Những lời bộc bạch (J.J.Rousseau)


Hai tuần trước, tớ đã giới thiệu đến hai tác phẩm Tự thú hay Tự thuật của Augustin và Lev Tolstoy - một của nhà giáo phụ học Kyto giáo, một của nhà văn. Hôm nay tớ muốn gửi đến các bạn một quyển sách khác, cũng mang tên là Confessions nhưng được các dịch giả Việt Nam dịch là: Những lời bộc bạch - của J.J. Rousseau - một triết gia Pháp.

J.J. Rousseau - là triết gia thuộc trào lưu Khai sáng có vai trò rất quan trọng trong việc định hình đường lối của Cách mạng Pháp 1789. Các tác phẩm của ông bao trùm nhiều đối tượng, và có ảnh hưởng lớn tới mọi lãnh vực như triết học, xã hội học, giáo dục, chính trị, và cả nghệ thuật (âm nhạc và văn học). Chúng ta đã từng làm quen với triết gia này qua hai tác phẩm đã được xuất bản trước đây là Khế ước xã hội và  Emile hay là về giáo dục. Một tác phẩm được dịch trước năm 1975 và một tác phẩm mới được xuất bản cách nay vài năm tại Việt Nam. 

Les Confessions - Những lời bộc bạch - của ông được coi là một trong những tác phẩm rất nổi tiếng, qua đó người đọc thấy được, không chỉ là con người, mà còn là những suy tư và trải nghiệm của triết gia trước những vấn đề lớn của xã hội.

Tác phẩm được khởi thảo từ năm 1664, với mục đích đem đến một hình ảnh chân thực về tác giả, đồng thời cũng chính là những lời phản biện đầy đanh thép trước những hiểu lầm hay cáo buộc của người khác về tư tưởng của ông. Sách được dịch giả Lê Hồng Sâm dịch và được nhà xuất bản Trí thức ấn hành vào năm 2012 với dung lượng khoảng 800 trang.

Một đôi dòng ở bìa cuối cuốn sách có giới thiệu về tác phẩm như sau:
"Rousseau nghĩ và rảo bước đi, để tư tưởng của ông tự nẩy sinh theo cảnh trí bên đường, những suy nghĩ của ông kết cấu, phối hợp để trực diện với xã hội mà ông đang trốn chạy, đang kiếm tìm miên viễn, một ngơi nghĩ không thể có được trong ông ; Tâm thần ông nhạy cảm, bốc lửa , đam mê, nghiêm khắc và thượng võ, ông chỉ có thể đề nghị với thế giới này không gì khác hơn là một đọan tuyệt toàn diện, Jean-Jacques Rousseau đã bị từ khước và bị đuổi dồn về với chính cái tôi (le moi),với nước mắt và với đức tính khắc khổ của ông"

“Tôi trù tính một công việc không hề có kiểu mẫu và sẽ chẳng ai bắt chước thực thi”.
 
Những dòng trên, mở đầu Những điều bộc bạch, khiến cho công trình, ngay trong tâm trí tác giả, là một tác phẩm sáng lập. Dù ta có thể chỉ ra những bậc tiền bối - thánh Augustin, Montaigne hay Cellini – song Jean-Jacques Rousseau chính là nhà sáng tạo nên tác phẩm tự thuật hiện đại. Là sự biện hộ, đồng thời là sự lý giải, là cáo trạng, Những điều bộc bạch cũng là một chứng ngôn độc nhất vô nhị về bản chất con người. Ở đây con người tự phơi bày, thú nhận những mâu thuẫn và lỗi lầm, nhìn lại đời mình như một hành trình khai tâm, quyết chân thực một cách tuyệt đối. Ngay từ khi ra đời, vào năm 1782 và 1789, tác phẩm đã khiến người ta công phẫn hoặc ngưỡng mộ. Suốt thế kỷ XIX, và cho đến ngày nay, tác phẩm đã gây tranh luận gay gắt, đồng thời khơi cảm hứng cho toàn bộ văn chương mang tính “riêng tư”, từ Chateaubriand đến Lamartine, từ Stendhal đến George Sand. Nhờ bút pháp cũng như nhờ nội dung, tác phẩm vẫn hoàn toàn có tính thời sự. Rousseau đã để lại cho chúng ta lời khai gây hứng khởi cao nhất và gây nhiều phiền muộn nhất, về tâm hồn con người. Như François Mauriac từng nói, Rousseau mãi là “một người trong chúng ta”, và Những điều bộc bạch của ông vẫn tiếp tục đặt trước mỗi kẻ trong chúng ta một tấm gương soi tuyệt vời, đáng ghét và nóng bỏng...

Xin trân trọng gửi đến bạn đọc bài điểm sách cuối cùng trong năm thay cho lời chúc ngọt ngào.

(27/12/12)


Tái bút

Trích Lời giới thiệu của Bùi Văn Nam Sơn tặng các bạn đọc chơi...
Có thế ta mới được đọc ngót 800 trang tâm sự lai láng của ông: “chẳng ỉm đi một điều gì xấu, cũng chẳng thêm một điều gì tốt”, kể “điều hay và điều dở cùng trung thực như nhau”, “có thế nào phô bày thế ấy; hèn hạ đáng khinh khi hèn hạ đáng khinh; nhân hậu, hào hiệp, cao thượng khi là như vậy”. Vâng, “cái tôi là đáng ghét”, nếu cái tôi ấy tự tô vẽ để lòe đời, lòe người. Nhưng cái tôi ấy cũng có thể rất đáng thương, đáng trọng, đáng chia sẻ, đáng kết bạn. Rousseau đã dũng cảm đi một mình trên đường đời, được yêu thương đôi bận, nhưng cũng bị bủa vây lớp lớp bởi những nghi ngờ, ngộ nhận, xua đuổi, truy bức. Ông đã chọn một cách chống trả thật độc đáo: không ẩn nấp, tránh né, biện hộ, trái lại, tự bộc lộ chính mình, không khác gì dám phơi trần ngực áo, đón nhận mọi mũi tên, hòn đạn để… vô hiệu hóa chúng!

Cách chọn lựa ấy, thiết tưởng, không phải ngẫu nhiên. Hãy thử so sánh Những lời bộc bạch của Rousseau với tác phẩm cùng tên cũng nổi tiếng không kém của một bậc tiền bối: Thánh Augustino trước đó ngót 13 thế kỷ. “Tự thú” của Augustino (354 – 430) là hành trình “tâm linh”, nhưng cũng chủ yếu là một phương tiện, một cỗ xe hướng đến mục tiêu cao vời là vinh danh lòng lành đầy tha thứ của Chúa Trời. Augustino quả đã khai mào cho truyền thống tự phê phán của Tây phương, nhưng trong Tự thú, ta chưa thấy nổi bật sự “tự trị” của con người hiện đại, dám phơi bày chân tướng của một tạo vật yếu đuối, đồng thời cũng dám “tôn vinh” những giá trị tự tại của bản thân. Nơi Rousseau thì đã khác nhiều! Mục đích của ông là thế tục, chứ không phải tôn giáo. Rousseau theo đuổi hai điều: tự giải thoát mình khỏi những nỗi tủi hổ bằng cách phơi bày sự yếu đuối, đồng thời sáng tạo nên một cái “tự ngã” để khẳng định trước chính mình, trước những người khác và trước trật tự xã hội thù địch. Michel Foucault, trong Lịch sử của tính dục đã giải thích thật tinh tế hiện tượng lịch sử ấy: “cần có một lao động khổng lồ (…) để tạo ra được tính chủ thể của con người: sự cấu tạo nên chủ thể (“sujet”) theo cả hai nghĩa của từ này”. “Sujet/subject” vừa là con người tự trị, vừa là kẻ phải biết phục tùng những sức mạnh xã hội. “Con người hiện đại đã trở nên sinh vật biết bộc bạch (…) Bộc bạch là một nghi thức diễn ngôn, trong đó “chủ thể” (subject) phát ngôn cũng đồng thời là “đối tượng” (subject) được phát ngôn”. Biết phân đôi là khởi điểm của hành trình hiện đại: giữa trí óc và con tim, giữa lý trí và cảm xúc, giữa tự nhiên và xã hội, giữa ta và người. Đúng như Rousseau đã viết: ông bộc bạch chính ông như một nhà thực vật học, còn làm gì với cái cây ấy, cái lá ấy là chuyện của nhà dược học! Con người hiện đại đích thực không có thói quen “vừa đá bóng, vừa thổi còi”! Nói khác đi, biết phân ly, biết giữ khoảng cách với chính mình, đồng thời biết đặt mình trước sự phán xét công khai của xã hội, của người khác không chỉ là sự “phục tùng”, mà còn là kháng cự lại sự “phục tùng” ấy, hướng đến sự giải phóng, giải thoát của “chủ thể” tự do.


J. J. Rousseau không triết lý chỉ bằng đầu óc mà còn bằng con tim: “Tôi xúc động, vậy tôi tồn tại”, chứ không chỉ: “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”. Tư tưởng của ông hình thành từ những cơn “chấn động tâm tư”, hơn là từ nọa tính của giáo điều. Kỳ cùng, tinh thần đích thực của Rousseau là ngọn lửa tự do và bình đẳng bất diệt của Đại cách mạng Pháp. Vượt qua khoảng cách 300 năm, Những lời bộc bạch đưa Rousseau đến gần với chúng ta hơn bao giờ hết.

  
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
4 Comments

4 nhận xét:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất