Các cấp độ hạnh phúc



Sáng nay, trước khi đi ngủ, có quăng trên Page Suy nghiệm một vài dòng về hạnh phúc, một số bạn đề nghị tôi giải thích thêm, vậy xin lôi chúng sang Blog để lằng nhằng thêm tí. Nguyên văn vài dòng trên Page Suy nghiệm như thế này: 
Có 3 nhóm hạnh phúc tuỳ theo từng đối tượng được cung cấp: hạnh phúc từ các đối tượng giác quan, hạnh phúc thoát khỏi các đối tượng giác quan và hạnh phúc vi tế nằm ngoài mọi giác quan. 
Tuỳ theo từng nhóm mà hạnh phúc có nội dung và phẩm chất khác nhau. Quá trình nhận thức là quá trình nâng cấp từ những hạnh phúc do thoả mãn bởi các giác quan đến những hạnh phúc vi tế thoát khỏi mọi giác quan. 
Càng đạt được những hạnh phúc ở cấp độ tế vi, người ta càng bớt bám víu vào ngoại cảnh. Tuy nhiên, khi người ta đang hài lòng với sự thoả mãn đó, tuỳ theo căn cơ từng người, đem những cấp độ tế vi để diễn bày sẽ trở thành thừa thãi và phản tác dụng. 
PS. Khi bạn vẫn còn hài lòng với thực tại bạn đang sống, thế thì chẳng cần phải nghe ai và áp đặt bất cứ lý thuyết nào, dẫu lý thuyết đó có thâm sâu đến đâu. Chỉ nên đến với SUY NGHIỆM khi bạn thật sự cảm thấy bế tắc và cần một hướng khác để đi.

Bài viết này không nhằm định nghĩa hạnh phúc là gì, vì chúng đã được viết đâu đó trên Blog này, ai muốn tìm hiểu xin tự tìm kiếm lấy. Ở đây tôi chỉ muốn nói đến 3 vấn đề:
1. Có bao nhiêu cấp độ hạnh phúc? Tại sao gọi là cấp độ? 
2. Tại sao không cần thiết phải đưa người ta đến cấp độ cao hơn khi người ta vẫn còn hài lòng với cấp độ đang có? 
3.  Mục đích của Suy nghiệm đến với các bạn là gì?
Vấn đề thứ nhất, khi phân chia hạnh phúc thành 3 cấp độ, nghĩa là tôi đang nói đến một trạng thái được thoả mãn dựa vào các giác quan hay tâm thức hay giải thoát khỏi các đối tượng lẫn chủ thể.

Cấp độ hạnh phúc thứ nhất là trạng thái thoả mãn được các nhu cầu của giác quan. Mắt muốn nhìn cái đẹp, tai muốn nghe lời êm dịu, lưỡi muốn nếm vị ngọt ngon, mũi muốn ngửi hương thơm, thân muốn xúc chạm êm ái... Và khi tất cả những cái muốn của giác quan đó được thoả mãn, được đáp đền thì tự nhiên sinh ra khoái cảm, sự sung sướng, sự thoải mái, sự khinh an, sự nhẹ nhàng... Và tổng hợp tất cả những cảm giác như vậy, tôi gọi đó là HẠNH PHÚC thuộc cái đối tượng giác quan.

Cấp độ hạnh phúc thứ hai là trạng thái khinh an thuộc về tâm thức. Trạng thái hạnh phúc này không còn lệ thuộc vào giác quan, không cần thoả mãn bởi các giác quan, mà là sự QUY HỒI vào chính nội tâm của mình, khai phá trong nó một sự tĩnh lặng, nhẹ nhàng, thảnh thơi, tự tại... Hạnh phúc này không còn lệ thuộc vào hoàn cảnh, bất kể ở đâu và với ai, vì tự thân trạng thái này chính là trạng thái trở về với chính con người bên trong của mình. 

Cấp độ hạnh phúc thứ ba là một trạng thái hạnh phúc vi tế, là sự phát triển cao nhất của nhóm hạnh phúc thứ hai. Chúng vượt ra khỏi mọi giới hạn của giác quan, chúng tự tại với chính tâm thức của mình. Có thể coi trạng thái hạnh phúc này là một sự sâu sắc thêm từ nhóm hạnh phúc thứ hai, và sự khác biệt của nó, có thể là một sự bền vững hơn, có thể coi là sự tự tại hơn, có thể vào ra một cách vô ngại, có thể sống trong nhóm hạnh phúc thứ nhất nhưng không bám víu vào giác quan, có thể sống trong nhóm hạnh phúc thứ hai nhưng không bám víu vào sự tĩnh lặng. Tôi tạm đặt tên cho cấp độ hạnh phúc này một cái tên: hạnh phúc vô ngại, nghĩa là hạnh phúc không còn bám víu và ngăn trở.

Tại sao lại phân chia chúng thành cấp độ mà không đơn giản phân biệt chúng thành các nhóm biệt lập? Bởi vì, suy ngẫm kỹ, càng nâng cao các trạng thái hạnh phúc thì càng chạm đến một hạnh phúc chân thực và lâu dài. 

Ở cấp độ thứ nhất, rõ ràng cũng là một trạng thái thoải mái, thích thú, sung sướng, hạnh phúc... nhưng rõ ràng thứ hạnh phúc bị bám víu vào ngoại cảnh, dựa trên sự thoải mái bởi các giác quan, hoàn toàn không lâu dài và không hẳn lúc nào ta cũng có được. Không phải cứ muốn ăn là có ăn, nhất là thời buổi kinh tế suy thoái như hiện nay, để có được cái ăn cho ta, biết bao người phải đói. Không phải cứ muốn xúc chạm êm ái với bất kỳ ai cũng được, bởi cái ta muốn chưa chắc là cái mà người muốn, và ta thì chẳng phải là chúa tể vạn năng được quyền điều khiển bất kỳ ai. 

Ở cấp độ thứ hai là một sự phát triển cao hơn cấp độ thứ nhất, vì chúng bền hơn, vì chúng không lệ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài, vì chúng có sẵn trong nội tâm của ta, chỉ cần biết quay về với chính mình, bằng một sự nỗ lực hay kỹ năng thiền định nào đó, là ta có thể có được hạnh phúc như ta mong muốn. 

Thế nhưng, để so sánh với cấp độ thứ ba, rõ ràng cấp độ thứ hai vẫn còn bám víu vào một số hình thức nào đó, một sự dụng công nào đó, một kỹ năng nào đó hay một điều khoản ràng buộc nào đó nhằm thu thúc thân tâm của mình. Như vậy là, hạnh phúc, tuy cùng một trạng thái, đó là sung sướng, khinh an, tự tại, thoải mái, hỷ lạc, thư thái.... nhưng tuỳ vào cách có được, ta có thể biết ta đang ở cấp độ nào, và cần phát triển chúng đi tiếp đến đâu.

Vấn đề thứ hai, tại sao tôi đưa ra quan điểm: "không cần thiết phải đưa người ta đến cấp độ cao hơn khi người ta vẫn còn hài lòng với cấp độ đang có?"

Lý do cho quan điểm đó như vầy: thứ nhất, khi người ta còn đang thoả mãn với những hạnh phúc ở nhóm thứ nhất, nghĩa là người ta đang hoàn toàn tin tưởng những hạnh phúc do được thoả mãn bởi các giác quan là thật có và bền vững, việc ta nói những hạnh phúc đó mong manh, bị bám víu, bị vô thường chi phối... sẽ không có sức thuyết phục, chẳng có ai nghe, chẳng có ai tin, nên việc ta giới thiệu những trạng thái hạnh phúc ở cấp độ cao hơn cũng thành thừa thãi và vô duyên.

Thứ hai, khi người ta còn đang hài lòng với những gì người ta đang có, nghĩa là người ta chưa phải đối mặt với những khổ đau, bất hạnh thật sự do những giới hạn mà trạng thái hạnh phúc của họ đưa đến, việc ta nói cho họ biết phía trước cái hạnh phúc mà họ đang có đầy dẫy những bất hạnh, những khổ đau, những hệ luỵ... chỉ khiến họ thêm nghi ngờ cái hạnh phúc mà họ đang có, vô tình đẩy họ vào một trạng thái, vừa sống trong nó, vừa bất an trong nó, trong khi, những trạng thái hạnh phúc cao hơn, họ chưa một lần được trải nghiệm, được quan sát hay suy nghĩ đến, và thế là, vô tình một lý thuyết hay lại trở thành phản tác dụng.

Đó là vì sao lời khuyên gửi đến các bạn là: chỉ khi nào bạn thật sự bế tắc với con đường bạn đang đi, ấy là lúc bạn cần đến SUY NGHIỆM... Chẳng việc gì ta phải gượng ép bản thân sống nội tâm khi ta còn hài lòng với ngoại cảnh; chẳng việc gì phải nhắm mắt, bịt tai khi vẫn còn đó hạnh phúc với cái đẹp và lời nói dịu êm của ngoại cảnh. Nói một cách dễ hiểu hơn, chẳng việc gì phải tu sửa bản thân khi đang rất hài lòng với bản thân bạn.

Chúng ta chỉ nên suy ngẫm về con đường ta đang đi, khi con đường đó đang có vấn đề, hoặc là bạn đã đối mặt với một ngoại cảnh bất như ý và mọi sự nỗ lực của bạn đã trở nên hoài công, bất lực. Chúng ta cũng chỉ nên thử thách bản thân ở một hướng nào đó khác, khi hướng đang đi đã sờ sờ một bức tường chặn ngang lối. Và thực tế một điều, người ta chỉ có thể nâng cấp trạng thái hạnh phúc của mình lên một mức độ cao hơn, khi chính ta đã no xôi chán chè, đã đi đến tận cùng mọi giới hạn của cấp độ mà ta đang có. Mọi sự chín ép đều là gượng ép, bạn có thể lừa dối tất cả mọi người nhưng không thể lừa dối chính bạn, và sự vi tế còn sót lại ở cấp độ cũ sẽ lôi bạn trở lại đúng với trạng thái mà bạn đang có.

Dài dòng và lằng nhằng như thế để làm gì?

À, tôi chỉ muốn nói với bạn rằng, đừng áp đặt bất cứ ai phải như bạn, đừng nghĩ ai cũng phải như bạn mới là hạnh phúc, đừng nghĩ chúng ta cùng mang thân tướng con người thì chúng ta đang cùng sống chung trong một nhận thức về thế giới.

À, tôi còn muốn nói thêm với bạn rằng, có thể một ai đó viết blog và mong nhiều người sẽ đọc nó, còn tôi viết thì chẳng mong ai đọc, nếu vì vô tình hiện hữu trước mặt bạn, thì tôi lại mong càng đọc ít càng tốt. Vì sao vậy? Vì khi bạn không thèm đọc những gì tôi viết, nghĩa là bạn cho tôi cái cảm giác bạn đang rất hài lòng với con người của bạn, và thật lòng tâm nguyện trang Blog này cũng chỉ mong điều đó.

À, tôi còn muốn nói thêm với bạn rằng, tôi không muốn tranh luận con đường tôi đang đi, bởi lẽ tôi cũng đang rất hài lòng với con người hiện tại của tôi. Tôi thích viết vì đó là sở thích của tôi. Tôi thật lòng mong bạn hài lòng với con người và con đường của bạn, và chúng ta sẽ giao tiếp với nhau với tư cách là hai ông chủ của chính mình. Chia sẻ cho nhau những gì mình có, đơn giản vậy thôi.


Thế thì tại sao vẫn còn phân chia cấp độ, phải chăng đã có sự so sánh hơn thua?

Ố ồ ô, tôi thích thế đấy, bạn không thích thì kệ bạn.

(12/8/13)
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
4 Comments

4 nhận xét:

  1. Theo DH nghĩ khi mình đã lựa chọn và quyết định đi theo con đường nào đó thì dù có chông gai, khó khăn, hiểm trở cũng không chùn bước, mà nên xem đó là chướng ngại thử thách mà thôi! Và dù có ở cấp độ nào cũng luôn cố gắng, tinh tấn đó mới là con người thật của mình! Chỉ có một con đường và luôn giữ niềm tin mới có thể đi đến thành công!

    Nhưng DH cũng thường nghe: "Không Thầy đố mày làm nên", vì vậy theo suy nghĩ của DH thì Người Thầy luôn giữ vai trò rất quan trọng! bất kỳ ở lĩnh vực nào(?)!... phải không T?

    Trả lờiXóa
  2. Cấp độ là có thấp-cao. Đó là các nhà nghiên cứu phân ra thế, để dùng vào việc của họ. Việc của chúng ta là cứ tiếp tục hạnh phúc của mình :)

    Trả lờiXóa
Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất