Sử học?


Trung Quốc đã có những bước đi rất rõ rệt nhằm thiết định não trạng cho nhân dân Trung Hoa, thông qua tất cả những công cụ tuyên truyền có thể... Là con dân của nước Đại Việt nghìn năm văn hiến, trưởng dưỡng trong một đất nước mà lịch sử của nó chẳng có gì khác ngoài lịch sử chống ngoại xâm, mỗi người trong chúng ta không khỏi tủi thân mà cũng đầy tự hào, không khỏi tin tưởng mà cùng đầy hổ thẹn trước trách nhiệm lớn lao....

Vào thời điểm này, nói về Lịch sử và Phương pháp dạy sử có vẻ hơi lạc điệu... Tuy nhiên, theo tôi, hơn lúc nào hết, mỗi gia đình, mỗi người dân Việt cần và rất cần quay về ôn lại những bài học lịch sử của cha ông, trước là "dân ta phải biết sử ta", sau là định hướng cho những hành động cấp thiết của đời sống hiện tại...


Không cần phải nói quá nhiều, ai trong chúng ta cũng biết, kỳ thi đại học nào cũng vậy, môn lịch sử luôn nằm trong hạng mục top ten của điểm số 0 (zero). Người Việt Nam biết lịch sử Trung Quốc, Hàn Quốc nhiều hơn cả lịch sử của dân tộc mình... Âu cũng là hệ quả tất yếu của phương tiện truyền thông đầy hấp dẫn: điện ảnh.

Nhìn lại môn lịch sử đang được dạy trong các trường học của ta, chính tôi cũng không khỏi ngao ngán... Ngoài số liệu ngày giờ khô khan hơn cả ngói, thời đại nào cũng như thời đại nào, trận đánh nào cũng như trận đánh nào, đều gói gọn trong cụm từ: tạm thời rút lui - phản công - cầm cự - tiến công - thắng lợi vẻ vang...  Hàng nghìn số liệu ngày giờ, hàng trăm chiến dịch nhồi nhét vào bộ não chưa đầy 1400gr để rồi quên sạch béng ngay khi vừa bước chân ra khỏi phòng thi. Bài học lịch sử nào cũng được rút ra, nhưng chỉ có ý nghĩa cho quá khứ đã qua, còn hiện tại, với những biến động đầy bất trắc, chúng ta mù tịt, chẳng biết nên làm gì và cần phải làm gì...

F.Nietzsche đã bắt đầu khởi thảo lộ trình "triết lý cái búa" của ông bằng cách đập thẳng vào hệ thống giáo dục, và môn học đầu tiên ông công phá chính là Sử học. Vào năm 1874, với tác phẩm "Những nhận xét không hợp thời. Về lợi và hại của môn lịch sử đối với đời sống", ông nói, đại ý: lịch sử và vô lịch sử, nhớ và quên đều cần thiết như nhau cho sức khỏe mỗi cá nhân, mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa, chỉ có điều nó không nên chỉ là sự lập lại nhàm chán, khô cứng... Giáo dục lịch sử đương thời là nguyên nhân của căn bệnh lịch sử, nó chìm ngập trong những số liệu vô hồn, giết chết sự quan tâm sống động với quá khứ, bóp nghẹt những sức mạnh sáng tạo của hiện tại, chỉ nhằm thuần phục tuổi trẻ, khiến họ già trước tuổi như mắc phải căn bệnh "lão hóa bẩm sinh"... Hiện cảnh thế kỷ 19 tại nước Đức năm nào lại một lần nữa tái diễn trên nước Việt thân thương...

Cũng thông qua tác phẩm này, F.Nietzsche kiến nghị một trách nhiệm thiêng liêng cho sử học, đại ý: thước đo cho hiệu lực của sử học đối với đời sống phải là sức "thanh xuân, mềm dẻo" của mỗi người, mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa để chúng tự lớn lên, tự hấp thu và cải biến cái đã qua và cái xa lạ, chữa lành những vết thương, thay thế cái đã mất, tái tạo những hình thức đã tan vỡ.... E.N.Carr cũng từng nói: "sử học là quá trình liên tục không ngừng tác động lẫn nhau giữa nhà sử học với lịch sử, là sự đàm thoại, hỏi và trả lời không bao giờ ngừng giữa hiện tại và quá khứ"... Hơn lúc nào hết, dân Việt chúng ta đang rất cần tìm thấy ở lịch sử nước nhà cái nét "thanh xuân, mềm dẻo" ấy, vì chỉ có như vậy, cái sức mạnh của khả năng kiến tạo mới đủ sức thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết đầy quả cảm đang chảy tràn trong ý thức mỗi người...

Tự xét thấy, mỗi người chúng ta, tuy đang chảy chung dòng máu con Lạc cháu Hồng, nhưng dường như, những huyết cầu đang dần đi vào trạng thái xơ cứng, bạc nhược và cam tâm tù túng chính bản thân mình trong một hệ thống quan liêu thiếu uyển chuyển. Giáo viên giảng dạy lịch sử truyền thụ kiến thức như một cái máy, người học như một lũ vẹt khù khờ, những bước chân hùng dũng của cha ông chết khô trong từng con chữ, những bài học trên giảng đường thiếu sinh khí và hơi thở của thời đại.... 
 
Đâu là tiêu chuẩn cao nhất của lịch sử? Câu trả lời của tôi chỉ có một: đó là bản thân đời sống. Mọi sự kiện, ý nghĩa và những giá trị đã qua cần phải được đánh giá, thẩm thấu, đối chiếu với thực tại đang hiển bày. Sử học không nên gói gọn trong những số liệu thống kê hay diễn biến của một trận đánh nào đó, trách nhiệm của nó phải là: truyền cảm hứng của tiền nhân vào đời sống hiện tại, thổi luồng sinh khí vào trong từng hoạt động, định hướng kế sách trước những thăng trầm của thời cuộc...

Sử học không phải là môn học cung cấp những thông tin máy móc vô hồn. Sử học cần phải là tấm gương cho từng cá nhân và cả dân tộc soi mình. Muốn được như vậy, người dạy và cả người học cần phải thay đổi tâm thế, biết tự phản tỉnh trước những di sản của cha ông.

Sử học không phải là môn học cung cấp những giá trị xơ cứng lỗi thời. Sử học cần phải cung cấp những bài học cụ thể để định hướng cho hiện tại và tương lai. Muốn được như vậy, giáo trình và phương pháp giảng dạy cần phải được thay đổi. Nên giảm bớt những số liệu hay diễn biến của một chiến dịch nào đó cụ thể, thay vào đó, cần phải tăng cường đối chiếu, so sánh giữa những thời đại khác nhau, rút ra ý nghĩa, giá trị và những bài học lịch sử cho hiện tại.

Sử học không phải môn học thuần túy ngợi ca lòng tự tôn dân tộc và nịnh bợ cha ông, vì trên tất cả, người nghiên cứu sử chỉ nhằm mục đích hạn chế và tránh đi những sai lầm, những vấp ngã mà người đi trước đã mắc phải, do đó, thay vì quá đề cao và tán dương công trạng, chúng ta phải đủ can đảm đối mặt với sự thật, cả thành công cũng như thất bại, cả sai lầm cũng như đúng đắn... Trên cơ sở đó, chúng ta mới đủ tỉnh táo để định vị chỗ đứng của dân tộc ta hiện nay ở đâu trên bản đồ thế giới... chúng ta có gì và không có gì, được gì và thiếu gì so với các quốc gia khác... chúng ta nên tránh cái gì, nên làm cái gì và cần phải hành động như thế nào cho phù hợp với bối cảnh chính trị hiện tại.... chúng ta có thể tiếp thu cái gì và không thể tiếp thu cái gì từ lịch sử những dân tộc, những quốc gia và những nền văn hóa khác....


Thay vì ngồi chờ một cuộc cách mạng nào đó cho nền giáo dục nước nhà,
Mỗi chúng ta hãy tự giáo dục mình và là nhà giáo với chính con em mình,
Đó là con đường khả dĩ để mỗi cá nhân có thể tự tin đứng thẳng trên đôi chân của mình trước di sản mà liệt vị tiền nhân đã để lại.

(26/11/12)
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
2 Comments

2 nhận xét:

  1. Lãnh đạn sẽ chăm chỉ qua đây lót dép ngồi đọc. Mặc dù hem biết là có hiểu cái gì hok :)

    Trả lờiXóa
Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất