Đủ?

Sáng nay, trong lúc lang thang lau nhà, tưới cây, ngắm hoa, uống trà... tự nhiên lòng ta rộn rã tiếng nhạc, miệng ta muốn ngâm nga một vài câu hát... Khổ nỗi vì có năng khiếu bẩm sinh với thi ca, âm nhạc nên chẳng thèm thuộc bất kỳ bài hát hay bài thơ nào cả, cứ thích tự mình sáng tác, sáng chế, sáng tạo một cách sáng láng mà thôi... 
 
Cuộc sống tựa như một thiên hùng ca, có rất nhiều nốt nhạc thăng giáng khác nhau. Có khi là cả một trường đoạn trầm hùng bi tráng, có khi là cả một trường đoạn chiến thắng khải hoàn. Đứng trước thiên hùng ca của cuộc sống, từ giọng Basso đến Tenor, từ giọng Contralto đến giọng Soprano... ai ai cũng có chỗ đứng, ai ai cũng được mặc sức thể hiện tài năng, ai ai cũng được thể hiện vai chính ít nhất một lần....

Được và mất? Câu hỏi này chỉ thích hợp trong từng phân đoạn. Cùng một lời thoại, trong hoạt cảnh này là được, trong hoạt cảnh khác lại là mất. Và dù có thật sự được và mất đi chăng nữa thì đứng trước sự biến tấu thiên hình vạn trạng của cuộc sống, không ai được mãi và cũng chẳng có ai mất hoài. Được rồi để lại mất và mất đi để rồi lại được. Ngay nơi cuối hành trình, mọi thứ được và mất trong bể dâu đều quay về điểm xuất phát... Đến trắng tay và đi cũng trắng tay.

Tình yêu tựa như một trường đoạn nhẹ nhàng, bay bổng trong thiên hùng ca bất tận của cuộc sống. Những người có giọng Lirico tenor (nam) hay Lirico soprano (nữ) thường thể hiện tốt những đoạn cần phiêu như thế. Thế nhưng, xét riêng, tình yêu cũng được coi là một thiên hùng ca thu nhỏ, ở đó cũng có bay bổng thăng hoa, cũng có âm trầm u ám, cũng có trào dâng của cảm xúc, cũng có mỏi mòn chờ đợi, cũng có nhung nhớ khắc khoải, cũng có đau đớn khôn nguôi...

Duyên hay nợ? Câu hỏi này cũng chỉ thích hợp trong từng phân đoạn. Cũng có thể là duyên và cũng có thể là nợ. Nếu không có duyên làm sao hình thành nên nợ, nếu chẳng phải nợ sao lại cứ dằn vặt khôn nguôi? Ai tạo duyên và ai kết nợ?... Tình yêu là một vòng tròn, quay mãi quay mãi đến chóng cả mặt, vậy mà khi dừng đều khiến những người trong cuộc tiếc nuối thiết tha. Ngay nơi cuối hành trình, dù là duyên hay nợ thì mọi thứ đều quay về điểm khởi đầu... Đến một mình và đi cũng một mình.

Khoảnh khắc nốt nhạc đầu tiên được cất lên, cả thính phòng đều im lặng hồi hộp, đợi chờ. Sự im lặng đó không tự nhiên mà có nếu trước đó không có một loạt các hoạt động marketing, giới thiệu và quảng bá rầm rộ nhằm khơi gợi sự tò mò và nhu cầu thưởng thức của thính giả.

Khoảnh khắc nốt nhạc cuối cùng được lắng xuống, cả thính phòng vỡ òa trong men say của sự tận hưởng. Niềm vui và hạnh phúc đó không tự nhiên mà có nếu bản nhạc đó không thật sự thu hút và lôi cuốn thính giả hòa tan hết mình trong từng nốt nhạc được diễn tấu.

Nếu bản nhạc vẫn giữ nguyên một giai điệu và tiết tấu như lúc khởi đầu, dù nốt nhạc khởi đầu có tốt đến mấy, khán giả cũng bão hòa và dễ nhàm chán. Nốt nhạc cuối cùng, có thể là
một cái kết đẹp hoàn hảo như sự chờ đợi, cũng có thể là một cái kết bi tráng thương cảm, cũng có thể là một cái kết lấp lửng gợi mở... và dù thế nào đi chăng nữa, một bản nhạc hoàn hảo là một bản nhạc phải đầy đủ giai điệu, phải đầy đủ nhạc công, phải đầy đủ nhạc cụ và phải đầy đủ ánh sáng...

Nhưng thế nào là đủ?
Thế nào là đủ cho một đời người?
Trăm năm hay hơn thế nữa?
Thế nào là đủ cho một tình yêu?
Chân thành hay hơn thế nữa?
....

(26/7/12)
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất