Đêm lạnh...

Mưa đông, có những cái rả rích cố hữu của những cơn mưa thường hằng, có những cái se se rùng mình của gió đông. Nó khiến con người uể oải hơn, muốn cuộn mình trong chiếc chăn như đứa trẻ chui rúc trong lòng mẹ... ấm áp và an yên... Một sự ấm áp an yên tự tạo để chống chọi cái lạnh của tiết trời.

Tình ca, có những giai điệu tích tách như bao bản nhạc về tình yêu khác, được nghe giữa cơn mưa đông càng làm cho những giai điệu tí tách ấy chẳng khác giọt cà phê khẽ nhả. Ngồi nhìn từng giọt từng giọt rơi mà thấy thời gian trôi qua thật chậm. Càng chậm càng làm cảm xúc trầm xuống, lắng lại, đặc quánh.... Nỗi niềm cô đơn được đánh thức, trỗi dậy, hòa nhịp cùng với ngoại cảnh đìu hiu.
...

Chiếc chăn ấm không đủ xua tan khí lạnh của mùa đông, nhưng đủ ấp ủ tấm thân già cỗi vượt thắng cái co ro run rẩy của tiết trời. Chiếc chăn mỏng ấy như tấm khiên chống lại cơn gió độc, như chiếc áo giáp bảo vệ ta khỏi cái lao xao lay động của thân thể. Ta cần chăn để chống gió. Nhưng ngay cả khi không có gió, ta cũng cần chăn để tạo cho mình cảm giác yên. Vậy là chiếc chăn ấy, từ phương tiện bảo vệ ta, trở thành người bạn hữu của ta, rồi trở thành chính ta hồi nào không hay. Có chăn đồng nghĩa với giấc ngủ, có chăn đồng nghĩa với sự ấm áp. Ta cần chăn hay ta cần sự ấm áp? Chăn ở ngoài thân thể ta hay chăn trở thành chính tâm ta?

Các nốt nhạc là một phương tiện tỏ bày khác của cảm xúc. Khi xúc cảm trào dâng đến tột cùng hay chìm sâu đến tuyệt vọng thì giai điệu hiện hữu. Có rất nhiều cách để bày tỏ cảm xúc. Nhà điêu khắc bày tỏ cách nhìn qua pho tượng, họa sỹ bày tỏ tâm trạng mình qua bức tranh, nhà thơ thể hiện nội tâm mình qua ngôn ngữ có vần điệu thì nhạc sỹ mô tả cảm xúc của mình qua các cung bậc của nốt nhạc. Tại sao cảm xúc cần phải bày tỏ? Nó bày tỏ cho người ta thấy hay cho chính họ thấy? Nếu cho chính họ thì đâu cần phải tổ chức các buổi triển lãm hay các đêm nhạc? Nếu cho người khác thì suy ra tự thân cảm xúc của mỗi tác giả luôn cần đến sự chia sẻ, luôn cần đến những sự đồng cảm, luôn muốn được phóng thích nó ra bên ngoài. Như cô đơn ấy, phải nói ra sự cô đơn ấy cho người thấy thì cô đơn mới chịu được. Nhưng cô đơn mà để người ta thấy thì cô đơn có còn là cô đơn?
....

Cái khoảnh khắc sáng tạo ra tác phẩm là khoảnh khắc phóng thích cảm xúc, là nhu yếu của tồn tại, như lạnh thì cần có chăn. Và ngay cả khi không còn lạnh nữa nhưng người ta vẫn cần đến cái chăn, chỉ để tự tạo cảm giác ấm áp. Cũng tương tự vậy, pho tượng hay bức tranh, bài thơ hoặc bài hát... khi đã thành hình, nó trở thành một sinh thể khác, tồn tại độc lập với những gì tác giả muốn bày tỏ. Nếu có bình luận gì về tác phẩm đó, thì cũng chỉ là cảm giác lừa mị của tác giả, cảm giác sáng tạo lần thứ hai, cảm giác sống lại những cảm xúc thuộc về quá khứ.

Cho nên, sáng tạo ra một khúc nhạc hay một bài thơ là một lần sáng tạo. Nghe hay đọc về nó là thêm một lần sáng tạo. Bình luận diễn giải về nó là lại thêm lần sáng tạo thứ ba... Và cứ như vậy, có bao nhiêu lần ta nghe nó, bao nhiêu lần ta bình luận về nó... là có n lần sáng tạo. Dù có lập đi lập lại bao nhiêu lần, thì mỗi lần như thế là lại một lần mới, lại một cảm xúc khác, một tâm trạng khác, một hoài niệm khác. Thế gian luôn luôn mới, hoạt cảnh luôn luôn mới, cảm xúc luôn luôn mới. Tái sinh mà không lập lại, luân hồi mà không bao giờ bước lại trên con đường đã qua.

Như cơn mưa ấy, khi nó rơi xuống đất thì có còn là cơn mưa khi đang ở trong gió, đang ở trong mây đâu... Cũng như khúc nhạc ấy, khi tác giả sáng tạo có còn là khúc nhạc trong giọng ca của ca sỹ,  có còn là khúc nhạc đi vào đôi tai của người thưởng thức đâu... Cho nên, bao nhiêu lần mưa, bao nhiêu lần đêm lạnh, bao nhiêu lần nghe khúc nhạc đó, bao nhiêu lần tái hồi cảm xúc đó... mà có lần nào ta thiếu cái cảm giác háo hức, tò mò, hân hoan, vui tươi, đau khổ, héo hắt đâu.

Ôi cơn mưa giữa đêm lạnh
Ta đã bao lần nghe
Mà thấy luôn luôn mới
Thuỵ ơi và... Tình ơi
(30/12/2018)
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất