Tự ngôn của Trí Không (4)


TRÍ KHÔNG ĐÃ NÓI NHƯ THẾ

Trong khi mọi người đang ngước mắt nhìn vào những ngôi sao đang phát sáng, tỏa hào quang trên những sân khấu của chính trị, tôn giáo, kịch nghệ...thì Trí Không ta thường đứng đằng sau hậu cảnh. Và nhờ thế hắn nhìn thấy toàn vẹn những vở kịch được diễn ra và biết chúng chỉ là kịch, được nhìn thấy khán thính giả đang reo hò và biết chúng chỉ là trò cười trong thoáng chốc. Hắn nhếch mép và trò chuyện với đồng loại của mình - người trông xe ngoài cổng rạp.

"Này anh bạn trẻ, nếu anh được một ai đó trông xe thay cho anh, anh sẽ vào xem họ biểu diễn chứ?". Người trông xe phá ra cười nắc nẻ: "Tôi không dư tiền và cũng chẳng có điên. Nếu bây giờ, chỉ cần được sếp cho về sớm, hẳn tôi sẽ về chơi với đứa con và trò chuyện với vợ của mình. Đã quá lâu rồi, tôi và gia đình chưa được dịp ăn chung nhau một bữa cơm tối".

Trí Không sẽ khởi đầu với tự ngôn của mình bằng vài lời nhẹ nhàng như thế này thôi: Hãy học người trông xe, hỡi loài người ngu ngốc. Những vở kịch trên sân khấu, những tiếng vỗ tay rẻ tiền không đáng giá bằng một bữa cơm đạm bạc của người trông xe. Biết trân trọng những gì bình dị là biết cảm thụ cuộc sống. Biết yêu thương những gì bình dị là biết sống trong hạnh phúc của người khôn ngoan.

Đã đến lúc con người nên thôi chạy theo những vở kịch do tự mình vẽ ra và tự mình khen đẹp. Đã đến lúc con người nên quay về khám phá kho tàng trân quý ngay trong từng bước chân qua.

Thế giới loài người chưa đoạn tuyệt với gốc rễ mà từ đó họ sinh ra. Nhưng hạt giống trinh sơ nguyên bạch ấy sẽ sớm ngày khô kiệt nếu con người vẫn mải mê chạy theo những hào nhoáng của vở kịch rẻ tiền, cùng ánh đèn sân khấu mong manh.

Than ôi! Lời than khẩn thiết của Trí Không chưa ngừng nghỉ, khi thế giới loài người vẫn chưa ngừng đóng kịch cho nhau xem.

Trời ơi! Lời kêu thảm thiết của Trí Không vẫn rền vang bên tai, khi lỗ tai của thiên hạ vẫn bị bít bùng bởi trăm ngàn lớp của si mê ảo tưởng.

Ta nói thật với các ngươi điêu này: chỉ có kẻ ngu mới cần sự trật tự, chỉ có kẻ dốt mới mong ổn định. Vì trong trật tự, bọn chúng được kê cao gối ngủ ngon. Vì trong ổn định, cái não bộ bất hoạt của chúng mới thôi bộc lộ cho mọi người thấy.

Thế nào là một xã hội hỗn mang? Ấy là một xã hội mà kẻ thật sự giỏi hơn là kẻ chiến thắng. Và ta, ngươi, xã hội này đang còn mang những hạt giống của sự hỗn mang. Sứ mệnh của ta, của người, của chúng ta là khuấy động sự hỗn mang cho người tài được thể hiện.

Thế nào là một xã hội vô trật tự? Ấy là một xã hội mà tất cả những gì ưu thắng nhất đều được kinh qua những bãi chiến trường khốc liệt. Hắn không cần thứ ảo tưởng của sự tự phong, càng không cần sinh ra đã được ngồi trên ghế thủ lĩnh, càng không cần phải sống bám vào thứ lịch sử đã chết để tự cho mình cái quyền thắng vượt.

Nên nhớ, Trí Không bảo rằng: chỉ có kẻ ngu mới cần sự ổn định và trật tự. Hắn ngu nên cần phải cào bằng mọi thứ. Hắn ngu nên cần nề nếp thẳng ngay. Hắn ngu nên sợ những thứ tài năng của người khác vẫy vùng. Hãy nhìn xem, những kẻ ngu đang run rẩy trước những hạt giống hỗn mang, bất định như thế nào?!

Cứ đem tình yêu, sáng tạo, khát vọng, ngôi sao trên trời... cho những kẻ ngu xem? Zarathustra bảo rằng kẻ hạ đẳng nhất loài người sẽ ngơ ngác về chúng. Nhưng ta, Trí Không, lại bảo với ngươi rằng: chúng không ngơ ngác, mà chúng run rẩy và sợ hãi.

Hạnh phúc trong mắt những kẻ ngu chỉ là những gì có thể nắm được trong tay, quản lý bằng mệnh lệnh... Những thứ rẻ tiền, nằm ngoi ngóp dưới chân... Và kẻ ngu nắm được cái nào trong tay thì cái đó là hạnh phúc.

Còn tình yêu thì sao? Không, chúng quá vĩ đại, chúng quá linh thiêng, chúng quá huyền diệu. Chúng vượt tầm thấy biết của những kẻ ngu. Và vì thế, kẻ ngu khống chế tình yêu bằng đạo đức, bằng tôn giáo, bằng luật pháp, bằng dư luận xã hội. Chúng lôi tuột tình yêu, thứ từ trên trời, thành chuyện sinh con đẻ cái di truyền nòi giống.

Còn sáng tạo thì sao? Không, chúng quá tự do, chúng quá bất định, chúng quá mông lung. Chúng vượt lên tầm với của những kẻ ngu. Và vì thế, kẻ ngu định danh sự sáng tạo bằng cương lĩnh, bằng chủ trương, bằng chính sách, bằng lô lốc những rào cản thông qua kinh tế, để biến kẻ sáng tạo thành những thằng hề múa cho chúng xem những gì chúng cần cho việc cai trị.

Zarathustra ca thán rằng: chẳng có một kẻ chăn chiên, rặt một đàn cừu. Đó là cảm thán trong thời đại của ông ta. Còn thời đại này, Trí Không nói rằng: chẳng có một con cừu, rặt một đám cỏ khô. Không ăn được, không sống được, không xanh được. Chỉ có thể đốt bỏ.

Những kẻ ngu cần những kẻ ngu, và xem kìa, chúng đang chê nhau dân trí thấp đấy.... Một đám cỏ khô nhao nhao bén lửa.

Những kẻ ngu cỡi trên những kẻ ngu, và xem kìa, chúng đang bảo phải nghe lời nhau đấy... Một đám cỏ khô nhao nhao cháy.

Nhưng yên tâm đi, chúng sẽ lại thanh minh, giải thích... và những kẻ ngu thì nhanh quên những hành động ngu ngốc, bởi sẽ lại có những hành động ngu ngốc hơn nổi lên để cho thiên hạ nhao nhao bén lửa. Họ sợ một vài câu nói làm đau dạ dày nhau, nhưng họ còn sợ hơn những ngọn lửa do sự va chạm của đám cỏ khô làm bốc lên ngọn lửa thiêu rụi lớp vỏ rẻ tiền: họ sợ họ biết mình đang ngu.

Đến đây, Trí Không tạm khép lại Tự ngôn về sự ngu ngốc. Và ta biết thiên hạ sẽ lại nhao nhao lên rằng: sao Trí Không lại mãnh liệt, lại cuồng ngôn, lại kiêu ngạo đến thế... Cứ mặc đi, dẫu ta có cuồng ngôn chửi rủa thế nào đi chăng nữa, thì vẫn chưa đủ cho đám cỏ khô tự bén lửa thiêu rụi sự ngu ngốc của chính mình.

Bởi trong sự ngu ngốc, hắn còn thấy đó là chiếc ghế quyền lực của ổn định và trật tự. Vì thế, dẫu có biết ngu ngốc, hắn cũng sẽ không bao giờ bộc lộ chúng ra, càng không bao giờ dám tự đốt cháy chính mình.

Bởi trong sự ngu ngốc, hắn còn thấy đó là sự yên ấm và tươi vui của những vở kịch rẻ tiền. Vì thế, dẫu có biết diễn viên chính có bị ung thư với chuyện tình yêu đầy bi tráng trên phim, thì hắn vẫn thích kìm kẹp tình yêu của mình trong lớp áo của đạo đức, của tôn giáo, của dư luận xã hội ngoài đời thực mà thôi.

Thế nên,

Đám cỏ khô thì cứ làm đám cỏ khô cho đến ngày chưa bị bén lửa.
Con cừu con thì cứ làm con cừu con cho đến ngày chưa bị xẻ thịt.
Zarathusta đã từng xót xa đến băng giá cho tiếng cười của đàn cừu
Còn ta đang chà xát hòn đá tảng cho đám cỏ khô kia sớm ngày bén lửa.

Đốt sạch, đốt hết, bởi những ngôi sao đích thực chỉ được sinh ra trong hỗn mang.
Đốt sạch, đốt hết, bởi những anh hùng đích thực phải được sinh ra trong vô trật tự.

Ngoài hỗn mang và vô trật tự, thì chỉ đáng là sân khấu cho lũ ngu thích cào bằng tất cả.

Trí Không đã nói như thế...

Trò chuyện cùng Nietzsche
Qua Zarathustra đã nói như thế

(9/6/15)


ZARATHUSTRA ĐÃ NÓI NHƯ THẾ
Tự ngôn của Zarathustra

Khi Zarathustra đã nói xong những lời này, hắn lại nhìn đám dân chúng lần nữa, rồi im lặng tự nhủ lòng mình: 

Họ đang phá ra cười kìa; họ chẳng hề hiểu ta, miệng ta không hợp cho những lỗ tai đó. 

Liệu ta có phải chọc thủng tai họ để cho họ học nghe bằng mắt? Liệu ta có phải đánh chũm chọe và la gào như những linh mục thuyết giáo trong tuần chay? Hoặc giả dân chúng chỉ tin vào những kẻ ăn nói cà lăm? 

Họ có một cái gì đó làm họ hãnh diện. Vậy, họ gọi tên cái đang làm họ hãnh diện là gì? Họ gọi đó là nền văn minh, chính nền văn minh làm họ khác biệt với kẻ chăn dê. 

Chính vì thế, về những người đó, họ không thích nghe chữ “khinh bỉ”. Vậy thời ta sẽ ngỏ lời với lòng kiêu hãnh của họ. 

Ta sẽ nói cho họ nghe về điều đáng khinh bỉ hơn cả: đấy là con người cuối cùng hay con người hạ đẳng nhất.

Và Zarathustra nói với dân chúng như vầy: 

“Đã đến lúc con người tự đặt cho mình một mục tiêu. Đã đến lúc con người vun trồng mầm mống hy vọng cao đại nhất của mình. 

Đất đai con người hiện giờ hãy còn khá màu mỡ. Nhưng một ngày kia, đất đai ấy sẽ thành khô kiệt nghèo nàn, và chẳng một cây đại thụ nào còn có thể mọc lên ở đó nữa. 

Than ôi! Đã gần đến lúc mà con người không còn bắn vượt qua con người mũi tên của khát vọng họ, lúc mà dây cung của họ sẽ không thể rung vang nữa! 

Ta nói thật cùng các ngươi điều này: phải còn mang theo mình sự hỗn mang, mới có thể làm nảy sinh một ngôi sao lung linh điệu vũ. Ta nói thật cùng các ngươi điều này: các ngươi đang mang trong bản thân mình một sự hỗn mang. 

Hỡi ôi! Đã gần đến lúc mà loài người không còn khai sinh ra những vì sao mới trên trần thế nữa. Hỡi ôi! Đã gần đến lúc xuất hiện kẻ đáng khinh bỉ nhất của loài người, kẻ không còn tự biết khinh bỉ chính mình. 

Này đây, ta tả cho các ngươi về con người hạ đẳng nhất. 

“Tình yêu? Sáng tạo? Khát vọng? Sao trên trời? Mấy cái đó là thứ gì vậy?” Con người hạ đẳng nhất hỏi như thế và nheo nheo một mắt. 

Mặt đất sẽ trở thành chật hẹp hơn và con người hạ đẳng nhất nhảy cà tưng cà tang trên đó, con người thu nhỏ tất cả mọi sự lại. Dòng giống hắn cũng vững bền không thể hủy diệt được như loài rệp cây; con người hạ đẳng nhất là kẻ sống rất dai. 

“Chúng tôi đã phát minh ra hạnh phúc”, những người hạ đẳng nhất nói như thế và họ nheo nheo một mắt. 

Họ đã bỏ rơi những xứ miền ở đó đời sống kham khổ: vì họ đang cần sức nóng. Họ hãy còn yêu kẻ láng giềng đồng loại và họ cọ xát vào người này: vì họ đang cần hơi nóng. 

Đối với họ, ngã bệnh hoặc sống với lòng hoài nghi là một tội lỗi: họ thận trọng tiến bước trên đời. Thật quả là kẻ điên mới còn va chạm những hòn đá hay những con người! 

Một ít thuốc độc nơi này, nơi nọ: điều đó ban cho họ những giấc mộng thoải mái. Và sau cùng, nhiều thuốc độc để được chết một cách thoải mái. 

Người ta cũng hãy còn làm việc, vì việc làm là một sự phóng tâm tiêu khiển. Nhưng người ta cẩn trọng lưu tâm sao cho sự phóng tâm tiêu khiển ấy không làm mình mệt. 

Người ta không còn trở thành nghèo hay giàu nữa: chuyện đó quá đỗi khó nhọc. Ai là kẻ còn muốn cai trị? Ai là kẻ còn muốn được vâng lời? Chuyện đó quá đỗi khó nhọc. 

Chẳng có lấy một người chăn chiên, chỉ rặt một đàn cừu! Ai nấy đều ước muốn cùng một điều; mọi người đều bình đẳng: kẻ nào mang một tâm trạng khác sẽ sẵn lòng vào nhà thương điên. 

“Ngày xưa, mọi người đều điên cả”, những kẻ tinh tế nhất trong bọn họ bảo thế, và họ nheo nheo một mắt. 

Họ thận trọng và biết tỏ tường những gì đã xảy ra: đến độ họ không ngớt chế giễu mình về chuyện ấy. Họ cũng còn cãi vã nhau đấy, nhưng để rồi hòa giải với nhau ngay - sợ rằng làm đau dạ dày. 
Họ cũng hơi thinh thích ban ngày và hơi thinh thích ban đêm: nhưng điều họ tôn sùng là sức khỏe. 

“Chúng tôi đã phát minh ra hạnh phúc”, những con người hạ đẳng bảo thế, và họ nheo nheo một con mắt”. 

Đến đây kết thúc bài thuyết pháp đầu tiên của Zarathustra, bài thuyết pháp cũng được người đời gọi là “Tự ngôn”[5], bởi vì vào lúc ấy, Zarathustra bị ngắt lời bởi những tiếng kêu thét và nỗi vui mừng nhốn nháo của đám đông. “Hỡi Zarathustra! Hãy ban cho chúng tôi con người hạ đẳng nhất ấy - họ kêu lên, - hãy làm cho chúng tôi trở thành giống như những người hạ đẳng nhất ấy! Chúng tôi sẽ khỏi mang nợ Siêu nhân của Zarathustra!” Và toàn thể dân chúng vui mừng sung sướng chậc lưỡi nghe rào rào. Song Zarathustra buồn bã tự nhủ lòng mình: 

“Họ chẳng hề hiểu ta: miệng ta không có lời hợp cho những lỗ tai đó. 

Hẳn là ta đã sống quá lâu trên núi, ta lắng nghe quá nhiều âm thanh suối nước róc rách cùng tiếng cây cối rì rào: giờ đây ta lại nói với họ như nói với những kẻ chăn dê. 

Linh hồn ta thanh thản trong sáng như một ngọn núi ban mai. Nhưng họ lại tưởng ta là người lạnh lẽo và xem ta như một kẻ làm trò hề đang thốt những lời bông lơn trâng tráo. 

Và kìa, họ đang nhìn ta và cười rộ: trong khi cười, họ vẫn còn thù ghét ta. Có nỗi gì băng giá trong tiếng cười của họ”. 

(Còn tiếp)





CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất