Hôn nhân ư? Chỉ là chuyện nhỏ!


Sartre đã từng quan niệm về tha nhân như là địa ngục. Trong vô vàn các tha nhân - với tư cách là người khác ta, thì vợ chính là tha nhân đặc biệt nhất, so với cha mẹ, anh chị em, bạn bè: họ từ xa lạ trở thành một với chính ta, và cũng có thể từ một với chính ta mà trở thành xa lạ. Và trong phạm vi bài viết này, bạn hãy thử quán chiếu tha nhân - chính là người vợ tương lai của mình xem... Tôi sẽ bắt đầu bài viết này bằng cách nhìn như vậy.

Trong quan niệm của Sartre về vấn đề tha nhân, có ba giai đoạn để nhìn nhận sự hiện diện của tha nhân (người vợ): Thứ nhất, tôi không ý thức về sự hiện diện của tha nhân - người vợ, mà chỉ nhìn nhận sự hiện diện của các sự vật. Trong thế giới đó, tôi là trung tâm của tôi, ngay kể cả khi người vợ của mình xuất hiện với tư cách là một cô gái xa xôi lạ lẫm, nhưng vì chưa yêu, nên với tôi cô ấy không hiện hữu. Thứ hai, khi tôi phát hiện ra cô ấy, có chút cảm tình với cô ấy, khám phá rằng cô ấy cũng như tôi, nhưng vì tôi chưa bắt đầu chinh phục cô ấy, nghĩa là trong cô ấy, tôi chưa hiện diện, và vì thế, ở giai đoạn này, tôi vẫn là trung tâm của chính mình. Đến giai đoạn thứ ba, khi cô ấy cũng bắt đầu có cảm tình với tôi, trong cô ấy có sự hiện diện của tôi, tôi trở thành đối tượng của cô ấy, lúc này, cô ấy trở thành trung tâm, còn tôi trở thành đối tượng bị quan sát.

Từ cái nhìn của cô ấy, nảy sinh hai vấn đề: Thứ nhất, tôi bắt đầu ý thức về mình, tôi là ai trong mắt cô ấy, theo cách mà tôi nghĩ. Thứ hai, hình ảnh về sự hiện hữu của tôi trong mắt cô ấy. Trong cả hai cái nhìn này, đều đã đánh tuột tôi, từ vị trí là trung tâm, trở thành đối tượng cho sự quan sát. Mặt khác, từ cách nhìn của cô ấy về sự hiện hữu của chính tôi, tôi trở nên khao khát muốn được biết bản chất mình là ai. Như vậy, tha nhân - trong phạm vi bài viết này - là người vợ, vừa đánh mất đi vai trò trung tâm của tôi, vừa là sự hấp dẫn khôn cùng cho việc khám phá bản ngã của chính mình. Theo chiều ngược lại, cô ấy cũng bị cái nhìn của tôi, biến cô ấy trở thành đối tượng bị quan sát. Tương quan hai chiều như vậy, ta có thể gọi mối quan hệ giữa vợ và chồng (mở rộng ra là giữa Tôi và Người khác) là mối quan hệ thống trị - phục tùng, đầy những mâu thuẫn, xung đột, và không kém phần thú vị.

Gác lại dăm ba lý thuyết của Sartre về Tha nhân, do tôi khu biệt Tha nhân trở thành Người vợ, theo cách lý giải của riêng mình, tôi xin quay lại với ngôn ngữ thông dụng, về mối quan hệ giữa vợ và chồng, giữa hai kẻ xa lạ trở thành một gia đình.

Mỗi chúng ta khi sinh ra, dĩ nhiên đối tượng mà ta gặp đầu tiên là mẹ, là cha, sau đó là anh em, bà con... có liên quan đến huyết thống. Kế đến là bạn bè, những người chung tuổi, chung không gian sống, chung sở thích... Khi còn thơ ấy, giới tính sinh lý chưa phát triển đủ, ta hồn nhiên và ngây thơ với tất cả. Đó là bước thứ nhất khi ta chập chững vào đời. Vô lo, vô nghĩ, vô giới tính...và thế giới dường như vẫn quay quanh bạn.

Trong vô vàn những kẻ xa lạ mà ta gặp gỡ hàng ngày, có một đối tượng gây cho ta sự chú ý đặc biệt, một đối tượng khác giới, mà tiếp xúc với họ, ta vừa nảy sinh nhu cầu tâm lý lẫn nhu cầu sinh lý. Cô ấy/Anh ấy trở thành sự chú ý của ta, trở thành đối tượng cho ta theo đuổi, tìm hiểu, cưa cẩm, quan tâm, chăm sóc... Đó là bước thứ hai trong cách lý giải về Tha nhân - Người vợ. Và lúc này, độc lập, tự do của riêng bạn vẫn chưa hề sứt mẻ. Bạn vẫn là trung tâm của thế giới.

Bước thứ ba, nếu ta đủ sự hấp dẫn để gây được sự chú ý của cô ấy/anh ấy, ta trở thành đối tượng của họ. Thế là cả hai lân la tiến tới làm quen, thân thiết theo thời gian. Ta có những yêu cầu, điều kiện dành cho cô ấy; và theo chiều ngược lại, cô ấy cũng có những điều kiện, yêu cầu dành cho ta. Để duy trì và giữ gìn mối quan hệ, cả hai phải thay đổi chính mình cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Ta - bây giờ không còn là trung tâm của thế giới nữa. Ta mất tự do trong việc tuân theo những yêu cầu của cô ấy, và ta cũng mất tự do ngay trong việc ra những điều kiện cho người ta thương. Đây là "địa ngục", là nỗi đau êm ái, mà chỉ khi chúng ta thoát ra khỏi tình yêu với cô ấy, ta mới nhận thấy Tự ngã của ta đã mất tự do trong thời gian vừa qua. Còn kẻ đang yêu ư? Những điều kiện hay yêu cầu này vẫn còn ngọt ngào lắm.

Sau khi tình yêu đủ chín muồi, hoặc cũng có thể yêu đủ lâu mà không tiến tới kết hôn thì chẳng còn biết yêu vì cái gì nữa... Cả hai tiến tới hôn nhân như một thỏa thuận - một chứng nhận về mặt pháp lý cho hai kẻ xa lạ trở thành một gia đình. 

Gia đình đó - nếu tiếp tục nuôi dưỡng được tình yêu, như giai đoạn đầu, thì những điều kiện hay yêu cầu kia trở thành sợi dây của tình thương. Vì thương nên chăm sóc nhau, vì thương nên quan tâm nhau, vì thương nên tự sửa mình để làm vui lòng nhau... Và khi đó, trong cái nhìn của tôi, Tự ngã được nới rộng. Bây giờ không có Tôi là duy nhất nữa - mà Gia đình - mới là trung tâm duy nhất. Nói gì, làm gì, nghĩ gì... cũng đều lo cho gia đình, vun đắp cho hạnh phúc của cả hai. Mỗi tự ngã phải hy sinh cái Tôi vị kỷ, để nghĩ cho người khác. Nếu cái Tôi của bạn quá lớn, thì Gia đình chính là chướng ngại, vì chúng phá vỡ cái Tôi của bạn. Nhìn dưới góc độ tích cực, thì Gia đình chính là đầu đạn hạt nhân đủ mạnh phá vỡ cấu trúc cái Tôi vị kỷ. 

Nếu một gia đình mà tình yêu phai nhạt dần theo thời gian, do nhiều yếu tố, và thứ duy nhất níu giữ sự bền vững hôn nhân là tình nghĩa, là đứa con, là danh dự hai bên... thì toàn bộ cấu trúc của gia đình bị đảo lộn. Những điều kiện, yêu cầu được đề đạt từ hai phía trở thành nhà tù của nhau. Với một gia đình như vậy, sớm hay muộn cũng dẫn đến đổ vỡ. Hai con người - hai cá thể - hai đối tượng... khi còn yêu nhau thì còn giúp nhau trưởng thành, nhưng nằm bên nhau mà không tìm được tiếng nói chung, thì mối quan hệ này sẽ trở nên xa lạ. Và chẳng có gì đau đớn hơn khi ăn chung mâm, ngủ chung giường, giáp mặt nhau hàng ngày với kẻ xa lạ. Hôn nhân trở thành địa ngục.

Đấy là những chiều hướng mà hôn nhân - bước ngoặt từ hai kẻ xa lạ trở thành một gia đình, và cũng có thể là bước ngoặt biến một tình yêu trở thành hai kẻ xa lạ. Tất cả đều có thể xảy ra.

Vậy những nguyên nhân gì có thể dẫn đến sự sói mòn tình yêu - mà qua hôn nhân - chúng càng nhanh chóng đi đến hồi kết? Tôi có thể nêu ra vài ví dụ nhỏ để các bạn nào chuẩn bị tiến tới hôn nhân, có thể sẵn sàng tâm thế:

Thứ nhất, khi cả hai chưa biết đủ về nhau, và trong hôn nhân, cả hai bắt đầu khám phá ra những mặt khuất mà khi yêu nhau, một trong hai đã cố tình giấu. Những xung đột nảy sinh do những lệch pha bắt đầu xuất hiện. Có thể cô ấy nấu ăn không ngon, anh chàng kia lười biếng... Kể cả không tìm được tiếng nói chung trong quan hệ vợ chồng cũng có thể trở thành nguyên nhân cho đổ vỡ. 

Thứ hai, khi cả hai đã biết đủ về nhau, và khi tiến tới hôn nhân, cái biết kia đến đỉnh điểm sẽ trở nên nhàm chán. Không còn những háo hức, tò mò, những biểu hiện đủ hấp dẫn đối phương. Anh ta hay cô ấy nói gì, làm gì, suy nghĩ gì... cũng biết hết, biết tuốt. Mối quan hệ thiếu những gia vị gây nên sự khác biệt dễ khiến người nhạt miệng, và thường thì một trong hai sẽ tìm cách giải phóng sự nhạt nhẽo này bằng ngoại tình. Những nguyên nhân này cũng không phải là hiếm trong viện dẫn đến đổ vỡ hôn nhân.

Vậy làm sao để duy trì hôn nhân - như là thiên đường - mà không phải địa ngục? Từ hai nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ hôn nhân, bạn có thể suy ngẫm ra hai cách thức để duy trì và giữ gìn hôn nhân. 

Thứ nhất, trước khi tiến tới hôn nhân, hãy luôn tâm niệm rằng, đối tượng mà ta sẽ kết hợp kia còn nhiều bí mật cần khám phá lắm. Họ không hoàn toàn như khi còn đang tìm hiểu nhau đâu. Hãy học cách chấp nhận những khác biệt, kiên nhẫn với những gì sẽ lệch pha, từ bỏ cái Tôi vị kỷ để sửa mình... Đó là những bài học đơn giản khi đối diện với những lệch pha trong hôn nhân. Còn nếu thấy cái Tôi của mình to quá, không thể sửa chữa được, tôi khuyên bạn nên nói KHÔNG với hôn nhân.

Thứ hai, nếu cả hai tin tưởng có thể chấp nhận những khác biệt của nhau, thì cũng đừng quên tạo cho nhau những mới lạ. Bởi bản tính của chúng ta là tò mò, đừng lầm tưởng thói quen là tình yêu. Có thể cô ấy đã là vợ của mình rồi, nhưng mua một bông hoa tặng vợ nhân dịp kỷ niệm ngày quen biết, mua chiếc váy tặng em nhân ngày sinh nhật, thỉnh thoảng đưa nhau đi chơi để đổi không khí...  đều là chìa khóa để duy trì hôn nhân. Đối xử với vợ/chồng như thượng khách, như hai kẻ đang yêu còn ngượng ngùng liếc trộm... sẽ không bao giờ là thừa trong hôn nhân. Đừng lầm tưởng có con cái là gia đình bền vững, vì bản thân đứa con - sợi dây kết nối đó - sẽ không đủ chắc chắn khi cái Tôi cá nhân của từng người đang lớn dần trên một chiếc giường.

Tôi đang viết về hôn nhân đấy ư? Đúng, chính là nó đấy. Bạn có thể bảo tôi khoác lác vì tôi không lập gia đình ư? Có thể lắm chứ, chẳng sao, quan trọng là bạn học được gì từ những cái tôi đã viết. Nếu không học được gì ư? Chẳng sao, không cần đọc, nếu bạn không thích nó. Tôi sẽ không tranh luận với bạn về con đường của tôi đi, vì tôi biết tôi là ai và con đường nào là phù hợp với mình.

Hạnh phúc trong hôn nhân là gì ư? Nhiều chiều hướng lắm, có thể là địa ngục, mà cũng có thể là thiên đường. Quan trọng là bạn sẽ làm gì với cái Tôi của bạn. Hoặc bạn thật tâm muốn phá vỡ nó, hoặc bạn khư khư như thế giới này bắt buộc phải quay quanh bạn. Ổ khóa nằm ở cái Tôi của bạn, còn chìa khóa nằm trong tay bạn.

(14/6/15)


Tái bút: Đừng có sợ kết hôn, mà cũng đừng coi thường kết hôn. Chúng đơn giản chỉ là một chặng đường rất nhỏ trên lộ trình vun đắp và xây dựng Tình yêu. Có thể bạn sẽ đi qua nó để cảm nhận được tình yêu đích thực, có thể bạn chẳng phải bước vào nó vẫn chạm được ngưỡng cửa Tình yêu. Nhìn chung, nếu cảm thấy cần kết hôn thì hãy kết hôn ngay, nhưng vì cha mẹ hay vì vì gì đó mà kết hôn, thì đó chính là tự sát.

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
1 Comments

1 nhận xét:

  1. Bài viết thật sâu sắc và phản ánh rất thực tế thực trạng của cuộc sống hôn nhân. Cám ơn tác giả của bài viết. Hy vọng tất cả chúng ta đều có cái nhìn đúng, và đủ hiểu biết để có thể giữ gìn và vun đắp đời sống hôn nhân của chính mình.
    Chúc admin luôn dồi dào sức khỏe, chúc các đọc giả luôn có được cuộc sống viên mãn.

    Trả lờiXóa
Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất