Hôn nhân và đổ vỡ hôn nhân

Bất kỳ cô gái nào cũng mong ước có người yêu thương mình, có ngày váy trắng lộng lẫy lên xe hoa, có một ngôi nhà nhỏ cùng những đứa trẻ kháu khỉnh vây quanh. Bất kỳ chàng trai nào, khi đã qua tuổi cỡi ngựa xem hoa, đều mong tìm được một nội tướng đích thực để yên bề gia thất, để tự thấy cuộc sống có ý nghĩa và có trách nhiệm hơn. Đó là con đường của hầu hết chúng ta.

Gia đình - hai tiếng đầy thiêng liêng, nó gợi cho ta một mái nhà ấm cúng, có vợ chồng, có con cái, có tiếng cười của trẻ thơ, có bếp lò đỏ lửa quây quần sớm hôm, có những cái ôm trìu mến khi đông về, có những cái tựa vững chãi khi phong ba... Đó là lý do vì sao ai trong chúng ta, cũng được sinh ra từ gia đình và mong muốn sẽ có một gia đình nào đó cho riêng mình.


1. Những con đường đi đến hôn nhân.

Hôn nhân là sự kết hợp của hai cá thể tự nguyện, được gia đình hai bên chúc phúc, được bạn bè hai bên hoan nghênh, được pháp luật nhà nước thừa nhận và bảo hộ. Tuy nhiên, con đường đi đến chiếc xe hoa không chỉ có một con đường duy nhất, ngược lại, có quá nhiều con đường, mà tôi nêu ra ở đây chỉ là vài dẫn dụ tiêu biểu.

- Hôn nhân vì tình yêu. Tình yêu chín muồi thì đi đến hôn nhân. Dường như đó là cái kết mà bất kỳ kẻ nào đang yêu đều mong chờ. Hôn nhân hứa hẹn hai kẻ yêu nhau sẽ được bên nhau mỗi ngày, nhìn nhau hàng đêm, chăm lo săn sóc nhau hàng giờ. Hôn nhân hứa hẹn hai kẻ yêu nhau sẽ trở thành một - một gia đình - từ đây không còn sợ ai ngăn cản, không sợ dư luận lên tiếng, không phải thương thầm, chẳng phải trộm nhớ, không phải lén lút, chẳng phải úp mở. Vợ chồng đàng hoàng bên nhau, tay trong tay, chân kề chân, khi sáng cũng như khi tối.... Đa số hiện nay đều là hôn nhân dựa trên cơ sở tình yêu, tuy nhiên không phải là không có ngoại lệ.

- Hôn nhân vì danh dự/vì hiếu thảo. Bố mẹ hai bên đã từng có giao kết thông gia, hoặc một trong hai gia đình muốn trả ân nghĩa nào đó với gia đình còn lại, hoặc một trong hai gia đình do muốn con gái/trai của mình được làm dâu/rể trong một gia đình nào đó có tiếng là phúc đức... và con cái của mình trở thành đối tượng bảo chứng cho lời hứa, cho danh dự gia đình. Một số đám cưới để chạy tang, để vui lòng người đang hấp hối cũng có thể được liệt vào đối tượng này. Tôi gọi những cuộc hôn nhân như vậy là vì danh dự hay vì chữ hiếu.

- Hôn nhân vì kinh tế. Một số cô gái hay có tiêu chí chọn chồng dựa trên tiềm lực kinh tế gia đình đằng trai, dĩ nhiên là có cả những trường hợp ngược lại. Kinh tế có sức quyến rũ chết người, càng giàu có càng dễ chọn vợ đẹp, trẻ, ngoan, hiền... Đôi khi người ta nhìn tài năng của nhau dựa trên khả năng kiếm tiền. Làm dâu/rể trong một gia đình giàu có, đỡ phải vất vả mà vẫn được ăn sung mặc sướng, đỡ phải lao động mà vẫn có hồi môn đủ tiêu xài qua ngày. Và người ta chỉ nhìn đến vấn đề ăn/mặc/ở thôi, nên người ta cũng nhanh chóng gật đầu trước bất cứ lời cầu hôn nào có bảo chứng cho ba cái cái nhu cầu ăn/mặc/ở đó.

- Hôn nhân vì xúc cảm nhất thời. Một số ít trường hợp do thất bại một mối tình nào đó, vội vàng gật đầu đồng ý với lời cầu hôn của người khác, mà chẳng cần biết xem mình có yêu chồng/vợ tương lai của mình hay không. Xuất phát từ tâm lý trả thù đời, cho bõ ghét, hoặc chán đời đến mức bất cần đời, chép miệng "muốn ra sao thì ra"... cũng là một trong số những nguyên nhân dẫn đến chiếc thiệp cưới nào đó bạn bất ngờ được mời tham dự.

- Hôn nhân vì dư luận. Ngày xưa, muốn cưới ngày nào thì phải chờ thầy bói chọn ngày, ngày nay bác sỹ bảo cưới là phải cưới gấp, cưới vội, nếu không thì sợ đàm tiếu của thị phi dư luận. Tình dục trước hôn nhân hay tình dục không an toàn là con đường ngắn nhất dẫn đến những đám cười vội vàng, những đám cười chạy đua với thời gian.

Trên đây chỉ là một số nguyên nhân tiêu biểu dẫn đến hôn nhân. Chi tiết hơn một chút thì phải nói có bao nhiêu cuộc hôn nhân thì có bấy nhiêu con đường. Mỗi người có một hoàn cảnh, hoàn cảnh thì chẳng ai giống ai, và người cũng chẳng giống người, vì thế con đường đi đến hôn nhân thì thiên hình vạn trạng.

2. Đời sống hôn nhân.

Bỏ qua tuần trăng mật ngọt hơn cả mía lùi. Bỏ qua những lời hứa hay cam kết dễ thương như đang thuở yêu nhau. Bạn bước vào hôn nhân là bạn đang bước vào một thế giới hoàn toàn khác, khác xa những gì bạn đã từng sống trước kia. Bởi một lẽ đơn giản - bạn đang tập sống chung với người lạ mặt.

- Đối với những hôn nhân dựa trên tình yêu - bạn sẽ ngỡ ngàng rất nhiều, vì chồng/vợ bạn không hề như thuở hai bạn còn yêu nhau. Họ trở thành một người hoàn toàn khác, mà những gì bạn quen biết trước kia chỉ còn rơi rớt một phần, có người thì chẳng còn tí đặc điểm nào, có người thì trái ngược hoàn toàn.

Chẳng có chàng trai nào điên khùng dùng bạo lực với cô gái mà chàng đang định tán tẩm hay cưa cẩm. Nhưng một khi đã là vợ của mình thì rất có thể anh ta sẽ không còn đóng kịch mỗi tuần một bó hoa, mỗi tháng một kỳ du lịch nữa. Có thể xuất hiện trước mặt bạn là một chàng trai bê tha rượu chè, cờ bạc, đi sớm về trễ, bắt bạn chờ cơm mỗi tối, khiến bạn dọn dẹp đồ ói mửa mỗi khuya... Đừng tin câu nói "Sau này anh sẽ cùng làm bếp với em!", bởi câu nói đó chỉ có giá trị khi em chưa phải nấu cơm cho anh mỗi ngày, hoặc cùng lắm hiệu quả thêm vài tuần trăng mật... Còn sau đó thì sao, anh ta sẽ đọc báo, coi đá bóng, đi nhậu với bạn bè hoặc bồ bịch nhí nhố chẳng hạn. Tôi nói ra điều này không có nghĩa là chàng trai nào cũng thế, nhưng rất có thể chồng bạn chính là đối tượng mà tôi đang mô tả.

Chẳng có cô gái nào điên khùng ăn mặc luộm thuộm trước chàng trai mà họ đang yêu cả. Mỗi giờ hẹn, bạn nên nhớ, cô ta đã dùng cả tiếng trước đó để trang điểm mặt mày, chọn lựa những bộ quần áo đẹp nhất, và đó là lý do vì sao lúc nào đến với cô ấy, bạn cũng thấy cô ta đẹp như tranh vẽ, sực nức nước hoa, nụ cười tươi rói. Nhưng một khi đã là vợ của bạn, cô ấy chẳng còn thời gian đâu mà điệu đà, chẳng hơi sức đâu mà phấn với son. Có thể cô ta sẽ mặc đồ ngủ ra mở cổng cho bạn vào, tay cô ấy đang cầm cái dao cạo vảy cá, người cô ấy đầy mùi nước đái của con, miệng cô ấy không ngừng ca thán tiền điện, tiền nước, tiền ăn... Nếu bạn sẵn sàng đón nhận cô ấy trong hình dạng như thế, hãy quỳ xuống và cầu hôn cô ta. Nếu còn ngại ngần, xin đừng vội đeo vào tay cô ấy chiếc nhẫn cưới.

- Đối với những hôn nhân không dựa trên tình yêu - có thể mọi thứ dễ dàng hơn chúng ta tưởng. Vì nó không dựa trên tình yêu, mà dựa vào yếu tố nào đó ngoài tình yêu, nên một khi yếu tố ngoài tình yêu đổ vỡ, thì hôn nhân của họ cũng có nguy cơ đổ vỡ như chính nguyên nhân của nó.

Nếu bạn cưới vì danh dự gia đình hay vì chữ hiếu: rất có thể bạn sẽ chịu đựng, cho đến khi hết chịu đựng nổi, hoặc cũng có thể cả đời. Kiểu hôn nhân này dựa trên sự hy sinh mù quáng, cộng thêm truyền thống hàng nghìn năm đã từng có của cha ông ta, vì thế nó tương đối bền. Tuy nhiên, tin tôi đi, hôn nhân vì danh dự hay vì chữ hiếu lại thấm đẫm nước mắt, nhưng không phải là thứ nước mắt của sự nhẫn nại chịu đựng vì hạnh phúc tương lai, mà là thứ nước mắt của nhu nhược yếu hèn. Thứ nước mắt chỉ dám khóc khi đêm về, và cười tươi rói trước mặt bà con hai họ là thứ nước mắt đầy đau đớn, tủi nhục.

Nếu bạn cưới vì kinh tế, xúc cảm nhất thời... thì khi yếu tố kinh tế không còn đảm bảo, hay xúc cảm nhất thời qua đi thì hôn nhân của bạn cũng sẽ qua đi. Cái còn lại, nếu đó có là hôn nhân, thì cũng chỉ là hôn nhân giả tạo. Mạnh ai nấy sống, tiền ai nấy xài, đời ai nấy giữ... Và cuộc sống sau đó thì sao?... À, vật vờ cho qua ngày đoạn tháng, bất cần cho ra vẻ ngông nghênh...

3. Hôn nhân trên con đường đổ vỡ

Khi người ta chưa chuẩn bị tâm thế để bước vào đời sống hôn nhân, thì bờ vực của sự đổ vỡ luôn cận kề. Và cũng như bất cứ sự sinh diệt của một đối tượng nào khác, hôn nhân cũng có sinh diệt của nó. Và nó sinh ra như thế nào, thì nó cũng diệt tương tự như vậy.

Nếu hôn nhân được xây dựng trên cơ sở tình yêu, thì đổ vỡ hôn nhân bắt đầu từ chỗ tình yêu đã chết theo tháng ngày. Nếu hôn nhân được xây dựng trên cơ sở ngoài tình yêu, thì đổ vỡ hôn nhân cũng bắt đầu từ chính nguyên nhân mà nó đã tác tạo.... Không có gì là tuyệt đối và vì thế không có gì là không thể xảy ra.

Tình yêu không vĩnh cửu như bạn nghĩ. Ngược lại nó còn mong manh hơn bất cứ thứ nào bạn có thể tưởng tượng.  Tiền bạc không còn mãi, nay trong túi người này, mai trong túi người khác. Sự chịu đựng nào cũng có giới hạn, chịu đựng mãi đến lúc nào đó cũng vỡ ra.... Không có gì là hoàn hảo và trường tồn, vì thế, đối mặt với hôn nhân cũng đồng thời đối mặt với đổ vỡ hôn nhân.

4. Các phương án có thể chọn lựa.

Bài học đầu tiên mà các bạn đã, đang hay chuẩn bị đi đến hôn nhân phải học là: học cách sống chung với người lạ mặt. 

Trước kia bạn có thể ở một mình, hoặc ở với gia đình, được gia đình chăm lo từ A đến Z. Đến khi bạn lập gia đình, bạn phải tự lập hoàn toàn. Sẽ không còn ai chăm lo cho bạn như bố mẹ chăm lo cho bạn nữa, mà khi đó, hoặc là bạn chăm sóc người ta, hoặc là bạn phải nuôi người ta. Vợ có thể chăm lo nội trợ nhà cửa, chồng phải đi làm kiếm tiền nuôi vợ con... Nhưng đấy chưa phải là vấn đề.

Vấn đề quan trọng hơn là bạn phải học cách chia sẻ. Trước kia tiền bạc bạn có thể xin bố mẹ, hoặc tự làm, tự tiêu pha và thích gì thì xài... Sau hôn nhân, bạn phải học cách chia sẻ số tiền mình kiếm được thành nhiều phần, cho nhiều hạng mục khác nhau. Chưa hết. Bạn phải học cách chia sẻ đời sống riêng tư, phòng ngủ của bạn có người ở chung, cái giường bạn nằm phải chia làm hai người, đồ đạc cá nhân của bạn có thể bị ai đó nhòm ngó. Chưa hết. Bạn phải học cách không giấu diếm điều gì với người bạn đời, phải học cách sống có trách nhiệm với gia đình, phải học cách sống có kỷ luật với bản thân, phải học cách làm gương cho con cái, phải học cách trở thành nhà giáo nghiệp dư cho cả mình và người khác...

Như vậy đã đủ chưa? Xin thưa là chưa đâu. Ngoài học cách chia sẻ, bạn còn phải học cách chấp nhận. Chấp nhận những thói quen khó bỏ của chồng/vợ mà có thể mình không thích lắm. Chịu đựng một chút thiệt thòi cho bản thân, một chút tự do của sở thích. Thu hẹp các mối quan hệ bạn bè và xã hội. Học cách từ chối những cám dỗ của ngoại cảnh. Tiết chế bản thân trong những xúc cảm bốc đồng...v.v....

Nếu tình yêu đã nguội dần hay đã hết thì phải làm sao? 

Nếu không còn rung động gì về nhau nữa, phải tự hỏi xem vì sao ngày xưa mình đến với anh ấy hoặc cô ấy. Hãy khơi gợi lại những giây phút ban đầu, thông qua một chuyến du lịch nơi hai người đầu tiên hò hẹn, hoặc những kỷ niệm đã từng qua... Nếu bạn đang say nắng một cô/anh nào đó mà bỏ quên mất người bạn đời của mình, hãy suy nghĩ xa hơn một chút, để tự thấy có thể cô/anh ấy cũng chẳng khác vợ/chồng của mình hiện tại là bao... (Giả dụ ngày xưa theo đuổi vợ, dĩ nhiên hồi ấy cô ta trẻ, đẹp, xinh... Sau bao năm sống với mình, con cái và thời gian làm mất đi tuổi xuân của cô ấy, và bồ nhí của mình thì trẻ, đẹp, xinh hơn. Nghĩ xa hơn một chút, bồ nhí của mình, nếu về sống với mình, sau ngần ấy năm, chắc gì đã đẹp hơn vợ mình bây giờ...Đại ý thế...)

Nếu bạn đã cố gắng tất cả những điều như ở trên, mà hôn nhân vẫn có nguy cơ đổ vỡ thì sao?

- Hoặc là chỉ có một mình bạn cố gắng, còn đối tác của bạn lại mong ngóng cho nhanh đến ngày được giải phóng, thế thì chẳng còn cách nào khác, ngoài việc nói lời "bye bye". 

- Hoặc cả hai đang rất muốn chia tay, nhưng còn nghĩ đến trách nhiệm dành cho con cái hoặc không đủ can đảm đối mặt với dư luận, hoặc sợ sau khi ly dị thì không còn chỗ tựa nương. 

Câu trả lời dành cho những ai đang sợ dư luận hay sợ không ai nuôi: bạn đã tự nguyện sống ký sinh vào dư luận hoặc chồng bạn rồi thì đừng bao giờ than vãn. Chấp nhận núp bóng người khác thì làm gì còn chân để mà đứng. Hãy nhớ rằng, khi bạn chưa đủ can đảm, nghĩa là bạn còn chịu đựng được. Và cứ tiếp tục chịu đựng đi, nếu bạn có thể.

Đối với những ai dùng con cái như cái cớ thì câu trả lời của tôi là: bạn đang yêu con bạn sai phương pháp. Hãy nhớ bài học cơ bản: bạn hạnh phúc thì mới có khả năng giúp người khác hạnh phúc. Bạn đang chịu đựng ngục tù gia đình, sống trong đau khổ triền miên từ ngày nay qua ngày khác thì bạn có gì để quan tâm và lo lắng cho hạnh phúc của con bạn. Bạn nghĩ rằng mỗi ngày cho con cái ít tiền ăn sáng, cho chúng nó học hành là trách nhiệm với con ư? Còn những trận cãi vã đánh đập mà suốt ngày chúng phải chứng kiến, còn những câu chửi rủa không thương tiếc của người lớn dành cho nhau mà suốt ngày chúng phải nghe thì sao?!... Đó chính là những hạt giống xấu gieo vào tâm thức trẻ thơ, làm tiền đề cho những ác cảm mà chúng dành cho người khác và gia đình sau này.


Bất cứ ai, khi đi đến hôn nhân, đều mong muốn trăm năm hạnh phúc, sống đến răng long đầu bạc. Nhưng đời không như là mơ, tình không như là thơ, và hôn nhân không hẳn lúc nào cũng là bộ phim có hậu. Dĩ nhiên, tôi không bao giờ khuyến khích các bạn chia tay chỉ bởi những mâu thuẫn vụn vặt trẻ con, càng không khuyến khích người ta coi vợ/chồng như cái áo, và thích thay lúc nào thì thay. Hãy nỗ lực và cố gắng từng ngày vun đắp cho mái ấm nhỏ của mình xứng đáng là hạt nhân cơ bản của xã hội. Và quan điểm của tôi vẫn là: từng cá nhân hạnh phúc thì gia đình mới hạnh phúc, và gia đình có hạnh phúc thì mới hy vọng xã hội hạnh phúc.

Hôn nhân là do bạn tự nguyện
Nhưng rạn nứt hôn nhân là do bạn không biết cách xây dựng
Và đi đến đổ vỡ hôn nhân là do bạn không nỗ lực và cố gắng hết mình.

Quyết định thế nào là tuỳ ở bạn
Mọi thứ mới chỉ bắt đầu
...
(28/10/13)
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất