Đường biên của số đông...



Đã 12 giờ đêm của ngày cũ rồi, cũng có thể là 0h của ngày mới. Gọi là ngày cũ cũng được mà ngày mới cũng không sao. Tôi tự nhiên thích khoảnh khắc này, khoảnh khắc giao thời giữa cũ và mới, khoảnh khắc mà ta có quyền đặt tên cho thời gian bằng khái niệm mà mình thích, mà không vi phạm quy tắc ước lệ của số đông. 


Có lẽ tôi thích đứng ở đường biên của số đông...

Số đông - khái niệm nhiều hơn một. Ở đó, cái một bị mất đi, bị hoà tan bản sắc, hình thành một bản sắc mới, không thuộc một cá thể nào, nhưng không thể tách ra khỏi bản sắc của cá thể. Bản sắc của số đông là một khái niệm khiên cưỡng, không thuộc về ai cả, nhưng tách ra khỏi cá thể thì số đông cũng vô nghĩa.

Bản sắc của số đông - đôi khi là phép cộng của "nhiều hơn một", nhưng đôi khi cũng là phép trừ của "cái một", vì trong số đông, cái một chỉ còn là một phần, một phần rất nhỏ. Số đông trở thành một sự tổng hoà những điểm chung của "những cái một", hoà tan đi những dị biệt. Và vì thế, bản sắc của số đông, có nhiều cái cá biệt, nhưng không thuộc cái cá biệt nào.

Có lẽ tôi thích đứng ở đường biên của số đông...

Đứng ở đường biên, nghĩa là không thuộc về bên này, không thuộc về bên kia. Đứng giữa, trung đạo, mà mỗi một bên, được lấy một chút. Và do vậy, bên này bảo tôi ở bên kia cũng đúng, mà bên kia bảo tôi ở bên này cũng đúng, và khi đó, tôi không thuộc về bên nào hết. Nhưng nếu bên này bảo tôi thuộc về bên này, bên kia bảo tôi thuộc về bên kia cũng đúng, và khi đó, tôi thuộc về cả hai.

Đứng ở đường biên, nếu tôi không thuộc về cả hai, thì tôi cũng chẳng có gì gọi là bản sắc riêng, mà bản sắc của số đông cũng không có nốt. Và khi đó, người ta coi tôi là dị biệt, là lập dị. Nhưng nếu tôi thuộc về cả hai, thế thì khi đó, tôi vừa có thể là tôi, nhưng tôi cũng có thể là chúng tôi, chúng ta, là số đông. Và khi đó, tôi đảm bảo, kiểu gì, ở đâu, vào bất cứ khi nào, tôi cũng sống thoải mái.

Có lẽ tôi thích đứng ở đường biên của số đông....

Là người lập dị, nghĩa là không giống ai cả. Mà thử hỏi, trên 7 tỷ người ở quả địa cầu này có ai giống nhau đâu. Ngay cả anh chị em sinh đôi, cùng thừa hưởng một hoàn cảnh sống và trình độ giáo dục giống nhau, thì giữa người này với người kia đã có sự khác biệt. Bàn tay có ngón ngắn ngón dài, người có người này người khác, vân tay trên mỗi cá thể là duy nhất. Thế thì ai cũng lập dị hết. Nhưng vì ai cũng lập dị, nên nó trở thành mẫu số chung, và người ta gọi nó bằng cái tên mỹ miều: cá tính, bản sắc riêng, cái tôi độc đáo...

Vì ai cũng lập dị, nhưng lại cùng chia sẻ một không gian sống và cùng cách thức sống như nhau, nghĩa là ai cũng cần nước để uống, oxi để thở và thực phẩm để nuôi dưỡng cơ thể... nên vì những cái chung đó, người ta buộc phải đi tìm "cái chung" giữa những điều lập dị. Xã hội, nhà nước, các thiết chế văn hoá... được hình thành là nhằm điều hoà những cái riêng đó thành cái chung, cái tạm gọi là phổ quát có thể chấp nhận được để cộng sinh lẫn nhau. Không gian sống càng gần nhau thì càng có nhiều điểm chung, như tương đồng về ngôn ngữ, về tôn giáo, về ăn mặc, về sinh hoạt, về sản xuất... Bởi nếu không chia sẻ cái chung này, thì không gian sống chung kia sẽ trở thành một chiến trường không ngơi tiếng súng. Do vậy, cái chung cho số đông là vì sự sống còn cho từng cá thể riêng biệt.  

Có lẽ tôi thích đứng ở đường biên của số đông...

Khi chấp nhận tham gia vào số đông, nghĩa là phải tuân thủ các nguyên tắc sống mà ở đó mỗi cá thể phải tự hạn chế cái quyền tự do vô giới hạn của mình. Các nguyên tắc được lập ra, dựa trên thoả thuận của số đông, cũng có khi là dựa vào nhu yếu sống của số đông đó. Ví dụ như nguồn nước, nếu ai cũng giành dòng chảy kia về ruộng của mình sẽ dẫn đến chiến tranh, do vậy, thay vì phải đổ máu, người ta thương thảo để nguồn nước ấy được chia đều cho cả hai. Khi nguồn nước chia đều, nghĩa là mỗi cá thể phải chấp nhận nước về ruộng của mình ít đi một chút. Không chấp nhận điều này, sẽ không có pháp luật, không có nhà nước.... 

Số đông - do đó, được hiểu là một tập hợp, được hình thành, nhằm tìm kiếm điểm chung giữa hai hoặc nhiều cá thể. Điểm chung này, không phải là toàn bộ cá thể, mà chỉ là một phần rất nhỏ của cá thể, sao cho một phần nhỏ này tương đồng với phần nhỏ của cá thể kia. Bởi thực tế, không có toàn bộ cá thể nào tương đồng với toàn bộ cá thể nào. Nhìn một chiều hướng khác, gọi là số đông - nghĩa là nhiều hơn một - nhưng lại là nhỏ hơn một. Nhỏ hơn cái toàn bộ của cá thể, vì chúng chỉ chiếm một phần của cá thể chứ không phải toàn bộ cá thể, nhưng lại nhiều hơn cá thể, vì chúng tổng hoà của nhiều cá thể. 

Có lẽ tôi thích đứng ở đường biên của số đông...

Số đông là nhiều hay ít so với cá thể? Gọi là nhiều cũng được mà gọi là ít cũng được. Thế nhưng, trong thực tế, cái việc hơn kém này đã dẫn đến biết bao tang thương cho lịch sử loài người. Bởi một số quan điểm, đã đưa cái số đông này lên một cách thái quá, đến mức xoá luôn bản sắc của cá thể. Ăn, mặc, ở... cho đến ngay cả cái suy nghĩ cũng phải một chiều, cái chiều mà người ta gọi nôm na là "lề phải". Cá nhân trong cái tập thể đó trở thành số 0 tròn trĩnh, mà ở đó, sự sống của cá nhân như một mắt xích hay một công đoạn của đường dây sản xuất lớn, mà ở đó, ngay cả việc yêu ai, cưới ai... cũng phải chờ tổ chức số đông chỉ định và cấp phép.

Trong chiều ngược lại, có những quan điểm cho cá nhân cao hơn tập thể, lớn mạnh hơn số đông, để rồi cả một xã hội bị chi phối, bị quyết định bởi ý chí chủ quan của một cá nhân nào đó. Cá nhân quyết định lịch sử và vận mệnh của số đông, đôi khi nó đi đúng đường, đôi khi nó cũng dẫn đến những hoạn lộ bi đát. Khi cá nhân được đề cao một cách thái quá, thì sự vận hành của số đông không còn liền mạch và đôi khi thiếu tính logic, cản trở chiều hướng đúng đắn có lợi cho tất cả. Cái tính cá nhân này, nó cũng đủ giảo hoạt để thể hiện, đôi khi nó tự vỗ ngực tự nhận nó là cá thể mà không sợ đến hai chữ "độc tài", nhưng thỉnh thoảng đâu đó, nó cũng lại núp bóng "số đông" để thi hành ý chí của một cá thể nào đó, chỉ bởi nó không thích hai chữ "độc tài". Hình thức núp bóng "số đông" này, lươn lẹo trườn bò như rắn, không dễ để nhận diện và cũng không dễ để định danh.

Có lẽ tôi thích đứng ở đường biên của số đông...

Tôi thích đứng ở đường biên, nghĩa là, tôi không muốn đánh mất mình cho số đông. Sự hiện hữu của mỗi cá thể chỉ có ý nghĩa khi cá thể này có cái gì đó khác cá thể khác. Tất cả đều trơn tru, phẳng lỳ, vuông thành sắc cạnh như những viên gạch được sản xuất từ một nhà máy, thì cuộc sống không những không còn ý nghĩa mà kỳ thật cũng chẳng còn gì thi vị. Có thể vẫn là những hoạt động sinh hoạt như bao người khác, nghĩa là vẫn sinh lão bệnh tử như nhau, nhưng hãy sống sao cho cái sinh lão bệnh tử của mình phải khác người khác, không nói hơn hay kém, nhưng phải khác, phải có dấu ấn của riêng mình, để mình được là mình, chứ không phải là phiên bản A hay A' của bất kỳ thần tượng A nào. Sống mà không có sự khác biệt thì chết đi cho rồi.

Tôi thích đứng ở đường biên, nghĩa là, tôi vẫn thuộc về số đông, thuộc về một tập thể, một nền văn hoá, một truyền thống, một quốc gia, một dân tộc nào đó. Nghĩa là, tôi chấp nhận tất cả các nguyên tắc sống chung mà tập thể ấy quy ước và định chế với nhau. Vi phạm nó, tôi sẽ bị cộng đồng ấy đào thải. Chấp nhận nguyên tắc sống chung, thế thì, tôi phải chấp nhận lược bớt những tự do của tôi, khi cái tự do ấy vi phạm vào không gian tự do của người khác hoặc vi phạm quy tắc sống chung của số đông. Tôi chấp nhận lược bớt, nghĩa là, tôi không cho phép tôi đứng cao hơn tập thể. Tôi hài hoà với tập thể, theo đúng nghĩa, tôi xin đóng góp vào cái tập thể ấy, phần chung hay phần gần giống hay phần lợi ích mà tôi và tập thể ấy tương đồng.

Có lẽ tôi thích đứng ở đường biên của số đông...

Tôi là cá thể - mà cá thể thì không phải là tập thể - nên tôi phải là tôi, nếu tôi đánh mất tôi thì sự sống của tôi trở thành vô nghĩa. Nhưng vì tôi là cá thể tồn tại trong cộng đồng - nghĩa là bị lược bớt một phần cái tôi, nên tôi phải hài hoà cái tôi ấy trong lợi ích số đông thì sự tồn tại của tôi mới có ý nghĩa.

Và do vậy, bản chất của đường biên - trung đạo - con đường giữa cá nhân và tập thể, giữa cá thể và số đông - là con đường uyển chuyển bên này một chút bên kia một chút, tuỳ thời gian và hoàn cảnh mà có thể lúc này bên này nhiều hơn, lúc khác bên khác nhiều hơn... Con đường này, không nên tuyệt đối cứng nhắc, cố định... bởi nếu cố định thì nó không còn là đường biên, nó không còn là trung đạo nữa.


Đường biên - lý thuyết thì dễ mà thực tế trong cuộc sống cần một lý trí tỉnh táo và một trái tim đầy nhạy cảm, để biết khi nào mình làm gì và không làm gì.

Là mình nhưng hài hoà, không đánh mất mình nhưng sự tồn tại ấy đem lại lợi ích cho số đông - lý thuyết ai cũng dạy ta như vậy, nhưng chỉ có thông qua sự kiểm thảo của trí năng cùng kinh nghiệm sống thực tiễn, mới thực sự biết khi nào cần là mình và khi nào phải quên "cái tôi" cá thể của mình đi.


Muốn giọt nước không bị bốc hơi thì hãy đem thả giọt nước ấy vào đại dương
Và khi ấy, cả đại dương cũng đang nằm trọn vẹn trong lòng một giọt nước.

(23/6/2020)


CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất