Giá trị của lời Cầu nguyện?



Dịch bệnh Corona hoành hành, số lượng các lễ hội giảm hẳn, báo chí truyền thông tập trung vào dịch bệnh nên thông tin về chuyện chùa chiền ngày lễ tết có lẽ cũng nhờ vậy mà ít được soi mói hơn. Tuy vậy, đâu đó cũng có những bài báo được đặt hàng từ trước, chẳng hạn như bài "Đi chùa làm gì cho khổ" được đăng trên phunuonline.com.vn vô tình trở thành hàng hiếm. Hàng hiếm đấy, nhưng hiếm không hẳn đồng nghĩa với quý, mà có khi lại trở thành lạc điệu và vô duyên. Phải chăng vì thế mà đầu tiên họ đặt tiêu đề "Đi chùa làm gì cho khổ", sau đó lại đổi thành "Mùa dịch, đi lễ chùa làm gì cho khổ"???? Đấy, thêm chữ "Mùa dịch" cái là khác hẳn ý nghĩa ngay.

Đạo Phật là tôn giáo hay triết học? Câu hỏi này đã được trả lời từ rất nhiều các bài viết khác nhau. Và kết quả là coi Đạo Phật là tôn giáo hay Đạo Phật là triết học đều chưa nói đúng về Đạo Phật như vốn dĩ đang là.

Đạo Phật là duy tâm hay duy vật? Câu hỏi này cũng tương tự như câu hỏi ở trên, đều cố tình đẩy Đạo Phật đi xa cái thấy của Đức Phật cũng như mong muốn mà Ngài muốn chia sẻ cùng đại chúng gần xa. 

Bởi Đạo Phật lấy tinh thần Trung đạo làm con đường chính để khai mở tuệ giác của mỗi người. Do vậy, cố tình đẩy đưa Đạo Phật là một tôn giáo hay một học thuyết triết học, một chủ thuyết duy tâm hay là một chủ thuyết duy vật đều không phải là Đạo Phật đúng nghĩa. 


Dẫu ta biết rằng, đặc điểm của Tôn giáo là cần đến vị Giáo chủ, cần đến một Chủ thuyết, cần đến một Tổ chức, cần đến các môn đệ... Và Đạo Phật có đủ tất cả các đặc điểm đó của Tôn giáo, nhưng lại không hoàn toàn là Tôn giáo, vì Đạo Phật bác bỏ hẳn sự Toàn năng của một vị Sáng thế, của vị Giáo chủ... thông qua học thuyết Nhân - Duyên - Quả. 

Dẫu ta biết rằng, đặc điểm của Triết học là một hệ thống thống nhất với Siêu hình học, với Thế giới quan, với Nhân sinh quan, với Nhận thức luận... Phật giáo cũng có đủ các yếu tố cấu thành của một học thuyết Triết học trọn vẹn, nhưng không chỉ là một hệ thống tư biện, Phật giáo còn đưa ra các lộ trình thực chứng những gì được xây dựng nên, qua Đạo đế, với tư tưởng chủ đạo là "Tri hành hợp nhất".

Dẫu ta biết rằng, Đạo Phật bác bỏ Đấng Sáng thế toàn năng, nhưng không vì thế mà Đạo Phật là Duy vật thô thiển với quan điểm Nhân Quả giản đơn. Chỉ cần thêm một chữ "Duyên" trong hệ thống Nhân Quả đã đưa Đạo Phật thoát ra khỏi nhận thức thô thiển rằng trồng hoa ắt phải nở hoa, trồng quả ắt phải ra quả. Yếu tố gọi là "Duyên" đó, có thể gọi là nguyên nhân phụ, nhưng chúng cũng góp phần hình thành ra quả, chẳng kém nguyên nhân chính là bao.

Dẫu ta biết rằng, Đạo Phật xây dựng học thuyết Nhân - Duyên - Quả, nhưng không vì thế mà Đức Phật bác bỏ tác động vô cùng quan trọng của ý chí, tinh thần, tâm thức... của con người trong tiến trình sinh thành ra Quả. Ngược lại, Đạo Phật đề cao sự chủ động của mỗi cá nhân, coi con người như là trung tâm trong mọi nguyên nhân dẫn đến kết quả mà con người gặp phải. Và con người, tất nhiên, không chỉ có mỗi nhu yếu ăn, mặc, ở... Họ còn có một năng lực khác, một nhu yếu khác nữa, một cách thể hiện khác nữa, đó là CẦU NGUYỆN.


Ai trong chúng ta cũng yêu cha mẹ của mình, yêu quê hương của mình, yêu những ngôi nhà cảnh vật mà bạn được sinh ra và sống trong đó. Có người bày tỏ nó bằng lời nói, có người bày tỏ bằng hành động, có người bày tỏ bằng thơ ca, nhạc họa, phim ảnh... , cũng có người trầm ngâm ngắm nhìn quê hương cảnh vật bằng sự lặng im, nhẹ nhàng. Dù là bày tỏ bằng bất cứ cách nào, nhu yếu được thể hiện tình yêu là nhu yếu tự nhiên như Chất nào cũng cần có Lượng, và Lượng nào cũng phải có Chất.

Ai trong chúng ta sinh ra cũng đều nằm trong những mối quan hệ khác nhau. Quan hệ với Cha Mẹ thân tộc, với Con cái, với Xã hội, với Môi trường, với Thiên nhiên... Không một ai sống mà không cần đến các mối quan hệ cả. Các mối quan hệ này tác động lẫn nhau, chi phối lẫn nhau. điển hình như dịch bệnh cúm Corona diễn ra ở Vũ Hán, nhưng cả thế giới bị lây nhiễm. Từ dịch bệnh Corona, nó tác động đến y tế, đến du lịch, đến giao thông, đến kinh tế, đến chính trị, đến tôn giáo, đến các tương tác xã hội khác. Các mối quan hệ ấy, như Kinh Hoa Nghiêm viết, như mỗi mắt lưới của tấm lưới, các mắt lưới phản chiếu hình hài của nhau, một mắt lưới chuyển động thì cả tấm lưới chuyển động.


CẦU NGUYỆN là bày tỏ tình yêu thương, trước hết tình yêu thương với chính mình và với các mối quan hệ mà mình tồn tại trong nó. Bạn đừng có nghĩ cứ CẦU là ở đó chỉ có XIN XỎ. Quan điểm đó của bạn là sự hẹp hòi, cố chấp, bảo thủ vào một thành kiến mà chính bạn cũng là một nạn nhân mà bạn không biết. Như khi tôi nói TÔI YÊU BẠN, không nhất thiết là tôi XIN tình yêu của bạn, mà đơn giản, khi tôi nói TÔI YÊU BẠN, nghĩa là, tình cảm của tôi dành cho bạn được bộc lộ qua lời nói. Và khi tôi nói TÔI CẦU NGUYỆN CHO BẠN ĐƯỢC HẠNH PHÚC, không nhất thiết là tôi XIN bạn ban cho tôi hạnh phúc, hay ai đó ban cho bạn hạnh phúc, mà đơn giản, tôi chỉ muốn nói TÔI LUÔN MONG BẠN ĐƯỢC HẠNH PHÚC, VÀ NẾU BẠN HẠNH PHÚC, THÌ TÔI CŨNG HẠNH PHÚC. Đấy, bản chất của lời CẦU NGUYỆN, trước hết và trên hết, là nhu yếu BÀY TỎ tình cảm của cá nhân này dành cho cá nhân khác, của chính mình dành cho ai đó, hoặc cho cộng đồng, hoặc cho xã hội.... 

CẦU NGUYỆN có sức mạnh như lời nói. Người ta thường bảo "lời nói không là dao nhưng đâm vào tim đau nhói". Lời nói là năng lượng, và vì là năng lượng nên nó có sức mạnh TÁC ĐỘNG đến các đối tượng khác. Nếu chúng ta biết chúng ta không thể độc lập tự sinh tự diệt được, nghĩa là bản thân mỗi cá nhân chúng ta cũng chỉ như một mắt lưới của cả tấm lưới vĩ đại, thì mỗi hành vi, lời nói, việc làm của mình đều có sức mạnh tác động đến toàn thể. Dịch bệnh Corona bắt đầu từ một cá nhân, rồi từ cá nhân đó lây nhiễm sang cả nghìn người trên toàn thế giới. Vậy thì một lời nói yêu thương, một tâm thiện lành, một lời cầu nguyện bày tỏ tâm thành của mỗi chúng ta cũng sẽ tác động đến toàn thể cộng đồng. Tại sao bạn nghĩ con vi rút Corona kia thì lây bệnh được, còn lời nói bày tỏ tình yêu thương thông qua sự cầu nguyện thì không có sức mạnh lan tỏa, không có sức mạnh chuyển hóa...???


Trong mối quan hệ giữa tự nhiên, xã hội và con người kia, có nhà khoa học nào dám khẳng định rằng bên ngoài trái đất này không đang tồn tại những sinh vật khác, những hệ hình tư duy khác? Dĩ nhiên, khi khám phá một hành tinh nào đó, việc đầu tiên họ tìm là xem hành tinh đó có nước không, vì với hệ hình tư duy hiện thời của chúng ta, nước đồng nghĩa với sự sống. Nhưng đâu đó vẫn có người hỏi, tại sao các sinh vật khác nhất thiết phải có nước mới sống được, hay chúng ta chỉ đang đi tìm cái mà nhận thức chúng ta mới phát hiện đến đó, còn cái gì đó ngoài tầm với thì liệt nó vào mê tín dị đoan? Nếu vậy, có lẽ Eisntein với phát kiến về sự tương đối của không thời gian, làm đảo lộn mọi tư duy cố hữu từ trước đến nay, phải là kẻ mê tín dị đoan đầu tiên. 

Trái đất chỉ là một tiểu hành tinh vô cùng nhỏ bé trong hệ Mặt trời, và Thái dương hệ cũng chỉ là một hệ nhỏ bé của vũ trụ vô tận ngoài kia. Sự hiện hữu của Trái đất, còn chưa đáng để gọi là hạt bụi của vũ trụ cho ta thấy cái Thấy và cái Biết của con người trên trái đất nó cũng nhỏ bé như thế đấy. Thế thì sự phủ định một cách quả quyết của chúng ta về các hệ hình tư duy, hệ hình sự sống khác với loài người phải chăng là kết luận quá vội vàng và võ đoán? Tôi tin rằng, người thông minh sẽ luôn nói về những gì mình ĐÃ BIẾT, và thừa nhận KHÔNG BIẾT về những điều mình chưa khám phá ra, chứ không tự tin thái quá nói rằng nó KHÔNG CÓ THẬT. Tôi nói điều đó là để làm gì? là để nói đến cái tác động của những điều chưa được khám phá ra, lên trái đất này, lên đời sống nhân loại này. Và vì thế, niềm tin thuần khiết của chúng ta về những điều chưa biết, với mong muốn được chia sẻ, được yêu thương, được kết nối... thông qua lời CẦU NGUYỆN cũng là một nguyện vọng mà loài người nên nghĩ tới, thay vì dương dương tự đắc mình là số một, là duy nhất.

Loài người, một loại sinh vật đặc biệt, mà ở đó, nó cần đến các nhu yếu vật chất để tồn tại, nhưng không chỉ có thế. Nó còn có đời sống tinh thần đặc biệt. Khi cái ăn, mặc, ở đã được chu cấp đầy đủ, nó bắt đầu biết yêu hoa, không phải như con bướm vờn quanh cái nhụy hoa, mà đơn giản, chỉ để ngắm bông hoa đó, thỏa mãn nhu yếu thẩm mỹ về cái đẹp.

Loài người, một loại sinh vật đặc biệt, mà ở đó, nó không chỉ biết cúi mặt xuống đất cấy cày sao cho mùa màng tươi tốt, như con trâu cúi đầu xuống gặm cỏ, mà ngược lại, khi cái bụng đã đủ no, loài người còn biết ngẩng đầu lên nhìn trời, ngắm mây, ngâm thơ, vẽ tranh, ca hát.. tán tụng về vẻ đẹp của thiên nhiên cảnh vật, cảm tạ thiên nhiên trời đất tạo điều kiện cho bốn mùa được điều tiết hòa hợp.


Nếu không có tôn giáo và đời sống tôn giáo, loài người sẽ như thế nào? Tôi không biết nữa, chỉ biết rằng, thế giới bước vào văn minh khi bắt đầu có tôn giáo, chính trị và xã hội. Ngược lại, họ gọi đó là mông muội, là hoang dã.

Nếu không có lời cầu nguyện, lời bày tỏ tình yêu thương với nhau, với những người đã khuất, với những gì chưa được biết..., loài người sẽ như thế nào? Tôi cũng không biết nữa, chỉ biết rằng, khi đó chắc con người chỉ cần cúi đầu xuống gặm cỏ cho đầy họng, và rảnh rỗi thì đem đống cỏ trong họng đó ra nhai lại cho hết ngày.

(6/2/2020)
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất