Quá trình vượt thắng để quy hồi (2)


Dạo này sao lắm "sao" xuất hiện thế nhỉ, hết sao nhỏ đến sao to, hết sao vừa đến sao bự... sao rồi siêu sao rồi lại siêu siêu sao... trên trời đầy sao và dưới đất cũng toàn sao....

Có những người mẫu, ca sỹ, diễn viên điện ảnh đi diễn bao nhiêu năm trời, mãi không được phong sao, đành "cởi" để được chú ý, cưới nhau rồi ly dị nhau, ly dị nhau rồi nói xấu nhau, nói xấu nhau rồi cắn xé nhau để báo chí gọi tên điểm danh cho người ta biết mặt.

Cái vòng danh lợi ôi sao... cong cong.

Ánh đèn màu sân khấu lấp lánh làm người ta đê mê.
Những lời có cánh của báo chí và khán giả làm người ta ngất ngây.
Được bao lâu?
1 tháng, 3 tháng? 3 năm? 30 năm?
Nhưng có tờ báo nào điểm danh một ca sỹ suốt một tháng liền? Hình như không. Tờ báo nào mà chỉ nói về một ca sỹ, người mẫu, diễn viên điện ảnh liên tục 1 tháng liền có lẽ tờ báo đó sập tiệm sớm.
Nói như vậy để thấy rằng không ai liên tục nổi mãi trên mặt nước được. Đến lúc nào đó sẽ phải chìm mà thôi.
Mà sau khi chìm rồi, đằng sau ánh đèn sân khấu đó, họ là ai? đằng sau những bó hoa và tiếng vỗ tay tán thưởng, họ là ai?


Còn những người nổi tiếng bằng thực tài của mình thì sao?
Có lẽ bền vững hơn một chút... vì họ đi lên bằng chính sự nỗ lực và tài năng của họ mà. Đáng trân trọng lắm chứ. Có một thời người ta chỉ nhắc đến GS NBC với giải thưởng toán học làm rạng danh nước non Việt Nam. Báo nào cũng nhắc, trang điện tử nào cũng điểm danh nhưng trong số vô vàn tiếng vỗ tay đó, có mấy ai hiểu được ông ta đã chứng minh được "bổ đề" gì? Người ta hoan hô giải thưởng hay người ta tán thưởng công trình toán học của ông GS hay người ta tán thưởng ông GS? Giải thưởng thì không thiếu, GS cũng rất nhiều và những phát minh thần kỳ cũng không ít. Vậy người ta tán thưởng phải chăng vì cả ba yếu tố đó cộng lại? Vậy người ta vỗ tay cả ba nghĩa là ông GS, giải thưởng và công trình toán học đó là một? Nói như vậy là nâng cao một con người hay hạ thấp con người? (xin lỗi GS NBC, bài viết này chỉ mượn một hình ảnh cụ thể để dẫn chứng còn trong blog của GS, tôi được biết hình như GS cũng chẳng quan tâm lắm đến tiếng vỗ tay của thiên hạ đâu nhỉ?!)

Hình như đã từng có chương trình "em muốn trở thành người nổi tiếng" để hoạch định cả một con đường "nổi" lên mặt nước. Khát vọng nổi tiếng là có thực, rất thực của một số không ít chúng ta và nó đã trở thành mục đích sống của không ít người.
Nhưng để người ta biết đến mình để làm gì?
Và khi người ta biết đến mình thì mình có khác gì với lúc người ta không biết?
Tự hào vì ra đường ai cũng biết?
Sự tự hào đó có nâng ta lên cao hơn so với chính ta của ngày hôm qua không?
Sự tự hào đó xuất phát do đâu?
Phải chăng Ta thấy ta hơn người bình thường vì cái tên của ta, hình ảnh của ta được nhiều người khác biết đến hơn?
Nhưng hơn người bình thường để làm gì? và nếu không có những "người bình thường" đó thì ta nâng ta lên với ai?

Ngày xưa cha mẹ đặt tên là ABC là để gửi gắm ước mơ của họ vào ta nhưng có lẽ sự hiện hữu đích thực của cái tên chính là không để nhầm lẫn ta với anh em của ta mà thôi. Cái tên ABC là để người ta phân biệt đây là thằng này chứ không phải là con nọ... nhưng dần dà, cái tên ABC trở thành cái Ta và nếu ai đó đụng chạm đến cái tên ABC tức là đụng đến cái Ta của mình. Ta là ABC
Nhưng giả sử nếu bố mẹ không đặt tên mình là ABC mà đặt tên XYZ thế thì cái tên ABC không còn là ta nữa. Khi đó ta là XYZ.
Vậy cái Ta đích thực là ABC hay XYZ?
Rõ ràng là cái Ta không nằm trong cái tên và cái tên chỉ là danh từ tạm gọi về cái Ta mà thôi.

Khát vọng nổi tiếng xuất phát từ ý thức muốn hơn người khác. Nhưng ý thức muốn hơn người khác thì lại cần đến người khác để làm bệ đỡ cho mình "nổi". Vậy là ý thức muốn hơn người khác đó lại phụ thuộc vào người khác.
Hôm nay họ vui họ khen những ca sỹ hát bài hát vui, ngày mai họ buồn họ vỗ tay những ca sỹ hát bài hát buồn. Sự chê khen của khán giả, thính giả... và của người khác phụ thuộc vào cảm xúc của chính họ. Và sự nổi lên hay lặn xuống của cái tên mà ta đang mang phụ thuộc vào cảm xúc nhất thời của người họ.
Ta tưởng ta giỏi vì hôm nay họ khen ta và đưa cái tên của ta lên mặt báo và ta nghĩ ta thật tệ nếu ngày nào đó chẳng còn ai nhắc đến ta và cái tên của ta nữa.
Niềm vui và hạnh phúc của ta được ta giao cho cảm xúc nhất thời của số đông người khác. Có đáng chăng ước mơ "em muốn trở thành người nổi tiếng" trở thành mục đích sống của mỗi chúng ta? Có đáng chăng để trở thành người nổi tiếng, ta không chỉ giao niềm vui của ta vào trong tay người khác mà ta còn biến cuộc sống của ta nô lệ vào chính khát vọng nổi tiếng đó? Có đáng chăng??

Và sau ánh đèn sân khấu, ta là ai?
Sau khi tên tuổi của mình đã đi vào dĩ vãng trong cảm xúc của người khác, ta là ai?
Ta đối diện với chính ta
Không ánh đèn, không tiếng vỗ tay, không lời tán thưởng.
Sự cô đơn còn đó...
Tuổi già còn đó...
Cái chết còn đó...
Hành trang của ta còn lại là gì khi ta đã giao niềm vui và hạnh phúc của ta vào tay người khác?

Bước thứ hai của quá trình vượt thắng
Ta tự do với danh vọng
Tự do không có nghĩa là buông bỏ.
Tự do nghĩa là ta không sợ sự nổi tiếng nhưng ta cũng không để sự nổi tiếng làm chủ ta.
Tự do nghĩa là ta không đem giao niềm vui và hạnh phúc của ta vào trong tay người khác.

Bước thứ hai của quá trình quy hồi
Ta thoát ly với danh vọng
Thoát ly không có nghĩa là trốn chạy
Thoát ly nghĩa là ta không lấy sự nổi tiếng hay ý thức hơn người khác làm mục đích sống cho ta.
Thoát ly nghĩa là ta không tìm kiếm con người thật của ta ở người khác mà thay vào đó, ta đi tìm kiếm ta ở chính ta.

Bước thứ hai của quá trình vượt thắng để quy hồi
Ta không phải là cái tên mà người ta đang gọi.
(26/3/11)
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất