Uống trà thôi...

Nếu có ai đó đã từng nghĩ nghệ sỹ là những người hạnh phúc thì họ đã lầm to. Cái lầm này do thế nhân chỉ nhìn thấy hào quang vây quanh họ, tác phẩm mà họ viết ra, tiền bạc rủng rỉnh chỉ qua một bài hát, một bài thơ, một bức hoạ... mà hầu như không tốn chi phí là bao.

Kỳ thật, không như nhiều người đã nghĩ. Nghệ sỹ đích thực họ vô cùng đau khổ. Cái đau khổ không thể cân đo đong đếm bằng nước mắt, bằng những lời than thở bình thường.... Nỗi khổ đau trong họ chỉ có thể được giải phóng, hoặc bằng cả một thiên trường ca dài vài nghìn trang giấy, hoặc chỉ dăm ba đoản từ, hoặc chỉ bằng vài nét cọ, hoặc vài nốt nhạc rung lên. Có thể đong đếm được bao nhiêu khổ đau trong những tác phẩm như vậy?


Sướng?

Ý niệm về sướng được nhìn nhận chủ yếu dưới góc độ vật chất. Nhưng vật chất như thế nào là đủ đầy? Một căn nhà ấm cúng, đầy đủ sơn hào hải vị... có được coi là sướng? Thật khó nói, vì tâm lý chúng ta thường ít khi nào hài lòng với những điều kiện vật chất ở thì hiện tại. Muốn nhiều thêm, thêm nữa... luôn là động lực để lao động, để sáng tạo và để thụ hưởng.

Nhưng có một điều thật lạ, là ít khi nào có tác phẩm nào được coi là vĩ đại, vượt thời gian... được sáng tác trong giai đoạn đủ đầy vật chất nhất của tác giả. Có vẻ càng đủ đầy, càng giàu có bao nhiêu, khả năng sáng tạo của nghệ sỹ càng giảm đi bấy nhiêu. Nếu có bất kỳ tác phẩm nào được viết trong giai đoạn này, thì tính chất của tác phẩm ấy cũng nhàn nhạt bề nổi y như đời sống vật chất của họ vậy.

Ngược lại, hầu hết các tác phẩm vĩ đại, bất tử cùng thời gian... lại là những tác phẩm được tác giả sáng tác trong giai đoạn nghèo khổ nhất của đời sống. Càng khổ bao nhiêu, càng nghèo bao nhiêu, càng thiếu thốn bao nhiêu... thì tác phẩm càng dễ lay động cảm xúc người đọc bấy nhiêu, càng có chiều sâu bấy nhiêu.

Chúng ta có thể lý giải điều này như thế nào?

Phải chăng bản thân một tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn "sung sướng" nhất của vật chất là thiếu chiều sâu? Hay tác phẩm ấy sẽ chỉ gợi ra cho người đọc một cảm giác ganh tị, kiểu như "nếu mà tôi cũng sung sướng được như ông thì tôi cũng sẽ sáng tác được!"?

Trong khi đó, một tác phẩm được viết trong giai đoạn "nghèo khổ", được viết ra bằng máu và nước mắt của tác giả thì dễ gây thiện cảm hơn, chẳng hạn "tội nghiệp tác giả quá, khổ thế, thương thế..."? Hay chính bản thân tác phẩm ấy thật sự sâu sắc, nó chạm được đến trái tim người đọc, vì đơn giản người đọc cũng đã từng trải qua đau khổ?

Nói gì thì nói, để một tác phẩm được gọi là hay, nó cần từ hai phía. Từ bản thân tác phẩm có một nội lực nhất định, và nội lực ấy đồng cảm với người đọc trong những giai đoạn nào đó. Nếu một tác phẩm hay nhưng người đọc chưa đủ năng lực thẩm mỹ để đánh giá thì cũng chẳng khác "đàn gẩy tai trâu", cho nên, đôi khi một tác phẩm được gọi là hay nhưng cũng chỉ hay từng giai đoạn phát triển nhất định nào đó của người đọc. Muốn một tác phẩm nghệ thuật nào đó vượt thời gian, nó cần tầm nhìn bao quát cả một cuộc đời, mà người đọc càng nâng cao năng lực thẩm mỹ thì càng nhận ra những chiều hướng lấp lánh của tác phẩm.

Hạnh phúc?

Tìm câu trả lời cho câu hỏi trên lại là cả một câu chuyện dài. Nó dài như chính bản thân cuộc đời mỗi người vậy. Thật dễ để diễn tả cảm giác được gọi là hạnh phúc, đó là trạng thái lâng lâng, ngất ngây, sung sướng, mãn nguyện, đủ đầy... Bất cứ ai khi có được những cảm giác như vậy, họ sẵn sàng thừa nhận rằng: họ đang hạnh phúc.

Nhưng khi nào thì người ta có cảm giác ấy? Câu trả lời cho câu hỏi này cũng nhiều như số lượng người trên trái đất vậy, có khi n lần thêm nữa. Vì mỗi người có những nhu yếu khác nhau, hy vọng khác nhau, mong muốn khác nhau... đấy là chưa kể mỗi cá nhân lại có ti tỉ mong muốn, mà nhiều khi mong muốn này vừa đạt được thì mong muốn khác đã bắt đầu. Nhìn chung, khó có thể nói khi nào con người ta hạnh phúc nhất, nhưng về cơ bản: cứ đạt được nguyện vọng ắt là có hạnh phúc. 

Hạnh phúc với người đói ăn là ổ bánh mì, hạnh phúc với người dư dả tiền bạc là gia đình ấm áp, hạnh phúc với người thèm khát công danh là thăng quan tiến chức, hạnh phúc với người là kinh tế là lợi nhuận dư dả... Có người chỉ cần vài chục nghìn đồng là đủ vui cho một ngày lao động, nhưng cũng có người bay cả nghìn tỉ đồng trong một ngày thị trường chứng khoán lao đao mà vẫn thấy bình thường... Khó có thể định lượng nguyện vọng nhưng chỉ cần hoàn thành chỉ tiêu là vui thú.

Vậy đâu là hạnh phúc của người nghệ sỹ?

Dĩ nhiên, đó là sau khi hoàn thành một tác phẩm ưng ý. Khoái cảm hoàn thành một sản phẩm sáng tạo nó cũng như người nghèo được trúng số vậy. Như con tằm nhả tơ, như người mẹ sau chín tháng mười ngày ấp ủ bảo bọc bào thai được sinh mẹ tròn con vuông. Sản phẩm sáng tạo của nghệ sỹ chính là đứa con tinh thần của họ, nó cũng được nuôi dưỡng ấp ủ một cách vô hình qua những năm tháng lao động không mệt mỏi.

Nhưng sản phẩm tinh chất nhất của nghệ sỹ là gì? Nó được kết tinh từ máu và nước mắt mà khổ đau của người nghệ sỹ đã và đang trải nghiệm. Mỗi ngày, mỗi ngày... những uẩn khúc, những suy tư, những khắc khoải về quá khứ đau thương, về hiện tại bi đát, về mong muốn tương lai tươi sáng dần dần kết tụ thành tác phẩm. Để rồi ngày tác phẩm được hoàn thành chính là ngày hạnh phúc của người nghệ sỹ.
..........

Hạnh phúc của người nghèo là có tiền. Tiền là kết quả mong ngóng của họ sau khi đã trải qua tận cùng những đau đớn của đói nghèo. Hạnh phúc của người cầu danh là địa vị. Danh tiếng là khát vọng đấu tranh của họ sau khi đã trải qua những tháng ngày vất vả tận hiến trong vô danh. Hạnh phúc của nghệ sỹ là hoàn thành được tác phẩm, mà tác phẩm chính là tiếng lòng bi thương mà người nghệ sỹ đã trải qua.... Suy ra, hạnh phúc, dù với bất cứ ai, đều là kết quả chờ đợi sau bao ngày sống... không hạnh phúc. 

Nếu người ta không cần tiền thì dù có tiền hay không cũng không có ý nghĩa; nếu người ta không cần danh thì có thăng quan tiến chức cũng vô vị... Cũng tương tự như vậy, dù có vất vả khổ sở nhưng không thai nghén bất kỳ ý tưởng nào thì cũng chẳng có tác phẩm nào được ra đời. Vậy suy ra, hạnh phúc chỉ là một trạng thái sau khi đã bất hạnh một cách tận cùng, và chính họ phải thấy trạng thái họ đã từng trải qua là bất hạnh thì hôm nay hạnh phúc mới có ý nghĩa của nó. 

Cho nên, nếu bạn muốn hạnh phúc, bạn phải trải nghiệm qua bất hạnh
Nếu bạn chưa hạnh phúc, nghĩa là bạn chưa đi đến tận cùng của bất hạnh
Còn nếu bạn cảm thấy mọi thứ đều rất đỗi bình thường, thì hạnh phúc hay bất hạnh vô nghĩa với bạn.

Thế đấy, hạnh phúc không phải lúc nào cũng là thứ thiên hạ khát khao
Khi song trùng đối lập bạn đã vứt nó ngoài hiên nhà
Uống trà thôi!!
(15/01/19)



CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất