Tôi để tôi nhảy vào lòng sự trống rỗng...


Ngồi trước màn hình máy tính, những ngón tay sột soạt bàn phím, con chữ hiện lên màn hình... Tôi tự hỏi: viết gì đây? 

Dòng chữ cứ như vậy chạy, nhưng không còn tư duy. Người ta bảo ngôn ngữ là vỏ bọc của tư duy, mà không còn tư duy thì không còn ngôn ngữ, cũng có thể không còn ngôn ngữ nên cũng chẳng còn tư duy. Nhưng không còn tư duy, không còn ngôn ngữ thì có phải là trống rỗng không? Trống rỗng có đồng nghĩa với vô hồn không? Trống rỗng có đồng nghĩa với cái chết không?


Tôi để tôi nhảy vào lòng sự trống rỗng...

Trống rỗng - Khi ta gọi một cái gì đó là trống rỗng, chẳng hạn như căn phòng trống, quả bóng rỗng... nghĩa là bao bọc xung quanh cái rỗng đó là những bức tường, là những giới hạn. Những giới hạn đó khu biệt một khoảng không gian nào đó nhất định, và khi không có gì trong khoảng không gian đó, ta gọi không gian ấy là trống rỗng.

Giả sử đập bỏ hết bức tường, giả sử chọc thủng quả bóng, vứt bỏ hết luôn cả mái nhà lẫn cột nhà, chỉ còn lại không gian vô tận. Không còn giới hạn, không khu biệt một không gian nhất định nào đó, cái không gian nhỏ hẹp hoà tan vào không gian lớn, thì không ai gọi là trống rỗng nữa.

Tôi để tôi nhảy vào lòng sự trống rỗng...

Trống rỗng - Theo một nghĩa khác, bản thân căn nhà, bản thân quả bóng, bản thân bất kỳ một sự vật hiện tượng nào đó, dù tồn tại, dù hiện hữu, vẫn trống rỗng như thường. Chẳng hạn như căn nhà, khái niệm "căn nhà" vốn là một tập hợp rỗng, vì không có gì được gọi là "căn nhà" ngoài sự tổng hoà của cột gỗ hay đá hay xi măng, mái nhà, bức tường, nền nhà, và một không gian được những thứ ấy bao bọc. Đi tìm một "căn nhà" tách ra khỏi cột nhà, mái nhà, nền nhà... là hoàn toàn không có. Do vậy, căn nhà - bản thân nó - dù chứa đựng bất kỳ sự vật nào bên trong đó - vẫn được gọi là trống rỗng.

Khái niệm "căn nhà" hiện hữu là dựa vào những khái niệm "không phải căn nhà", như cái cột, mái nhà, bức tường, cánh cửa... Mở rộng ra, bất kỳ một sự vật hiện tượng nào, nhỏ như cây kim ngọn cỏ, thậm chí là hạt bụi... đều tồn tại dựa trên những thứ "không phải là cây kim, ngọn cỏ, hạt bụi...". "Cái A" dựa vào cái "không A" để có mặt. Do vâỵ, cái A đang hiện hữu, nhưng hiện hữu với tư cách "trống rỗng" cái A.

Tôi để tôi nhảy vào lòng sự trống rỗng...

Bản thân bất kỳ sự vật, hiện tượng nào, đã hiện hữu nghĩa là hiện hữu trong sự trống rỗng với chính bản thân nó, vì nó tồn tại thông qua những thứ "không phải" là chính nó. Và đến những thứ "không phải" kia cũng tiếp tục tồn tại dựa trên những thứ "không phải của không phải". Như cái cột nhà, được làm bằng gỗ, nhưng gỗ hiện hữu dựa trên những thứ "không phải gỗ", chẳng hạn, để có cây gỗ thì cần có đất, phân, cần, giống, ánh sáng, nước,... Tương tự thế cho mái ngói, cho nền nhà, cho bức tường... Chúng được tồn tại dựa trên những thứ "không phải chính chúng". 

Đến lượt đất, nước, ánh sáng, không khí... Chúng lại tiếp tục tồn tại dựa trên những thứ "không phải là đất, nước, ánh sáng, không khí...". Cứ như vậy mãi, ta nhận chân ra rằng, bản thân khái niệm "căn nhà" hoàn toàn trống rỗng mọi nội hàm, mà ở đó, khái niệm chỉ còn là giả danh, là tạm ước lệ với nhau. Khái niệm không còn là khái niệm. 

Tôi để tôi nhảy vào lòng sự trống rỗng...

Khi khái niệm không còn là khái niệm, thì bất kỳ sự mắc kẹt, tranh chấp, hơn thua về khái niệm... đều là những tranh cãi vô bổ, không ích lợi. Mà càng dính mắc vào khái niệm, thì càng xa rời tự tánh của sự vật hiện tượng. Càng xa rời tự tánh của chúng, tư duy con người càng rơi vào mớ bòng bong không lối thoát. Phiền não, khổ đau, sinh tử luân hồi cũng từ đó mà ra.

Khi khái niệm chỉ là tạm ước lệ với nhau, thì điều đó có nghĩa là, ta phải tự giải thoát mình ra khỏi mọi sự mắc kẹt. Sắc không còn là sắc, nhưng tạm gọi là sắc chỉ để phân biệt với những thứ hơi khang khác với sắc, chứ bản thân sắc vốn đã được tồn tại bởi những thứ không phải là sắc. Kẹt với một hình thể đẹp là tự lấy dây trói mình, trốn tránh một thứ tạm gọi là xấu là tự mình bỏ qua cái đẹp vậy.

Tôi để tôi nhảy vào lòng sự trống rỗng...

Khi tôi nhận diện ra tự tánh của chính đối tượng, của những khái niệm được ước lệ với nhau như thế, thì tôi cũng nhận diện ra chiều ngược lại, nghĩa là khi tôi nhìn cái "không A" tôi nhận ra thấp thoáng ẩn tàng đâu đó "cái A". Như tôi nhìn mặt trời, cơn gió, áng mây... thì tôi cũng nhìn thấy thấp thoáng trong đó có hạt giống, có cột nhà, mái nhà, nền nhà, căn nhà... "Cái không A" ẩn tàng "cái A", cái "không có mặt" ẩn tàng cái "có mặt".

Khi tôi nhận thấy sự thật ấy, tôi phát hiện ra rằng, chưa từng có cái gì được sinh ra lẫn mất đi. Cha mẹ tôi gọi là mất, nhưng lại đang hiện hữu trong sự hiện hữu của tôi. Ngược lại, tôi cũng thấy chính tôi hiện hữu, ngay cả khi mẹ tôi chưa mang thai tôi. Sinh thành và hoại diệt, chỉ còn là những khái niệm ước lệ tạm thời, gọi tên một sự vật hiện tượng nào đó, được khu biệt trong giới hạn thời gian nào đó, nhưng ngay cả cái khu biệt ấy, cũng chỉ là những khái niệm giả danh, khái niệm ước lệ. Tự thân chúng vốn đã trống rỗng một sự cố định, tuyệt đối, duy nhất.

Tôi để tôi nhảy vào lòng sự trống rỗng...

Sự trống rỗng - nghĩa là không có cái gì tuyệt đối, bất định...; ngược lại chúng dung thông, ẩn chứa, phản chiếu và tồn tại trong nhau. Và lúc này, tôi nhìn thấy nhiều đời nhiều kiếp của tổ tiên tôi cũng đang uống trà, cũng đang gõ phím lách cách, cho những con chữ hiện hữu trên màn hình. Không một ai mất đi, không một ai sinh ra. Tất cả đều đang có mặt.

Khi tất cả đồng thời cùng hiện diện, thì có gì thật là sinh thành hay hoại diệt? có gì thật là được và mất? có gì thật là thắng và bại? Không, không có gì hết. Chỉ là ngôn ngữ ước lệ, khái niệm ước lệ... Ước lệ, nghĩa là thay đổi được, và như vậy, gọi là sống cũng được mà chết cũng được, gọi là thắng cũng được mà thua cũng được, gọi là được cũng được mà gọi là mất cũng được... 


Tôi để tôi nhảy vào lòng sự trống rỗng... vậy mà tôi thấy tôi là tất cả, tất cả cùng đồng thời hiện diện trong tôi, đầy tràn, phong nhiêu, sung mãn... 

Và xin đừng quên, mọi thứ được định danh, mọi điều tôi viết, kỳ thật, cũng chỉ là giả danh, cũng chỉ là ước lệ mà thôi!

(20/6/2020)

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
1 Comments

1 nhận xét:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất