Dân chủ - Bạn đã sẵn sàng??

Đã từ lâu tôi không còn hứng thú với chuyện chính chị, chính em một cách nghiêm túc nữa. Nếu có xem qua chút thời sự thì với tôi lúc này, chúng chẳng khác chi là chuyện nhà Táo đến hẹn lại lên chọc cười khán giả, mua vui trong chốc lát; dẫu tôi biết rõ rằng, dù có đi đâu và làm gì, mỗi người trong chúng ta đều không thoát khỏi sự vây bủa của nó.

Cách đây một thời gian, khi trailer quảng cáo về phim Khổng Tử được trình chiếu, tôi có xem qua đoạn hội thoại giữa Lão Tử và Khổng Tử. Sự gặp gỡ giữa hai người, chỉ diễn ra trong thời gian ngắn thôi, nhưng nó cũng đủ khắc hoạ được đôi nét quan điểm của nhân loại về vấn đề này: hoặc mỏi gối chùn chân vì nó, rồi cũng chẳng được gì - như Khổng Tử; hoặc phớt lờ nó đi như một vở hài kịch của thế thái nhân tình, rồi cuối cùng cũng vào tù ngồi đến suýt chết - như Lão Tử. Cả hai, theo những cách tiếp cận khác nhau, nhưng vẫn phải sống với đời, sống với người - và khi sống với người - nghĩa là mặc nhiên chịu sự chi phối của nó - chính trị.


Có kẻ cho chính trị là trò chơi quyền lực, có kẻ cho đó là biểu hiện của sự phân chia giai cấp, lại có kẻ cho đó là kỹ năng cai trị của kẻ mạnh so với kẻ yếu, lại có kẻ cho đó là đỉnh cao của văn hoá... Chính trị có mặt từ khi hình thành xã hội. Mỗi xã hội ở mỗi quốc gia phát triển theo những hình thái khác nhau, thì nền chính trị ở mỗi quốc gia cũng phát triển theo những hình thái tương ứng... Thôi thì tạm gác chuyện lý thuyết về chính trị của các triết gia, chính trị gia hay của bất kỳ học phái nào đã từng tồn tại trong lịch sử. Ở đây chỉ bàn đến chuyện Trí Không nghĩ gì về nó thôi, nếu không thì bạn đọc nó trong trang Suy nghiệm của tôi làm quái gì??!!

Theo tôi, chính trị chẳng xấu cũng chẳng tốt, chẳng phải là đỉnh cao văn minh hay giản đơn là trò chơi quyền lực, chẳng là kỹ năng của con cáo cai trị lũ thỏ con nhát cáy mà cũng chẳng phải là chuyện của giai cấp này vẽ vời bóc lột giai cấp khác. Nó - chính trị - và một lô một lốc chính trị gia - tương đương như nghề vệ sinh công cộng - và những công nhân làm vệ sinh đường phố. Đừng bảo tôi hạ thấp nghề làm chính trị, vì trong mắt tôi, nghề của những cô công nhân quét đường có khi còn thanh cao hơn gấp vạn lần. Tôi ví chúng như nhau - nghĩa là tôi coi chính trị là một nghề - như bao nghề khác trong xã hội - và chọn lựa nghề này hay nghề khác, cần đến đôi chút năng khiếu, trí thức cũng như vài điều kiện khác.

Nói đến chính trị, nghĩa là nói đến hình thức quản lý xã hội, nhằm đưa xã hội đó theo một hướng nào đó. Có xã hội đề cao lợi ích cá nhân, cho mỗi cá nhân phát triển hết năng lực của họ, cái mà chúng ta hay gọi là "tư bản chủ nghĩa", có xã hội đề cao lợi ích tập thể, khuyến nghị hạnh phúc cá nhân đứng sau hạnh phúc tập thể, cái mà chúng ta hay gọi là "xã hội chủ nghĩa"... Mỗi một chế độ xã hội, có những mục tiêu khác nhau, cho nên những khái niệm đi kèm cũng khác nhau.

Dân chủ - là một khái niệm thuộc về chính trị học, có những bước phát triển hết sức thăng trầm, tuỳ theo nhận thức của tầng lớp cai trị trong từng giai đoạn khác nhau. Nó được hiểu một cách nôm na là: dân chủ - là dân làm chủ. Và theo nghĩa sơ đẳng như vậy, ngay từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại, chúng đã được áp dụng trong một thời gian ngắn. Sau sự thất bại của Cộng hoà La Mã, cùng với sự lên ngôi của Cesar, khái niệm "dân làm chủ" đã không còn hiểu theo nghĩa sơ đẳng như vậy nữa - mặc dù khái niệm "dân chủ" đúng nghĩa vẫn là mơ ước đối với mỗi chúng ta.

Từ việc mỗi người dân - đều có quyền quyết định những chính sách quan trọng của đất nước, chuyển sang quyền cho một người - ông vua; tiếp đó là chuyển sang đảng phái - giai cấp... là cả một chặng đường dài của máu, nước mắt, đổ vỡ và hy sinh.

Nhìn chung Dân chủ vẫn được hiểu là Dân làm chủ. Nhưng cách thể hiện quyền làm chủ của dân lại được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau: hoặc là dân chủ trực tiếp - dân trực tiếp bầu người đại diện đứng đầu quốc gia và kiểm soát quyền lực theo hình thức tam quyền phân lập; hoặc là dân chủ gián tiếp - dân trực tiếp bầu ra Quốc hội, rồi Quốc hội bầu người đại diện cao nhất... 

Ở hình thức thứ nhất, ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập nhau. Chúng tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, vừa tự phát huy năng lực của riêng mình, vừa kiềm chế quyền lực của nhau... sao cho không có quyền nào cao hơn quyền nào. Bạn có thể đem cái kiềng ba chân để ví cho hình thức này, và cái cao nhất để nối ba quyền này chính là lá phiếu của từng công dân. Họ coi đây là dân chủ trực tiếp.

Ở hình thức thứ hai, ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp thống nhất ở Quốc hội - cái mà chúng ta hay gọi là quyền lực tập trung. Nhưng có vẻ còn một cơ quan khác "lãnh đạo" tất cả. Chúng lãnh đạo đường lối, chủ trương, chính sách, nhân sự... và chúng chính là Đảng phái. Và họ vẫn coi đây là chế độ dân chủ - một hình thức dân chủ gián tiếp.

Trên đây là hai hình thức đang diễn ra phổ biến ở các nước Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa mà không cần nói chúng ta cũng biết nước nào đang áp dụng hình thức nào. Ngoài ra, chúng ta còn có kiểu dân chủ đại nghị theo kiểu Đức, quân chủ lập hiến theo kiểu Nhật hay Thái... 

Dưới góc độ vi mô, dân chủ được hiểu là người dân được quyền tham gia, thảo luận và điều hành đất nước. Và bất kỳ ai, chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện cho một vị trí nào đó, đều có thể có quyền tự ứng cử chính mình vào vị trí đó. Chẳng hạn bạn có thể không giỏi thức đêm, thì bạn có thể được người ta phân công bạn quét rác ban ngày, còn nếu bạn không vướng bận chuyện gì, lại giỏi thức đêm, bạn sẽ được phân công quét rác ban đêm để không ảnh hưởng người đi đường, thế thì khi đó lương của bạn sẽ cao hơn.... Đại ý dân chủ nghĩa là bạn được quyền làm theo năng lực của chính mình.

Trong thể chế độc tài, có thể bạn rất giỏi nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn được quyền tham gia vào một vị trí nào đó tương xứng. Có những người lãnh đạo 20 năm và họ dùng quyền lực để bắt dân phải phục tùng - chẳng hạn như Saddam Huseein; nhưng cũng có có người lãnh đạo hơn 20 năm, và họ dùng tài năng để chinh phục nhân tâm, thu hút lá phiếu của người dân, chẳng hạn như Lý Quang Diệu. Thời gian cai trị không nói lên được chuyện độc tài hay không, mà cách thức được "ngồi" một vị trí nào đó nói lên bản chất của chế độ.

Nói như thế không có nghĩa là dân chủ nghĩa là dân muốn làm thì làm. Ý niệm về sự "tự do" tôi đã phác hoạ tại một bài viết nào đó trong Suy nghiệm này rồi. Cái mà chúng ta đang muốn chia sẻ ở đây là: hình thức nào thì bạn được quyền tham gia mạnh mẽ hơn trong việc điều hành cũng như định ra đường lối cho chính xã hội mà mình đang theo??

Ở chế độ Tư bản, bạn có thể thấy rõ chính lá phiếu của mình góp phần quyết định chính trị gia nào đó sẽ là đại diện hợp pháp cho mình. Và số đông chính là trọng tài quyết định thắng thua giữa hai hay nhiều đảng phái. Ở chế độ XHCN, dân được bầu Quốc hội, HĐND các cấp rồi sau đó là chuyện của những người được bầu (VN đang thử nghiệm một số địa phương bầu trực tiếp Chủ tịch xã...), nên có vẻ quyền lực của dân trong chuyện bầu cử hơi đi lòng vòng một tẹo. 

Tiếp đó là chuyện đa đảng hay độc đảng. Ở các nước Tư bản, các Đảng phái đại diện cho ý chí của một bộ phận dân chúng nào đó, và các Đảng phái sẽ cử người của đảng phái mình ra tranh cử trước số đông. Ở các nước XHCN, Đảng CS là đảng duy nhất lãnh đạo. Và riêng cái chuyện đa đảng hay một đảng thôi cũng khiến chúng ta có lắm chuyện để tranh luận xem ai dân chủ hơn ai. Theo quan điểm của tôi, như Đặng Tiểu Bình từng nói, đại ý, mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, quan trọng là bắt được chuột. Tương tự thế, một đảng hay đa đảng chẳng thể nói ai dân chủ hơn ai, nhưng ai lo cho dân cho nước nhiều hơn thì chính là dân chủ. Tôi coi chuyện này chỉ là kỹ năng và nghệ thuật, nhằm hạn chế độc quyền, tham quyền, tham nhũng. Nắm được kỹ năng thì kiểu nào cũng tốt.

Tiếp nữa là chuyện bạn có quyền thay đổi được gì trước thực tại xã hội mà bạn đang sống không? Dưới khía cạnh cá nhân, tôi coi điều này là không thể, dù bạn sống ở bất kỳ chế độ nào. Một lá phiếu là quá nhỏ bé để làm nên chuyện gì đó vĩ đại. Nhưng tôi tin ở bất kỳ chế độ nào, năng lực, khát vọng cùng ý chí của bạn đều có tác dụng như nhau - Chỉ cần bạn tin vào chính mình - Tôi tin bạn sẽ làm được.

Có thể bạn hơi có cái nhìn bi quan trước thực tại xã hội mà bạn đang sống, và tôi cũng thế, nhưng ngồi than thở thì chẳng thay đổi được gì. Bạn có thể nỗ lực học tập, nuôi dưỡng ước mơ và phấn đấu hết mình cho lý tưởng - điểu không thể sẽ thành có thể. Obama - một người da màu - có thể làm Tổng thống nước Mỹ thì chẳng có lý nào bạn - một người Việt Nam - lại không thể làm cho xã hội Việt Nam tốt lên.

Đừng hỏi tôi Việt Nam có dân chủ hay không có dân chủ?
Bởi trả lời câu hỏi đó, chúng ta sẽ mãi tranh luận với nhau về việc:
Thế nào là Dân chủ?!

Thay vào đó, nếu bạn thấy đất nước và quê hương của bạn cần phải đổi thay
Thế thì hãy đứng dậy và thay đổi nó đi
Trong bất cứ hoàn cảnh cũng như kết quả nào
Bạn vẫn là người chiến thắng - chiến thắng sự bi quan và nhu nhược trong bạn.

(22/4/15)

Còn nhiều điều muốn chia sẻ lắm, nhưng tối nay nhâm nhi đến đây thôi nhé. 
Nói ít hiểu nhiều, trong điều kiện nói nhiều không bằng nói ít.


CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất