Lý luận về lòng Trung thành?

Ngày xưa, mỗi lần tôi muốn biết một thông tin nào đó, hoặc là mua báo, hoặc là mua sách, hoặc là xem ti vi, nghe radio...Đọc một báo chưa hài lòng thì đọc nhiều báo, nghe nhiều đài chưa đầy đủ thì nghe nhiều đài. Các báo, các đài... càng đối lập nhau càng tốt. Tôi là tín đồ của báo Sài Gòn Giải phóng nhưng cũng nghe cả RFA, BBC... Hồi đó, chưa có mạng internet, muốn nghe BBC thì cứ cầm cái radio, kéo ăng ten thật cao, 5h sáng ngồi dò sóng đến phát mệt...

Khi tôi bước chân vào giảng đường đại học, trước khi bắt đầu học nội dung một bộ môn nào đó, thầy giáo thường giới thiệu cho chúng tôi cả trăm đầu sách tham khảo, sau đó cho vài đề tài để chúng tôi tự nghiên cứu. Nếu có dư dả kinh tế, tôi sẽ lùng sục khắp tất cả các nhà sách, từ sách mới đến sách cũ, lùng sục cho hết những đầu sách mà thầy đã giới thiệu, đọc ngấu nghiến hết các nội dung, ghi chú những điểm mấu chốt, đặt vấn đề còn nghi vấn, ghi lại những đoạn mà các tác giả các đầu sách mâu thuẫn nhau, đôi khi choảng nhau về góc nhìn... Sau khi đọc khá đủ các thông tin từ những đầu sách thầy giáo giới thiệu, chắt lọc các thông tin nhiều chiều, nhiều quan điểm, nhiều góc nhìn từ các tác giả... chúng tôi bắt đầu tranh luận trực tiếp với thầy giáo cùng các bạn đồng học để tìm ra câu trả lời mà chúng tôi cho là phù hợp nhất...  

Sau này, học cao hơn nữa, chúng tôi có thời gian nhìn lại các tiều luận mà chúng tôi đã viết từ thời học đại học, tôi phát hiện ra nhiều vấn đề mà ngày xưa chúng tôi cho là đúng... thì đến bây giờ lại có thể sai, hoặc chưa đầy đủ, hoặc cần phải bồ sung thêm...

Cứ như vậy, mỗi vấn đề, chúng tôi được học và được nhìn từ nhiều chỗ đứng hơn.. các vấn đề theo thời gian ngày một sáng tỏ hơn... Từ đó tôi nghiệm ra một điều rằng, chẳng có gì là tuyệt đối hết, kể cả cái mà hôm nay ta gọi là chân lý, thì cũng chỉ là chân lý của thời điểm này mà thôi. Tôi tự nhủ với mình rằng: phải luôn luôn thay đổi cách nhìn của mình, tuỳ vào chỗ đứng cũng như cách thức tiếp cận thông tin sao cho càng đa dạng, đa chiều... càng tốt.
.....


Ngày nay, khi mạng internet phát triển, các báo các đài càng lúc càng nhiều. Thông tin càng ngày càng đa dạng, nhiều chiều đến mức đôi khi thành loạn. Ngày trước chỉ là những tin tức chính trị quan trọng, bây giờ ngay cả việc sao giải trí ăn gì, mặc gì, hở gì... cũng được các nhà báo của ta chịu khó lăng xê, cập nhật... không thiếu một cọng rau, một cái cúc áo...

Từ những thông tin đa dạng đến mức nhiễu loạn trên, tôi lại phải học thêm cách chắt lọc thông tin. Thông tin nào đáng đọc kỹ, thông tin nào chỉ cần đọc sơ sơ, thông tin nào chỉ cần đọc tiêu đề và thông tin nào nên đưa nó vào sọt rác. Nhất là khi mạng xã hội phát triển, ai cũng có một tài khoản fb cho riêng mình, mỗi người trở thành một nhà báo, một cái loa phường, một tờ báo không tốn tiền, một cái radio cập nhật thông tin trên từng milimet, trong từng giây trôi qua... thì việc chắt lọc thông tin không chỉ trở thành kỹ năng, chúng còn phát triển thành nghệ thuật, thành khoa học... Bạn không biết cách chắt lọc thông tin, sớm muộn gì bạn cũng bị điên trước rừng thông tin mà bạn thu nhận được.

Tôi đã từng viết một bài viết mang tên "Nguỵ biện và chân lý" nhằm trang bị cho các bạn đọc của tôi một số công cụ chắt lọc thông tin, để biết đâu là thông tin thật, đâu là thông tin giả, đâu là thông tin cần nghiên cứu sâu, đâu là thông tin mà càng đọc càng tốn thời gian...

Thế nhưng, cuộc sống không chỉ đơn giản như 1+1 = 2 như trong toán học. Cũng như không phải thông tin nào cũng dễ dàng kiểm chứng như mặt trời mọc phía đông và lặn phía tây, hoặc nước chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp... Cuộc sống là một bài toán mà đáp số luôn bị ẩn khuất về phía tương lai, nhất là trong lĩnh vực tư tưởng, triết học thì cuộc chơi của những khái niệm là cuộc chơi không hồi kết, còn riêng trong chuyện tình cảm thì càng không cần phải bàn cãi... Kiểu như con gái nói "có" mà thực ra nó là "không" đấy, nói "đi đi" mà "đi thật" thì chỉ có chết...
...

Sở dĩ tôi viết bài viết này, chỉ vì có người gửi và nhờ tôi phân tích dùm một bài viết nhỏ mang tên là "Lý luận về lòng trung thành"... Đọc xong thì tôi buồn cười quá, cũng chẳng muốn viết làm gì, vì thứ nhất là bài viết quá sơ đẳng về mặt logic, thứ hai là không thích đụng chạm bất kỳ ai (nên xin phép cho tôi không chia sẻ về đường link bài viết), thứ ba là khái niệm "trung thành" nó hơi thiên về cảm tính, chẳng có tiêu chí vật lý nào để xác định nó đúng hay sai cả nên... thật tình đọc xong thì tôi chỉ muốn lướt qua cho đỡ mất thời gian.

Nhưng vì đây là bạn nhờ, thế thì tôi cũng tạm gạch cho bạn vài cái đầu dòng để bạn tự suy tư và tự tìm cho riêng mình một kết luận vậy:

- Thứ nhất, trước khi "lý luận" về một vấn đề gì đó, phải xác định rõ ta đang lý luận về cái gì. Câu hỏi "What is it?" là câu hỏi cơ bản và quan trọng nhất, vì không xác định rõ "nó là cái gì" mà đã "lý luận" thì e rằng ta chỉ đang chém gió trà đá vỉa hè thôi. Đọc cả bài viết của họ, tôi không hề thấy họ định nghĩa "trung thành" là gì mà cứ "lý luận" thì tôi cũng chả hiểu họ đang "lý luận" về "trung thành gì" nữa. 

Rút kinh nghiệm của họ, tôi tạm xác định đối tượng mà tôi đang nói đến như sau: trung thành, theo Hồ Ngọc Đức trong "Dự án Từ điển Tiếng Việt miễn phí", xin được trích nguyên văn:
  1. Trước sau một lòng một dạgiữ trọn niềm tingiữ trọn những tình cảm gắn bónhững điều đã cam kết đối với ai hay cái .

Trung thành với tổ quốc.
Trung thành với lời hứa.
Người bạn trung thành.

  1. (Kng.Đúng với sự thật vốn không được thêm bớtthay đổi.

Dịch trung thành với nguyên bản.
Phản ánh trung thành ý kiến của hội nghị.

Nếu ta dùng nghĩa "trung thành" với nghĩa thứ hai thì cho phép tôi không có gì phải tranh luận, vì đúng với sự thật vốn có thì có gì mà phải bàn, đúng không nào?

Nhưng nếu ta dùng "trung thành" với nghĩa thứ nhất, nghĩa là "Trước sau một lòng một dạ, giữ trọn niềm tin, giữ trọn những tình cảm gắn bó, những điều đã cam kết đối với ai hay cái gì" thì ta sẽ có khối thứ để nói về. Và trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ nói về "Trung thành" với nghĩa này.

- Thứ hai, nếu ta hiểu trung thành là một lòng một dạ, giữ trọn niềm tin với ai đó hay với cái gì đó... thì ta nên đặt trọn niềm tin với ai và không nên đặt trọn niềm tin với ai, một lòng một dạ với điều gì và điều gì thì ta cần phải xem xét?

* "Tôi xin trung thành với quê hương, với Tổ quốc, với đất nước..." Tất cả điều đó đều là tình cảm rất đỗi tự nhiên và thiêng liêng, như tôi nói tôi yêu mẹ, yêu bố, yêu gia đình vậy. Nhưng có một sự phân biệt nho nhỏ giữa quê hương, tổ quốc, đất nước với thể chế chính trị trong từng giai đoạn nhất định. Không phải thời kỳ nào quê hương, tổ quốc, đất nước và thể chế chính trị cũng đồng nhất là một. Có giai đoạn nó là một, có giai đoạn nó phục vụ cho lợi ích của một giai cấp hay một tập đoàn hay một dòng họ nào đó nhất định. Có giai đoạn vì yêu, vì trung thành với quê hương, với tổ quốc mà ta cần phải phản bội lại thể chế chính trị đó. Chẳng hạn như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh. Hồ Chí Minh... vì yêu quê hương, trung thành với Tổ quốc mà can đảm đứng lên chống lại triều đình nhà Nguyễn bù nhìn... Cho nên, khi ta sáng suốt chọn lựa được đúng đối tượng cần trung thành thì ta trở thành người đáng được ca ngợi, ngược lại, ta chỉ là kẻ ngu trung mà thôi.

* "Tôi xin trung thành với một ai đó soi sáng và khơi gợi cho tôi con đường đúng đắn...". Khác với quê hương, tổ quốc... là những đối tượng tĩnh tại, không dịch chuyển, không thay đổi... thì "con người" lại là đối tượng động, trừ khi họ đã chết. Mà kể cả họ đã chết, những công trạng mà họ để lại cho đời còn được đánh giá tuỳ vào góc nhìn, tình cảm của thế hệ sau. Như Nguyễn Du với tác phẩm Truyện Kiểu, ngày nay được gọi là di sản văn học bất hủ của dân tộc, thì nó cũng từng có thời (nhà Nguyễn) bị cấm đọc vì coi đó là "dâm thư". Vì vậy, trung thành với con người là một vấn đề cực nhạy cảm, nếu không muốn nói, đó thuần tuý là chuyện tình cảm cá nhân.

Giả dụ bạn trung thành với Đức Phật, chỉ đơn giản bạn là tín đồ Đạo Phật. Tình cảm này riêng tư, tự nhiên như tín đồ Công giáo một lòng tin vào Chúa, tín đồ Hồi giáo một lòng tin vào Mohamed... Chuyện này cũng không có gì phải bàn cãi nhiều. Chỉ có điều, Đức Phật có khác Jesus và Mohamed ở chỗ Người bảo thêm rằng "tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta". Cho nên, trong Đạo Phật, không dùng từ "trung thành" với đức Phật, mà thường dùng từ "tin", nhưng "tin" phải có "hiểu". Tin mà không hiểu thì vẫn chưa phải là tin, theo cách nhìn của Phật giáo.

Cũng như có sự khác biệt giữa khái niệm quê hương, tổ quốc với khái niệm thể chế chính trị đang ca trị... Có sự khác biệt giữa tin Phật với tin ông thầy dẫn mình vào đạo, có sự khác biệt giữa tôn kính Phật với tôn kính và tri ân với ông thầy dẫn mình vào đạo. 

- Vì Đạo - mà ta tạm gọi là chân lý ấy - là cái đã có sẵn ở đó, Đức Phật là người tìm ra nó đầu tiên, chỉ bày cho chúng ta thấy... cho nên Ta tin Phật vì ta tin vào cái chân lý mà ông Phật chỉ bày cho ta, như ta quý Đức Phật vì nhờ cái cánh tay của Ngài mà ta thấy được mặt trăng. Ta kính Đức Phật vì cái lòng từ bi đó, ta yêu Đức Phật vì cái ngón tay chỉ trăng đó... nhưng bảo ta trung thành thì ta chỉ trung thành với ánh trăng đó thôi, cái ánh trăng thật kia kìa, chứ không phải ta trung thành và bám víu mãi vào ngón tay của Ngài làm chi. Nếu cái ngón tay của Ngài mà không chỉ cho ta thấy trăng, thì ta tìm ngón tay khác... vì mục đích của ta là Trăng chứ không phải ngón tay của Ngài.

- Vì Đức Phật chỉ cho ta rồi, ta lại đi chỉ cho người khác. Dĩ nhiên là cái thấy của ta và của Đức Phật, nếu thuận duyên thì đồng nhất, nhưng không phải lúc nào cũng đồng nhất. Những ông thầy tu ngày hôm nay không phải là Phật, họ chỉ là người nhìn Trăng thông qua ngón tay của Ngài, rồi lại chỉ tiếp cho người khác.... Đã hơn 2000 năm trôi qua từ khi cái ngón tay của Đức Phật đã chỉ, trải qua biết bao dâu bể, sự khác biệt về thời gian, quốc độ, ngôn ngữ, khúc xạ văn hoá... đã khiến cái thấy của ta hiện nay về Đức Phật, về ngón tay của Ngài, về ánh trăng mà Ngài đã chỉ sai lệch đi rất nhiều rồi. May lắm chỉ là cái bóng mờ của mây, của bóng trăng mà thôi. Ông thầy tu nào mà tự tin nói: "điều tôi đang nói là điều Đức Phật nói" thì ông đó còn kiêu ngạo hơn cả ông Anan rồi, kiêu ngạo đến mức vĩ cuồng luôn rồi. Kẻ đó chấp làm gì cho mệt. Một ông thầy tu tốt, chỉ nên khiêm tốn nói là "theo cách hiểu của tôi về Đức Phật, về ngón tay của Ngài, về ánh trăng mà Ngài chỉ... là như thế, nhưng Đức Phật và tuệ giác của Ngài có lẽ chỉ khi nào tôi thành Phật như Ngài thì mới biết chắc thật được".

- Vậy nên ta kính trọng và tin yêu ông thầy đã chỉ bày cho ta về Đức Phật, về ngón tay của Ngài, về ánh trăng mà Ngài đã chỉ... nó khác hoàn toàn với tín điều phải "tuyệt đối trung thành" với ông ta. Hai dạng tình cảm này khác nhau hoàn toàn, một đàng là tri cái ân chỉ bày, dìu dắt... một đàng là nhắm mắt cuồng si, cuồng tín... một đàng là nguyện đền cái ân tao ngộ, dẫn đường... một đàng là tự biến mình thành một chiến binh không có đường thoát. 

Ta có điều gì chắc chắn cái mà ông thầy đó nói với lời dạy của Đức Phật là một? ta có điều gì chắc chắn trong tương lai ông thầy đó sẽ không thay đổi? ta có điều gì chắc chắn trong quá khứ ông ta hoàn toàn trong sáng như đúng ông thầy đó rao giảng? ta có điều gì chắc chắn hiện tại ông ta không làm điều gì đó đầy tham vọng với bản ngã cá nhân to đùng?... Không! Ta không có gì chắc chắn hết. Đức Phật nói mọi thứ đều vô thường mà. Vậy nếu một ngày nào đó ta phát hiện cái ông thầy đang rao giảng những điều mỹ miều kia với hành động của ông ta khác nhau một trời một vực thì ta sẽ như thế nào? Nếu một ngày nào cái ông thầy mà hôm nay đang khuyên bảo ta những điều thánh thiện nhưng phải kèm theo đó một điều khoản bắt ta phải "trung thành tuyệt đối" kia dẫn dắt và sai khiến ta làm cái điều khác hoàn toàn những điều ban đầu thì sao? Ta theo hay không theo, làm hay không làm?...
....

Thưa với bạn trẻ, thật tình tôi không muốn viết bài này một tí nào cả, vì đọc cái bài viết của bạn gửi cho tôi nó quá nhảm nhí, không xứng với khái niệm "lí luận..." một chút nào hết. Bài viết đó rất phù hợp cho chính trị, vì ngôn từ trong đó thuần tuý tuyên giáo, kiểu như "mặt trăng nước Nga tròn hơn mặt trăng nước Mỹ" vậy...

Tôi cũng không ngờ thế kỷ 21 rồi mà vẫn còn đó những luận điệu kiểu của thời phong kiến, mà sự hiện diện của một ai đó y như là "con giời" vậy.... Rất tiếc, kể cả có là "con trời" đi chăng nữa, thì nó cũng chỉ phù hợp cho tôn giáo nhất thần thôi, còn Đạo Phật thì lại theo chủ thuyết "trung đạo và thập nhị nhân duyên"... Mà cũng rất tiếc thêm một điều nữa, theo các tôn giáo Nhất thần, thì chẳng có ai được đặc cách là "con Trời" cả, tất cả đều bình đẳng, bình đẳng theo nghĩa, ai ai cũng là con của Trời.

Xin cho tôi gọi một từ thôi, theo tâm lý học, đây một dạng bệnh: bệnh vĩ cuồng. 
Bệnh vĩ cuồng dưới chiếc áo tôn giáo!! 
CHẤM HẾT!!

Đọc thêm




CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất