Đối mặt


Tôi vẫn thường hay viết rằng... con người sinh ra không đơn độc... Chúng ta mang theo một gánh nặng hành lý từ những hệ quả mà ta đã làm trong quá khứ... Chính những hành lý này quyết định những gì chúng ta sẽ đón nhận cho hiện tại và tương lai...

Quá khứ chưa bao giờ đứt lìa khỏi hiện tại... điều đó cũng có nghĩa là hiện tại... sẽ không bao giờ tách lìa khỏi tương lai... Quá khứ - Hiện tại - Tương lai là một cặp Nhân - Quả - Nhân - Quả không bao giờ đứt đoạn...

Trong dòng chảy miên trường không dứt của thời gian, sự hiện hữu của chúng ta trong thời điểm hiện tại không chỉ là hệ quả của những gì đã từng làm trong quá khứ... mà trên hết, thời điểm hiện tại của chính chúng ta cũng chỉ là sản phẩm đã ra lò từ phong tục, tập quán, truyền thống nơi mà chúng ta sinh ra, nền tảng giáo dục mà chúng ta đã từng hấp thụ...

Người Việt Nam không giống với người Trung Quốc, người Nhật, người Nga hay người Mỹ. Mỗi cá nhân, dù muốn hay không muốn, đều ảnh hưởng bởi cách nhìn, cách cảm, cách tư duy nơi đất nước đó sinh ra. Ngay cả khi tôi đang viết entry này, dù biết ít hay biết nhiều ngôn ngữ thì tiếng nói quê hương Việt Nam vẫn là ngôn ngữ duy nhất có thể diễn đạt gần đúng nhất với những gì tôi cảm nhận...

Rồi ngay trong phạm vi đất nước Việt Nam, chính tôi cũng không thoát khỏi phông văn hóa vùng miền. Cách sống của người Bắc, người Trung hay người Nam dù đều là người Việt nhưng chí ít cũng có sự khác biệt tùy theo địa lý nơi tôi đã cất tiếng khóc chào đời. Bản thân tôi đã xa đất Bắc lâu năm, sống 2/3 quãng đường nơi Sài thành diễm lệ nhưng cho đến giờ này tôi vẫn không quên tiếng Bắc kỳ, vẫn không bỏ được lối sống của người nông dân và cũng chưa sao phai nhạt được kiểu cách của cánh đồ nho xưa cũ...

Rồi ngay trong phạm vi vùng miền địa lý, mỗi chúng ta lại chịu ảnh hưởng bởi nền tảng giáo dục của từng thời kỳ hay giai đoạn khác nhau. Người sinh ra trong nền giáo dục thời loạn hẳn khác cách nhìn của người thời bình, người sinh ra thời kỳ bao cấp khác hẳn lối tư duy của thời mở cửa... và cho đến hôm nay tôi thừa nhận rằng vẫn chưa thể tập cho chính mình cách nhìn của giới trẻ 9X hay 10X...

Mỗi một giai đoạn khác nhau với phông nền văn hóa, giáo dục khác nhau... tự thân mỗi chúng ta sẽ có một hệ quy chiếu khác nhau. Ai trong chúng ta cũng có thể biết điều đó là sai nhưng định nghĩa thế nào cho đúng quả là nan giải. Ai trong chúng ta cũng có thể biết điều đó là "thái quá" nhưng "thái quá" đến cỡ nào thành"bất cập" thì đành bó tay. Mỗi một hệ quy chiếu sẽ có cách đánh giá đúng/sai khác nhau... cũng như tùy vào phông nền văn hóa và nền tảng giáo dục mà mỗi người sẽ chọn cho mình một hệ quy chiếu phù hợp.

Nói như vậy không có nghĩa là người Việt Nam chỉ chơi với người Việt Nam hay dân 9X chỉ chơi với dân 9X. Trong tự nhiên có quy luật tự thay đổi thích nghi thì trong cuộc sống cũng sẽ có quy tắc tự điều chỉnh cho phù hợp. Cái gì "thái quá" sẽ dẫn đến bất cập và khi nhận thấy "bất cập" thì tự thân mỗi cá nhân phải tự điều chỉnh cho cân bằng nếu chính họ không muốn tự đào thải...

Cũng như người Việt Nam ở bất kỳ vùng miền nào, dù ngôn ngữ địa phương có luyến láy đến đâu đi chăng nữa thì vẫn có thể hiểu đôi phần dựa trên nền tảng ngữ pháp Việt Nam. Dù cách biệt và mâu thuẫn đến mấy trong cách nhìn, cách cảm, cách tư duy cho đến lối sống giữa các thế hệ thì mỗi chúng ta cũng đừng quên chúng ta là người Việt Nam vớí sự giao thoa hài hòa của nhiều nền văn hóa và đâu mới thực là văn hóa nền tảng...

Từ những điểm nêu ở trên, tôi tạm thời rút ra vài kết luận như là bài học cho chính mình:

1. Tôi không chỉ là sản phẩm của những gì tôi đã hành động của quá khứ mà tôi còn là sản phẩm của phong tục, tập quán, truyền thống, nền tảng giáo dục mà tôi đã tiếp nhận trong hiện tại.

2. Vì tôi là sản phẩm của những cái ngoài tôi nên người khác cũng chỉ là sản phẩm của những cái ngoài họ. Thay vì đánh giá đúng/sai; tốt/xấu... một ai đó, chúng ta hãy cố gắng tìm hiểu nguyên nhân khách quan từ đâu đã dẫn đến hành động đó.

3. Có nhiều phong tục, tập quán, truyền thống và môi trường giáo dục khác nhau nên sẽ có nhiều hệ quy chiếu khác nhau. Thay vì cố chấp cho hệ quy chiếu của mình là duy nhất đúng, hãy tập nhìn qua lăng kính của những hệ quy chiếu khác trước khi đưa ra một kết luận cuối cùng.

4. Dù văn hóa có đa dạng, dù tính cách con người có phong phú đến cỡ nào đi chăng nữa thì mỗi chúng ta đều có chung một xuất phát điểm: chúng ta là những con người. Khi thừa nhận mình là một con người thì đừng bao giờ ngừng quên tư duy: Sống như thế nào cho xứng đáng một con người?

(25/2/12)


Tái bút: Bài học đã có và tôi lại không thực hiện được nổi bài học tôi đã viết ra. Lý trí đã rạch ròi nhưng con tim còn lằng nhằng chưa quyết đoán. Âu cũng là sự mâu thuẫn mà mỗi chúng ta phải đối diện trong cuộc đời để qua đó thử thách bản lĩnh mỗi chúng ta chăng?
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất