Trưởng thành?



Dạo này thể xác không được khỏe khoắn khiến tinh thần không còn phong nhiêu sung mãn, hoặc cũng có thể tinh thần càng lúc càng trầm lắng khiến thể xác theo đó xuống dốc không phanh... thôi kệ... đến đâu hay đến đó vậy... Theo thời gian, tuổi tác mỗi lúc mỗi chồng chất... mình đã già chăng?... Chẳng có lẽ mình già trước khi kịp trưởng thành sao?!

Hôm qua lang thang trong lãnh địa hoang liêu của cô đơn thầm lặng, có đá động một chút qua khái niệm Trưởng thành... Vậy thật sự trưởng thành là gì?

 


Theo ngữ âm Hán Việt, trưởng thành là "người đã lớn rồi" nhưng định nghĩa vậy thì tốt hơn là đừng định nghĩa. Tôi hiểu trưởng thành là trưởng dưỡng trong thành tựu... hiểu nôm na là tự mình làm điều mình muốn và tự mình đón nhận kết quả mình đã tạo ra...

Theo pháp luật Việt Nam, cứ trên 18 tuổi được coi là trưởng thành. Không hiểu từ đâu mà ngày tốt nghiệp của học sinh cấp 3 lại được coi là Lễ trưởng thành... Ấy vậy mà dù đã trưởng thành thì khi kết hôn, nam lại bị lùi xuống 2 tuổi để đến 20 tuổi mới được lấy vợ. Thế mới đau!

Trên bình diện xã hội, người ta phải tạo ra một quy chuẩn có tính chất chung nhất, coi đó như một đường biên để kiểm soát hành vi của từng cá nhân. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa phân biệt rõ có sự khác nhau nào không giữa một người 17 tuổi 364 ngày 23h 59 phút 59 giây với một người tròn 18 tuổi. Ấy vậy mà nếu đưa ra pháp luật với cùng một hành vi, có thể bản án của hai người sẽ khác xa một trời một vực.

Nói như thế để thấy rằng những quy chuẩn mang tính chất chung nhất cũng chỉ để ngắm nghía chơi chơi cho vui mà thôi. Thật ra, ý nghĩa của sự trưởng thành không nằm trong giới hạn của tuổi tác. Sẽ có người mới khoảng 10 tuổi thôi nhưng hành động đã trưởng thành lắm rồi, vậy mà cũng có người 40, 50 tuổi nhưng chưa chắc đã xứng gọi là trưởng thành...




Trưởng thành... nghĩa là một người có khả năng tự đứng trên đôi chân của mình, tự suy nghĩ bằng cái đầu của mình, tự kiếm sống bằng khả năng của mình... và cuối cùng tự chịu trách nhiệm với mọi hành vi của mình gây ra... Đó là xét trên bình diện hành động về ý nghĩa của sự trưởng thành. Ai trong chúng ta thật sự đáp ứng được tiêu chuẩn trên để có thể vỗ ngực xưng tên: Tôi là người trưởng thành?!

Trưởng thành... nghĩa là một người hành động dựa trên sự kiểm thảo của trí năng, có thể sai lầm nhưng tuyệt nhiên không được tái lập sai lầm đã từng phạm phải. Đó là xét trên bình diện nhân cách về ý nghĩa của sự trưởng thành. Ai trong chúng ta đã từng sai lầm, đã nhận ra sai lầm và không bao giờ phạm phải chúng lần thứ hai?!

Trưởng thành... nghĩa là một người tự xác lập được một phong cách sống riêng, độc đáo, không bắt chước, không dựa dẫm, sống ký sinh hay bám víu nô lệ vào người khác, từ miếng ăn áo mặc đến tư tưởng, phong cách hay hành vi. Ai trong chúng ta còn đang sống bám vào đôi chân của người khác và suy nghĩ bằng cái đầu của người khác?!

Tuổi tác nhiều chỉ là dấu hiệu của sự già nua yếu đuối chứ không phải là dấu hiệu của người trưởng thành.
 

Kinh nghiệm nhiều chỉ là điều kiện cần để tránh va vấp và sai lầm trong cuộc sống chứ không phải tiêu chí của người trưởng thành.
 

Tri thức cao chỉ là minh chứng khả năng góp nhặt chữ nghĩa kiến thức cho đầy thư viện bộ não chứ chẳng phải là phong cách của người trưởng thành.
 

Tài sản lớn chỉ là minh chứng khả năng chắt bóp tiền bạc của cải như là sự mở rộng cái Tôi chứ không phải là chiếc áo mà người trưởng thành cần mặc.

Trưởng thành... Đó là sự cao lên của nhân cách theo chiều thẳng đứng để hình ảnh của họ có thể sánh với thiên thần.

Trưởng thành... Đó là sự trưởng dưỡng tâm hồn để thành tựu mục tiêu hạnh phúc đích thực chứ không phải là ba thứ cảm xúc sốc nổi thoáng qua.

Sống là để cao lên chứ không phải sống là để già đi
Sống là để có một cuộc đời ý nghĩa chứ không phải sống là để chờ ngày xuống nấm mồ


Tôi gọi người biết đứng trên đôi chân của mình, suy nghĩ bằng đầu của mình và can đảm chịu trách nhiệm về mọi việc mình đã làm là một người trưởng thành đích thực!
(12/2/12)
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
4 Comments

4 nhận xét:

  1. Trưởng thành là khả năng bày tỏ suy nghĩ và chính kiến của riêng mình, nhưng vẫn hài hoà trong sự cân nhắc đến suy nghĩ và cảm xúc của người khác
    Hrand Saxenian

    Trả lờiXóa
Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất