Tranh luận để đồng thuận


Cộng đồng Yobanbe đang rôm rả bàn chuyện được - thua, tốt - xấu của chính bản thân sân chơi ảo này, với tư cách là một phó thành viên "không thường trực", mình cũng xin nêu lên một ý kiến, dựa trên câu chuyện thời sự này nhưng nội dung của mình chẳng liên quan gì đến Yobanbe cả, thông cảm nha... Đề tài của mình liên quan đến vấn đề TRANH LUẬN VÀ GIÁ TRỊ CỦA TRANH LUẬN.

Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần phải trả lời một số câu hỏi sau:

Thứ nhất, tranh luận để làm gì?
Thứ hai, tại sao phải tranh luận?
Thứ ba, tranh luận như thế nào?
Cuối cùng, giá trị của tranh luận đối với cuộc sống của chúng ta?
..........................

1. TRANH LUẬN ĐỂ LÀM GÌ?

Con người, theo ý nghĩa sinh học lẫn triết học, là một động vật nhưng là một động vật cấp cao, do vậy, trong cuộc sống, để sinh tồn, con người phải tranh đấu, với thiên nhiên, với thú dữ và cả với đồng loại để tồn tại và phát triển. Bất kể là loài nào, từ cấp độ thấp nhất đến cao nhất là con người, đều có nhu cầu sống và sợ hãi cái chết nên việc đấu tranh để sinh tồn trở thành quy luật tất yếu (xem thêm quy luật Đấu tranh sinh tồn của Darwin trong Nguồn gốc của muôn loài).

Nhưng vì con người là một động vật cấp cao nên khác các loài động vật khác, con người không đấu tranh bằng mọi giá và bằng mọi cách mà tùy theo từng trình độ và nhận thức nhất định, con người có một phương thức đấu tranh khác nhau. Có người đâm chém nhau, có người chửi nhau, có người lừa gạt nhau, có người cãi vã nhau, có người ngồi tranh luận hơn thua với nhau... Vậy trong rất nhiều cách để đấu tranh, có một hình thức thể hiện nhẹ nhàng nhất, có tri thức nhất, đó là ngồi tranh luận với nhau. Đó là lý do tại sao Tòa án cho phép hai luật sư đối chất và tranh luận với nhau chứ không phải cho hai đối thủ ra sàn đánh nhau.

Tranh luận, theo ý nghĩa ban đầu là để dành phần thắng cho mình, có thể để được miếng cơm manh áo, có thể để được tiếng khen và sự kính ngưỡng của xã hội, có thể làm người khác thực hiện theo ý tưởng của mình (đặc biệt trong thời Chiến quốc)... Và hiểu theo một nghĩa nào đó, tranh luận là để thể hiện sự tồn tại của cái Tôi của mình, thể hiện giá trị của mình khi có mặt ở cuộc đời này.

Tuy vậy, nếu chỉ tranh luận nhằm tìm kiếm hơn thua mà không dựa trên bất cứ tiêu chí nào thì dễ rơi vào trường hợp "ông nói gà, bà nói vịt", do vậy, trước khi tranh luận, người ta thường đặt ra một cái chuẩn chung cho mọi đối thủ tham gia, có thể đó là khái niệm sử dụng, có thể là ý nghĩa của từ, có thể là đối tượng được đề cập, có thể là vị trí của người quan sát...

Khi xây dựng một cái chuẩn để tranh luận như vậy, tranh luận không đơn thuần là để thắng hay thua mà cái quan trọng nhất là tìm ra cái ĐÚNG và SAI.

2. TẠI SAO PHẢI TRANH LUẬN?

Khi chúng ta biết rằng mục đích của tranh luận là tìm ra đúng hay sai thì việc tranh luận trở thành một việc cần thiết trong con đường tìm kiếm CHÂN LÝ của nhân loại.

Mỗi người chúng ta, ngoài yếu tố ăn và mặc như những nhu cầu thường trực, thì nhu cầu tìm kiếm hay nói đúng hơn là khát vọng về CHÂN THIỆN MỸ trở thành dấu chỉ nhân cách cũng như thể hiện "động vật cấp cao" là TÍNH NGƯỜI. Khi con người không còn khát vọng về Chân, Thiện, Mỹ thì con người chỉ mang dáng dấp con người chứ chưa thể gọi là con người. Do đó, tìm kiếm sự thực, tìm kiếm cái đúng, tìm kiếm cái thiện... trở thành một yếu tố không thể thiếu của loài người trên con đường lột bỏ cái vỏ động vật mà đứng dậy với hai tiếng CON NGƯỜI.

Tranh luận là để tìm kiếm CÁI CHÂN, CÁI THIỆN, CÁI MỸ. Con người chỉ được gọi là là NGƯỜI khi có khát vọng tìm kiếm chúng nên CON NGƯỜI để thể hiện được tính NGƯỜI của mình thì rất cần đến TRANH LUẬN.

3. TRANH LUẬN NHƯ THẾ NÀO?
Chúng ta đều biết "nhân vô thập toàn", hình ảnh ông thấy bói mù xem voi là câu chuyện lý thú giải thích cho chúng ta biết khả năng hạn hẹp của kiến thức con người trước thế giới xung quanh.

Tuy vậy, dù biết con người đều có khiếm khuyết nhưng nếu chúng ta biết bổ sung cách nhìn, quan điểm của nhau thì dù chúng ta có "mù", không thể sờ hết toàn bộ con voi nhưng cũng có thể "đoán" ra hình dạng của chúng.

Mỗi người trong chúng ta, xuất thân khác nhau, môi trường sống và giáo dục khác nhau, dĩ nhiên sẽ có những quan điểm và cách nhìn khác nhau. Tranh luận để thấy được thiếu sót của nhau, để bổ sung khiếm khuyết cho nhau, để học tập ưu điểm của nhau là một việc làm cần thiết trong quá trình tìm ra SỰ THỰC.

4. GIÁ TRỊ CỦA TRANH LUẬN ĐỐI VỚI CON NGƯỜI.

Chúng ta biết tranh luận là phương tiện, là công cụ tìm kiếm chân lý. Khát vọng chân lý là khát vọng của tính Người. Nếu chúng ta biết sử dụng công cụ hay phương tiện này tốt thì nó sẽ rất có ích cho cuộc sống của chúng ta, ngược lại, nếu không biết sử dụng, nó có thể là nguyên nhân làm tổn hại đến cuộc sống của chính mình.

Cũng giống như xe máy chúng ta đi hàng ngày vậy, nếu biết sử dụng, nó sẽ là phương tiện chuyên chở ta hàng ngày, ngược lại có thể nó sẽ trở thành nguyên nhân gây tai nạn cho ta.

Vậy mình phải làm sao để biến nó trở thành phương tiện cho cuộc sống của mình? Theo mình, mỗi người khi tham gia tranh luận, trước hết phải đặt ra mục tiêu và chuẩn để tranh luận. Chẳng hạn như cộng đồng Blog đang bàn luận chuyện YOBANBE, vậy trước hết phải trả lời vài câu hỏi:

- Phê phán YOBANBE để làm gì?
- Dựa trên tiêu chí nào để phê phán?
- So sánh với ai để thấy yếu tố hơn và kém?
- Phê phán YOBANBE về lãnh vực nào?...
Sau khi thống nhất đối tượng và mục đích tranh luận, chúng ta cũng nên tránh một vài từ ngữ không nên sử dụng:
- Xúc phạm nhân phẩm đối tượng tranh luận.
- Sử dụng từ ngữ thô lỗ, phản cảm, không thích hợp như mày, tao, ...

Cuối cùng, cái quan trọng nhất, mỗi người phải thấy rằng, tranh luận không phải để THẮNG HAY THUA mà cái chính là để BỔ SUNG KHIẾM KHUYẾT CHO MÌNH, do vậy, cuộc tranh luận sẽ có ích và giá trị hơn rất nhiều. Nên nhớ TRANH LUẬN LÀ ĐỂ ĐỒNG THUẬN chứ không phải để cãi nhau.

Mình hy vọng diễn đàn YOBANBE nên tạo nhiều đề tài thời sự hơn để mọi người có thể tranh luận, tìm ra cái hay, cái dở bổ sung những khiếm khuyết cho nhau, vì một thế giới tốt và đẹp hơn.

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất