Trầm tư cùng Trí tuệ



- Này Trí Không, sao ông chưa đi ngủ. Ông ưu tư điều gì mà chưa ngủ thế?

- Bạch Đức Thế Tôn, con đang tìm Ngài nên con chưa ngủ được.

- Ông tìm ta ư, Trí Không? Ông hiểu như thế nào về Ta mà muốn tìm ta?

- Bạch Đức Thế Tôn, con đã từng nghĩ Ngài là một ông Bụt toàn năng. Ngài sẽ xuất hiện khi con bị rơi vào vòng xoáy của chấp mắc, của phiền não, của đau khổ?

- Sau đó thì sao, Trí Không?

- Bạch Đức Thế Tôn, sau đó con nhận ra rằng cái thấy biết xưa kia của con là sai lầm. Con suy ngẫm, con tìm hiểu,... sau đó con nhận ra Ngài là một con Người, một vị Thái Tử, bỏ cung vua xuất gia tìm đạo và đã đắc đạo.

- Sau đó thì sao, Trí Không?

- Bạch Đức Thế Tôn, sau đó con nhận ra Ngài không chỉ là một vị Thái Tử. Con tìm Ngài qua 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Con tìm Ngài qua sự hoàn hảo của nhân cách và đạo đức. Con tìm Ngài qua những lời dạy trác tuyệt cùng những phương pháp giải thoát mọi khổ đau, phiền não.

- Sau đó thì sao, Trí Không?

- Bạch Đức Thế Tôn, sau đó con nhận ra Ngài không chỉ là cá nhân một con người trác tuyệt mà sự trác tuyệt của Ngài có trong mỗi chúng sinh, trong con, trong từng sự vật, trong những loài sinh từ trứng, hoặc sinh từ thai, hoặc sinh từ loài ẩm ướt, hoặc từ sự biến hóa, hoặc có hình sắc, hoặc không có hình sắc, hoặc có tri giác, hoặc không có tri giác, hoặc không phải có tri giác...

- Còn bây giờ thì sao, Trí Không?

- Bây giờ ư, bạch Đức Thế Tôn. Bây giờ con nhận ra rằng tất cả những gì con đã từng nghĩ, từng hiểu xưa kia đều sai lầm hết. Con nhận ra rằng nếu muốn tìm Như Lai qua những tướng tốt và vẻ đẹp, về những lời dạy đạo đức, về hình ảnh được viết trong kinh sách... thì mãi mãi con không bao giờ thấy được Như Lai.

- Vậy ông định tìm Ta qua điều gì, Trí Không?

- Bạch Đức Thế Tôn, con nghĩ rằng, nếu ngày nào con vẫn còn vướng mắc vào Ngã, vào Nhân, vào Chúng sinh, vào Thọ giả... thì ngày đó Như Lai không phải là thật Như Lai, mà chỉ là Như Lai của Ngã, của Nhân, của Chúng sinh, của Thọ giả mà thôi.

- Đúng thế, này Trí Không, ta bảo cho ông biết rằng, nơi nào còn vướng vào Tướng thì nơi đó còn chịu sự chi phối của vô thường. Nơi nào còn chịu sự chi phối của vô thường thì nơi đó cái thấy của ông còn bị lường gạt. Vì sao vậy? Vì còn chấp vào 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp thì còn chấp vào Ngã, Nhân, Chúng sinh, Thọ giả. Vì thế, muốn thấy Như Lai, ông phải thấy được cái tướng Không Tướng, nói đúng hơn, là phải thấy được cái Không Tướng của Tướng.

- Bạch Đức Thế Tôn, Ngài có thể chỉ dạy cho con được rõ không ạ?

- Này Trí Không, ông có nghĩ rằng Như Lai là người đang nói Pháp không? Không, Trí Không ạ. Như Lai không có pháp gì để nói cho ông hết. Nếu ông còn mắc kẹt vào Pháp thì vẫn còn đó Người đang nói Pháp, Người đang nghe Pháp, Pháp được nói... và vì thế ông vẫn chưa thoát ra được sự chi phối của Ngã, Nhân, Chúng sinh, Thọ giả. Này Trí Không, ông phải nghĩ rằng, cái mà Như Lai gọi là Pháp, thật ra không phải là Pháp. Chúng chỉ là chiếc bè, chúng cần phải buông bỏ. 

- Bạch Đức Thế Tôn, nếu như vậy, theo như con hiểu, thì Như Lai chưa từng nói Pháp, và chẳng có Pháp nào gọi là chứng đắc?

- Đúng thế, Trí Không ạ. Tất cả những danh tự mà thế gian hay xưng tán về ta như Ứng cúng, Chính biến tri... cho đến Điều Ngự, Trượng Phu, Thiên Nhân sư, Phật, Thế Tôn đều chỉ là giả danh. Tất cả những Pháp mà thế gian nói ta đã chứng đắc như Tứ đế, Bát chính đạo, Thập nhị nhân duyên... thật ra chẳng có Pháp nào gọi là chứng đắc. Những danh tự như Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ... ông phải hiểu chúng chẳng phải là Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ... Ấy mới thực là Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí Tuệ. Ngay kể cả những cái mà ta gọi là phước đức, ấy cũng chẳng phải là phước đức, mà tạm gọi là phước đức, vậy thôi.

- Bạch Đức Thế Tôn. Những lời dạy của Ngài thật đã khai sáng cho con rất nhiều. Bây giờ con đã hiểu vì sao bấy lâu nay, dẫu có thao thức và ưu tư từ đêm nay qua đêm khác, mà Như Lai trong con vẫn biệt tăm biệt tích.

- Này Trí Không, ông đừng nghĩ Như Lai khai sáng cho ông. Sự thật vốn sẵn đó, như mặt trời vẫn đang chiếu sáng khắp tam thiên đại thiên. Như Lai chẳng có gì khai sáng cho ông cả. Nếu Như Lai nghĩ rằng Như Lai vừa khai sáng cho ông, thì Như Lai lại kẹt vào khái niệm Ngã, Nhân, Chúng sinh, Thọ giả. Ông nên hiểu rằng, Như Lai không nằm trong hình tướng, không nằm trong việc thuyết pháp, không bị kẹt lại ở việc chứng đắc. Như Lai mà không phải là Như Lai, mới thật là Như Lai; cũng như chứng đắc mà không phải là chứng đắc, mới thật là chứng đắc.

- Bạch Đức Thế Tôn, vậy con làm gì để phát tâm Vô thượng chính đẳng chính giác? 

- Này Trí Không ơi, hãy lấy tinh thần vô sở trụ mà phát tâm. Thế nào là phát tâm trong tinh thần vô sở trụ. Ấy là, không nên dựa vào sắc mà phát tâm, cho đến thanh hương vị xúc pháp cũng như vậy. Vì Tâm quá khứ, cho đến Tâm hiện tại và cả Tâm vị lai đều không nắm bắt được nên ông cũng đừng để mình bị mắc kẹt vào việc phát tâm vô thượng chính đẳng chính giác. Đấy là điều mà Như Lai hay gọi là, không phải là phát tâm vô thượng chính đẳng chính giác mới thật là phát tâm vô thượng chính đẳng chính giác.

- Bạch Đức Thế Tôn, phải chăng khi phát tâm vô thượng bồ đề, con cần phải buông bỏ tất cả các khái niệm cũng như sự dính mắc vào khái niệm?

- Đúng thế, Trí Không ơi. Ông nên hiểu rằng, tất cả các khái niệm đều không phải là khái niệm, chúng chỉ là giả danh. Nếu buộc lòng dùng khái niệm, thì ông phải thoát ra khỏi ý niệm về thật và hư, về được và mất... Như thật Pháp là bình đẳng, không có cao thấp, không có thường đoạn, không có diệt sinh... Ngay kể cái mà ta gọi là Ngã, Nhân, Chúng sinh, Thọ giả cũng không phải là Ngã, Nhân, Chúng sinh hay Thọ giả, nên ta mới gọi là Ngã, Nhân, Chúng sinh hay Thọ giả.

- Bạch Đức Thế Tôn, vậy Như Lai mà con tìm kiếm bấy lâu nay không từ đâu tới và cũng không đi về đâu, vì vậy cho nên gọi là Như Lai. Điều mà chúng con gọi là pháp Như Lai nói không phải là pháp, cho nên mới gọi là pháp. Điều mà chúng con gọi là thế giới, thật ra chỉ là một hợp tướng không có thực chất, chúng chỉ là ước lệ của ngôn từ ?!

- Hay lắm Trí Không ơi, bây giờ thì ông có thể nhắm mắt, mỉm cười... cho những gì Ta sẽ nói sau đây, giải thuyết mà không vướng kẹt, như như vận hành mà không động chuyển, trong ý nghĩ, lời nói và việc làm của ông nhé: 

Tất cả pháp hữu vi
Như mộng, huyễn, bọt, bóng
Như sương, như chớp loé
Hãy quán chiếu như thế.


Sau khi Như Lai nói bài kệ này, chỉ còn hơi thở đi vào, đi ra...

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất