Tại sao lại sợ chết? (tt)


Còn mấy tiếng nữa thôi là sang năm mới 2010 của Tây lịch. Vào thời điểm năm mới, người ta hay thích chúc những câu tốt đẹp, vậy mà mình chọn thời điểm này để viết về cái chết có phải là... dở hơi quá không?

Vâng! Có lẽ trong thời khắc chuyển giao của đất trời, người ta ngại nói đến chuyện chết chóc, chuyện xui xẻo, chuyện kém may mắn.... Tại sao? Phải chăng vì cái chết là chuyện không may mắn nên người ta không thích nhắc đến trong dịp đầu năm?! Phải chăng vì người ta sợ cái chết nên người ta không thích nhắc đến nó trong những dịp nhạy cảm như thế này?!.... Dù là gì đi chăng nữa, chúng ta vẫn cứ phải nhắc đến cụm từ SỢ CHẾT.

Trong bài viết trước, có bạn cho rằng người ta sợ chết vì người ta sợ trạng thái không còn cảm giác gì cả. Nói cách khác, trạng thái đó có thể được biểu hiện bằng những tính từ hay hình dung từ sau: thờ ơ, hững hờ, lạnh lùng, vô cảm... Nhưng thực ra, bản thân trạng thái vô cảm cũng chính là cảm giác ở một tình huống đặc biệt, cảm giác vô cảm giác. Nói cách khác, khi sống trong một trạng thái như vậy, cái cảm giác vô cảm giác chỉ là tình trạng trống rỗng và lạnh lùng với những gì xảy ra xung quanh và với chính bản thân mình. Sự lạnh lùng đó cũng là một loại cảm giác, một phản ứng nghịch của sự nhiệt tình thái quá mà thôi. Nói cho dễ hiểu, chẳng hạn bị ai đó tát mình một cái, mình thấy đau. Đó là một dạng cảm giác. Ngược lại, người ta tát mình một cái, mình mặc kệ (ví dụ thôi), đó cũng là một dạng cảm giác khác: cảm giác chai lì. Vậy thì dù chúng ta có nhạy cảm với bất kỳ sự thay đổi nào hay dường như chai lỳ với mọi biến chuyển xung quanh, chúng ta cũng không thoát ra khỏi các tình huống của cảm giác. Nói tóm lại, cảm giác không cảm giác chỉ là một tên gọi khác của tính từ: chai lỳ cảm xúc. Mà đã chai lỳ cảm giác thì SỢ cũng chẳng đáng sợ vì thật sự SỢ cũng chỉ là một biểu hiện của cảm xúc hay cảm giác mà thôi.

Có người nói người ta sợ chết vì người ta sợ cái chưa biết. Ôi cái mà ta biết chỉ như hạt cát, cái người ta chưa biết nhiều như sa mạc. Mỗi ngày, mỗi giờ chúng ta luôn luôn phải đối diện với cái chưa biết. Chỉ vì chúng ta quá kiêu ngạo nên chúng ta cứ nhầm tưởng là mọi thứ diễn ra đúng như những gì ta biết thôi. Chẳng hạn, khi viết xong bài viết này, cá nhân tôi không thể biết được các bạn sẽ đánh giá ra sao, và thật lòng tôi phải đối diện với cái CHƯA BIẾT đó. Vậy nên tôi không nghĩ rằng người ta sợ chết vì người ta sợ đối diện với cái chưa biết. Trong trường hợp của tôi, cái gì tôi chưa biết thì tôi càng muốn khám phá chứ thật lòng thì tôi chẳng sợ nó tí nào.

.... Lan man vài dòng cho vui vậy thôi, năm mới sắp đến rồi. Nếu chúng ta tinh ý một chút sẽ thấy rằng, cái được gọi là "năm mới" thì lẽ dĩ nhiên phải có cái gọi là "năm cũ". Năm cũ có qua thì năm mới mới tới. Nói cách khác, năm cũ có "chết" đi thì năm mới mới "sinh" ra được. Khi tôi sử dụng từ "chết" dành cho năm cũ, điều đó có nghĩa là CHẾT là một động từ chỉ một sự vật hay hiện tượng nào đó không còn duy trì ở trạng thái đó nữa mà chuyển sang một trạng thái khác. Quá trình chuyển hóa như vậy, tôi gọi đó là CHẾT.

Nếu chúng ta hiểu CHẾT chỉ là một động từ chỉ quá trình thay đổi của một sự vật hay một hiện tượng nào đó thì rõ ràng mỗi ngày mỗi giờ chúng ta thường xuyên CHẾT và cũng thường xuyên được SINH ra một cách liên tục. Ví dụ như một cái cây đang xanh, bây giờ héo úa và tàn lụi đi, chúng ta nói rằng cây đó chết rồi. Vậy cây đó có CHẾT đi với ý nghĩa là mất hẳn không? Không, cây xanh đó chết đi nhưng xác của chúng còn lại, chúng sẽ trở về với đất, theo thời gian chuyển hóa thành phân, phân kết hợp với đất để sản sinh ra cây xanh khác. Cây xanh đó mất đi nhưng không mất hẳn, cơ thể của nó chuyển hóa thành năng lượng nuôi dưỡng cây xanh khác. Vậy các cây xanh khác chính là hình ảnh đã được chuyển hóa thành năng lượng của cây xanh đã chết đi. Hiện tượng mưa cũng vậy, nước mưa rơi xuống thành sông hồ, sau đó chuyển hóa thành hơi. Hơi là một hình dạng khác của nước chuyển hóa mà thành. Hơi bốc lên thành mây, mây tụ lại thành mưa... cứ như vậy, các hình dạng nước, hơi, mây... cứ chuyển hóa qua lại không ngừng. Nước đã CHẾT để thành hơi, hơi đã CHẾT để thành mây, mây đã CHẾT để thành mưa....

Cá nhân chúng ta cũng vậy, ngày chào đời hình thể chúng ta khác, 17 tuổi khác, 27 tuổi khác.... Cơ thể chuyển hóa không ngừng. Nếu cơ thể đứa trẻ vừa ra đời không chết đi thì không thể có cơ thể của đứa trẻ 17 tuổi, cơ thể trẻ 17 tuổi không chết đi thì không thể có người thanh niên 27 tuổi... Nói chung, chúng ta liên tục CHẾT, chết từng giờ từng khắc để SINH từng khắc từng giờ.

Vậy tại sao người ta sợ chết?

Thật ra người ta không hề sợ chết, người ta chỉ nhầm tưởng về cái chết nên người ta sợ chết. Vì nhầm tưởng về cái chết nên người ta nghĩ chết thì sẽ rất đau, vì người ta nhầm tưởng về cái chết nên người ta nghĩ chết sẽ mất hết tất cả, vì người ta nhầm tưởng về cái chết nên người ta sợ phải đối diện với đời sống sau khi chết.... CHỈ CẦN THAY ĐỔI CÁCH NHÌN VỀ CÁI CHẾT, CÁI CHẾT SẼ KHÔNG CÒN ĐÁNG SỢ NỮA. Nói đúng hơn, người ta phải mang ơn cái chết vì nhờ có cái CHẾT nên mới có cái SỐNG thực sự.

Vậy cuối cùng cái gì đáng để sợ?

CHẲNG CÓ GÌ ĐÁNG ĐỂ SỢ, CHỈ CÓ ẢO TƯỞNG DO CON NGƯỜI BÀY VẼ RA MỚI THẬT SỰ ĐÁNG SỢ, MÀ THẬT RA SỢ CŨNG CHỈ LÀ MỘT TRẠNG THÁI CỦA ẢO TƯỞNG MÀ THÔI!!!!

(còn nhiều điều để nói nhưng vì lý do... thơ thẩn một tí nên tạm dừng trò chơi lý sự cùn lại)
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất