Thước đo nào cho văn hóa?


Dạo này báo chí và ngôn luận bàn nhiều đến văn hóa và thích "phê phán văn hóa" quá, nào là "phản văn hóa", nào là "vô văn hóa", nào là "thiếu văn hóa", nào là "không phù hợp với văn hóa"...  Vậy thử cùng nhau tìm hiểu một chút về quá trình tìm kiếm thước đo trong việc phê phán văn hóa đã diễn ra trong lịch sử như thế nào nha...


 
Dưới khía cạnh triết học, văn hóa mang trong mình một nội hàm và ngoại diên khá rộng, nếu không muốn nói, văn hóa là tất cả, trừ tự nhiên; hiểu nôm na là bất cứ cái gì không thuộc về tự nhiên thì cái đó thuộc về văn hóa; nghĩa là, văn hóa là mọi hoạt động, mọi sản phẩm của con người, do con người sáng tạo và kiến tạo nên, từ triết học đến nghệ thuật, từ tôn giáo đến khoa học, từ các thiết chế chính trị đến các mô hình xã hội, từ kiến trúc Kim tự tháp sừng sững giữa sa mạc đến cái toilet bé nhỏ nằm gọn trong căn phòng của bạn...
 
Protagoras - một biện sỹ nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại quan niệm rằng, con người, do nhu cầu cuộc sống, phát minh ra văn hóa nhằm thay thế tự nhiên. Khẩu hiệu "con người là thước đo vạn vật" trở thành một tuyên ngôn nổi tiếng, là tiền đề quan trọng cho "bước ngoặt Socrates" ra đời. 
 
Platon, người học trò uyên bác nhất của "bà đỡ" Socrate, nhận thấy trong tuyên ngôn của Protagoras không tránh khỏi yếu tố chủ quan, nghĩa là con người, vừa là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, vừa là chuẩn mực cho văn hóa, thế thì khác gì "ông đấm bà xoa" hay "vừa đá bóng vừa thổi còi". Để tránh đi cái vòng lẩn quẩn đó, ông đặt định về một thế giới ý niệm - bất biến, vĩnh cửu, vừa thoát ra khỏi thế giới khả giác, vừa có thể nắm bắt thông qua tư tưởng - làm chuẩn mực cho mọi chuẩn mực, và dĩ nhiên trong đó có cả chuẩn mực để xét soi văn hóa.

Diogenes - một triết gia sống cả đời trong chiếc thùng gỗ bé xíu, người sẵn sàng từ khước mọi chuẩn mực văn hóa và những sản phẩm do con người đặt định ra. Ông đề nghị con người nên quay về với đời sống tự nhiên nguyên thủy. Sống tự nhiên như một sinh vật thì chẳng cần nhà cửa, chẳng cần quần áo, chẳng cần vật dụng. Tôi nghe đâu đó kể rằng, ông còn bỏ cả cái bát dùng để đựng nước - tài sản duy nhất của ông, đơn giản chỉ vì ông nhìn thấy con chó uống nước bên bờ sông cũng không đến chén bát - thế thì mắc gì ông phải phụ thuộc vào cái bát đó chỉ để uống cho khỏi khát?!
 
Phái khắc kỷ (thế kỷ thứ 3 SCN) có lẽ bớt cực đoan hơn Diogenes, một mặt thừa nhận, trật tự tự nhiên là hợp lý tính, là chuẩn mực tối cao; mặt khác, họ không phủ định những sản phẩm do con người sáng tạo ra, tuy nhiên, chỉ thừa nhận chúng có giá trị tương đối.
 
Triết học Kyto giáo, do quan niệm con người là vật thụ tạo của Thượng Đế tối cao, nên khi quan niệm về văn hóa, họ rơi vào mâu thuẫn khó hòa giải: con người và tất cả những gì của con người đều là sản phẩm của Thượng Đế, vừa là kết quả của tội lỗi tổ tông. Vậy làm sao vừa có thể hướng đến cái tự nhiên chuẩn mực tốt lành vừa thoát ra khỏi cái còng tội lỗi nguyên thủy trong ước mơ về một ngày Phục sinh hoàn hảo, khi tất cả đều dính dáng đến bàn tay Hóa công??

Thế kỷ 18, J.J.Rousseau đưa ra một lời giải cho tình thế lưỡng nan: "vừa dùng phần tích cực của tự nhiên để phê phán văn hóa, vừa dùng phần tiêu cực của tự nhiên để bảo vệ văn hóa". Theo đó, khái niệm "tha hóa" được ông sử dụng như công cụ nhằm hòa giải giữa tự nhiên và văn hóa, nghĩa là, khi rời bỏ tự nhiên, con người không đánh mất bản tính tự nhiên của mình mà chỉ "tha hóa" khỏi tự nhiên. Nhờ sự "tha hóa" đó mà con người có điều kiện phát huy nhân tính của mình, nhưng dù sao đi nữa, con người vẫn phải lấy tự nhiên làm cơ sở và chuẩn mực cho tiến trình hoàn thiện văn hóa. Làm thế nào để con người, sau khi bị tha hóa khỏi tự nhiên, có thể tìm về với bản tính tự nhiên thuần khiết của mình? Rousseau trả lời: hãy thẳng tiến để hoàn thiện văn hóa chứ không phải quay về với trạng thái tự nhiên nguyên thủy.
 
Thế kỷ 18 chứng kiến một ngôi sao khác là I.Kant. Ông đã tiếp thu nhiều quan điểm về văn hóa, tha hóa của J.J.Rousseau nhưng lại đảo ngược quy trình đó lại. Kant gạt bỏ yếu tố tự nhiên ra khỏi việc phê phán văn hóa và "tha hóa" giờ đây chỉ còn là vấn đề nội tại của bản thân văn hóa. Năm 1786, trong bài viết "Phỏng đoán về khởi đầu của lịch sử loài người", Kant viết: "con người rời bỏ vườn địa đàng như là đi từ sự thô lậu của thú vật đến nhân tính, từ sự ràng buộc của bản năng đến sự hướng dẫn của lý trí; nói ngắn, từ sự điều khiển của tự nhiên sang thế đứng tự do" và vậy là, khi đề cập đến văn hóa, người ta không cần phải cầu viện đến tự nhiên như là chuẩn mực tối cao, bởi văn hóa có sự tự trị riêng của mình, và sự tha hóa chỉ còn là công việc giữa con người với con người. "Hãy ra khỏi sự sắp đặt máy móc của tự nhiên dành cho nếp sống thú vật để hoàn toàn tự sáng tạo từ chính mình bằng lý tính của mình" (Kant, Ý tưởng và một lịch sử phổ quát, 1784).

Kể từ ngày Kant khước từ chuẩn mực tự nhiên ra khỏi công cuộc phê phán văn hóa, thì một vấn đề khác nổi lên không kém phần hấp dẫn, đó chính là sẽ lấy gì làm thước đo của văn hóa? Kant đưa ra tiêu chí đạo đức (ý niệm về tốt xấu, đúng sai) như là chuẩn mực đánh giá con người có văn hóa. "Con người có văn hóa không chạy theo danh vọng và vẻ tao nhã bề ngoài, trái lại, sẵn sàng làm điều tốt và điều đúng chỉ vì đó là điều tốt và điều đúng chứ không vì nó mang lại lợi ích cho bản thân".  F.Nietzsche đưa ra tiêu chí thẩm mỹ như là thước đo cho văn hóa và thành tựu văn hóa cũng chính là thành tựu mang tính thẩm mỹ. "Văn hóa chân chính của một dân tộc phải như là sự thống nhất về phong cách nghệ thuật trong tất cả mọi biểu hiện về đời sống của dân tộc ấy". O.Spengler đưa ra tiêu chí sinh học trong tác phẩm nổi tiếng "Sự suy tàn của phương Tây". Một chủ thuyết xã hội bị phủ bóng bởi quan niệm "tiến hóa qua chọn lọc tự nhiên" của Darwin trong sinh học. Có lẽ thước đo "sinh học hóa văn hóa" là cơ sở cho chủ nghĩa Phát xít ra đời chăng??

Thế giới hiện đại, qua "Diễn ngôn triết học về hiện đại" của J.Habermas vào năm 1985, một vấn đề nổi lên không kém phần hấp dẫn trong cuộc phiêu lưu trường chinh của quá trình "phê phán văn hóa", chính là sự phi tập trung hóa và sự phản tỉnh toàn diện. Đó là quá trình giải thể hay phá sản một trung tâm văn hóa có tính chất quyết định đến toàn bộ các nền văn hóa và sự "khai thác tính chuẩn mực của mình từ chính mình" chứ không cần dựa dẫm vào các quyền uy siêu văn hóa hay thần linh siêu nhiên nào nữa. 


 
Để tạm kết cho bức tranh sơ sài về công cuộc tìm kiếm thước đo trong việc phê phán văn hóa, tôi muốn đề cập đến mặt tích cực của "hai trong một" vấn đề đang nổi cộm hiện nay:
 
Thứ nhất, nhờ sự phi tập trung hóa mà tự do mới có cơ hội ra đời. Tất cả những hình thức của tự do như tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do học thuật... chỉ có thể đơm hoa kết quả trên cơ sở không có trung tâm hay mất đi trung tâm định đoạn toàn bộ nền văn hóa hay từng vùng văn hóa. Ngày nào còn có một quốc gia, một nền văn hóa "tự phong" mình là trung tâm và ép buộc các nền văn hóa khác "phải bắt chước, phải làm theo" thì ngày đó văn hóa chỉ còn là tha hóa về sự tha hóa...
 
Thứ hai, sự phản tỉnh toàn diện trong văn hóa giúp chúng ta có đủ niềm tin và nghị lực khước từ mọi sự cầu viện đến từ bất kỳ yếu tố nào ngoài văn hóa, và chỉ thông qua sự phản tỉnh toàn diện này, chúng ta mới thật sự "mở ra không gian cho cách nhìn khách quan, khoa học, không định kiến về các chuẩn mực và về văn hóa nói chung", nói cách khác, trên cơ sở tự do và phản tỉnh toàn diện, con đường của sự tôn trọng, lòng khoan dung, khả năng chấp nhận sự khác biệt mới thật sự được khơi thông...

***
 
Công cuộc phê phán văn hóa vẫn tiếp tục...
Con đường hoàn thiện văn hóa vẫn lắm chông gai....

Thế nhưng, khi ta chưa định hình cho mình một thước đo văn hóa chuẩn mực thì khoan hãy vội đánh giá một nền văn hóa nào đó, một hành xử nào đó là phi văn hóa hay phản văn hóa...
Hãy cùng nhau tạo nên một không gian mà ở đó "trăm hoa đều có thể đua nở"!

(26/11/12)
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất