Thế nào là "Từ bi"?

Trời đã về sáng, mà đôi mắt tôi thì không chịu khép lại cho. Có thể tôi đã quá nuông chiều cảm xúc của mình, đến mức không còn quan tâm gì đến cái gọi là "sức khỏe" cả.  Phải chăng tôi đang "từ bi" với cảm xúc của chính mình nhưng lại "không từ bi" với sức khỏe của mình? Vậy "từ bi" là gì?


Từ là ban vui, Bi là cứu khổ. Đó là định nghĩa của Từ điển Phật học. Nhưng từ những dòng chữ trong Từ điển Phật học đến thực tế cuộc sống là một chặng đường rất dài, không chỉ ngồi đó cắt dán từ sách vở lên trên đôi môi là đã đủ thẩm thấu được ý nghĩa đích thực của từ bi đâu.

Khi ta nói đến ban vui và cứu khổ, hẳn nhiên, ta đang nói đến đối tượng được ban vui và cứu khổ. Đối tượng đó là ta, thì thành ích kỷ chứ không còn là từ bi nữa. Nghĩa là, đối tượng của từ bi nhất định phải là vị tha - vì người khác ngoài ta. Nhưng nếu bản thân ta không có vui và cũng chẳng có năng lực cứu khổ, thế thì ta có gì để "ban" và dùng cái gì để "cứu"? 

Vậy thì hẳn nhiên, muốn ban vui và cứu khổ được cho tha nhân, thì ta phải đủ năng lực để ban vui cứu khổ chính ta đã. Nhưng dừng lại ở ta thì thành ra vị kỷ, nên tiến trình trở thành từ bi nghĩa là phải tràn từ niềm vui của ta ra tha nhân, tràn cái năng lượng cứu chính ta thành giúp đỡ chia sẻ khổ đau cho người khác.


Khi đối diện với một số sự việc bất công trong xã hội. đâu đó ta vẫn hay nghe một số các bạn bình luận rằng: "giá mà dùng số tiền đó để xây trường học, bệnh viện thì tốt", hoặc "giá mà những người giàu biết chia sẻ cho người nghèo thì tốt"... Tất cả những bình luận trên, đều rất có thiện ý, rất mỹ miều. Nhưng ta lại có quyền đặt ngược lại chính người bình luận rằng: "bạn đã bao giờ bớt đi bữa ăn tối để giúp một người ăn xin bạn gặp trên đường chưa?" "bạn đã bao giờ bớt mua thêm một cái váy sang trọng về mặc có một lần rồi trưng trong tủ để giúp mua chia sẻ một tháng học phí cho đứa trẻ học cùng con bạn chưa?".... Nếu câu trả lời là "rồi", thì thiện ý của lời bình luận trên hoàn toàn xuất phát từ tâm và vô cùng đáng trân trọng. Nhưng nếu câu trả lời của bạn là "chưa" thì lời bình luận trên xuất phát từ sự đố kỵ không hơn không kém.

Khi đối diện với một số vụ thảm án trong xã hội, hoặc nghe tin một tham quan bị bắt...đâu đó ta vẫn hay nghe một số các bạn bình luận: "là quỷ chứ không phải là người", hoặc "giết không cho đầu thai", hoặc "đáng đời, quả báo".... Bất cứ một vụ thảm án nào cũng đem đến nỗi đau khôn nguôi cho nạn nhân, và nếu là thân nhân của người bị nạn, tâm lý hận thù muốn được xử tử ngay hung thủ để đền mạng cho thân nhân của mình, ta có thể cảm thông. Nhưng là người ngoài cuộc, bạn thốt ra những lời bình luận trên, là bạn đang đóng vai Chúa trời phân xử thiện ác nhân quả, hay bạn đang đặt mình vào hoàn cảnh của người bị hại, hay bạn đang đòi hỏi răn đe tất cả những kẻ xấu phải dè chừng, hay bạn đang hả hê cho mình là thánh thiện?

Nếu bạn đang đặt mình trong vai trò là Chúa trời phân xử, thì Chúa Jesus, khi chứng kiến một người đàn bà bị cả xã hội tấn công ném đá vì vi phạm pháp luật, Chúa đã từng đứng ra can và nói rằng: nếu bất kỳ ai trong số các bạn chưa từng phạm lỗi thì được quyền ném đá người đàn bà này, và câu nói này khiến ai cũng chùn tay, bởi không ít lần những người ném đá đó cũng đã từng phạm một tội nào đó. Tại sao ta không học ở Chúa điều đó?? Và như triết gia Socrate đã từng nói, kẻ biết là tốt thì sẽ không làm điều xấu, còn khi làm điều xấu thì do hắn không biết điều đó là xấu. Cho nên, khoảnh khắc mà chúng ta làm điều xấu, hầu như chúng ta quên mất điều đó là xấu, chỉ sau khi hành động xong rồi, mới nhận ra mình vừa làm điều xấu. Thế đấy, ai trong đời chẳng có lúc vô tình hay hữu ý tự mình biến thành "quỷ", nhưng rồi sau đó nhận ra tính chất "quỷ" ấy mà ăn năn, hối cải... để vực dậy cái tốt đang có sẵn trong mỗi người. Vậy sự chửi rủa này, có tính chất hả hê này, có thật sự xuất phát từ lòng từ bi, hay chính là cảm giác thấy mình "còn đang tốt hơn khối người khác"??


Từ xưa đến nay, ân oán giữa con người với con người, giữa dòng họ với dòng họ, giữa quốc gia với quốc gia... luôn luôn tồn tại, ở bất kỳ chế độ xã hội nào. Có rất nhiều cách thức giải quyết đã từng có, trả thù xâm lược đánh chiếm lẫn nhau cũng có, dùng tình yêu giữa hai cá nhân để hóa giải mâu thuẫn giữa hai dòng họ cũng có... nhưng cách thức văn minh nhằm chấm dứt triệt để ân oán bao giờ cũng là sự xuống nước của cả hai, cũng có thể một bên tự hạ mình xuống. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật là "lấy oán báo oán, oán oán trập trùng; lấy ân báo oán, oán oán tiêu tan". Đó là cách thức ứng xử văn minh. nhưng đòi hỏi tâm lượng từ bi vô cùng lớn. 

Mà muốn có tâm lượng từ bi này, ta phải dư thừa niềm vui đích thực, cũng như tràn đầy sự bi mẫn đích thực. Chứ vui hời hợt, bám víu vào ngoại cảnh để vui, thì niềm vui ấy cho sẽ mất, mất sẽ tiếc, tiếc lại không dám cho. Thiếu năng lực cứu khổ, mà cứ ngồi đó chửi rủa, sỉ vả, hả hê tự mãn... thì càng tỏ vẻ ta đây muốn chia sẻ khổ đau với gia đình nạn nhân, ta lại càng đẩy gia đình nạn nhân ấy vào vòng kiềm tỏa của hận thù oán kết.

Muốn có niềm vui đích thực, tự ta phải biết đủ với chính mình, Khi bạn lúc nào cũng cảm thấy đủ, một bữa cơm cũng là đủ, ba bữa cơm cũng là đủ... ấy là lúc bạn có thể bớt đi một bữa cho người mà không có tiếc. Còn chính mình lúc nào cũng cảm thấy thiếu, thì lời kêu gọi làm từ thiện, ban vui nọ kia... của bạn chỉ hoàn toàn là trót lưỡi đầu môi, đại loại như lấy của ai cũng được, trừ ta... Nhân danh như thế mà làm từ thiện, nhân danh như thế mà kêu gọi người làm từ thiện thì chỉ là chiêu trò mua danh mua lợi mà thôi.

Cũng tương tự thế, muốn cứu khổ cho người khác, ta phải đủ khả năng ôm ấp nỗi khổ niềm đau của chính mình. Muốn hóa giải nỗi khổ niềm đau trong ta, không thể bằng cách đòi hỏi sự trả giá bằng nỗi khổ của kẻ khác. Khi ta đủ hóa giải nỗi khổ niềm đau trong ta, lúc đó ta sẽ đủ can đảm để chia sớt những khổ đau mà gia đình nạn nhân kia đang gánh chịu, cùng với đó là năng lực nhìn thấy và cố gắng đánh thức những hạt giống tốt đẹp đang ngủ ngầm đâu đó trong tâm của hung thủ hay kẻ phạm tội. Phát triển được hạt giống tha thứ của người bị hại, nâng đỡ sự ăn năn hối cải của kẻ làm sai, kết nối họ lại để hóa giải oán thù, đấy mới thật là Bi vậy.


Một xã hội, mà đâu đâu cũng chất chứa tâm lý trả thù, dù cho sự trả thù này có được pháp luật bảo hộ, thì xã hội ấy cũng không hẳn vì thế mà bớt đi những kẻ làm ác. Bởi lẽ, khoảnh khắc hắn làm ác, hắn cũng đang bị chi phối bởi tâm lý hận thù y như lúc hắn phải chịu cái quả đó vậy. 

Nhưng nếu như cộng đồng cũng như pháp luật mở cho người làm sai một lối đi bằng tình yêu thương, bằng sự khoan dung, bằng sự tha thứ, bằng sự bảo bọc trong mỗi người dân... thì ắt hẳn những hạt giống thiện lành sẽ ngày một nhân rộng ra, cái xấu sẽ dần dần bớt đi vậy.

Đất nước Na Uy, khi đối mặt với sát thủ gây ra cái chết cho 77 người, đã quyết định không sửa đổi hiến pháp nhằm tử hình hung thủ. Thủ tướng họ từng nói, đại ý nhà tù được tạo ra nhằm cải tạo phạm nhân để tái hòa nhập cộng đồng, chứ không nhân danh cộng đồng để xử tử một đồng loại. Vậy sự thật, xử tử một đồng loại, là giúp kẻ phạm tội nhận ra điều sai quấy, hay nhằm lấy cái chết của hung thủ để an ủi người bị hại bớt đau buồn????

Mở rộng ra một chút, cuộc chiến giữa các quốc gia bao giờ cũng có kẻ thắng kẻ bại. Nhưng kẻ thắng mãi dương dương tự đắc cho mình là kẻ thắng, thế thì kẻ thua lúc nào cũng nuôi dưỡng tâm lý hận thù muốn được quật khởi cũng đâu có gì là lạ? Muốn chuyển hóa kẻ bại, chấm dứt mọi ân oán, không gì hơn là: kẻ thắng hãy quên mình là kẻ thắng, thì kẻ thua còn điều gì vương vấn để dưỡng nuôi những hạt giống hận thù????

Ngày thống nhất đất nước, tôi mong yêu thương về với quê hương
Để đất nước tôi, sẽ không còn án tử hình
(29/4/19)



CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất