gì xảy ra trước mắt, còn sự thờ ơ lãnh đạm có nghĩa là sự phớt lờ những gì không phải là mình, của mình, hoặc liên quan đến mình...

Sự vô cảm không nằm ở sự phát triển của nền kinh tế thị trường, dù bản thân nền kinh tế thị trường có tham gia tác động một chút. Sự vô cảm không nằm ở đường hướng giáo dục, dù chính sách giáo dục có ảnh hưởng ít nhiều...





Vậy vì sao có sự vô cảm?

Không đổ thừa cho nguyên nhân bên ngoài, nhìn kỹ và nhìn sâu, sự vô cảm nằm ở bản chất người trong mỗi cá nhân. Con người sinh ra là con người xã hội nhưng tính cá nhân là động lực khiến con người tồn tại.

Không nịnh nọt... ai trong chúng ta cũng ích kỷ.. cả tôi, cả bạn... Chúng ta suy nghĩ, nói năng, hành động bất kỳ điều gì đều xuất phát từ lợi ích cá nhân... Chính lợi ích cá nhân là nhân tố chính dẫn đến nền kinh tế thị trường, chính lợi ích cá nhân dẫn đến mọi hoạt động trong xã hội...

Có những lợi ích cá nhân mà thông qua lợi ích đó, nhiều người được hưởng lợi, chẳng hạn nhà khoa học. Họ nghiên cứu khoa học trước hết vì họ và cho chính họ, nhưng kết quả mà họ tạo ra lại lợi ích cho một thế hệ, cho cộng đồng nhân loại...

Có những lợi ích cá nhân mà thông qua lợi ích đó, chỉ có một số ít được hưởng lợi, chẳng hạn xây một cái nhà, trước hết là cá nhân người chủ nhà cảm thấy tiện nghi, sau đó một số thành viên trong gia đình được hưởng ké...

Có những lợi ích cá nhân mà lợi ích đó đi ngược lại lợi ích số đông, chẳng hạn vứt rác ra đường thì không phải ngửi mùi hôi tanh nhưng mọi người đi đường phải gánh chịu...

Vậy là tùy từng lợi ích cá nhân, có những lợi ích ảnh hưởng tốt đến cả một thế hệ, có những lợi ích ảnh hưởng đến một vài cá nhân, có những lợi ích gây hại cho cả một cộng đồng...

Sự vô cảm có nguồn gốc từ sự ích kỷ cá nhân... Khi lợi ích cá nhân đẩy lên quá cao so với những lợi ích khác thì tự nhiên sự vô cảm xuất hiện như là hệ quả tất yếu...




Sống là quá trình tương tác giữa cá nhân với người khác, với xã hội và với tự nhiên. Trong quá trình tương tác hai chiều như vậy, bất kỳ một đối tượng nào được đẩy lên quá cao so với đối tượng khác đều làm cho quá trình tương tác này bị gãy đổ.

Sự vô cảm trong xã hội chính là hiện tượng sự tương tác giữa con người với con người bị đổ vỡ. Sự vô cảm chỉ xảy ra khi một cá nhân này tự cho rằng mình có một hoàn cảnh hay một vị trí cao hơn một cá nhân khác. Giả dụ tôi khỏe, nhìn thấy một người bị tai nạn giao thông mà không cứu, thì ở đó xảy ra sự vô cảm. Nếu đặt trường hợp ngược lại, nếu tôi bị tai nạn giao thông, thì ở đó, trong tôi sẽ là sự thiết tha mong chờ hay hy vọng ai đó cứu mình chứ không còn sự lạnh nhạt dửng dưng nữa...





Phương án giải quyết sự vô cảm không cần phải đao to búa lớn làm gì, nó xuất phát từ bản chất người vì thế muốn chữa trị nó cũng phải bắt đầu từ bản chất người mà ra.

Con người sống trong một môi trường giáo dục ngay từ khi sinh ra. Việc đầu tiên là giáo dục nhân cách sống cho từng cá nhân để mỗi người phải hiểu rằng, không phải lúc nào ta cũng ở một hoàn cảnh tốt hơn người khác... Nói cách khác, giáo dục cho mỗi cá nhân thấy rằng, đến một lúc nào đó, ta cũng có thể bị rơi vào hoàn cảnh như vậy, và trong hoàn cảnh đó thì ta ước mong người khác giúp đỡ ta như thế nào? Từ ý niệm về sự vô thường như vậy, mỗi người sẽ tự biết nên làm gì cho phù hợp, không phải vì người khác, mà là vì ta và cho chính ta sau này...

Kinh tế thị trường không có lỗi nhưng phải làm sao để mỗi cá nhân thấy rằng kinh tế không quyết định nhân cách và phẩm chất một con người. Chính nhân phẩm, đạo đức, lối sống của từng cá nhân mới tạo nên chữ Người hoàn hảo chứ không phải nằm ở túi tiền. Một xã hội biết lấy đạo đức chứ không phải ở sự giàu nghèo làm thước đo giá trị Người thì tự nhiên mỗi người sẽ biết cần làm gì để giá trị Người trong mỗi cá nhân được phát huy...




Xây dựng một xã hội học tập mà ở đó bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục... Xây dựng một xã hội lấy tình người làm thước đo quy chuẩn sự tiến bộ chứ không phải ở tỷ lệ GDP thì căn bệnh vô cảm trong mỗi cá nhân sẽ hạn chế phần nào.  

Bệnh vô cảm không của riêng ai, không thuộc riêng bất kỳ một quốc gia hay một giai đoạn phát triển nhất định nào của xã hội. Nó là một trong hàng loạt tính cách người của từng cá nhân. Không cần phải sợ hãi mà cũng đừng nên bàng quan đối với căn bệnh này, chỉ cần đừng để sự ích kỷ cá nhân thắng thế trước những lợi ích chung, thay vào đó, hãy thuận theo tiếng gọi lương tri của mỗi cá nhân thì sự vô cảm sẽ tự động xa lánh...
Lên xe buýt nhường người già, trẻ em và phụ nữ... Dẫn người già qua đường ... dành dụm một ít tiền chơi game để nhường nhịn cho những mảnh đời cơ nhỡ...

Việc đó có khó quá không?
Khó vô cùng nếu ta không dám làm nhưng không quá khó nếu chúng ta thực hiện điều đó ngay bây giờ...
(6/12/11)


Trong đêm một bàn chân bước
Bé xíu lang thang trên đường
Ánh mắt buồn, mệt nhoài của em
Em rất buồn vì em không biết đi, đi về đâu

Cuộc sống mưu sinh chỉ làm em qua cơn đói từng ngày
Vì em không cha, vì em đã mất mẹ
Thương đau vẫn là đau thương

Em mơ một vì sao sáng
Dẫn lối em trên đường đời
Dẫu biết rằng chỉ là giấc mơ
Đã lâu rồi em đã không, không có tình thương

Nhìn thấy ai ai cũng đều vui bên mẹ cha
Giọt lệ em tuôn rơi, hòa tan với nỗi buồn
Bước đi trong chiều mưa

Hãy lau khô cuộc đời em
Bằng tình thương, lòng nhân ái của con người
Và hãy lau khô giọt nước mắt trong lòng em
Bằng tất cả trái tim con người Việt Nam...
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất