Vô ngã?


Đã khá nhiều lần chúng ta tung hứng khái niệm "vô ngã" - anatman - nhưng chưa có dịp trình bày với bà con về nội hàm cụ thể của khái niệm. Đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa năm cũ với năm mới, chịu khó ngồi gõ vài dòng vô nghĩa chơi chơi vậy...


Vô ngã - một trong những phạm trù trung tâm của triết học Phật giáo - được coi như là tiêu chuẩn duy nhất phân biệt sự khác nhau giữa Phật giáo với các học thuyết triết học Ấn độ cổ đại khác, cụ thể là 6 trường phái chính thống dựa trên thẩm quyền của kinh Veda và Upanishad...

Một định nghĩa kinh điển được hầu hết các tự điển Phật học trích dịch về Vô ngã - sự phủ nhận một chủ thể tuyệt đối, bất biến, vĩnh cửu... của đối tượng...

Khái niệm Vô ngã của Phật giáo bắt nguồn từ khái niệm Ngã - Atman trong triết học Bà La môn giáo. Theo đó, các trường phái triết học của Bà la môn giáo thừa nhận một chủ thể tuyệt đối bất biến, hằng cửu, vượt ra khỏi mọi giới hạn của không gian và thời gian.

Chủ thể tuyệt đối này có thể có nhiều tên gọi khác nhau: Phạm Thiên, Đấng Sáng tạo, Thượng Đế, Đấng Toàn năng, Thánh Alah... Chủ thể này có thể có hình hài, cũng có thể vô hình, cũng có thể nằm ngoài mọi đối tượng cụ thể, cũng có thể nằm trong tất cả những đối tượng...

Nếu nằm ngoài mọi đối tượng cụ thể, ta có thể đặt tên chúng bằng một khái niệm tương đối trừu tượng một chút - Chủ nghĩa nhất thần khách quan (xin lỗi tôi không đặt tên là duy tâm khách quan theo cách nhìn của các nhà triết học).

Nếu nằm trong mọi đối tượng, từ vũ trụ đến con người, từ con người đến cỏ cây gỗ đá... chúng ta có thể gọi đó là - Chủ nghĩa nhất thần chủ quan (chủ quan đối với bản thân đối tượng).
Nếu mỗi đối tượng cụ thể đều quan niệm có một thần tính - và mỗi thần tính đó khác nhau, chẳng hạn như thần mưa, thần sấm, thần chớp... tôi tạm gọi đó là Chủ nghĩa đa thần (hay còn gọi là phiếm thần)...
Còn một cái tên gọi khác gần gũi hơn - một cái Tôi riêng biệt. (Tôi là Tôi = Tôi là Chúa của đời tôi)

Trên đây là sơ lược một số quan niệm thừa nhận một Ngã thể - Atman - Những quan niệm này có từ khi con người bắt đầu biết ngạc nhiên và hoài nghi về ngoại giới cũng như chính bản thân mình.... và đến khoảng những năm 8000 TCN thì những tư tưởng sơ khai như vậy dần dần hình thành thành một chủ thuyết...

Phật giáo ra đời vào khoảng thế kỷ thứ VI TCN, nếu nói dựa trên nền tảng của những tư tưởng ở trên cũng không có gì là quá. Tuy vậy, sự khác biệt lớn nhất giữa Phật giáo với các chủ thuyết còn lại chính là PHỦ ĐỊNH một Ngã thể thường hằng có tính chất vượt lên trên mọi giới hạn của không gian và thời gian như thế...

Khái niệm Vô ngã - Anatman - có tiếp đầu ngữ là an - sự vắng mặt, sự phủ định... chính là muốn nói đến sự vắng mặt của một chủ thể tuyệt đối, bất biến và trường tồn, kể cả ở trong ta lẫn ở ngoài ta...

Diễn giải khái niệm Vô ngã, được Đức Phật mô tả thông qua quá trình vận động của 12 yếu tố (Thập nhị nhân duyên)... Qua đó, mỗi một sự vật hay hiện tượng đều nằm trong quy luật sinh - trụ - dị - diệt (vô thường) và tiến triển theo 12 bước (vô mình - hành - thức - danh sắc - lục nhập - xúc - thọ - ái - thủ - hữu - sinh - lão tử). Mười hai bước này vừa tương tác lẫn nhau theo một vòng tròn, vừa đồng sinh đồng diệt trong một sát na...

Nhìn một cách khái quát về Vô ngã, Đức Phật nói: "Do cái này sinh khởi nên cái kia sinh khởi, do cái này diệt vong nên cái kia diệt vong". Chúng cũng được dân gian ta nôm hóa bằng một câu súc tích "Có lửa mới có khói"....

Dưới lăng kính của khoa học hiện đại, khái niệm Vô ngã được phát biểu ngắn gọn như sau: mỗi sự vật hiện tượng đều do nhiều yếu tố, điều kiện mà sinh thành hay hoại diệt. Chúng không tự nhiên sinh ra hay mất đi mà chỉ chuyển hóa từ hình thái này sang một hình thái khác.


Phóng chiếu ý niệm Vô ngã vào nhận thức cũng như quan niệm về nhân sinh thì vô cùng hấp dẫn và thú vị, giải đáp hầu hết các vấn nạn mà nhân sinh chúng ta đang gặp phải... Chẳng hạn như:- Trong tình yêu: không phải tự nhiên giận nhau, ghen tuông hay chia tay nhau, nó bắt nguồn từ cả hai đối tác mà ông cha ta hay ví von "tại anh tại ả, tại cả đôi đường...". Trước khi trách cứ nhau, hãy xem lại chính mình đã nhé...- Trong giáo dục con cái: không phải tự nhiên con cái dạy hoài không nghe... Đừng đổ thừa là "cha mẹ sinh con, trời sinh tính nết"... Phải giáo dục con cái (thân giáo, khẩu giáo...) như thế nào đó thì con cái mới hỗn hào hay ra nông nỗi như thế...- Quan hệ giữa người với người trong xã hội: cũng chẳng phải tự nhiên đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp, nguyên nhân chính là hoạch định đường hướng giáo dục sai lầm, nguyên nhân phụ là ta đã mở quá nhiều cánh cửa trong khi sức đề kháng của dân sinh chưa chuẩn bị kịp...- Quan hệ với môi trường: cũng chẳng phải tự nhiên thích trêu chọc gì con người đâu... phá rừng, đắp đập, hiệu ứng nhà kính, khí thải các bon... vượt quá mức cân bằng nên không ai khác hơn, chính con người tự lãnh chịu...

Đại khái vài ví dụ trong cuộc đời được soi qua lăng kính của Vô ngã để chúng ta thấy hiệu năng nhận thức của Vô ngã tuyệt vời như thế nào... Đi vào phạm vi hẹp một chút, nhất là khía cạnh nghệ thuật, chúng ta sẽ nhìn thấy rõ hơn tác dụng của Vô ngã:

- Hầu hết các giải Nobel văn chương cho đến các phát minh khoa học thần kỳ luôn được ra đời trong hoàn cảnh vắng mặt chủ thể. Khi bạn sáng tạo nghệ thuật trong hoàn cảnh không còn biết bạn là ai nữa thì những tác phẩm đó mới hoàn toàn xứng đáng là kiệt tác. Ở đó chỉ có ngòi bút hoặc các nốt nhạc dẫn dắt bạn đi, bạn trở thành vật trung gian hay phương tiện truyền tải cho nghệ thuật chứ không còn là chủ nhân sáng tạo cho nghệ thuật nữa...

- Đối với khoa học cũng vậy, rất nhiều người lầm tưởng rằng những phát minh đó ra đời trong phòng thí nghiệm sau nhiều đêm vắt óc tư duy... Thật ra, tất cả những nỗ lực hay cố gắng đó chỉ là phông nền mà thôi, những giây phút phát minh ra chúng luôn là những giây phút bất ngờ nhất, bất ngờ ngay cả với chủ thể của chúng. Quả táo rơi của Newton, tiếng hét Eureka của Acsimet... chính là mẫu mực cho những khoảnh khắc mà chủ nhân của chúng hoàn toàn quên mất bản thân mình....

- Đối với lĩnh vực tâm linh, đặc biệt là thiền quán cũng tương tự như thế... Hàng trăm nghìn giờ trầm mặc tư duy thiền quán chỉ là những bước đệm chuẩn bị cho những giây phút Đại ngộ bất ngờ và hy hữu. Tổ sư Lâm Tế - người sáng tạo ra thiền phái Lâm Tế của Trung Quốc luôn sử dụng tuyệt chiêu đấm, đá, hét... để đánh thức môn sinh bừng tỉnh ngay giây phút hiện tại để trực nhận chân tâm. Tìm kiếm bằng trí năng thông qua các công án Thiền là một sự nhầm lẫn tai hại, chỉ uổng phí thời gian tu tập mà thôi...


Trên đây là một số hiệu năng của Vô ngã trong nhận thức để lý giải các khúc mắc của đời sống cũng như những tác năng khi ứng xử Vô ngã trong hành động...
Và điều vui mừng nhất mà bài viết này mong muốn là....

 

Tôi không biết tôi đang viết gì
Bạn không biết bạn đang đọc gì
Chỉ đơn giản là chơi thôi(29/12/11)
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất