Chúng ta phải làm gì cho đất nước


Mấy ngày nay báo chí Việt Nam bắt đầu rục rịch lên tiếng về vấn đề hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, dù sự kiện Trung Quốc mở rộng lãnh thổ trên đất liền lẫn hải đảo đã bắt đầu từ thập niên 1970 (chính xác là năm 1974, hải quân Trung Quốc đã gây chiến với Việt Nam Cộng Hòa chiếm đảo Trường Sa và mới đây nhất, hiệp định Bắc bộ mà Việt Nam ký với Trung Quốc, qua các phương tiện thông tin nước ngoài, hình như mình cũng mất thêm mấy trăm cây số đất liền??).

Những vấn đề về lịch sử, hiện trạng và chủ quyền của hai quần đảo này đã có nhiều bài viết của các chuyên gia lịch sử bàn về nó, thậm chí có cả một blog mới lập cấp tốc là “Hoàng Sa” cũng đã đưa ra nhiều thông tin nên tôi cũng không muốn nói thêm nữa.
Điều tôi muốn nói ở đây về động thái mới nhất của Trung Quốc là thành lập huyện Tam Sa để quản lý về mặt hành chính đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa… từ đó nhìn nhận cục diện Việt Nam trên bàn cờ chính trị với những thuận lợi, khó khăn và điều mà chính phủ và người dân Việt Nam nên làm lúc này để có hướng đi thích hợp (mình đang tưởng tượng đến HỘi NGHỊ DIÊN HỒNG thời nhà Trần, mình là con dân của nước Việt nên góp một tiếng nói, chẳng biết tiếng nói đó có vọng đến tai người hữu trách hay không??)

Việt Nam… một nước có vị trí chiến lược nhất Đông Nam Á hiện nay, tiếp giáp đất liền lẫn biển Đông, là cửa ngõ quan trọng của giao thông hàng hải từ Trung Quốc ra Ấn Độ dương và trên thế giới (Phía trên Trung Quốc đang bị kẹt bởi Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan nên giao thông biển ở khu vực này coi như không thể, chỉ còn biển Đông là cửa ngõ duy nhất). Do vậy, việc Trung Quốc dòm ngó khu vực này với dã tâm không lành mạnh cũng không có gì lạ lẫm.

Việt Nam có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng nhưng Việt Nam là một nước nhỏ, kinh tế yếu kém, quân sự lạc hậu, dân số ít lại nằm ngay cạnh Trung Quốc, dân số đông, quân lực hiện đại, kinh tế đang nổi lên như một cường quốc… nên việc gây chiến lúc này chẳng qua chỉ là lấy trứng chọi với đá.

Hôm qua tôi có đọc một bài viết của Nguyên thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, ông viết rằng Singapore diện tích nhỏ, dân số ít, nếu có chiến tranh giỏi lắm chỉ cầm cự được một hai tuần là bị xơi tái ngay…Chỉ có thể xây dựng một hiệp định quốc tế trên tinh thần bình đẳng, công lý và hợp tác cùng có lợi cho cả hai mới mong có thể tồn tại. Đất nước chúng ta cũng đang trong tình thế tương tự so với Singapre, điều đầu tiên cần làm lúc này là phương án giải quyết bằng chính trị chứ vũ lực là hoàn toàn chưa phải lúc.

Nhưng làm sao để có một hiệp định công bằng khi đây là một tiểu quốc với một cường quốc?? Theo nguyên tắc, một nước nhỏ để có thể chơi hòa bình với một nước lớn thì thông thường có hai cách: một là chấp nhận là đồng minh hay hoa tiêu cho nước lớn đó, nói tiêu cực một chút là sẵn lòng “triều cống” nước lớn như ngày xưa các triều đại phong kiến chúng ta vẫn làm với Trung Quốc vậy. Cách thứ hai là tìm kiếm một đối cực để làm cán cân cân bằng quyền lực với Trung Quốc, chẳng hạn như kết giao với Mỹ như Đài Loan, Hàn Quốc đang làm hiện nay. Những sự kiện gần đây nhất là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang thăm Hoa Kỳ hay Thứ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam đang thảo luận về hợp tác quân sự với Hoa Kỳ về an ninh khu vực… là những động thái minh chứng Việt Nam đang tìm đến phương án thứ hai: tìm đối tác để cân bằng quyền lực…

… Chuyện quốc gia đại sự, hơn ai hết, nhà nước, chính phủ và các lãnh đạo của Việt Nam là những người phải nhận thức rõ trách nhiệm đó… Tôi hy vọng nhà nước và tôi cũng đặt niềm tin nhà nước này sẽ không làm cái công việc “đổi đất lấy hòa bình”, một tình thế vừa yếu hèn, vừa nhu nhược, vừa tạm thời… vì hòa bình đó là hòa bình là giả và đất thì mất thật….

Thanh niên Việt Nam lúc này nên làm gì trước sự ngang ngược và lộng hành của Trung Quốc??

Tôi không bất ngờ vì những việc làm của Trung Quốc, bởi ngay từ khi còn nhỏ, những bài học đầu tiên của chúng tôi về lịch sử là bài học về dựng nước và giữ nước, và vì sao phải giữ nước? vì Trung Quốc không bao giờ bỏ qua miếng mồi béo bở ngay cửa miệng của chúng, và chúng ta chính là miếng mồi béo bở đó.

Tôi không bất ngờ trước dã tâm của Trung Quốc nhưng tôi bất ngờ vì cách đi vừa lạc hậu vừa ấu trĩ của Trung Quốc… dùng vũ lực để chiếm đất tôi tưởng đã rơi vào quá khứ xa xưa của những năm cuối thế kỷ 19 đầu 20, thời kỳ mà chúng ta gọi là chủ nghĩa thực dân đang bành trướng… nhưng không ngờ đến đầu những năm của thế kỷ 21, họ vẫn làm cái việc quá ư thô thiển như vậy… thế mới biết loài người vẫn chẳng tiến bộ thêm bao nhiêu!

Thanh niên Việt Nam lúc này nên làm gì trước sự ngang ngược và lộng hành của Trung Quốc??

ĐÁNH!! (đó là khẩu hiệu của HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG thời nhà Trần được các bô lão dõng dạc lên tiếng)… theo tôi, chưa phải lúc đề làm việc đó vì một số lý do sau:

-         Thứ nhất, quân sự chúng ta không mạnh bằng Trung Quốc, hải quân lại càng yếu hơn, nên đánh lúc này chưa phải lúc, xin nhắc lại là chưa phải lúc, chứ TQ cứ lấn tới thì tình thế xấu nhất cũng có thể xảy ra (vì có lúc nào quân sự VN mạnh hơn Trung Quốc đâu nhưng trong lịch sử và truyền thống dân tộc, chúng ta thà hy sinh tất cả chứ quyết không chịu làm nô lệ… Viết đên đây tôi lại nhớ đến câu nói: Thà làm ma nước Nam hơn làm vương đất Bắc… không biết anh em nghe câu này có xúc động gì không hay vẫn muốn tìm mọi cách để ra nước ngoài sống cho sung sướng??)

-         Thứ hai chưa phải lúc đánh vì lòng dân chưa thật sự cao, tinh thần đoàn kết còn yếu… Tôi không biết bao nhiêu người Việt Nam đã biết tin Trung Quốc lập huyện quản lý đảo Hoàng Sa và Trường sa, bao nhiêu người nghĩ đến cục diện của đất nước hay họ chỉ nghĩ hôm nay làm được bao nhiêu tiền??

-         Thứ ba chưa phải lúc đánh vì chúng ta sắp là thành viên của Hội đồng Bảo an của Liên Hiệp quốc, chúng ta cần phải vận dụng hết các thế cờ trong bàn cờ quốc tế với các quy định pháp lý liên quan… để ứng xử với nhau một cách hòa bình nhất có thể
Vậy trước tình thế chưa thể dùng vũ lực để chống lại vũ lực, chúng ta phải làm gì?

-         Thứ nhất, chúng ta nói chung và nhà nước nói riêng không được nhân nhượng một bước về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, trên tất cả các phương tiện, thông tin đại chúng  lẫn đàm phán song phương hay đa phương. Đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tính pháp lý cho các chiến lược và kế hoạch trong tương lai.

-         Thứ hai, chúng ta phải cho Trung Quốc thấy rõ người dân Việt Nam không thờ ơ với vận mệnh dân tộc dù dân Việt Nam chúng ta lúc này đang bận tâm đến cái ăn, cái mặc. Để làm được điều này, người dân Việt Nam cần phải được đón nhận tất cả thông tin về Hoàng Sa và Trường Sa một cách trung thực, không tô hồng cũng như không dấu diếm mọi sự kiện liên quan, chẳng hạn như số ngư dân bị Trung Quốc giết hại, các cuộc tập trận của Trung Quốc đang diễn ra ở đâu?... chứ không phải chỉ xem thông tin thời tiết trên hai quần đảo đó để biết chúng là của Việt Nam như một bài trên báo Tuổi Trẻ đã nêu…

-         Thứ ba, chính phủ Việt Nam phải cho dân chúng thấy chính phủ là đại diện tiêu biểu cho toàn dân Việt Nam, là đội tiên phong của toàn dân Việt Nam bằng hành động cụ thể chứ không chỉ “phản đối” với “phản đối”. Chính phủ phải khẩn trương trong các hoạt động quốc tế, vận động dân chúng đấu tranh một cách hòa bình công khai, cứng rắn với các hành động quá đà nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân, kêu gọi quốc tế và nhân dân thế giới đứng về chính nghĩa để bảo toàn lãnh thổ của chúng ta…

-         Và cuối cùng, tôi các bạn có thể làm gì cho đất nước vào lúc này? Ngồi chửi chúng thì sướng cái miệng mình nhưng tai của mình phải nghe. Tẩy chay hàng Trung Quốc, biện pháp mà Gandhi đã từng làm với Anh nhưng người dân Trung Quốc lại là người chịu thiệt thòi, cầm súng chống lại sẽ có tổn thất tính mạng và tài sản… của cả hai, và chắc các bạn cũng không muốn mình hay người thân của mình phải hy sinh… Chúng ta hãy đấu tranh và bày tỏ chính nghĩa bằng cách biểu tình bất bạo động để minh chứng cho Trung Quốc thấy tinh thần Việt Nam chúng ta đoàn kết và sẵn sàng là bạn với tất cả các nước trên thế giới và cũng sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ sự độc lập tự do cho nước nhà. Chúng ta hãy học tập, phấn đấu trên tất cả các mặt trận kinh tế, văn hóa, khoa học… để Việt Nam không còn là tiểu quốc nữa, để thế giới biết rằng Việt Nam là một dân tộc kiên cường và bất khuất trong bất kỳ hoàn cảnh nào…

Đôi dòng tâm sự cùng các bạn trẻ trước tình thế mới của đất nước. Tôi yêu hòa bình và yêu sự sống nên tôi ca ngợi và ủng hộ các biện pháp đấu tranh bất bạo động nhưng nếu tình thế thay đổi, giọt nước mà tràn ly thì giọt máu cuối củng cũng phải đổ vì sự độc lập – tự do cho nước nhà…
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất